Hai trở ngại lớn nhất khi dạy Ngoại ngữ, Tin học bắt buộc cho HS lớp 3

30/08/2022 06:46
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã La Gi khẳng định: 100% các trường phải tổ chức tốt việc dạy tiếng Anh, Tin học cho học sinh lớp 3 theo chương trình mới.

Từ năm học 2022-2023, môn Ngoại ngữ và Tin học đã trở thành môn học bắt buộc của học sinh lớp 3 trong chương trình mới.

Sự thay đổi này, sẽ mang lại nhiều thuận lợi khi học sinh sớm được tiếp cận với môn ngoại ngữ và tin học.

Một tiết học Tin của học sinh Bình Thuận (ảnh tác giả)

Một tiết học Tin của học sinh Bình Thuận (ảnh tác giả)

Nhiều năm về trước, không ít các trường tiểu học đã triển khai giảng dạy môn tiếng Anh và Tin học dưới hình thức môn học tự chọn.

Vì thế, nhiều địa phương đã đầu tư cơ sở vật chất như phòng học, máy tính, bảng từ, máy nghe, loa (học tiếng Anh) và đã đào tạo, bồi dưỡng được đội ngũ giáo viên nhiệt tình trong công tác và có tay nghề chuyên môn ổn định.

Bên cạnh những thuận lợi ấy, vẫn còn rất nhiều khó khăn khi áp dụng giảng dạy bắt buộc môn tiếng Anh và Tin học cho học sinh lớp 3 theo chương trình mới, đặc biệt ở những vùng sâu, vùng xa.

Những khó khăn khi môn tiếng Anh và Tin học trở thành môn học bắt buộc

Không phải thuộc khu vực miền núi nhưng khi triển khai giảng dạy 2 môn học tiếng Anh và Tin học, ngành giáo dục tỉnh Bình Thuận vẫn còn gặp khá nhiều khó khăn.

Chia sẻ trên Báo Bình Thuận, ông Phan Đoàn Thái – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Thuận cho biết:

Một số cơ sở giáo dục chưa có phòng dạy bộ môn tiếng Anh, tin học; chưa có các thiết bị dùng cho việc thực hành kỹ năng nghe, nói tiếng Anh; số lượng máy tính chưa đáp ứng nhu cầu học, nhiều học sinh phải học chung một máy nên thời lượng học sinh được thực hành ít.

Nguồn kinh phí để sửa chữa, bảo trì khi bị hư hỏng chưa có.

Đa số gia đình học sinh kinh tế khó khăn, học sinh dân tộc thiểu số nên ít có điều kiện mua sắm thiết bị để học, tiếp cận với sách tham khảo, các phần mềm học tiếng Anh hay internet để các em có điều kiện trau dồi, học tập.

Một khó khăn nữa là nhiều trường còn thiếu giáo viên dạy tiếng Anh, tin học (mặc dù có tham mưu Uỷ ban nhân dân huyện) nhưng vẫn chưa bố trí được giáo viên do không có nguồn.

Một số trường chưa có giáo viên dạy chuyên môn tin học nên phải bố trí giáo viên tiểu học có năng lực dạy kiêm nhiệm. Đa số là hợp đồng ngắn hạn nên giáo viên chưa an tâm trong công tác.[1]

Miền xuôi khi triển khai giảng dạy tiếng Anh, Tin học cho học sinh lớp 3 vẫn gặp nhiều khó khăn như thế thì nhiều tỉnh miền núi, khó khăn còn gấp bội phần.

Ông Phan Văn Thiết, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kỳ Sơn, một trong những huyện miền núi khó khăn của tỉnh Nghệ An cho biết, khó khăn lớn nhất lúc này là về nhân lực và cơ sở vật chất.

Toàn huyện hiện chỉ có 3 giáo viên Tin học, thiếu tới 30 giáo viên theo yêu cầu. Số giáo viên tiếng Anh hiện tại có là 14, thiếu 19 giáo viên.

Phòng Giáo dục đã đăng tuyển, Ủy ban nhân dân huyện cũng ra thông báo tuyển dụng nhưng số lượng hồ sơ nộp vào quá ít. Năm 2022, chỉ tiêu tuyển dụng 5 giáo viên ngoại ngữ nhưng không có một hồ sơ nào nộp vào. Giáo viên dạy Tin học vẫn còn thiếu.

Về cơ sở vật chất dù đã được các cấp, các ban ngành quan tâm bố trí phòng học ngoại ngữ, tin học đầy đủ nhưng vẫn chưa đảm bảo về quy mô, diện tích cho công tác dạy học.

Số lượng máy tính dạy tin học, thiết bị dạy học tiếng Anh tuy đã được cấp nhưng vẫn còn thiếu nhiều.

Tại huyện miền núi Tương Dương, tỉnh Nghệ An cũng thiếu về nguồn nhân lực và cơ sở vật chất.

Cô Võ Thị Tuyết Chinh, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An hiện cho biết: “Hiện tại vẫn thiếu giáo viên tiếng Anh, giáo viên dạy Tin học, thiếu máy vi tính cho học sinh thực hành.

Sở Giáo dục cũng đã đăng tin tuyển dụng nhưng không có nguồn tuyển. Giáo viên dạy tiếng Anh thường xin việc ở miền xuôi mà rất ít lên miền núi để ứng tuyển”.

Giải pháp khắc phục những khó khăn để thực hiện chương trình mới thuận lợi

Không riêng các tỉnh miền núi thiếu giáo viên tiếng Anh và tin học, ngay tại thị xã La Gi hiện vẫn thiếu nguồn nhân lực này.

Ngoài việc thông báo chỉ tiêu tuyển sinh, thực hiện việc hợp đồng giáo viên giảng dạy, Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã La Gi đã thực hiện việc bố trí giáo viên tiếng Anh cấp trung học cơ sở tăng cường về dạy ở một số trường tiểu học.

Khuyến khích các trường học, hợp đồng tiết dạy thêm đối với giáo viên tiếng Anh (đã có biên chế chính thức ở các trường mà có nhu cầu dạy thêm).

Bố trí giáo viên dạy Tin học dạy liên trường.

Thầy Lữ Duy Minh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã La Gi (Bình Thuận) khẳng định 100% các trường phải tổ chức tốt việc dạy tiếng Anh, Tin học cho học sinh lớp 3 theo chương trình mới.

Tại huyện Chương Dương (Nghệ An), cô Tuyết Chinh cũng cho biết: “Dù chưa đủ giáo viên dạy tiếng Anh lớp 3 nhưng sẽ cố gắng bằng cách cho giáo viên dạy tăng tiết. Ưu tiên bố trí giáo viên tiếng Anh dạy lớp 3 cho đủ. Số còn lại dạy lớp 5 (theo hình thức tự chọn) để các em tiếp cận lên lớp 6. Và, cuối cùng mới đến các khối còn lại.

Ở môn Tin học dù thiếu giáo viên nhưng lại dễ sắp xếp. Phòng sẽ điều giáo viên có năng lực về công nghệ thông tin cho bồi dưỡng thêm. Huy động các nguồn lực giúp đỡ về máy vi tính. Vừa qua, Phòng Giáo dục và Đào tạo đã được Công ty thủy điện Bản Vẽ ở huyện ủng hộ cho 40 máy vi tính. Số máy móc này đã được phân bổ về các trường.

Ông Phan Văn Thiết, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kỳ Sơn cho biết một số giải pháp đã và đang thực hiện nhằm khắc phục những khó khăn mang lại.

Đó là việc, rà soát lại mạng lưới trường, lớp, có kế hoạch sắp xếp, bố trí lại các điểm trường lẻ hợp lý, hiệu quả, thuận lợi cho việc sáp nhập điểm bản cho dạy học ngoại ngữ, tin học.

Chỉ đạo hiệu trưởng các trường phổ thông, tham mưu với Ủy ban nhân dân xã có kế hoạch di dời các phòng học bằng gỗ, lắp ghép tại các điểm trường lẻ thừa chuyển về dựng tại cơ sở chính trong thời gian hè để làm nhà học, nhà ở cho học sinh.

Bố trí đủ phòng học tiếng Anh, tin học đảm bảo 100% đơn vị trong toàn huyện dạy đủ tiếng Anh và Tin học cho học sinh lớp 3 theo chương trình mới.

Xây dựng kế hoạch tuyển dụng giáo viên dạy tiếng Anh, Tin học đảm bảo chất lượng đáp ứng yêu cầu dạy và học trong toàn huyện.

Hiện tại Phòng giáo dục tham mưu Ủy ban nhân dân huyện có kế hoạch điều chuyển giáo viên tiếng Anh theo vùng trong tháng 8 để thuận lợi cho dạy liên trường. Bố trí giáo viên trung học cơ sở dạy tiểu học.

Bố trí nhập lớp từ 78 xuống 55 lớp 3, với sĩ số học sinh (bình quân dưới 40 em/lớp thì còn lại 55 lớp/14 giáo viên, bình quân 15,7 tiết/giáo viên/tuần).

Bố trí giáo viên tiếng Anh chưa dạy đủ số tiết theo quy định dạy liên trường mà khoảng cách gần nhau.

Do thiếu nhiều giáo viên tin học nên Phòng tham mưu với Ủy ban nhân dân huyện cử mỗi trường 01 giáo viên văn hóa có năng lực về tin học đi bồi dưỡng nghiệp vụ tin học trong thời gian hè để đảm bảo cho dạy học tại các nhà trường.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://baobinhthuan.com.vn/ap-dung-day-hoc-mon-tieng-anh-tin-hoc-bat-buoc-tu-lop-3-96282.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Phan Tuyết