Hải Phòng: Nhân rộng mô hình “Thư viện số” trong trường học

20/07/2022 06:38
Phạm Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Mô hình “Thư viện số” góp phần phát triển văn hóa đọc trong trường học và tạo điều kiện thuận lợi trong công tác quản lý của nhà trường.

Thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 26/10/2021 của Ban Thường vụ Thành ủy về chuyển đổi số thành phố Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 xác định đưa chuyển đổi số trở thành động lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Đồng thời, mang đến sự đổi mới với mô hình thư viện truyền thống, Ban Thường vụ Thành đoàn Hải Phòng đã triển khai thí điểm mô hình “Thư viện số”.

Hi vọng qua mô hình này sẽ góp phần phát triển văn hóa đọc trong trường học và tạo điều kiện để công tác quản lý thư viện được chặt chẽ, dễ dàng và khoa học hơn từ đó nâng cao chất lượng giáo dục của học sinh nhà trường.

“Thư viện số” cho phép người truy cập có thể tìm kiếm nhanh chóng các sách trong thư viện nhà trường với đầy đủ ảnh sách, tên sách, tác giả, nhà xuất bản, mã sách và nhận xét của người đọc trước để thuận lợi cho việc mượn sách trong thư viện.

Bên cạnh đó còn cung cấp các bài giảng, đề thi kiểm tra, bài tập, tư liệu có chất lượng của giáo viên nhà trường. Các tài liệu này đã được giáo viên nhà thẩm định đảm bảo chất lượng.

Tính đến hiện tại, Ban Thường vụ Thành đoàn Hải phòng đã chỉ đạo triển khai thí điểm mô hình “Thư viện số” tại quận Ngô Quyền, huyện Cát Hải và chuỗi “Tủ sách số cho em” tại quận Lê Chân.

"Thư viện số" được triển khai tại Trường Trung học phổ thông Thái Phiên (Ảnh: Phạm Linh)

"Thư viện số" được triển khai tại Trường Trung học phổ thông Thái Phiên (Ảnh: Phạm Linh)

“Thư viện số” tại Trường Trung học phổ thông Thái Phiên (quận Ngô Quyền, Hải Phòng) cung cấp cho học sinh 1.757 cuốn sách, trong đó 806 cuốn có review ở 1 trong 2 dạng văn bản hoặc video.

Tích hợp 1.024 file tài liệu trong đó có 74 video bài giảng, 694 file đề thi kiểm tra, 256 file bài tập - tư liệu nhằm đáp ứng nhu cầu tra cứu của học sinh nhà trường.

“Thư viện số” tại Trường Trung học phổ thông Cát Bà (huyện Cát Hải, Hải Phòng) cung cấp thông tin về 305 cuốn sách về các chủ đề khác nhau. Tích hợp gần 200 tài liệu số dưới dạng đề thi, bài giảng E-Learing, bài tập, tư liệu.

Tại quận Lê Chân, chuỗi “Tủ sách số cho em” tại Trường Trung học cơ sở Vĩnh Niệm và Trung học cơ sở Trần Phú cho phép tra cứu gần 500 đầu sách qua mã QR với nội dung về giáo dục lịch sử, Bác Hồ, giới thiệu nhân vật lịch sử, truyện cổ tích, truyện trinh thám, kỹ năng sống...

Chuỗi “Tủ sách số cho em” tại Trường Trung học cơ sở Vĩnh Niệm và Trung học cơ sở Trần Phú cho phép tra cứu gần 500 đầu sách qua mã QR (Ảnh: Phạm Linh)

Chuỗi “Tủ sách số cho em” tại Trường Trung học cơ sở Vĩnh Niệm và Trung học cơ sở Trần Phú cho phép tra cứu gần 500 đầu sách qua mã QR (Ảnh: Phạm Linh)

Các đầu sách được lựa chọn đến từ Nhà xuất bản Kim Đồng, Nhà xuất bản Giáo dục, Văn học phù hợp với lứa tuổi thanh thiếu nhi.

Theo thống kê của các nhà trường, mô hình này đã thu hút 1.500 lượt thanh thiếu nhi truy cập trong dịp hè.

Có thể nói “Thư viện số” khắc phục được những hạn chế của mô hình thư viện truyền thống và đem lại khá nhiều lợi ích cho người dùng như: tiện lợi, nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, cung cấp các bài giảng, nguồn tư liệu học tập có chất lượng cho học sinh.

Bà Vương Toàn Thu Thủy - Bí thư Thành đoàn Hải Phòng nhấn mạnh: “Mô hình thư viện số sẽ đem một làn gió mới đến với thư viện truyền thống, là xu thế tất yếu của hội nhập.

Thành đoàn xác định phát triển thư viện truyền thống thành thư viện số để từng bước thực hiện việc chuyển đổi số trong nhà trường”.

Mô hình "Thư viện số" sẽ đem một làn gió mới đến với thư viện truyền thống, là xu thế tất yếu của hội nhập (Ảnh: Phạm Linh)

Mô hình "Thư viện số" sẽ đem một làn gió mới đến với thư viện truyền thống, là xu thế tất yếu của hội nhập (Ảnh: Phạm Linh)

Trong thời gian tới, Ban Thường vụ Thành đoàn Hải Phòng sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình tại trường Tiểu học Hoàng Động (huyện Thủy Nguyên) và trường Tiểu học Ngô Gia Tự (quận Hồng Bàng).

Phạm Linh