Tại Điều 6, Thông tư 29/2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo có nêu quy định về dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường.
Theo đó, tổ chức hoặc cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh phải đăng kí kinh doanh theo quy định của pháp luật; Công khai trên cổng thông tin điện tử hoặc niêm yết tại nơi cơ sở dạy thêm đặt trụ sở về các môn học được tổ chức dạy thêm...
Giáo viên đang dạy học tại các nhà trường tham gia dạy thêm ngoài nhà trường phải báo cáo với Hiệu trưởng hoặc Giám đốc hoặc người đứng đầu nhà trường (sau đây gọi chung là Hiệu trưởng) về môn học, địa điểm, hình thức, thời gian tham gia dạy thêm (theo Mẫu số 03 tại Phụ lục kèm theo Thông tư này).
Tuy nhiên, thời gian có một số giáo viên phản ánh đến Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về việc có trường yêu cầu giáo viên dạy thêm ngoài nhà trường không chỉ cung cấp giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh của nơi họ giảng dạy, mà còn phải cung cấp giấy phép hoạt động do Sở Giáo dục và Đào tạo cấp. Điều này gây nên nhiều băn khoăn.
Để có thêm góc nhìn về vấn đề này, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có trao đổi với một số luật sư để cung cấp thêm thông tin về vấn đề này.

Luật sư Nguyễn Thị Nhàn - Giám đốc Công ty luật TNHH Alana Nhàn Nguyễn (Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội) cho rằng, khi làm thủ tục cho ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nhiều người thường nói làm "giấy phép đăng ký kinh doanh", đây là cách gọi sai vì là hai loại giấy tờ này khác nhau.
Cụ thể, một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện yêu cầu phải có giấy phép từ cơ quan quản lý trực tiếp cấp. Ví dụ như giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động; văn bản xác nhận, chấp thuận;...
Còn giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh là sự ghi nhận bằng văn bản, của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về mặt pháp lý sự ra đời của chủ thể kinh doanh (là doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh, Công ty TNHH, Công ty cổ phần...). Dạy thêm không nằm trong danh mục các ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Và Thông tư 29 cũng quy định rất cụ thể với tổ chức, cá nhân hoạt động dạy thêm.
“Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT được ban hành, yêu cầu đối với cá nhân, tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường trở nên rõ ràng và minh bạch hơn.
Cụ thể, Điều 6 của Thông tư có nêu, tổ chức hoặc cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh phải đăng kí kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Đây là một quy định hết sức rõ ràng và dễ hiểu về điều kiện đầu tư kinh doanh dịch vụ này”, luật sư Nguyễn Thị Nhàn nói.
Luật sư Nhàn nhận định, khi cơ sở tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường đăng ký kinh doanh, sẽ thực hiện nghĩa vụ nộp thuế, tăng ngân sách nhà nước.
“Dịch vụ dạy thêm là hoạt động thương mại, mối quan hệ dân sự, kinh tế, bình đẳng giữa người dạy và người học theo nhu cầu, có sự cạnh tranh.
Quy định giáo viên dạy thêm tại trung tâm không được dạy học sinh chính khóa, buộc các trung tâm phải nâng cao chất lượng dạy học để cạnh tranh, thu hút khách hàng”, luật sư Nhàn nhận định.
Trước tình huống, có trường phổ thông yêu cầu giáo viên nếu giảng dạy tại hộ kinh doanh, giáo viên phải cung cấp giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh. Còn giảng dạy tại trung tâm, công ty, giáo viên phải nộp thêm giấy phép do Sở Giáo dục và Đào tạo cấp.
Về nội dung trên, luật sư Nhàn cho rằng, nhà trường đã vận dụng Thông tư 29 không phù hợp.
Luật sư Nhàn lấy ví dụ về hoạt động của một công ty kinh doanh về lĩnh vực giáo dục. Cụ thể, công ty muốn kinh doanh dịch vụ ôn luyện IELTS sẽ làm giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, và xin giấy phép của Sở Giáo dục và Đào tạo. Theo đó, họ sẽ phải nộp đề án đảm bảo các điều kiện chương trình đào tạo, cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên...(Nội dung thủ tục giấy phép này được nêu rõ tại Nghị định 125/2024 của Chính phủ quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục).
Khi đi vào hoạt động, công ty mở thêm dịch vụ dạy thêm tiếng Anh cho học sinh có nhu cầu học về kỹ năng nghe, nói theo số buổi/tuần. Đây là hoạt động phụ, bổ trợ, theo yêu cầu của người học, không có chương trình xuyên suốt. Hoạt động này sử dụng cơ sở vật chất đã được công ty xin giấy phép từ Sở Giáo dục và Đào tạo, khi mở dịch vụ ôn luyện IELTS. Vì vậy, công ty không cần làm thủ tục xin cấp giấy phép.
Cơ quan quản lý nhà nước mới có thẩm quyền kiểm tra "giấy phép con"
Về vấn đề nêu trên, luật sư Phạm Quang Biên - Tổng Giám đốc Công ty Luật TNHH IMC (Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội) nhận định, Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT quy định cá nhân, tổ chức tổ chức dạy thêm có thu phí của học sinh, phải thực hiện đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật. Việc đăng ký kinh doanh trong trường hợp này có hai nội dung đáng lưu ý.
Cụ thể, với mô hình đăng ký hoạt động (hộ kinh doanh, doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần,...): cá nhân, tổ chức lựa chọn mô hình phù hợp với cách thức hoạt động của mình để đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh.
Ngành nghề kinh doanh: Trong số các ngành nghề giáo dục và đào tạo, có nhiều ngành nghề là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Khi một tổ chức đăng ký kinh doanh ngành nghề về giáo dục và đào tạo là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, thì phải đáp ứng các điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục được quy định tại Nghị định số 125/2024/NĐ-CP. Dạy thêm không phải ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Các điều kiện đảm bảo hoạt động (như phòng cháy chữa cháy, cơ sở vật chất...) sẽ được hậu kiểm.
Trách nhiệm kiểm tra các tổ chức kinh doanh dịch vụ dạy thêm có đáp ứng điều kiện hoạt động hay chưa thuộc về cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, không phải nghĩa vụ của các giáo viên tham gia giảng dạy tại đây, cũng không thuộc phạm vi quản lý của nhà trường.
Do đó, việc nhà trường yêu cầu giáo viên chỉ được dạy thêm tại các cơ sở (không phải hộ kinh doanh) có giấy phép là không phù hợp với quy định tại Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT", luật sư Phạm Quang Biên nhận định.
Lãnh đạo phòng giáo dục chia sẻ
Đánh giá về việc nhà trường yêu cầu giáo viên phải cung cấp giấy phép của cơ sở dạy thêm, cô Tống Thị Ngân (Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Yên Minh, Hà Giang) cho hay, Thông tư 29 không yêu cầu giáo viên phải cung cấp giấy phép của nơi họ giảng dạy cho hiệu trưởng nhà trường.
"Theo Thông tư 29, giáo viên báo cáo hiệu trưởng về nơi họ giảng dạy đã đăng ký kinh doanh. Vì vậy, nhà trường yêu cầu giáo viên phải cung cấp giấy phép con là chưa chính xác", cô Ngân cho hay.
Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Yên Minh cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền kiểm tra giấy phép của cơ sở tổ chức dạy thêm sẽ hợp lý, thay vì hiệu trưởng yêu cầu giáo viên cung cấp giấy tờ này.
Cô Ngân cho hay, đơn vị hiện quản lý hoạt động dạy thêm ngoài nhà trường theo quy định tại Thông tư 29.
"Tỉnh Hà Giang chưa ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về việc thực hiện Thông tư 29. Ở thị trấn Yên Minh vừa qua có bốn cá nhân đăng ký hộ kinh doanh, họ thuê giáo viên ở nơi khác về giảng dạy", cô Ngân cho hay.
Thông tin thêm về nội dung trên, một cán bộ phòng giáo dục trung học (Sở Giáo dục và Đào tạo Hòa Bình) cho hay, Thông tư 29 không quy định giáo viên phải cung cấp giấy phép của của cơ sở họ giảng dạy để báo cáo hiệu trưởng.
"Hoạt động dạy thêm thì không cần phải có giấy phép. Giáo viên dạy thêm tại các trung tâm, công ty, báo cáo hiệu trưởng và phải cam kết không dạy học sinh chính khóa. Họ không cần phải cung cấp giấy phép", vị cán bộ thông tin và cho hay chức năng nhiệm vụ của đơn vị là kiểm tra cá nhân, tổ chức kinh doanh dạy thêm dạy chương trình có quá tải hay không, giáo viên có đảm bảo năng lực không?
Vị này cũng nhận định, đối với trung tâm giáo dục thường xuyên khác như trung tâm dạy kỹ năng sống, trung tâm tiếng Anh, lĩnh vực hoạt động của những đơn vị này là ngành nghề có điều kiện và phải được cấp giấy phép theo quy định tại Nghị định 125 của Chính phủ.
Hoạt động của Trung tâm khác thực hiện nhiệm vụ giáo dục thường xuyên được quy định ở Mục 3, Nghị định 125/2024 của Chính phủ quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục.
Tại Điều 43 của Nghị định 125 nêu rõ về điều kiện để thành lập Trung tâm khác thực hiện nhiệm vụ giáo dục thường xuyên.
Cụ thể, có địa điểm, cơ sở vật chất, phòng học, phòng chức năng, thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu của các chương trình giáo dục thường xuyên thực hiện tại trung tâm.
Có chương trình giáo dục, tài liệu giảng dạy và học tập đáp ứng yêu cầu của các chương trình giáo dục thường xuyên thực hiện tại trung tâm theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Có đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và người lao động đủ về số lượng và đạt tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu của từng chương trình giáo dục thường xuyên thực hiện tại trung tâm theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Có dự thảo quy chế tổ chức và hoạt động của trung tâm.