Thiếu tướng, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học, Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Thế Hoàng - Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 vừa được bầu làm viện sĩ của Viện Hàn lâm Khoa học Thế giới (The World Academy of Sciences - TWAS). Theo đó, từ ngày 01/01/2025, vị giáo sư chính thức là viện sĩ của TWAS vì sự tiến bộ khoa học ở các nước đang phát triển.
Theo vị giáo sư, phần lớn người Việt Nam được TWAS vinh danh làm việc trong lĩnh vực toán học. Riêng với ngành y, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Phan là người đầu tiên được TWAS vinh danh vào những năm 90; đến nay, Giáo sư Nguyễn Thế Hoàng là người thứ hai của ngành y được vinh danh.
Thiếu tướng, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học, Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Thế Hoàng (sinh năm 1965, quê Hà Tĩnh), hiện là chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực chấn thương chỉnh hình và vi phẫu.
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thiếu tướng, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học, Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Thế Hoàng bày tỏ: “Tôi rất vui và tự hào, đồng thời cũng cảm thấy mình có một chút may mắn khi được ghi nhận. Lúc này, tôi nghĩ nhiều hơn về những người thầy của mình. Các thầy là những người đã đóng góp những viên gạch, tạo nền móng vững chắc để sau này chúng tôi được may mắn đi trên con đường đó.
Đặc biệt, ngày hôm nay, tôi có được vinh dự này cũng là nhờ sự tin tưởng, ủng hộ từ người bệnh. Nếu không có bệnh nhân, thì không có công trình nghiên cứu. Nếu như không có công trình nghiên cứu, thì cá nhân tôi cũng không có được vinh dự này.
Tôi nghĩ rằng, Việt Nam có rất nhiều nhà khoa học có những đóng góp to lớn và thầm lặng hơn tôi. Những đóng góp, cống hiến của những người thầy, người bạn, của các nhà khoa học ở các chuyên ngành thậm chí còn to lớn hơn tôi rất nhiều. Họ là những con người đóng góp thầm lặng để đưa đất nước Việt Nam ngày càng phát triển. Đó là điều rất đáng trân trọng”.
Vinh dự được bầu làm viện sĩ của Viện Hàn lâm Khoa học Thế giới là thành quả của hơn 100 công trình nghiên cứu được công bố trên các tạp chí khoa học trong nước và quốc tế, với sự nỗ lực, miệt mài nghiên cứu của vị giáo sư trong khoảng thời gian dài. Góp phần tạo nên thành công ấy cũng không thể thiếu sự giúp đỡ, hỗ trợ của những người thầy, những nhà khoa học trong và ngoài nước.
Chia sẻ về yếu tố quan trọng trong công tác nghiên cứu khoa học, Giáo sư Nguyễn Thế Hoàng cho rằng, đề cao “liêm chính khoa học” luôn là tiêu chí hàng đầu mà các nhà khoa học cần lưu tâm.
Các công trình nghiên cứu của vị giáo sư tập trung chủ yếu vào lĩnh vực tân tạo tuần hoàn và nuôi cấy tế bào, đây là những công trình thầy đã miệt mài nghiên cứu suốt hơn 30 năm qua.
Bên cạnh đó, Giáo sư Nguyễn Thế Hoàng còn có các công trình khoa học về dịch chuyển các vạt tổ chức tự do ứng dụng vi phẫu thuật, điều trị các dị tật bẩm sinh chi thể phức tạp và ghép tạng,... hiện vẫn đang tiếp tục được triển khai nghiên cứu.
Qua nhiều năm công tác, vị giáo sư đã có rất nhiều công trình nghiên cứu, với các ca bệnh hiểm hóc để lại cho thầy nhiều ấn tượng, nhiều kỷ niệm đẹp, nhưng cũng không thiếu sự đau xót. Nỗi niềm lớn nhất đối với vị thầy thuốc chính là nhìn bệnh nhân ra đi trước mắt mà không thể cứu chữa vì quá nặng, quá đặc biệt. Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Thế Hoàng bày tỏ: “Đó là ấn tượng vô cùng đau xót và in đậm trong tâm trí tôi cùng các đồng nghiệp, cho đến tận bây giờ”.
Mỗi một ca mổ, công trình nghiên cứu hay những cuộc gặp gỡ trong hành trình nhiều năm công tác và nghiên cứu khoa học đều đã để lại cho thầy những kỷ niệm đẹp khó thể nào quên.
Năm 2008, Giáo sư Nguyễn Thế Hoàng được biết đến là 1 trong 5 phẫu thuật viên tham gia thực hiện ca mổ ghép cả 2 cánh tay đầu tiên trên thế giới tại thành phố Munich, Cộng hòa liên bang Đức. Sau thành công của ca mổ, thầy Hoàng cùng nhóm phẫu thuật viên được trao giải thưởng thành tựu khoa học Karl Max Von Bauerfeind của Đại học Tổng hợp Munich, Cộng hòa liên bang Đức.
Cũng trong năm 2008, sau khi bảo vệ luận án tiến sĩ khoa học ở Đức, thầy Hoàng trở về Việt Nam và được các lãnh đạo Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đề xuất, gợi ý bệnh viện nên thực hiện những ca mổ tương tự.
Giai đoạn đầu, việc áp dụng kỹ thuật ghép chi thể tại bệnh viện còn gặp nhiều khó khăn do các vấn đề về quan niệm. Đến năm 2014, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 có đề tài lớn về ghép tạng (ghép tim, phổi, giác mạc, chi thể,...), chính đề tài đó đã mở ra sự phát triển mạnh mẽ của bệnh viện về lĩnh vực này.
Vị giáo sư nhớ lại: “Năm 2016, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 trên bản đồ ghép tạng của cả nước vẫn là “con số 0”. Ca ghép tạng đầu tiên của chúng tôi là ghép thận, với sự hỗ trợ của các chuyên gia đến từ Đức. Sau đó, với nền tảng về khoa học, đội ngũ, trang thiết bị, bệnh viện đã phát triển rất nhanh và bắt đầu có thêm những ca ghép gan, phổi,...
Ca ghép chi thể đầu tiên được thực hiện tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 vào năm 2020. Sự kiện này đã đưa Việt Nam trở thành nước đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á thực hiện ghép chi thể thành công và cũng là ca ghép chi thể từ người cho còn sống đầu tiên trên thế giới”.
Theo Giáo sư Nguyễn Thế Hoàng, thời gian đầu, rất khó khăn để ứng dụng kỹ thuật ghép chi, bởi nguồn chi ghép vô cùng hiếm. Vị giáo sư đã nghiên cứu cách thức để sử dụng những phần chi thể không còn khả năng sử dụng và tân tạo tuần hoàn để ghép lại các bệnh nhân khác.
Đến nay, Giáo sư Nguyễn Thế Hoàng cùng đội ngũ các bác sĩ của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã thực hiện 4 ca ghép chi thể với 6 chi. Trong đó, có 2 ca ghép từ người cho còn sống và 2 ca ghép từ người chết não. Kết quả bước đầu của 4 ca ghép cho thấy, các bệnh nhân đều đã hồi phục tốt và có thể vận động bình thường. Đây là kết quả thực sự ấn tượng, mang tính đột phá, tạo ra triển vọng lớn về lĩnh vực ghép chi của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
Qua nhiều năm công tác chuyên môn, Giáo sư Nguyễn Thế Hoàng đã trải qua không ít khó khăn, những lần “căng não” để cứu chữa bệnh nhân. "Để thực hiện ca mổ thành công, chúng tôi đối mặt với rất nhiều áp lực, thử thách. Bởi, thông thường, người ta chỉ được chấp thuận làm những thứ mà người khác đã làm và đã thành công. Thách thức không nằm ở vấn đề kỹ thuật mà là làm sao để thực hiện được ý tưởng của mình” - Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Thế Hoàng chia sẻ.
Chia sẻ về cơ duyên đến với ngành y, vị giáo sư không ngần ngại trải lòng: “Tôi sinh ra trong một gia đình có truyền thống về y dược, ông nội tôi là lương y, bố là nguyên Giám đốc Bệnh viện Quân y 105 và mẹ là dược sĩ. Cũng chính từ “cái nôi” ấy, đã dần thắp lên ngọn lửa âm ỉ trong tôi về khát khao được trị bệnh cứu người...
Còn nhớ, ban đầu, dù chưa thực sự yêu thích, tôi vẫn nghe theo lời khuyên của bố tiếp nối truyền thống gia đình và thi vào Học viện Quân y. Đến năm học thứ 3, bắt đầu được tiếp xúc, thực tập lâm sàng, tôi mới nhìn thấy những khó khăn, phức tạp của các căn bệnh hiểm ác. Đó cũng là lúc đam mê của tôi bắt đầu hình thành.
Tôi đã gặp được những người thầy luôn hết lòng vì chuyên môn, vì bệnh nhân, chính các thầy đã truyền cho tôi ngọn lửa đam mê về nghiên cứu khoa học. Tôi luôn luôn xem các thầy như những thần tượng để noi theo”.
Năm 2008, sau khi được phong phó giáo sư tại Đại học Tổng hợp Munich, Cộng hòa liên bang Đức, thầy Hoàng được mời ở lại làm việc.
Đến năm 2012, sau khi được trao giải thưởng nghiên cứu khoa học quốc tế Friedrich Wilhelm Bessel của Quỹ Hàn lâm Khoa học Đức Alexander von Humboldt dành cho những công trình nghiên cứu đặc biệt xuất sắc, có tính đột phá khoa học, thầy Hoàng tiếp tục được mời ở lại Đức làm việc lần thứ hai.
Tuy nhiên, thầy đều đã từ chối cả hai cơ hội này và lựa chọn trở về Việt Nam để cống hiến cho nền y học nước nhà.
Chia sẻ về điều này, Giáo sư Nguyễn Thế Hoàng cho biết: “Tôi luôn nghĩ rằng, điều quan trọng nhất là tôi được đi học tập ở nước ngoài, để mang những kiến thức đó trở về phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước.
Tôi đã sống trong hoàn cảnh, điều kiện của đất nước Việt Nam, biết được những “mặt” bệnh, khó khăn ở quê hương mình, tôi cho rằng những kiến thức mà tôi học được thực sự hữu ích với người dân Việt Nam. Vì vậy, tôi từ chối tất cả các lời mời và trở về Việt Nam với khao khát được đóng góp cho đất nước.
Mỗi người có một lựa chọn, và cho đến bây giờ tôi luôn cảm thấy rằng quyết định trở về Việt Nam cống hiến của mình là vô cùng đúng đắn”.
Vị giáo sư cũng chia sẻ, giai đoạn đầu, khi áp dụng những kiến thức, kỹ thuật về vi phẫu tại Việt Nam, còn gặp rất nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị. Khắc phục những khó khăn đó, thầy Hoàng đã dành tiền học bổng để mua dụng cụ từ Đức về Việt Nam để những kiến thức, kỹ thuật đã được học được học áp dụng vào thực tế. Bởi theo vị giáo sư, nếu được học mà không có điều kiện để làm thì những kiến thức không thể áp dụng vào thực tế và biến thành kết quả.
Giáo sư Nguyễn Thế Hoàng tâm sự, trong thực tế, sẽ có những trường hợp phải đứng trước khó khăn, áp lực rất lớn, đặc biệt khi phải thuyết phục người khác tin vào một điều mới, chưa từng được thực hiện trước đó. Khi đó, không còn cách nào khác, chỉ có thể chứng minh bằng những kết quả thành công.
Bản thân là người đã trải qua những áp lực, khó khăn khi vẫn còn là một bác sĩ trẻ, giờ đây, ở cương vị của một người lãnh đạo, quản lý, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 luôn ủng hộ và tạo điều kiện cho đội ngũ y bác sĩ phát triển những kỹ thuật mới. Song, tất cả phải dựa trên cơ sở khoa học, được hội đồng khoa học thông qua, phải tuân thủ y đức.
Trăn trở về đội ngũ nghiên cứu khoa học kế tiếp, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Thế Hoàng bày tỏ: “Tôi thực sự mong muốn, thế hệ sau sẽ giỏi hơn thế hệ trước, có những công trình nghiên cứu đột phá, đóng góp cho nền y học nước nhà.
Đôi khi, trong công tác chuyên môn, nghiên cứu khoa học, tôi hay nhắc nhở và phê bình các bạn, nhưng tôi thực sự chỉ có khao khát duy nhất, đó là tạo cho các bạn động lực. Đồng thời, cũng là để nhắc nhở, khích lệ các bạn không ngừng phấn đấu.
Hiện nay, các bạn đều rất giỏi ngoại ngữ, thành thạo trong sử dụng các phương pháp kỹ thuật hiện đại. Tuy nhiên, về đam mê cháy bỏng đối với chuyên ngành, chúng tôi sẽ phải tiếp tục truyền lửa, truyền động lực cho các bạn. Bởi, nếu không đủ nhiệt huyết, không đủ sự cố gắng, nỗ lực, thì không thể thành công và có thể sẽ bị tụt hậu”.
Dự kiến, tới đây, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 sẽ hợp tác, trao đổi kinh nghiệm với Singapore, đón các bác sĩ của đất nước này sang học tập tại Việt Nam; đồng thời, có thể gửi các bác sĩ của Việt Nam sang Singapore học tập. Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Thế Hoàng nhấn mạnh, đây chính là tiền đề cho thế hệ các bác sĩ trẻ tại bệnh viện nói riêng và tại Việt Nam nói chung được học hỏi, tiếp tục phát huy thế mạnh của mình.
Với nhiều vai trò vừa là lãnh đạo quản lý, bác sĩ vừa là nhà khoa học, Thiếu tướng, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học, Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Thế Hoàng luôn phải phối hợp hài hoà giữa các nhiệm vụ. Vị giáo sư cho biết, khó khăn lớn nhất chính là quỹ thời gian để thực hiện nghiên cứu khoa học: “Nhiều khi tôi rất muốn mở rộng, phát triển nghiên cứu, nhưng thật tiếc vì quỹ thời gian còn hạn hẹp. Vì vậy, tôi luôn luôn tìm hiểu, sưu tầm, lưu trữ tài liệu, để sau này có thể chuyên tâm nghiên cứu khi đã nghỉ hưu”.
Giáo sư Nguyễn Thế Hoàng luôn là một bác sĩ tận tâm, hết lòng vì người bệnh. Không những thế, vị giáo sư còn dành nhiều tâm tư, làm thế nào để mang đến nhiều cơ hội chữa trị nhất cho người bệnh.
“Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 có nhiệm vụ đặc biệt là chăm sóc sức khỏe 24/7 cho các cán bộ, lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Trang thiết bị tại bệnh viện luôn được đầu tư đầy đủ, hiện đại, nhưng nếu được không sử dụng, thì sẽ là một sự lãng phí. Tôi mong, chúng ta có thể tận dụng tối đa hiệu quả của các thiết bị đó, sử dụng hết công suất. Bên cạnh các nhiệm vụ đó, cũng nên cân nhắc, có cơ chế để thêm nhiều người được hưởng lợi từ sự đầu tư, trang bị ấy, đặc biệt, với những trường hợp cấp cứu những ca bệnh nặng, hiếm gặp.
Đây không chỉ là vấn đề điều trị, mà còn là vấn đề phát triển khoa học, bởi, sẽ có rất nhiều “mặt” bệnh hay và khó, mà chúng ta chỉ gặp duy nhất một lần trong đời, nếu không biết tận dụng, cũng sẽ giống như cầm trong tay một khối vàng lớn mà lại đem bỏ” - vị giáo sư bày tỏ.
Ngoài ra, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cũng trăn trở, cần có chính sách hỗ trợ phù hợp để điều trị cho các bệnh nhân nghèo, mắc các căn bệnh nan y, không có đủ điều kiện chi trả.
Đã từng chứng kiến nhiều bệnh nhân vào viện cứu chữa, nhưng không có khả năng chi trả viện phí, là một bác sĩ hết lòng thương yêu bệnh nhân, thầy Hoàng luôn cố gắng phối hợp với các đơn vị đề nghị hỗ trợ cho các bệnh nhân. Cũng từ đây, nhiều bệnh nhân đã được cứu chữa, trở lại cuộc sống bình thường.
Điều đặc biệt là những đơn vị hỗ trợ chỉ có duy nhất một đề xuất là không công khai thông tin trên bất kỳ phương tiện truyền thông đại chúng nào, nghĩa cử cao đẹp này đã để lại ấn tượng vô cùng xúc động trong cuộc đời làm chuyên môn của vị giáo sư.
“Tôi có một điểm mà mọi người thường hay nói là thương bệnh nhân quá, nhưng mà cũng không thể nào khác được... Tôi thực sự nghĩ rằng, nếu không có tâm thì đừng làm ngành y, và ngược lại. Tất cả những bệnh nhân tìm đến đều đặt hết niềm tin vào chuyên môn, sự tận tâm của bác sĩ. Nếu tâm không tốt thì đừng bao giờ làm ngành y” - vị giáo sư bộc bạch.