Câu chuyện Bộ Giáo dục và Đào tạo không công khai điểm số, đáp án trong kì thi học sinh giỏi quốc gia năm nay đang được phản ánh khá nhiều trong những ngày qua và có nhiều ý kiến từ đội ngũ nhà giáo ở các nhà trường.
Nói thật, khi nhìn danh sách Bộ công bố giải mà cột điểm số bị để trắng khiến cho những người đọc những thông tin này không khỏi thắc mắc. Nếu Bộ không muốn cho các địa phương nhà trường biết điểm thi mà chỉ công bố giải thì hà cớ gì lại thiết kế ra “cột điểm” rồi để trống không?
Cấp Bộ mà còn như vậy nên cấp sở, cấp phòng giáo dục cũng không tránh khỏi những điều bí mật trong việc ra đề, tổ chức các kỳ thi, thậm chí là những đề kiểm tra cuối học kỳ.
Đội ngũ nhà giáo có quyền đặt câu hỏi, thắc mắc về những ẩn số này, họ lên tiếng là lẽ hiển nhiên bởi đó là điều mà giáo viên cần biết, cần được thông tin nhằm đảm bảo quyền lợi cho học trò của mình.
Bộ chỉ công bố giải nhưng không công bố điểm trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia (Ảnh minh họa: Báo Vietnamnet) |
Những kì thi học sinh giỏi vẫn luôn có những điều bí mật
Hiện nay, học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông có 2 kỳ thi lớn là thi tuyển sinh 10 và thi tốt nghiệp trung học phổ thông vào thời điểm cuối năm học.
Ngoài 2 kì thi này ra, có các kì thi học sinh giỏi văn hóa như: thi học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh (đối với học sinh lớp 9); thi học sinh giỏi cấp tỉnh, học sinh giỏi quốc gia (đối với học sinh lớp 12).
Trong các kì thi này, phần nhiều các kỳ thi ở cấp sở, phòng tổ chức chỉ công bố điểm, công bố giải. Đối với ma trận, đáp án đề thi gần như rất ít khi được công bố và nếu có công bố thì phải rất lâu sau kỳ thi mới được gửi qua mail nội bộ của các nhà trường để cho nó không còn “tính thời sự” nữa.
Kỳ thi cấp Bộ tổ chức như thi tốt nghiệp trung học phổ thông thì Bộ cũng chỉ công bố đề, đáp án. Thi học sinh giỏi quốc gia thì đáp án không công bố, thậm chí điểm thi của học sinh cũng được giữ kín.
Chính vì thế, giáo viên dạy, ôn thi không biết được đáp án môn mà mình đang được phân công hướng dẫn cho học trò như thế nào. Học sinh thì chắc cũng sẽ thắc mắc khi các em ôn thi nhiều tháng, thậm chí nhiều năm trời mà không biết điểm mình đạt được là bao nhiêu.
Những câu nào mình làm đúng, câu nào làm sai thì học trò cũng không hề hay biết. Tất cả chỉ đoán mò.
Trong khi, kỳ thi học sinh giỏi dù cấp nào tổ chức cũng tốn kém và tất nhiên là công sức giảng dạy, ôn thi của các nhà trường mà đặc biệt là giáo viên hướng dẫn và những học sinh tham gia đội tuyển cho kì thi này là rất nhiều và gian nan.
Nếu được các cấp công bố đáp án, thầy và trò sẽ biết mình hạn chế chỗ nào để khắc phục và tất nhiên là khi Bộ công bố điểm thi ở kì thi học sinh giỏi quốc gia thì dư luận cũng biết được chất lượng thực của kỳ thi này ra sao. Học sinh địa phương nào đạt điểm cao?
Điểm để đạt giải Nhất trong kì thi quốc gia là bao nhiêu, điểm Khuyến khích nằm ở ngưỡng nào để đội ngũ nhà giáo biết và định hướng cho những năm tiếp theo vì năm nào Bộ cũng tổ chức thi.
Thế nhưng, Bộ giữ bí mật về điểm số và dĩ nhiên là tính minh bạch trong kỳ thi này bị dư luận nghi ngờ là đều tất yếu. Không nghi ngờ sao được khi đội ngũ nhà giáo đã bỏ biết bao công sức, tâm huyết cho học trò của mình và họ bất lực không tìm thấy đáp án kỳ thi đó như thế nào.
Đáp án của Bộ không được công khai nên đáp án kỳ thi học sinh giỏi của cấp sở, cấp phòng cũng thường nằm trong vòng bí mật, mà có công bố thì cũng rất hiếm khi công bố ngay sau kỳ thi để các trường tường tận.
Trong khi, đề thi, đáp án thi, điểm số thì đâu còn là danh mục bảo mật khi mọi việc đã hoàn thiện và công bố kết quả đến học trò.
Giáo viên cần biết chất lượng của những đề thi, đề kiểm tra của lãnh đạo mình
Là giáo viên dạy học sinh cuối cấp nên hàng chục năm nay, chúng tôi thường chấm đề kiểm tra của sở giáo dục và ôn thi học sinh giỏi cuối cấp.
Điều mà chúng tôi nhận thấy là không có đề kiểm tra nào sở ra mà gửi về cơ sở một cách trọn vẹn, đầy đủ 1 đề kiểm tra theo quy định. Bộ phận chuyên viên ở phòng giáo dục trung học của các sở chỉ gửi về đề kiểm tra và đáp án mà thôi.
Nhưng, theo quy định hiện nay mà Bộ triển khai đến giáo viên thì một đề kiểm tra phải đầy đủ các phần. Ngoài đề kiểm tra hoặc đề thi và hướng dẫn chấm (đáp án) thì các đề phải liệt kê kiến thức và thiết lập ma trận đề.
Phần ma trận, người ra đề phải định hướng những đơn vị kiến thức trong đề bài theo cấu trúc, tỉ lệ phần trăm của phần nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp, vận dụng cao theo tỉ lệ 4-3-2-1.
Trong khi đó, mỗi khi lãnh đạo phòng, sở, hội đồng bộ môn về thanh tra, kiểm tra chuyên môn ở các nhà trường - nhất là trong thời điểm kiểm tra học kỳ thì lãnh đạo ngành soi từng dòng, dò từng chữ, chia tỉ lệ để xem giáo viên ra đề có đúng với chỉ đạo không, có đúng với ma trận không.
Nếu không đúng thì tất nhiên nhà trường, tổ chuyên môn đó bị phê bình, ghi vào biên bản rất nặng nề.
Vậy nhưng, đề của sở, của Bộ (nếu công bố) thì cũng chỉ công bố đề và đáp án, còn phần ma trận như thế nào thì không bao giờ cho giáo viên biết mà không biết thì làm sao có thể biết được chất lượng của đề đó như thế nào? Bởi, ma trận - đề bài - đáp án có một mối quan hệ chặt chẽ, theo trình tự logic với nhau, phần này mà sai thì làm sao phần khác đúng được.
Vì thế, giáo viên muốn biết đội ngũ chuyên viên hoặc những chuyên gia, giáo viên cốt cán của mình ra đề như thế nào. Những đề kiểm tra, đề thi đó có thực sự mẫu mực không để họ học hỏi, tham khảo.
Nhưng, lãnh đạo ngành có công bố đâu mà giáo viên biết. Nhưng, vì sao lãnh đạo ngành không công bố thì làm sao mà giáo viên biết. Cũng chỉ vì không biết nên giáo viên nghi ngờ cũng là điều dễ hiểu.
Thiết nghĩ, lãnh đạo các cấp của ngành giáo dục khi đã đứng ra tổ chức bất kỳ kỳ thi các môn văn hóa thì nên công bố đầy đủ ma trận - đề bài - đáp án một cách cụ thể, kể các các đề minh họa trước kỳ thi.
Đặc biệt là điểm thi phải được công bố cho học trò, cho dư luận biết. Tránh tình trạng như kì thi học sinh giỏi quốc gia khi cột “điểm số” để trắng đến ngỡ ngàng như vậy thì những câu hỏi được đặt ra từ dư luận xã hội là điều không tránh khỏi.
Đừng để những chuyện tưởng rất bình thường, nằm trong tầm tay của Bộ như chuyện công bố đáp án đề thi học sinh giỏi quốc gia nhưng mãi đến khi báo chí vào cuộc thì Bộ mới lần đầu tiên công bố đáp án kỳ thi năm nay vào chiều ngày 31/3/2022.
Tài liệu tham khảo:
https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/bat-ngo-khong-cong-bo-diem-thi-hoc-sinh-gioi-quoc-gia-bo-gd-dt-noi-gi-826070.html#inner-article
https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/bo-giao-duc-cong-bo-de-thi-va-dap-an-12-mon-cua-ky-thi-hoc-sinh-gioi-quoc-gia-post225476.gd
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.