Hiệu trưởng đánh hiệu phó: Thầy không ra thầy thì sao dạy được trò?

11/04/2023 06:40
Minh Anh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Gõ từ khóa "bạo lực học đường", google cho ra 13 900 000 kết quả tìm kiếm chỉ trong vòng 0,47 giây, để thấy rằng đây là vấn nạn gây nhức nhối.

Bạo lực học đường là những hành vi thô bạo, ngang ngược, bất chấp công lý, đạo lý, xúc phạm trấn áp người khác gây nên những tổn thương về tinh thần và thể xác diễn ra trong phạm vi trường học mà đối tượng gánh chịu chủ yếu là học sinh, sinh viên.

Ấy vậy mà, bạo lực học đường thời gian qua không chỉ chủ yếu xảy ra giữa học sinh, sinh viên mà còn tác động đến một số giáo viên - được xem là kĩ sư tâm hồn đứng trên bục giảng dạy chữ và dạy người hàng ngày.

Trường Tiểu học Ngư Thủy Bắc. (Ảnh trên giaoduc.net.vn)Trường Tiểu học Ngư Thủy Bắc. (Ảnh trên giaoduc.net.vn)

Những vụ hiệu trưởng đánh giáo viên gây rúng động

Ngày 23/3/2023, trả lời truyền thông, đại diện Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mỹ Đức (Hà Nội) xác nhận sự việc Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đại Nghĩa có hành vi cố ý gây thương tích với nữ giáo viên trong trường. [1]

Theo đó, ngày 1/3, ông Lê Thành Đô, hiệu trưởng nhà trường có tiết dạy trên lớp 3A. Do lịch họp đột xuất tại Ủy ban Nhân dân thị trấn nên ông Đô nhờ cô Đỗ Thị Nụ dạy thay. Đến cuối giờ chiều, ông Đô trở về lớp tiếp tục dạy học.

Tuy nhiên, cô Nguyễn Thị Lan, giáo viên chủ nhiệm lớp 4B, dùng điện thoại quay video lớp 3A và tố cáo ông Đô đến lớp dạy muộn, thiếu trách nhiệm trong công việc.

Ông Đô yêu cầu cô Lan không quay video và rời khỏi khu vực lớp 3A, không làm ảnh hưởng đến lớp học. Chứng kiến sự việc, cô Ngô Thị Hương, giáo viên cùng trường (vợ ông Đô), đang dạy ở lớp 2A gần đó, đến đề nghị không quay video, nhưng cô Lan không nghe và to tiếng gây mất trật tự lớp học.

“Khi hai cô này xảy ra giằng xé, ông Đô đấm vào mặt cô Lan. Hậu quả, cô Lan bị bầm tím mắt trái, sưng đau thái dương trái, còn cô Hương bị bầm tím, sưng đau ngón cái và cánh tay phải”, đại diện Phòng Phòng Giáo dục và Đào tạo Mỹ Đức cho biết thêm.

Tiếp đến, tối 8/4/2023, trên mạng xã hội lan truyền thông tin hiệu trưởng đánh hiệu phó nhập viện. Được biết, cả hai người này là hiệu trưởng và hiệu phó của Trường Tiểu học Ngư Thủy Bắc (tỉnh Quảng Bình). [2]

Hiệu trưởng là ông Phan Anh Tuấn và hiệu phó là ông Lê Đức Huấn. Sau trận cãi vã giữa hai người vào chiều 6/4, ông Tuấn đã lao vào đánh đấm ông Huấn. Ông Huấn bị nhiều thương tích ở vùng mặt, sau đó đã vào Bệnh viện Đa khoa huyện Lệ Thủy điều trị.

Trên các phương tiện truyền thông ngày 8/4 dẫn lời ông Đặng Đại Tình, chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Lệ Thủy (Quảng Bình), xác nhận đã chỉ đạo các cơ quan liên quan vào cuộc xử lý vụ hiệu trưởng đánh hiệu phó xảy ra tại xã Ngư Thủy Bắc thuộc huyện này.

Vụ việc hiệu trưởng Trường Tiểu học Đại Nghĩa (Hà Nội) có hành vi cố ý gây thương tích với nữ giáo viên trong trường và hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngư Thủy Bắc đánh hiệu phó nhập viện khiến dư luận xã hội không khỏi bất bình.

Hiệu trưởng đánh giáo viên là vi phạm nghiêm trọng đạo đức nhà giáo

Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 quy định, “công dân có quyền bất khả xâm phạm về thân thể”. Nghĩa là bất cứ ai cũng không có quyền xâm hại đến các quyền lợi liên quan đến sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người khác dưới mọi hình thức.

Hiệu trưởng đánh giáo viên dù bất cứ lí do gì đều là vi phạm về quyền bất khả xâm phạm về thân thể được ghi trong Hiến pháp.

Về hành lang pháp lí, khoản 4 Điều 6 Quyết định 16/2008/QĐ-BGDĐT ban hành Quy định về đạo đức nhà giáo có nội dung: “Không xâm phạm thân thể, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người học, đồng nghiệp, người khác. Không làm ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt của đồng nghiệp và người khác”.

Cùng với đó, Điều 4 Thông tư 14/2018/TT-BGDĐT ban hành quy định chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông quy định “hiệu trưởng phải có đạo đức nghề nghiệp chuẩn mực”. Điều 67 Luật giáo dục quy định tiêu chuẩn của nhà giáo là “phải có phẩm chất, tư tưởng, đạo đức tốt”.

Bên cạnh đó, Điều 31Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT ban hành Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông về trường phổ thông có nhiều cấp học quy định giáo viên, nhân viên không được “xúc phạm danh dự, nhân phẩm; xâm phạm thân thể của học sinh và đồng nghiệp”.

Chiếu theo các quy định này, hiệu trưởng đánh giáo viên là làm trái quy định được ghi trong các văn bản quy phạm pháp luật của ngành giáo dục, cũng có nghĩa là họ đã có dấu hiệu của hành vi vi phạm pháp luật và vi phạm nghiêm trọng đạo đức nhà giáo.

Đáng nói, từ năm 2007, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Công đoàn Giáo dục Việt Nam phát động Cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, được hầu hết giáo viên hưởng ứng tích cực, có hiệu quả cho đến ngày nay.

Vậy nên, sự việc hiệu trưởng đánh giáo viên khiến nhiều người bình luận “chẳng ra thể thống” gì cả. Hiệu trưởng đánh giáo viên thì còn đâu là “một tấm gương đạo đức” cho học trò noi theo, và nguy hại hơn là họ còn góp phần cổ xúy cho bạo lực học đường lên ngôi.

Học sinh đánh nhau là do các em đang ở tuổi mới lớn “ăn chưa no lo chưa tới”, rồi bị ảnh hưởng bạo lực từ phim ảnh, giang hồ mạng..., hoặc chưa được dạy dỗ đến nơi đến chốn – dĩ nhiên trách nhiệm của giáo viên là rất lớn.

Còn thầy với thầy đánh nhau, nhất là hiệu trưởng đánh giáo viên thì lấy gì biện giải?

Ngoài ra, hiệu trưởng còn là Bí thư Chi bộ trường học. Hiệu trưởng đánh giáo viên là vi phạm các quy định của đảng viên không được làm. Đó là vi phạm quy định về phẩm chất đạo đức, lối sống.

Thiết nghĩ, cần kỉ luật bằng hình thức cao nhất đối với những hiệu trưởng đánh giáo viên theo quy định của Luật Viên chức để loại "khối u ác tính" ra khỏi môi trường học đường - nơi chỉ trao truyền tri thức và tình yêu thương.

Bởi, thầy không ra thầy thì khó hi vọng trò ra trò.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://vtc.vn/hieu-truong-o-ha-noi-dam-nu-giao-vien-tim-mat-ar760367.html

[2] https://tuoitre.vn/cai-nhau-hieu-truong-danh-hieu-pho-vao-benh-vien-20230408083952535.htm

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Minh Anh