Một số giám khảo đã có những chia sẻ ban đầu về tình hình làm bài thi của thí sinh qua những ngày chấm thi vừa qua.
Ảnh minh họa: P.L/ giaoduc.net.vn |
Thứ nhất, câu 1 (3 điểm), hầu hết học sinh đều làm đúng phần a: Chỉ ra ít nhất hai lợi ích của việc để những suy nghĩ cất lên thành lời từ ngữ liệu đọc hiểu là một bức thư được gửi từ cô giáo của em.
Trong số các bài giáo viên tham gia chấm, giáo viên đưa ra đánh giá có khoảng 70% thí sinh làm đúng phần b: Tìm một thành phần biệt lập trong đoạn thơ (Gửi mẹ) của nhà thơ Lưu Quang Vũ. Khoảng 15% làm được 1/2 yêu cầu và khoảng 15% trả lời sai câu hỏi này.
Nhiều thí sinh làm được trên 2/3 yêu cầu của phần c: Lời chia sẻ của bác sĩ Đặng Thùy Trâm giúp em hiểu gì về tuổi trẻ Việt Nam trong những năm tháng chiến tranh.
Đa số thí sinh làm được trên 2/3 yêu cầu phần d: Em có thích cách suy nghĩ của triết gia nhỏ xinh Bao Nakashima: Tớ không trở thành ai khác/ Không ai khác có thể trở thành tớ.
Thứ hai, câu 2 (3 điểm), nhiều thí sinh bị mất điểm ở câu này vì mắc lỗi về hình thức và nội dung như sau:
1) Về hình thức: Còn tình trạng thí sinh viết không đầy đủ bố cục (thiếu mở bài hoặc kết bài); viết đoạn văn (thay vì bài văn); viết quá ngắn (không đủ dung lượng 500 chữ). Một số thí sinh viết chữ quá xấu, rất khó đọc hoặc tẩy xóa nhiều làm bẩn bài thi.
2) Về nội dung: Vẫn còn thí sinh sa vào phân tích bài thơ Từng ngày ba mẹ thở theo con (Lê Minh Quốc) chứ không phải làm bài theo yêu cầu: Nếu những suy nghĩ tốt đẹp không được cất lên thành lời...
Đề thi tuyển sinh 10 môn Ngữ văn - Thành phố Hồ Chí Minh. |
Một số thí sinh làm lạc đề khi viết về trải nghiệm cuộc sống. Thậm chí một số em viết lạc sang chủ đề khác, không ăn nhập gì với yêu cầu: Nếu những suy nghĩ tốt đẹp không được cất lên thành lời...
Nhiều thí sinh thiếu kĩ năng làm bài nghị luận nên mắc một số lỗi như: Giải thích vấn đề cần nghị luận sơ sài. Thay vì đặt vấn đề: Nếu những suy nghĩ tốt đẹp không được cất lên thành lời... thì nhiều em viết ngược lại: vì sao những suy nghĩ tốt đẹp phải được cất lên thành lời.
Ngoài ra, nhiều thí sinh thiếu mở rộng vấn đề để bàn luận. Đưa dẫn chứng nhưng không phân tích dẫn chứng; dẫn chứng không liên quan đến vấn đề cần nghị luận. Hoặc thiếu bài học nhận thức và hành động.
Nhìn chung, đa số thí sinh đạt từ 1,5 điểm đến 2,25 điểm/3 điểm của câu này. Thí sinh viết khá, giỏi chiếm số lượng ít.
Thứ ba, câu 3 (4 điểm), nhiều thí sinh chọn đề 1: Viết bài văn nghị luận về một khổ thơ hoặc đoạn thơ khiến em suy nghĩ về tình yêu nước của con người Việt Nam và muốn cất lên những lời ngợi ca tình yêu ấy. Từ đó cho biết tác động của khổ thơ hoặc đoạn thơ đối với em.
Nhiều thí sinh chọn được khổ thơ, đoạn thơ có liên quan đến tình yêu nước để phân tích theo quan điểm của cá nhân.
Một số thí sinh chọn truyện ngắn vẫn được giám khảo chấp nhận theo sự thống nhất của hội đồng. Đó là chấm điểm phần bố cục; chính tả, ngữ pháp và kĩ năng.
Mặc dù đây là câu hỏi mở, thí sinh có quyền chọn tác phẩm ngoài sách giáo khoa nhưng chất lượng bài thi vẫn chưa tốt như nhiều giáo viên kì vọng.
Đó là, thí sinh phân tích sơ sài ở cả hai phương diện nội dung (chủ đề, các biểu hiện của chủ đề, nét độc đáo của chủ đề) và nghệ thuật (chủ thể trữ tình, thể thơ, vần, nhịp, biện pháp tu từ...)
Nhiều thí sinh làm sơ sài (hoặc không làm) ý phụ: tác động của khổ thơ hoặc đoạn thơ đối với bản thân. Đối với những bài làm như thế này chỉ đạt mức từ 2,0 điểm đến 2,25 điểm/4 điểm.
Một số thí sinh chọn đề 2: Viết bài nghị luận trình bày suy nghĩ về tình cảm gia đình trong một tác phẩm hoặc đoạn trích. Qua đó chia sẻ đôi điều về cách bản thân "trò chuyện và thấu hiểu" (cách đọc) tác phẩm hoặc đoạn trích ấy.
Một vài thí sinh chọn tác phẩm "Chiếc lược ngà" (Nguyễn Quang Sáng) nhưng bài làm chỉ tóm tắt lại câu chuyện. Thí sinh không chia sẻ được cách bản thân "trò chuyện và thấu hiểu" (cách đọc) tác phẩm nên bị điểm thấp ở câu này.
Ở câu 3, điểm bài thi của thí sinh dao động từ 2 điểm đến 3 điểm. Ít bài viết tốt (trên 3 điểm) do kĩ năng phân tích đề, lập dàn ý và triển khai vấn đề nghị luận chưa đạt yêu cầu.
Điều ghi nhận, cho dù câu 2, câu 3 của đề thi có độ mở rất cao nhưng điểm chấm giữa hai giám khảo đều có độ lệch trong phạm vi cho phép (dưới 1 điểm). Giám khảo sẽ cân nhắc lấy điểm cao nhất của hai lần chấm hoặc chia đôi số điểm lấy trung bình.
Một số giám khảo cho biết, qua những ngày chấm thi vừa qua, điểm bài thi môn Ngữ văn dao động từ 6 điểm đến 7 điểm, điểm trên 8 không nhiều, đã có một số bài 9 điểm.
Nhiều giám khảo dự đoán phổ điểm môn Ngữ văn của Kì thi thi tuyển sinh 10 năm 2023 ở Thành phố Hồ Chí Minh dao động từ 6 điểm đến 6,5 điểm và khả năng điểm bài thi năm nay không cao như năm ngoái.
Dự kiến, kết quả thi sẽ được Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh công bố vào ngày 20/6/2023.