Dự thảo chương trình của học phần này vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố trên cổng thông tin điện tử để lấy ý kiến góp ý của công luận.
Nội dung chương trình dự kiến gồm ba chương. Chương 1 nêu lý luận chung về kỹ năng giao tiếp. Chương 2 giới thiệu các kỹ năng giao tiếp và chương 3 là vận dụng kỹ năng giao tiếp trong tìm kiếm việc làm và tại nơi làm việc.
Điều kiện đứng lớp của giáo viên là tối thiểu phải tốt nghiệp đại học, có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm và có chứng chỉ bồi dưỡng về kỹ năng giao tiếp. Phương pháp giảng dạy kết hợp giữa thuyết trình, thảo luận nhóm và đóng vai tình huống.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc đưa nội dung này vào giảng dạy nhằm giúp học sinh trình độ trung cấp chuyên nghiệp có kiến thức về kỹ năng giao tiếp.
Cụ thể, các em sẽ thực hiện được một số kỹ năng giao tiếp như kỹ năng làm quen, kỹ năng lắng nghe, kỹ năng nói trước đám đông, kỹ năng giải quyết xung đột, kỹ năng khắc phục khó khăn trong giao tiếp và vận dụng được các kỹ năng giao tiếp trong gia đình, nhà trường, xã hội, trong tìm kiếm việc làm và tại nơi làm việc.
Cụ thể, các em sẽ thực hiện được một số kỹ năng giao tiếp như kỹ năng làm quen, kỹ năng lắng nghe, kỹ năng nói trước đám đông, kỹ năng giải quyết xung đột, kỹ năng khắc phục khó khăn trong giao tiếp và vận dụng được các kỹ năng giao tiếp trong gia đình, nhà trường, xã hội, trong tìm kiếm việc làm và tại nơi làm việc.
Đây là một nội dung rất mới trong chương trình đào tạo sau phổ thông. Kỹ năng giao tiếp nói riêng và các kỹ năng mềm là một điểm yếu của lao động Việt Nam. Với việc đưa kỹ năng này vào trường học, Bộ Giáo dục và Đào tạo hy vọng sẽ giúp khắc phục những điểm yếu này.
Trước đó, Bộ cũng đã yêu cầu tích hợp chương trình đào tạo kỹ năng sống cho học sinh trong một số môn học và các hoạt động ở các bậc học phổ thông, từ tiểu học đến trung học./.
Theo VietNam+