Giáo viên tiểu học gánh nặng hai vai

19/02/2023 06:38
Đỗ Quyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nỗi vất vả, cực nhọc và nhiều áp lực vây quanh sẽ không là gì nếu giáo viên luôn nhận được sự cảm thông từ xã hội, sự chia sẻ và hợp tác từ phụ huynh của mình.

Vừa qua, Bộ Giáo dục kiến nghị xem xét tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non từ 35% lên 70%. Điều này được xem là một phần động viên với giáo viên mầm non. Tuy nhiên, ở bậc tiểu học, giáo viên cũng vất vả không kém.

Những đứa trẻ vừa qua tuổi ăn tuổi chơi đã phải vào nền nếp học tập một cách nghiêm túc (Ảnh tác giả)

Những đứa trẻ vừa qua tuổi ăn tuổi chơi đã phải vào nền nếp học tập một cách nghiêm túc (Ảnh tác giả)

Nói giáo viên mầm non vất vả, cực nhọc là điều không cần bàn cãi. Bởi, học trò còn quá nhỏ chủ yếu là đang trong giai đoạn tập ăn, tập uống, tập bò, tập đi nên các cô luôn phải chăm sóc, phải theo sát từng giây phút. Cũng may, mỗi lớp học có tới 2 giáo viên được biên chế chính thức nên cũng bớt đi phần vất vả.

Còn giáo viên tiểu học, sự vất vả, cực nhọc cũng không thua kém gì giáo viên mầm non. Các thầy cô tiểu học còn phải chịu thêm nhiều áp lực khác khi học sinh vừa qua tuổi mẫu giáo (cái tuổi chỉ ăn với chơi) đã chuyển sang việc học tập và rèn luyện theo đúng nội quy đề ra.

Giáo viên phải vừa làm mẹ trẻ con (như các cô giáo mẫu giáo mà tập trung ở khối lớp 1 và 2), vừa phải chịu áp lực lớn về chuyện học hành để đảm bảo thành tích thi đua trong các hoạt động học tập và phong trào.

Chăm lo mọi mặt cho học sinh

Phần đông, giáo viên tiểu học thường có mặt ở trường vào khoảng 6 giờ 30 phút để lo một số công việc chuẩn bị cho một ngày giảng dạy, học tập hiệu quả.

Đó là việc vệ sinh phòng học, do các em còn quá nhỏ nên chưa biết quét dọn vệ sinh, sắp xếp bàn ghế, lau chùi bảng lớp.. mà chủ yếu giáo viên chủ nhiệm sẽ đảm nhận.

Có những học sinh liên tục nhịn đói vì ăn sáng ở nhà không kịp, sợ học sinh ảnh hưởng đến nội quy ra vào lớp cũng như sức khoẻ học tập, một số thầy cô giáo còn kiêm luôn việc hỗ trợ cho các em ăn sáng đúng giờ.

Ở những trường bán trú, giáo viên còn phải đút ăn cho một số em lười ăn hoặc ăn quá chậm, dọn dẹp phòng học làm chỗ ăn uống và lau dọn phòng làm chỗ ngủ, chỗ học.

Những ngày đầu tiên của năm học mới, các cô giáo lớp 1 có thêm nhiệm vụ hướng dẫn, chỉ bày cho học sinh cách đi, cách chăm sóc cơ thể sau khi đi vệ sinh.

Không ít em lớp 1, do ở nhà ba mẹ đều làm tất cả mọi việc nên các em thiếu và yếu nhiều kỹ năng cơ bản. Có em khi có nhu cầu đi vệ sinh còn không không biết mở khoá quần hay kéo lên hoặc chưa biết lau chùi, dội nước.

Có học sinh cơ thể yếu hoặc trong những ngày bị bệnh còn nôn ói ra bàn, phun vào cả người giáo viên, rồi ngồi phóng uế ngay tại chỗ. Không ít lần, thầy cô giáo phải ngưng bài dạy để lau chùi cho các em rồi dọn dẹp lại vệ sinh, tẩy uế chỗ ngồi cũng như xịt khuẩn lớp học.

Những đứa trẻ đang ở độ tuổi hiếu động và khá nghịch ngợm nên thường xuyên tự gây thương tích cho mình và cho bạn. Để hạn chế những điều đáng tiếc xảy ra, thầy cô luôn phải theo sát các em trong mọi hoạt động.

Gánh nặng về chất lượng học tập, rèn luyện

Những đứa trẻ vừa bước ra khỏi tuổi mẫu giáo đã vội vàng phải thích nghi với việc học tập và thực hiện nội quy trường lớp nên bước đầu không dễ dàng gì. Đã thế, lớp học nào, trường học nào cũng có một số phụ huynh luôn phó thác trách nhiệm cho giáo viên, cho nhà trường nên các thầy cô càng bội phần vất vả.

Dưới áp lực chỉ tiêu hàng năm, số học sinh không thể ở lại lớp nhiều. Bởi thế, giáo viên càng phải nỗ lực hơn gấp nhiều lần.

Đa số thầy cô không sợ phải nỗ lực, chỉ sợ đã tốn bao công sức nhưng một số em vẫn không thể theo kịp chương trình. Có những học sinh, học hoài vẫn không tiến bộ. Có em cứ học trước lại quên sau, một âm vần mà học vài ngày vẫn không thể nhớ.

Thầy cô vận dụng đủ biện pháp như dạy kèm miễn phí ở nhà, ở trường, dạy kèm vào các giờ nghỉ tiết, giờ ra chơi, dạy phân hoá đặc biệt trong các tiết học… Giáo viên vẫn luôn nhắc lẫn nhau phải nhẫn nại vì nếu không kìm được sự nóng giận khi học sinh không tiếp thu bài rất dễ tạo ra sự bức xúc từ phía phụ huynh.

Cùng lúc, các thầy cô giáo phải chịu cùng lúc 2 lần áp lực về thành tích với nhà trường cũng như áp lực đến từ phía phụ huynh.

Ngoài việc chăm lo cho chất lượng giáo dục, giáo viên còn phải tham gia biết bao hoạt động khác như ngoại khóa theo chủ điểm; công tác Đội; các phong trào mũi nhọn như sân chơi trạng nguyên, vở sạch chữ đẹp; các hoạt động phong trào như kế hoạch nhỏ; nét cọ tuổi thơ; sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng, tin học trẻ không chuyên…

Học trò nhỏ nên các hoạt động phong trào đề ra chủ yếu do giáo viên đảm nhận từ A đến Z.

Ngoài ra, giáo viên phải thực hiện kế hoạch, báo cáo, các hồ sơ sổ sách, liên hệ, trao đổi phụ huynh về tình hình học tập của học sinh, thực hiện việc đánh giá nhận xét trong hồ sơ và trên các phần quản lý học sinh.

Có giáo viên phải ghi nhận xét đánh giá gần một ngàn học sinh/lần vào sổ theo dõi do mỗi môn dạy 1 tiết nên phải dạy nhiều lớp.

Các giáo viên tiểu học mỗi ngày đều phải đóng tròn nhiều vai, vừa là người thầy dạy tri thức, kỹ năng, vừa là bảo mẫu chăm lo thêm việc ăn, ngủ (với trường học bán trú), vừa là người bảo vệ để giữ an toàn cho các em lại còn kiêm luôn cả vai “người phán xử” khi liên tục có những “vụ kiện” lẫn nhau (đôi khi xử lý không khéo thì tai hoạ sẽ ập đến).

Nỗi vất vả, cực nhọc và nhiều áp lực vây quanh như thế cũng sẽ không là gì nếu giáo viên luôn nhận được sự cảm thông từ xã hội, sự chia sẻ và hợp tác từ các bậc phụ huynh của mình.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://giaoduc.net.vn/mong-de-nghi-tang-phu-cap-uu-dai-len-70-voi-gvmn-cua-bo-truong-som-duoc-xem-xet-post230857.gd

Đỗ Quyên