Giáo viên hỏi một từ trong sách Ngữ văn 10, tôi phải nhờ sự trợ giúp của giáo sư

11/11/2022 06:40
Cao Nguyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Giáo viên dạy môn Ngữ văn 10 thắc mắc về việc sử dụng một từ trong sách Ngữ văn 10 - bộ Chân trời sáng tạo, tôi phải nhờ sự trợ giúp của các giáo sư Ngôn ngữ học.

Một giáo viên dạy môn Ngữ văn 10 - bộ Chân trời sáng tạo (Nguyễn Thành Thi - Chủ biên), Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam thắc mắc như sau:

Sách giáo khoa dẫn ví dụ bài tập tiếng Việt: Chúng tôi rất quan tâm vấn đề ô nhiễm môi trường (trang 64, tập 1) và giải thích, từ "quan tâm" không thể kết hợp trực tiếp với "vấn đề ô nhiễm môi trường" mà cần có thêm một quan hệ từ "đến" hoặc "tới".

Cách sửa: Thêm, bớt, thay thế từ ngữ cho phù hợp với khả năng kết hợp của từ. Trong câu trên, chúng ta cần thêm từ "đến" hoặc "tới" sau từ "quan tâm": Chúng tôi rất quan tâm đến vấn đề ô nhiễm môi trường.

Tuy vậy, giáo viên này không đồng tình với cách sửa theo hướng dẫn của sách giáo khoa. "Không cần thêm từ "đến" hoặc "tới" thì câu văn vẫn đúng ngữ pháp, ngữ nghĩa", giáo viên khẳng định.

Sách giáo khoa hướng dẫn giải bài tập tiếng Việt. (Ảnh: CTV)
Sách giáo khoa hướng dẫn giải bài tập tiếng Việt. (Ảnh: CTV)

Thực tế trong việc nói năng, giao tiếp hàng ngày cho thấy, vẫn tồn tại 2 cách nói (viết): 1) Chúng tôi rất quan tâm vấn đề ô nhiễm môi trường; 2) Chúng tôi rất quan tâm đến vấn đề ô nhiễm môi trường.

Vậy cách nói (viết) nào đúng? Hay chấp nhận cả hai? Giáo viên phải giải thích thế nào để học sinh hiểu?

Cá nhân người viết (giáo viên dạy môn Ngữ văn bậc trung học phổ thông) đồng tình với cách giải thích trong sách giáo khoa nhưng nhận thấy ý kiến của giáo viên cũng có thể chấp nhận được, đành nhờ sự trợ giúp của các chuyên gia Ngôn ngữ học.

Chia sẻ với người viết, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiệp - Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học nêu quan điểm như sau:

"Trong tiếng Việt, theo quy tắc tiết kiệm, có những kết hợp có/ không có giới từ đều chấp nhận được, và thường chọn cái đơn giản, ví dụ: ăn bằng đũa/ ăn đũa, mẹ của tôi/ mẹ tôi.

Đúng là "quan tâm đến/ tới X" thì chặt chẽ hơn là "quan tâm X", nhưng trong cách nói hằng ngày, đã có những cách nói không có giới từ được chấp nhận, ví dụ: Cậu quan tâm điều gì? Cái này, cậu có quan tâm không?/ Cậu quan tâm cái này không?

Dù những cách nói này chủ yếu ở khẩu ngữ, nhưng đó là bước đến tiến đến chấp nhận cả cách nói này trong văn viết, theo một quan điểm động, phát triển.

Hãy so sánh: tương đương với thứ trưởng/ tương đương thứ trưởng, cách nói thứ hai hiện nay được coi là trau chuốt hơn.

Với cách nhìn quy phạm, nên viết "quan tâm đến/ tới X) nhưng tôi nghĩ rồi cách viết "quan tâm X" sẽ được chấp nhận."

Cùng quan điểm, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Cổn - Chủ nhiệm bộ môn Lý luận ngôn ngữ, Khoa Ngôn ngữ học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội nói rằng, chuyện này (quan hệ từ trong tiếng Việt) hơi phức tạp vì nó liên quan đến quan niệm lý thuyết.

"Nếu cho rằng "quan tâm + đến/ về + D" là quy tắc ngữ pháp chung cho mọi phong cách ngôn ngữ, thì "quan tâm + D" là sai ngữ pháp.

Nếu cho rằng "quan tâm +đến/ về + D" là quy tắc ngữ pháp đa phong cách (a), còn biến thể vắng đến/ về ("quan tâm + D") là biến thể được dùng ở phong cách khẩu ngữ (b). Theo đó (a) luôn được coi là đúng ở mọi phong cách, còn (b) chỉ đúng khi được dùng ở phong cách khẩu ngữ.

Việc sách giáo khoa coi biến thể "quan tâm + D" sai có thể là vì họ (tác giả sách) theo quan điểm thứ nhất, hoặc họ theo quan điểm thứ 2 nhưng nghĩ đơn giản là ở bậc phổ thông thì chỉ nên dạy quy tắc chung (đa phong cách). Có lẽ các giáo viên nên phân tích mở rộng như vậy thì học sinh hiểu rõ hơn.

Có thể đến một lúc nào đó thì cả 2 cách dùng (có/ không có giới từ) đều khả chấp như nhau, như trường hợp các động từ "nghiên cứu", "tìm hiểu"; chấp nhận cả bổ ngữ là danh ngữ, bổ ngữ giới ngữ, ví dụ: nghiên cứu ngôn ngữ học/ về ngôn ngữ học, tìm hiểu vấn đề này/ về vấn đề này."

Còn Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Tình, nguyên Tổng thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam cho biết ông đồng tình với cách giải thích trong sách giáo khoa Ngữ văn 10, vì câu Chúng tôi rất quan tâm vấn đề ô nhiễm môi trường thiếu giới từ.

Cao Nguyên