Một trong những đổi mới đáng kể của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 là việc cho phép sử dụng đa dạng các bộ sách giáo khoa trong giảng dạy. Chủ trương này mở ra cơ hội để giáo viên chủ động lựa chọn nguồn tài liệu giảng dạy phù hợp với trình độ, sở thích và bối cảnh học tập của học sinh, từ đó nâng cao tính linh hoạt và hiệu quả trong quá trình tổ chức dạy học.
Trong các bộ sách hiện hành, sách giáo khoa Cánh Diều là một lựa chọn được nhiều nhà trường đánh giá tích cực. Với cách tiếp cận gần gũi thực tiễn và chú trọng phát triển năng lực cá nhân, bộ sách này góp phần tạo nên môi trường học tập sinh động, khơi gợi sự sáng tạo và hứng thú tiếp nhận tri thức của học sinh.
Sách giáo khoa Cánh Diều với nhiều điểm mới sáng tạo
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Lý Yến - giáo viên Trường Tiểu học Lam Vỹ (tỉnh Thái Nguyên) cho biết, hiện nay nhà trường đang triển khai giảng dạy bộ sách giáo khoa Cánh Diều từ lớp 1 đến lớp 5 cho các môn Toán, Tiếng Việt và Đạo đức.
Đánh giá chung về bộ sách này, cô Yến nhận định: “Sách giáo khoa Cánh Diều đã có nhiều bước tiến đáng ghi nhận trong việc đổi mới phương pháp tiếp cận tri thức. Nhiều điểm cải tiến được thể hiện rõ ràng, góp phần làm cho quá trình dạy học trở nên linh hoạt, sinh động và hiệu quả hơn.
Đặc biệt, nội dung sách được sắp xếp một cách hợp lý và khoa học. Mỗi bài học mới đều được trình bày rõ ràng, theo trình tự từ khái quát đến cụ thể, đi kèm với các bài luyện tập và thực hành sát với nội dung đã học. Nhờ vậy, học sinh có thể rèn luyện ngay sau khi tiếp thu kiến thức, tránh tình trạng học trước quên sau hay tiếp cận rời rạc”.

Về nội dung trong sách giáo khoa Tiếng Việt, theo cô Yến, các văn bản và bài thơ được lựa chọn hài hòa giữa tác phẩm văn học kinh điển và sáng tác hiện đại, góp phần làm phong phú chương trình học. Sách vừa giữ được bản sắc văn học dân tộc, vừa mở rộng tầm nhìn văn hóa cho học sinh. Nhờ đó, các em không chỉ tiếp cận được những giá trị truyền thống mà còn làm quen với nhiều phong cách ngôn ngữ đa dạng, mới mẻ.
Ngoài ra, ở sách giáo khoa Toán, cô Yến đánh giá rằng các bài toán trong sách đều được lựa chọn kỹ lưỡng, bám sát năng lực của học sinh ở từng lớp, từng giai đoạn phát triển tư duy. Đặc biệt, các bài toán mang tính ứng dụng vào thực tiễn cuộc sống như mua bán, đo lường, tính toán đơn giản,...đều được lồng ghép khéo léo, góp phần tạo cho học sinh hứng thú và cảm nhận được giá trị của toán học trong đời sống hàng ngày.
Một điểm mới khá sáng tạo đó là dạng toán tìm thành phần chưa biết không sử dụng ký hiệu “x” hay “y” quen thuộc, mà thay bằng các hình vẽ như tam giác, hình tròn, giúp học sinh hình dung bài toán trực quan, sinh động. Dù có thể gây chút bỡ ngỡ ban đầu, nhưng cách thể hiện này phù hợp với xu hướng giáo dục hiện đại, khuyến khích tư duy linh hoạt và phát triển khả năng tưởng tượng của trẻ.

Một trong những điểm mạnh nổi bật của bộ sách Cánh Diều là hình thức trình bày hiện đại với màu sắc sinh động, hình ảnh minh họa rõ nét và hấp dẫn. Sách được in đẹp, bố cục rõ ràng, dễ theo dõi, phù hợp với tâm lý tiếp nhận của học sinh tiểu học.
Từ thực tế giảng dạy, giáo viên nhận thấy học sinh tiếp cận nội dung sách khá thuận lợi. Dù ban đầu còn gặp khó khăn khi chuyển từ chương trình cũ sang chương trình mới, nhưng nhìn chung, các em tỏ ra hào hứng nhờ cách trình bày gần gũi, nội dung thiết thực và gắn bó với đời sống hằng ngày.
Còn theo Thạc sĩ Vũ Thị Nụ - Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Mai Hắc Đế (Hà Nội) cho biết, hiện nay, nhà trường đang sử dụng bộ sách Cánh Diều cho 5 môn học gồm: Toán, Ngữ văn, Sinh học, Công nghệ và Giáo dục quốc phòng và an ninh.
Các môn học còn lại, nhà trường lựa chọn phân bổ đều giữa các bộ sách khác nhằm đảm bảo sự đa dạng trong tiếp cận nội dung và phù hợp với đặc thù giảng dạy của từng bộ môn.
Đối với các môn học mà nhà trường lựa chọn sách giáo khoa thuộc bộ sách Cánh Diều, tổ chuyên môn đã có những đánh giá rất tích cực. Các giáo viên nhận định bộ sách này được biên soạn công phu, nội dung bám sát chương trình, có tính hệ thống và logic cao. Mỗi bài học đều được xây dựng với cấu trúc chặt chẽ, nhiệm vụ học tập rõ ràng, dễ hiểu và phù hợp với trình độ nhận thức của học sinh.

Ngoài ra, điểm nổi bật của bộ sách là sự linh hoạt trong thiết kế hoạt động dạy và học, tạo nhiều cơ hội để giáo viên đổi mới phương pháp giảng dạy, lồng ghép giáo dục kỹ năng sống, đạo đức và giá trị văn hóa. Điều này không chỉ nâng cao hiệu quả học tập mà còn góp phần phát triển toàn diện năng lực, phẩm chất người học, đúng với tinh thần của chương trình giáo dục phổ thông mới.
Ngoài ra, các tiêu chí như tính khoa học, tính cơ bản, tính thiết thực, mức độ phù hợp với đặc điểm kinh tế, xã hội địa phương cũng như điều kiện tổ chức dạy và học tại nhà trường đều được Hội đồng cân nhắc kỹ lưỡng. Đây là bước đi quan trọng, góp phần khẳng định vai trò chủ động của cơ sở giáo dục trong công cuộc đổi mới giáo dục toàn diện.
Quy trình lựa chọn sách giáo khoa minh bạch, công bằng
Theo Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Mai Hắc Đế (Hà Nội), toàn bộ quá trình lựa chọn sách giáo khoa được nhà trường thực hiện qua 6 bước cụ thể, với tinh thần trách nhiệm cao, lấy học sinh làm trung tâm và đảm bảo tính khách quan, minh bạch.
Ngay từ đầu năm học, Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa của nhà trường được thành lập, bao gồm đầy đủ thành phần theo quy định, đại diện cho các tổ chuyên môn và các lực lượng giáo dục trong nhà trường. Sau đó, Hội đồng đã nhanh chóng xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể, phân công nhiệm vụ rõ ràng, tạo tiền đề thuận lợi cho các bước triển khai tiếp theo.
Ngoài ra, các tổ chuyên môn cũng đóng vai trò then chốt trong toàn bộ quá trình. Trên cơ sở kế hoạch chung của Hội đồng, từng tổ đã chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức lựa chọn sách giáo khoa phù hợp với đặc thù bộ môn, đặc điểm học sinh cũng như điều kiện dạy học tại nhà trường. Quá trình lựa chọn được tiến hành kỹ lưỡng, dân chủ, có tham khảo ý kiến của các giáo viên trực tiếp giảng dạy, họ là những người hiểu rõ nhất nội dung sách, phương pháp tiếp cận và tính khả thi khi đưa vào giảng dạy thực tế.
Sau khi hoàn tất lựa chọn, các tổ chuyên môn thực hiện báo cáo kết quả và đề xuất danh mục sách lên Hội đồng. Hội đồng tổ chức họp đánh giá, thảo luận công khai, đối chiếu với các tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa của từng môn học và tiến hành tổng hợp, lập báo cáo chính thức gửi về Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội.
Toàn bộ quy trình được nhà trường thực hiện nghiêm túc, công khai, minh bạch, thể hiện sự cầu thị và trách nhiệm trong việc lựa chọn tài liệu giảng dạy chính thức. Đây không chỉ là bước đi quan trọng trong quá trình đổi mới giáo dục mà còn là minh chứng cho tinh thần dân chủ, đặt quyền lợi của người học lên hàng đầu, đúng với định hướng “lấy học sinh làm trung tâm” trong chương trình giáo dục phổ thông mới.

Căn cứ Điều 2 Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT, chương trình giáo dục phổ thông 2018 được thực hiện từ năm học 2022-2023 đối với khối lớp 10. Theo cô Nụ, việc áp dụng mô hình “Một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa” cũng đánh dấu sự thay đổi lớn trong cách thức lựa chọn sách giáo khoa.
Việc được lựa chọn sách giáo khoa một cách chủ động, kỹ lưỡng và có cơ sở như vậy đã và đang góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường, đồng thời phát huy tối đa vai trò của đội ngũ giáo viên trong công cuộc đổi mới giáo dục hiện nay.
Mặt khác, việc trao quyền cho giáo viên trong lựa chọn sách giáo khoa không chỉ thể hiện sự ghi nhận năng lực chuyên môn mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng dạy và học. Là người trực tiếp đứng lớp, giáo viên là người hiểu rõ nhất đặc điểm học sinh, điều kiện thực tiễn tại cơ sở giáo dục cũng như các yêu cầu đổi mới trong phương pháp giảng dạy.
Khi được chủ động lựa chọn những bộ sách phù hợp với đặc thù môn học và nhu cầu người học, giáo viên không chỉ tăng thêm động lực và tinh thần trách nhiệm mà còn có cơ hội phát huy tính sáng tạo trong quá trình tổ chức hoạt động học tập. Điều này giúp nâng cao khả năng tiếp nhận kiến thức của học sinh, đồng thời góp phần phát triển toàn diện cả về năng lực lẫn phẩm chất.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng đánh giá, trong thời gian qua, với sự quyết tâm rất lớn, tinh thần trách nhiệm, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao, các chủ thể tham gia như cán bộ quản lý, thầy cô giáo, nhà xuất bản…đã hoàn thành tốt công tác xã hội hóa biên soạn SGK – một nhiệm vụ mới, khó khăn, phức tạp, nhạy cảm. Công tác xã hội hóa biên soạn SGK đã đạt được kết quả đáng ghi nhận trong đó phải kể đến những hiệu quả cả về mặt chuyên môn, hiệu quả về kinh tế và hiệu quả xã hội, nhận được sự đồng tình rất cao. Đặc biệt xã hội hóa biên soạn SGK giúp nâng cao nhận thức về công tác biên soạn SGK, không chỉ trong ngành Giáo dục, mà còn cho toàn xã hội. [1]
Tài liệu tham khảo:
[1] https://giaoducthoidai.vn/danh-gia-trien-khai-xa-hoi-hoa-bien-soan-sach-giao-khoa-giai-doan-2018-2024-post711876.html