Hà Nội: nhiều phụ huynh mong ngóng từng ngày để con được trở lại trường học

27/01/2022 07:06
Ngọc Ánh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Việc ở nhà quá lâu và không được giao tiếp với thầy cô, bạn bè, ảnh hưởng rất lớn tới tâm lý, thể chất của trẻ.

Nhận được thông tin học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 tại những khu vực dịch cấp độ 1, cấp độ 2 sẽ quay lại trường học tập trung sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 (từ ngày 8/2), nhiều phụ huynh ở Hà Nội vui mừng, ủng hộ phương án trên.

Có hai con đang học lớp 3 và lớp 7, chị Nguyễn Ánh Hồng hoàn toàn ủng hộ quyết định của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội.

Chị Hồng cho biết, trong thời gian học trực tuyến tại nhà, khi bố mẹ đi làm, các con vẫn tự giác nhắc nhở nhau học bài. Tuy nhiên, việc ở nhà quá lâu và không được giao tiếp với thầy cô, bạn bè, ảnh hưởng rất lớn tới tâm lý, thể chất của trẻ.

Ảnh minh họa: Thùy Linh

Ảnh minh họa: Thùy Linh

"Vợ chồng tôi đi làm cả ngày, chỉ tranh thủ buổi tối sát sao con trong việc học. Các con đã học trực tuyến gần một năm, chúng tôi lúc nào cũng mong ngóng ngày con trở lại trường. Thực sự lượng kiến thức con thu nạp trong thời gian này không thể bằng việc đến lớp được thầy cô giáo kèm cặp. Chương trình học của chúng tôi ngày trước so với các con bây giờ đã quá khác biệt, nhiều lúc tôi còn lúng túng khi dạy con học bài.

Mặt khác, ở nhà, các con sử dụng điện thoại và máy tính bảng rất nhiều, bố mẹ không thể kiểm soát. Nếu không tăng cường cho con uống vitamin A và viên thuốc bổ mắt thì có lẽ hai đứa nhà tôi đã sớm phải đeo kính cận", chị Hồng chia sẻ.

Chị Hồng bày tỏ, bản thân các con cũng muốn sớm được trở lại trường.

"Thời gian rảnh, con gái tôi hay xin phép mẹ gọi điện thoại cho các bạn trong lớp. Thấy chúng nhớ nhau mà suốt ngày quanh quẩn ở nhà, không được gặp mặt cũng tội lắm. Thời điểm Hà Nội nới lỏng các hoạt động, thỉnh thoảng tôi cũng phải chở con sang nhà bạn học nhóm để con có không gian giao tiếp, vui chơi", vị phụ huynh này cho biết thêm.

Đồng quan điểm, anh Đỗ Danh Vang cho rằng việc các con quay trở lại trường học thời điểm sau Tết Nguyên đán là hợp lý.

"Con gái tôi hiện học lớp 10, đã tiêm đủ hai mũi vaccine. Tôi hoàn toàn ủng hộ quyết định cho các cháu học trực tiếp vì ở nhà quá lâu, việc học tập cũng bị ảnh hưởng ít nhiều. Nhiều hoạt động kinh tế - xã hội cũng đang hoạt động bình thường trở lại, chúng ta cũng nên thích ứng và chung sống an toàn với dịch bệnh.

Theo tôi, khi các trường mở cửa trở lại, cần có kế hoạch, kịch bản phòng chống dịch cụ thể và phụ huynh học sinh phải nắm được thông tin này để chủ động phòng dịch từ nhà, nhắc nhở con thực hiện tốt 5K khi đến lớp, khi tham gia các hoạt động xã hội khác", anh Vang nói.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, chị Bùi Thị Nga vui mừng ủng hộ phương án mở cửa trường đón học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 học trực tiếp sau dịp Tết.

Chị Nga cho biết, hiện con gái chị học lớp 12, chuẩn bị bước vào kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và xét tuyển đại học. Chị lo ngại việc con gái học trực tuyến trong thời gian dài sẽ không hiệu quả, khó có thể trúng tuyển các trường theo mục tiêu đề ra.

"Tôi sốt ruột khi nhìn con học trực tuyến. Vì là học sinh cuối cấp, lịch học của cháu dày đặc, ngoài học ở lớp còn học thêm Toán, Văn, tiếng Anh để bổ trợ xét tuyển vào đại học. Nhiều hôm tôi thấy con thức đến 1-2h sáng để làm bài tập và giải đề.

Học trực tuyến, cháu cũng ít vận động, thể dục, ngủ không đủ giấc nên người lúc nào cũng phờ phạc. Thỉnh thoảng, tôi phải nhắc cháu ra ngoài ban công đi lại, thư giãn để bớt suy nghĩ, căng thẳng. Nhưng do khối lượng bài vở quá nhiều, cháu rất ít khi nghỉ giải lao.

Cháu cũng tâm sự với tôi nhiều lần, những bài tập khó nếu học trên lớp, được cô hướng dẫn, cháu tiếp thu rất nhanh nhưng học ở nhà, cháu phải tự học, mày mò, tìm cách giải nên mất nhiều thời gian", chị Nga tâm sự.

Vì vậy, khi nhận được tin học sinh tại Hà Nội có thể đến trường, chị hoàn toàn đồng tình.

Được biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn số 283/BGDĐT-GDTC gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành về việc tổ chức dạy học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục.

Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về việc chuẩn bị các điều kiện để mở cửa trường học trở lại; trên cơ sở thống nhất với Bộ Y tế về đánh giá kết quả phòng, chống dịch đến thời điểm hiện tại (tỉ lệ tiêm vaccine cho người dân, học sinh, sinh viên; nhận thức, kiến thức và kinh nghiệm về phòng, chống dịch trong nhân dân; khả năng điều trị của hệ thống y tế...);

Để bảo đảm sức khoẻ thể chất, tinh thần của trẻ mầm non, học sinh, học viên, sinh viên, cán bộ, nhà giáo và chất lượng giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ tình hình dịch tại địa phương (tính đến địa bàn cấp xã/phường) chỉ đạo xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể để tổ chức dạy học trực tiếp cho học sinh, sinh viên trước ngày 14/2.

Ngọc Ánh