LTS: Phản ánh thực trạng về những tiêu cực trong quản lý đất đai, Đại tá Nguyễn Huy Viện chỉ ra những nguyên nhân cơ bản, đồng thời kiến nghị cần sửa đổi Luật Đất đai để khắc phục tình trạng này.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Một trong những lĩnh vực nhức nhối nhất tồn tại hàng chục năm qua đó là thất thoát tài sản của Nhà nước diễn ra khá phổ biến, với khối lượng khổng lồ trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng, mua bán, chuyển nhượng đất công.
Một trong những điển hình đó là vào năm 2008, khi tỉnh Hà Tây sáp nhập về Thành phố Hà Nội, chỉ trong một thời gian rất ngắn, hàng trăm dự án xây dựng khu đô thị trên địa bàn Thành phố Hà Đông (nay là quận Hà Đông) và các huyện của tỉnh Hà Tây cũ tiếp giáp với Hà Nội được ký ào ạt trong một thời gian ngắn, với giá đất rẻ mạt làm dư luận xôn xao.
Thanh tra Chính phủ vào cuộc nhưng mọi chuyện đều được lý giải “êm thấm” và dư luận đành bất lực.
Không riêng gì Hà Đông trước khi sáp nhập về Hà Nội, hàng chục năm qua, trên phạm vi cả nước đâu đâu dư luận cũng âm ỉ, râm ran về các dự án xây dựng khu đô thị; chuyển nhượng đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Mới đây, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã chỉ đạo thanh tra việc quản lý, sử dụng đất nông nghiệp trên địa bàn huyện Phú Quốc. (Ảnh minh họa: TTXVN) |
Bản chất, nguồn gốc của vấn đề là được những người có thẩm quyền “ưu ái”, nhà đầu tư mua đất nông nghiệp, đất công với giá đất rẻ như bèo rồi làm nhà ở bán cho khách hàng với giá đắt như vàng; hoặc là lợi dụng chủ trương giao đất, giao rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất… nhiều quan chức đã thâu tóm đất đai của Nhà nước.
Đằng sau sự “mua”, “bán”, “chuyển đổi” này là vô số những khuất tất. Thực trạng này dẫn đến hai hiện tượng xã hội nổi bật ở Việt Nam trong nhiều năm trở lại đây là:
Hiện tượng thứ nhất: Ở nước ta, hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản đều trở nên giàu có nhanh chóng; và hầu hết triệu phú, tỷ phú USD của Việt Nam đều là những người kinh doanh bất động sản.
Đây sẽ là điều phấn khởi và là niềm tự hào cho dân tộc nếu đó là những doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Nhưng nếu doanh nghiệp làm giàu bằng cách chui cửa trước, luồn cửa sau; núp bóng quan chức, cơ quan quan công quyền để làm giàu thì đó là thảm hoạ cho dân tộc, kéo lùi đất nước về với thời kỳ “Chủ nghĩa tư bản hoang dã” đầy máu và nước mắt mà nhân loại đã trải qua cách đây hàng trăm năm.
Ngư dân sẽ ra sao nếu dự án của FLC chiếm hết bờ biển? |
Hiện tượng thứ hai: Đất đai là lĩnh vực rối ren bị khiếu kiện nhiều nhất và cũng là nguyên nhân người dân biểu tình phản đối nhiều nhất.
Theo số liệu của Thanh tra Chính phủ, lĩnh vực đất đai, nhà ở luôn chiếm tỷ lệ cao nhất trong các vụ khiếu kiện. Cụ thể năm 2011: 82%; năm 2012: 89%; năm 2013: 60,9%, năm 2016: 70% (1).
Còn theo Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong 6 tháng đầu năm 2017, Thanh tra Bộ đã nhận 1.539 lượt đơn khiếu nại, trong đó, lĩnh vực đất đai vẫn chiếm số lượng nhiều nhất, với tỷ lệ 95,26% (2).
Gần đây nhất, dư luận đang nóng lên bởi các vụ bán đất công sản rẻ như cho ở Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh.
Hàng loạt vụ bán đất công ở Đà Nẵng diễn ra từ năm 2006 cho đến những năm gần đây, nhưng chỉ sau khi Phan Văn Anh Vũ (Vũ “Nhôm”) và hai ông Trần Văn Minh (cựu Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2006 - 2011) và ông Văn Hữu Chiến (cựu Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2011 - 2014), bị khởi tố bị can thì báo chí mới có thể đưa tin.
Năm 2006, Ủy ban nhân dân Thành phố Đà Nẵng chuyển nhượng khu đất phía Nam cuối đường Phạm Văn Đồng cho ông Hoàng Hải và bà Trung Thị Lâm Ngọc với tổng giá trị hợp đồng 84 tỷ đồng.
Năm 2008, ông Hải và bà Ngọc không triển khai dự án, ủy quyền cho Vũ "nhôm" chuyển nhượng cho ông Phạm Đăng Quan với giá 581,526 tỷ đồng (thu chênh lệch 495,374 tỷ đồng)…
Dư luận cho rằng thực chất ông Hải và bà Ngọc chỉ là người đứng tên chuyển nhượng giùm cho Vũ "nhôm", bởi lẽ thời kỳ đó, chỉ có Vũ "nhôm" mới đủ tầm thu tóm đất đai ở Đà Nẵng (3).
Trong khi đó, theo kết luận của Thanh tra Chính phủ vào đầu năm 2013, khu đất 29 ha dự án sân golf Đa Phước thuộc dự án khu đô thị quốc tế Đa Phước (còn gọi là dự án "Vành trăng khuyết") giao cho Công ty Cổ phần 79 (của Vũ "nhôm") thấp hơn giá quy định, làm lợi cho Vũ "nhôm" 570,826 tỷ đồng (4).
Trên đây chỉ là những ví dụ trong vô số vụ cấu kết của nhiều quan chức chính quyền với doanh nghiệp bòn rút tài sản Nhà nước thông qua chuyển nhượng đất công khuất tất trong hàng chục năm trở lại đây ở Thành phố Đà Nẵng.
FLC xin hàng nghìn héc-ta ở Quảng Ngãi để làm dự án thật hay giữ đất? |
Gần đây vào tháng 6/2017, vụ chuyển nhượng quyền sử dụng hơn 30 ha đất công do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận (100% vốn thuộc Văn phòng Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh) quản lý cho Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai (Khu đất này nằm trên địa bàn xã Phước Kiến, huyện Nhà Bè, Thành phố Hồ Chí Minh) lại làm nóng dư luận bởi giá rẻ đến bất thường.
Theo giá thị trường, mỗi m2 của khu đất này có giá trên 8 triệu đồng, tổng giá hơn 30 ha sẽ trên 2.400 tỷ đồng, nhưng Công ty Tân Thuận bán cho công ty Quốc Cường Gia Lai chỉ với giá 1.290.000 đồng/m2 (theo Hợp đồng Chuyển nhượng số 203/HĐKT/2017, ký ngày 5/6/2017).
Sau thương vụ này, Công ty Tân Thuận chỉ thu về ngân sách nhà nước tổng số tiền hơn 419 tỷ đồng (5).
Trước phản ứng sôi sục của dư luận về phi vụ mua bán đất công bất thường này, Thường trực và Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận đàm phán với đối tác để hủy hợp đồng (6).
Thực trạng lợi dụng chuyển đổi mục đích sử dụng, mua bán, chuyển nhượng đất để bòn rút tài sản quốc gia, kéo dài mấy chục năm qua nhưng vẫn chưa được khắc phục.
Nếu các cơ quan chức năng tổ chức điều tra một cách nghiêm túc, khách quan số tiền thất thoát này rất có thể lên tới mấy trăm nghìn tỷ đồng.
Nguyên nhân của thực trạng trên đây có nhiều nhưng có bốn nguyên nhân cơ bản sau đây:
Thứ nhất: Quy định của các văn bản pháp luật, trước hết là Luật Đất đai còn nhiều bất cập, nhất là những vấn đề sở hữu, quản lý, chuyển đổi mục đích sử dụng, mua bán, chuyển nhượng đất thiếu chặt chẽ, còn nhiều lỗ hổng để những kẻ trục lợi lợi dụng bòn rút tài sản Nhà nước.
Thứ hai: Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài Chính và các bộ ngành chức năng thiếu tích cực, chủ động trong việc tham mưu cho Quốc hội, Chính phủ sửa đổi Luật Đất đai, các văn bản pháp luật và các văn bản dưới luật liên quan đến quản lý, chuyển đổi mục đích sử dụng, mua bán, chuyển nhượng đất.
Thứ ba: Nhiều tổ chức, cá nhân được giao quyền quản lý, sử dụng đất; quyền quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng, mua bán, chuyển nhượng đất đã lợi dụng quyền thi hành công vụ, lợi dụng sơ hở của văn bản pháp luật, thậm chí cố tình vi phạm pháp luật cấu kết với doanh nghiệp để trục lợi.
Thứ tư: Việc thanh tra, kiểm tra trong quản lý, chuyển đổi mục đích sử dụng, chuyển nhượng đất hoặc chỉ là hình thức, hoặc là cả người đi “thanh” và kẻ bị “tra” hầu hết đều tìm được “tiếng nói chung” để đối phó với dư luận.
Thậm chí sau khi Thanh tra Chính phủ có kết luận sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai, thu chi tài chính liên quan đến đất đai và Thủ tướng chỉ đạo xử lý nhưng rồi vẫn bị tảng lờ như ở Đà Nẵng năm 2013.
Để khắc phục tình trạng bát nháo trong lĩnh vực đất đai thì vấn đề có tính quyết định là phải sửa đổi Luật Đất đai phù hợp với cơ chế kinh tế thị trường.
Nếu việc ban hành Luật Đất đai không bám vào bản chất và sự vận hành của các quy luật kinh tế thị trường thì sẽ không bao giờ giải quyết được những rối ren, tiêu cực trong đề quản lý, sử dụng, mua bán, chuyển nhượng đất.
Hiện nay, dư luận đang hết sức quan tâm tới việc Tập đoàn FLC xin tới gần 4 nghìn héc-ta đất làm dự án tại Quảng Ngãi. Riêng giai đoạn 1, FLC quảng cáo dự án lấy 1.243 héc-ta. Điều đáng nói là ngay ở Hà Nội thì FLC còn đang nợ hơn 700 tỷ đồng tiền đấu giá khu đất ĐM1 tại quận Nam Từ Liêm. Đã 8 tháng trôi qua, FLC chưa nộp số tiền này vào ngân sách thành phố. Còn tại dự án Khu công nghiệp Hoàng Long (Thanh Hóa), hàng trăm hộ dân đang kêu trời vì sự chậm chạp đền bù tiền giải phóng mặt bằng cho người dân. Dư luận đặt ra câu hỏi: FLC xin hàng nghìn héc-ta ở Quảng Ngãi để làm dự án thật hay giữ đất? |
Tài liệu tham khảo:
(1).http://phapluatxahoi.vn/phan-lon-khieu-nai-to-cao-lien-quan-den-quan-ly-dat-dai-106862.html
(2).https://tuoitre.vn/khieu-nai-trong-linh-vuc-dat-dai-chiem-hon-95-1361299.htm
(3),(4).https://nld.com.vn/thoi-su/mua-re-nhu-cho-vu-nhom-om-ngan-ti-20180418220021713.htm