Năm học 2022-2023 là năm đầu tiên môn Giáo dục Kinh tế và Pháp luật được đưa vào giảng dạy ở lớp 10 theo chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Chương trình giáo dục môn Giáo dục Kinh tế và Pháp luật so với chương trình môn Giáo dục công dân được đánh giá là đã kế thừa những ưu điểm của chương trình hiện hành và có những điểm đổi mới vượt trội. Hiện giáo viên dạy môn Giáo dục Kinh tế và Pháp luật là giáo viên môn Giáo dục công dân được bồi dưỡng theo quy định.
Tích cực cập nhật, bồi dưỡng và đổi mới phương pháp dạy học, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, nhà giáo Nguyễn Khánh Ngọc – giáo viên bộ môn Giáo dục Kinh tế và Pháp luật lớp 10 - Trường Trung học phổ thông Đoàn Thị Điểm (Hà Nội), chia sẻ: “Các chủ đề môn học trong bộ môn Giáo dục Kinh tế và Pháp luật lớp 10 tương đối bao quát, mang tính kế thừa những nội dung cốt lõi của chương trình hiện hành, gần gũi hơn với đời sống thực tế. Trong tất cả các chủ đề, tôi tâm đắc với chủ đề "Tín dụng và vai trò của tín dụng trong đời sống". Bởi theo tôi, đây là nội dung có ý nghĩa thiết thực đối với mọi công dân".
Nhà giáo Nguyễn Khánh Ngọc – giáo viên bộ môn Giáo dục Kinh tế và Pháp luật lớp 10 và học sinh trong tiết học được áp dụng phương pháp dạy học đổi mới. (Ảnh: Nhân vật cung cấp). |
Trực tiếp đứng lớp giảng dạy môn Giáo dục Kinh tế và Pháp luật lớp 10, cô Ngọc đã có những so sánh cụ thể với môn Giáo dục công dân trước đây để cho thấy những ưu điểm:
Thứ nhất, theo chương trình giáo dục phổ thông mới, môn Giáo dục Kinh tế và Pháp luật thuộc nhóm môn lựa chọn (nhóm Khoa học xã hội: Lịch sử - Địa lý – Giáo dục Kinh tế và pháp luật) trong khi chương trình 2006 môn Giáo dục công dân là môn bắt buộc. Do đó, chương trình mới đáp ứng được mục tiêu hướng đến giáo dục định hướng nghề nghiệp cho học sinh sau trung học phổ thông.
Thứ hai, môn Giáo dục Kinh tế và Pháp luật đã lược bỏ những kiến thức hàn lâm bằng những kiến thức thiết thực của kinh tế và pháp luật như: mô hình sản xuất kinh doanh, pháp luật lao động…
Trong khi chương trình 2006, môn Giáo dục công dân tập trung vào những nội dung công dân với thế giới quan, đạo đức, kinh tế, chính trị- xã hội, pháp luật.
Thứ ba, mục tiêu dạy học của chương trình 2006 hướng đến kiến thức, kỹ năng, thái độ. Còn chuyển sang chương trình mới tập trung phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh. Ngoài hướng đến 5 phẩm chất và 3 năng lực chung thì môn Giáo dục Kinh tế và Pháp luật còn hướng đến phát triển năng lực đặc thù của môn học. Đó là năng lực điều chỉnh hành vi, năng lực phát triển bản thân, năng lực tìm hiểu và tham gia hoạt động kinh tế – xã hội…
“Như vậy, có thể khẳng định rằng, so với chương trình môn Giáo dục công dân của chương trình giáo dục 2006, chương trình môn Giáo dục Kinh tế và Pháp luật có nhiều điểm nổi bật về quan điểm, mục tiêu và nội dung chương trình, đáp ứng dạy học theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh. Nổi bật nhất là phát triển năng lực hiểu biết liên quan lĩnh vực kinh tế và pháp luật cho học sinh”, cô Ngọc nhận định.
Cô Ngọc chỉ ra những điểm mới đặt ra yêu cầu mới đối với giáo viên môn Giáo dục Kinh tế và Pháp luật như việc mỗi giáo viên tổ chức chuỗi hoạt động học để học sinh chủ động khám phá vấn đề kinh tế và pháp luật.
Dạy chương trình giáo dục phổ thông mới, giáo viên có thể lựa chọn, sử dụng những phương pháp và kỹ thuật dạy học như: dạy học khám phá, dạy học giải quyết vấn đề, dạy học dựa trên dự án, kĩ thuật khăn trải bàn, kĩ thuật các mảnh ghép…
Cho học sinh tham gia vào quá trình tự đánh giá vì đánh giá là học tập, là nhiệm vụ của học sinh. Tăng cường đánh giá thường xuyên trong các hoạt động học để từng bước ghi nhận sự tiến bộ của người học.
Đồng thời, tăng cường phối hợp học tập cá thể với học tập hợp tác. Đầu tư vào việc kết hợp giữa hoạt động cá nhân với hoạt động nhóm để phát huy nỗ lực của chính cá nhân trong hoạt động nhóm. Qua đó, giúp học sinh có điều kiện để hình thành, phát triển cả về năng lực tự chủ, kỹ năng giao tiếp và hợp tác cho học sinh.
Làm thế nào để thu hút, đánh giá đúng năng lực học sinh khi Giáo dục Kinh tế và Pháp luật không phải là môn bắt buộc?
Về vấn đề này, cô Ngọc chia sẻ quan điểm: “Việc cho học sinh tự chọn môn học được đánh giá là một bước tiến của chương trình mới để phù hợp với thực tế nghề nghiệp. Nếu xuất hiện các ngành nghề mới, yêu cầu xen kẽ giữa các kiến thức tự nhiên và xã hội, thì rõ ràng hướng thay đổi này đã mở ra sự lựa chọn và cơ hội cho học sinh. Các em sẽ chọn môn học theo đúng sở thích và phù hợp với yêu cầu nghề nghiệp.
Vấn đề đặt ra là liệu học sinh có đổ xô chọn một số môn và “từ chối” một số môn hay không? Theo tôi, sẽ không có tình trạng này. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có hướng dẫn cụ thể vấn đề tổ chức cho học sinh lựa chọn môn học, không xảy ra tình trạng một số môn hoặc không có học sinh hoặc quá đông học sinh, vượt quá khả năng đáp ứng của nhà trường”.
Sau một năm dạy môn Giáo dục Kinh tế và Pháp luật lớp 10, bên cạnh những ưu điểm, cô Ngọc kiến nghị các chủ đề của môn học nên xây dựng gần gũi hơn nữa với học sinh.
Nhấn mạnh công tác giáo dục định hướng nghề nghiệp cho học sinh ở môn Giáo dục Kinh tế và Pháp luật, cô Ngọc chia sẻ, đây là môn học được lựa chọn theo nguyện vọng và định hướng nghề nghiệp của học sinh.
Do đó, môn học sẽ tập trung những kiến thức về kinh tế, pháp luật phù hợp với lứa tuổi; mang tính ứng dụng, thiết thực đối với đời sống và định hướng nghề nghiệp sau trung học phổ thông của học sinh; được lồng ghép với nội dung giáo dục đạo đức và kỹ năng sống, giúp học sinh có nhận thức đúng và thực hiện nghiêm quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của công dân.
“Ở mỗi lớp 10, 11, 12, những học sinh có định hướng theo học các ngành Giáo dục chính trị, Giáo dục công dân, Kinh tế, Hành chính, Pháp luật,… hoặc có sự quan tâm, hứng thú đối với môn học sẽ được chọn học một số chuyên đề. Các chuyên đề này nhằm tăng cường kiến thức về kinh tế, pháp luật và kỹ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn, đáp ứng sở thích, nhu cầu và định hướng nghề nghiệp của học sinh”, cô Ngọc chia sẻ thêm.