Chiều 24/8, tại Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hồng Bàng (Hải Phòng) tổ chức chuyên đề chuyên môn “Dạy tiếng Việt lớp 3 – Chương trình Giáo dục phổ thông 2018”.
Tới dự chuyên đề có ông Phạm Quốc Hiệu – Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng; PGS.TS. Trần Thị Hiền Lương- Chủ biên môn tiếng Việt – Bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống; cùng cán bộ quản lý, giáo viên lớp 3 các trường tiểu học trên địa bàn quận.
Chuyên đề được thực hiện qua 2 tiết dạy minh hoạ “Bài 2: Đọc “Về thăm quê”, Viết “Ôn chữ hoa A, Ă, ” của cô giáo Lê Thị Thanh Mai cùng các em học sinh lớp 3A5 – Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng.
Chuyên đề dạy tiếng Việt lớp 3 - chương trình Giáo dục phổ thông 2018 tại Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (Ảnh: Lã Tiến) |
Phát biểu khai mạc chuyên đề, cô Hoàng Thị Minh Hương – Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hồng Bàng cho biết: Năm học 2022-2023 là năm thứ 3 thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ thay sách giáo khoa trong các nhà trường, Phòng Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức cho 100% giáo viên lớp 3 tham gia tập huấn sách giáo khoa ở tất cả các môn học theo kế hoạch của Sở Giáo dục và Đào tạo.
Chuyên đề “Dạy tiếng Việt lớp 3- Chương trình Giáo dục phổ thông 2018” là chuyên đề mở màn cho các chuyên đề sẽ được tổ chức trong năm học này.
Chuyên đề được tổ chức với mục đích định hướng, thống nhất nội dung chương trình, kế hoạch giáo dục, đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức dạy học các nội dung mới và khó trong chương trình các môn học.
Tiết dạy minh hoạ “Bài 2: Đọc “Về thăm quê”, Viết “Ôn chữ hoa A, Ă, ” của cô giáo Lê Thị Thanh Mai cùng các em học sinh lớp 3A5 – Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (Ảnh: Lã Tiến) |
Qua đó kịp thời tháo gỡ những khó khăn về chuyên môn và có giải pháp phù hợp đối tượng học sinh, điều kiện của nhà trường;
Nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý trong chỉ đạo chuyên môn; nâng cao năng lực, kỹ năng, nghiệp vụ sư phạm cho giáo viên trong hoạt động dạy học.
Đồng thời tạo mối quan hệ chia sẻ, học tập, giúp đỡ lẫn nhau giữa cán bộ quản lý và giáo viên, giữa giáo viên và giáo viên, giữa các tổ khối chuyên môn của các trường tiểu học;
Đây cũng là cơ hội để mỗi cán bộ, giáo viên phát huy được khả năng sáng tạo, đóng góp ý kiến, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục tiểu học theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Qua chuyên đề này, giáo viên các nhà trường sẽ có những ý kiến thảo luận, góp ý để rút kinh nghiệm khi giảng dạy thực tiễn.
Đặc biệt là ý kiến giải đáp, trao đổi của PGS.TS Trần Thị Hiền Lương – Chủ biên môn tiếng Việt, bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống.
Học sinh thích thú với môn tiếng Việt theo chương trình mới (Ảnh: Lã Tiến) |
Tại chuyên đề, các đại biểu được chứng kiến 2 tiết dạy minh hoạ của cô giáo Lê Thị Thanh Mai và các em học sinh lớp 3A5.
Với tiết Đọc “Về thăm quê”, yêu cầu cần đạt về kiến thức, kỹ năng: các em học sinh đọc đúng và rõ ràng bài thơ “Về thăm quê”, nghỉ hơi ở chỗ ngắt nhịp thơ và giữa các dòng thơ; bước đầu biết thể hiện cảm xúc qua giọng đọc.
Đồng thời nhận biết được tình cảm, suy nghĩ của bạn nhỏ khi nghỉ hè được về quê thăm bà, nhận biết được những tình cảm bà – cháu thông qua từ ngữ, hình ảnh miêu tả cử chỉ, hành động, lời nói, suy nghĩ của nhân vật.
Với tiết Viết “Ôn chữ viết hoa A, Ă, ”, yêu cầu về kiến thức, kỹ năng đối với học sinh là viết đúng chữ viết hoa A, Ă,  cỡ nhỏ, viết đúng từ và câu ứng dụng.
Qua tiết dạy minh hoạ, giáo viên giúp học sinh hình thành và phát triển năng lực văn học: hiểu được các từ ngữ gợi tả, gợi cảm, cảm nhận được tình cảm, sự yêu thương, quan tâm, chăm sóc của những người thân trong gia đình.
Cùng với đó, hình thành và phát triển tình cảm yêu quê hương, sự quan tâm, yêu quý, biết ơn đối với những người thân trong gia đình, dòng họ.
PGS.TS Trần Thị Hiền Lương- Chủ biên sách Tiếng Việt bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống giải đáp những câu hỏi của giáo viên. (Ảnh: Lã Tiến) |
Tại chuyên đề nhiều giáo viên lớp 3 của quận Hồng Bàng đã bày tỏ băn khoăn và đặt câu hỏi mong chủ biên cuốn sách giải đáp về: cách thức lên lớp một bài học, logic bài đọc 1,5 tiết; hướng dẫn học sinh tập viết, nhất là với từ khó khi chương trình mới chỉ có nửa tiết cho phần tập viết.
PGS.TS Trần Thị Hiền Lương- Chủ biên sách Tiếng Việt bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống đã giải đáp những băn khoăn của giáo viên các nhà trường.
PGS Hiền Lương cho rằng, phần đọc học sinh được học 1,5. Trong tiết đọc, các em được luyện đọc thành tiếng, đọc diễn cảm, đọc hiểu.
Với lớp 3, các em không chỉ thể hiện kĩ thuật đọc văn bản mà còn đọc diễn cảm và thể hiện cảm nhận của mình qua việc trả lời câu hỏi.
Giáo viên linh hoạt trong việc ngắt tiết, tăng cường các câu hỏi bổ sung nhằm phát huy phẩm chất, năng lực của học sinh.
PGS.TS Trần Thị Hiền Lương hướng dẫn và nhấn mạnh cho thầy cô một số yêu cầu cơ bản về kĩ thuật viết trong chương trình lớp 3.