Vụ mất trộm đá quý qua lời hành khách
Phản ánh đến báo chí mới đây, anh Bùi Anh Đức (TP Đà Lạt, Lâm Đồng) cho biết: Trên chuyến bay VJ482 từ Đà Lạt về Hà Nội ngày 9/5, khi đến làm thủ tục lên máy bay, anh Đức được nhân viên hãng hàng không Vietjet yêu cầu ký gửi hành lý vì kích thước và khối lượng quá quy định, không được xách trên tay.
Đến lúc máy bay hạ cánh và nhận hành lý tại sân bay Nội Bài, anh Đức phát hiện ra hành lý có dấu hiệu bị phá khóa và viên đá thạch anh để trong vali cùng quần áo đã bị mất. Anh Đức đã yêu cầu nhân viên lập biên bản ghi nhận lại sự việc.
Mặc dù đã được nhân viên Vietjet lý giải thỏa đáng nhưng hành khách cho rằng hãng bay này phải có trách nhiệm.
Không nên để đồ vật quý giá trong hành lý ký gửi khi đi máy bay (ảnh minh họa) |
Tuy nhiên, khi chứng minh việc sở hữu viên đá thạch anh, anh Đức cho biết viên đá này được anh mua về với mục đích để sưu tầm. Vì giá trị của nó không lớn nên anh không có giấy tờ chứng nhận về sản phẩm.
Cũng theo anh Đức, đến ngày 11/5 nhân viên hãng hàng không gọi lại cho biết. theo quy định của VietJet, căn cứ vào khối lượng hành lý bị hao hụt sẽ đền bù thiệt hại, "nhưng trường hợp vali của tôi cân lên không bị hao hụt nên họ không đền bù", anh Đức phản ánh.
Trước phản ánh của anh Đức, trao đổi với phóng viên, đại diện hãng hàng khoogn Vietjet khẳng định: Trước khi ký gửi hành lý, anh Đức không thông báo cho nhân viên làm thủ tục trong hành lý có chứa đồ vật quý giá, cụ thể ở đây là viên đá thạch anh như anh nói mặc dù đã được khuyến cáo.
Như vậy, việc anh Đức có bị mất viên đá thạch anh hay không là rất khó xác định.
Về việc hành lý có dấu hiệu bị phá khóa, anh Đức hoàn toàn có thể khiếu kiện và nhờ hãng hàng không hỗ trợ bởi quy vận chuyển, giao nhận hành lý liên quan đến rất nhiều khâu thuộc về dịch vụ mặt đất tại sân bay.
Đường đi của hành lý ký gửi
Không chỉ ở Việt Nam, hầu hết các hãng hàng không trên thế giới đều phải thuê công ty phục vụ mặt đất để thực hiện việc làm thủ tục cho khách và hành lý.
Chính vì vậy, để tránh sự cố đáng tiếc trong việc thất lạc, mất đồ đạc, đặc biệt đồ vật quý giá. Các hãng hàng không đều đưa ra khuyến cáo tới hành khách không nên để đồ vật có giá trị trong hành lý ký gửi. Khi hành khách ký gửi hành lý, nhân viên làm thủ tục luôn hỏi hành khách về khuyến cáo này.
Theo tìm hiểu của phóng viên, quy trình vận chuyển hành lý ký gửi của hành khách diễn ra như sau: Khi nhân viên của công ty phục vụ mặt đất làm xong thủ tục cho hành lý, hành lý sẽ đi qua khu vực soi chiếu về hải quan. Nếu có những vật liên quan về khai báo hải quan, sẽ do bên hải quan giải quyết.
Cùng thời điểm này hành lý cũng đi qua máy soi chiếu về an ninh, các vấn đề liên quan đến an ninh sẽ do nhân viên an ninh giải quyết.
Hãng vận chuyển, công ty phục vụ mặt đất, hải quan và an ninh soi chiếu là 4 đơn vị khác nhau.
Sau khi soi chiếu, kiểm tra... hành lý đi về khu vực băng chuyền. Ở đây có một bộ phận gọi là "phục vụ hành lý" thực hiện việc kiểm tra, phân loại các hành lý cho đúng từng chuyến bay và chặng bay, sau đó xếp vào những thùng hành lý. Tất cả quá trình được đặt dưới sự giám sát của cấp trên và an ninh nhà ga.
Sau đó những hành lý này được kéo ra tàu bay. Ở đây có một bộ phận khác được gọi là nhân viên bốc xếp chất hành lý lên máy bay. Nếu máy bay lớn, sử dụng thùng chứa hành lý (container), hầu như nhân viên bốc xếp không đụng đến hành lý. Nhưng với máy bay nhỏ, nhân viên sẽ bốc từng kiện lên tàu bay. Quá trình bốc hành lý lên máy bay cũng có sự giám sát của cán bộ và nhân viên an ninh.
Như vậy tính từ thời điểm hành khách ký gửi hành lý đến việc nhận lại ở đầu sân bay bên kia phải trải qua nhiều thủ tục với nhiều bộ phận phục vụ khác nhau. Vì vậy việc mất mát, hư hỏng xảy ra cần xem xét từng khâu.
Trong trường hợp xảy ra mất hoặc hư hỏng đồ đạc quý giá, khách hàng báo đến hãng hàng không, đơn vị này gửi yêu cầu công ty phục vụ mặt đất điều tra và trả lời, sau đó chuyển đến khách hàng.
Như vậy quá trình quản lý vận chuyển hành lý ký gửi hàng không được thực hiện qua nhiều khâu qua nhiều đơn vị, trong khi hãng hàng không lại không phải đơn vị trực tiếp thực hiện.
Điều này lý giải tại sao các hãng hàng không đều khuyến cáo không để đồ quý giá trong hành lý ký gửi.
Hơn nữa do không tham gia trực tiếp các công đoạn vận chuyển hành lý ký gửi nên bản thân các hãng hàng không cũng không đảm đảm bảo việc mất mát, thất lạc sẽ không xảy ra.
Đặc biệt ở trường hợp anh Bùi Anh Đức, không có một cơ sở nào để chứng minh khách khai báo mất hành lý quý giá là thật hay giả mạo.
Qua sự việc của anh Bùi Anh Đức, các hãng bay khuyến cáo, với những người thường xuyên đi máy bay, các đồ đạc quý giá nên mang theo người, không nên bỏ vào hành lý ký gửi vì nó sẽ không được bất cứ một sự đảm bảo nào.
Phân tích vụ việc hành khách Bùi Anh Đức phản ánh bị mất đồ vật quý để trong hành lý ký gửi và yêu cầu hãng bay phải có trách nhiệm bồi thường, TS.LS Vũ Thái Hà - Giám đốc Công ty Luật TNHH YouMe cho rằng, cho rằng: Trước hết, hành khách phải chứng minh được có viên đá thạch anh trong hành lý ký gửi của mình hay không.
Tuy nhiên từ thông tin anh Đức phản ánh, không thể biết được có viên đá này trong hành lý, hình dạng ra sao, giá trị kinh tế như thế nào, do đó không thể buộc trách nhiệm hãng hàng không.
Được biết, trong các quy định về Hàng hóa Nguy hiểm của tổ chức hàng không thế giới (ICAO) và Hiệp hội vận tải hàng không thế giới (IATA) đưa ra: Hàng hóa có giá trị và dễ vỡ được khuyến cáo không ký gởi trong hành lý. Nếu các vật phẩm này được làm thủ tục hành lý ký gởi, khách hàng đồng ý chịu mọi rủi ro vận chuyển.
Các vật phẩm này bao gồm tiền, nữ trang, kim loại quý hiếm, đồ dùng bằng bạc, đồ điện tử, máy vi tính, máy ảnh, máy quay phim, giấy tờ có thể chuyển nhượng, chứng khoán, các giấy tờ có giá trị khác, hộ chiếu và giấy tờ tùy thân… Theo khuyến cáo nếu để tài sản có giá trị trong hành lý ký gửi sẽ làm tăng nguy cơ bị mất do qua soi chiếu phát hiện tài sản có giá trị càng dễ dẫn đến bị mất hơn.