Giáo viên chủ nhiệm - “nghề khổ trước, sướng sau”

29/08/2021 06:42
Sơn Quang Huyến
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Làm giáo viên chủ nhiệm mà không thấy khổ, không thấy vất vả, chưa thấy…tủi, là chưa trải nghiệm hết “sắc thái”, chưa hết lòng với học trò.

Cứ vào đầu năm học, chuyện làm giáo viên chủ nhiệm lại được bàn luận trong giáo giới; ai sẽ làm giáo viên chủ nhiệm, ai không; có nơi nào giáo viên muốn làm chủ nhiệm, chạy để được làm giáo viên chủ nhiệm….

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có loạt bài viết về vấn đề này “Khi thầy cô đùn đẩy nhau làm chủ nhiệm, nhà trường phải làm sao?”; “Tôi thấy các thầy cô không làm chủ nhiệm thật sướng và thảnh thơi”; “Làm giáo viên chủ nhiệm, chúng tôi sợ nhất là phải thu tiền”; “Vẫn có nhiều người phải "chạy" để được làm giáo viên chủ nhiệm”; “Hiệu trưởng họ biết rõ, vận động thu tiền nhanh và đủ chỉ có giáo viên chủ nhiệm”...

Làm giáo viên chủ nhiệm… khổ trước là cái chắc

Khi nhận lớp, giáo viên chủ nhiệm, đặc biệt là giáo viên tiểu học, đã bắt đầu cảm giác gánh nặng trách nhiệm, gánh nặng của “mẹ em ở trường là cô giáo mến thương; Dạy từng câu, từng lời; Từng nét bút, dáng đi; Mong cho em nên người; Thành cháu ngoan của Bác”.

Giáo viên bộ môn có thể đến giờ mới đi, đến giờ là về, còn giáo viên chủ nhiệm không có quyền đó, luôn đi sớm về muộn.

Giáo viên bộ môn dạy hết tiết là xong, giáo viên chủ nhiệm dạy xong tiết mình rồi còn phải quan tâm các tiết khác, lớp mình, học sinh mình học như thế nào.

Giáo viên bộ môn hết giờ hành chính là xong, giáo viên chủ nhiệm không có khái niệm giờ hành chính, đang nghỉ trưa, đang ăn cơm, đã khuya rồi… bất cứ giờ nào, phụ huynh cũng gọi điện trao đổi vấn đề mình bức xúc; nhiều khi vấn đề bức xúc chẳng phải lớp mình chủ nhiệm mà tại lớp của em, của anh, của con… hàng xóm.

Học sinh nghỉ học, bỏ học, giáo viên bộ môn… vô tư, giáo viên chủ nhiệm phải tất tả gọi điện, đến tận nhà vận động học sinh đến lớp. Nhiều khi đến nhà, thấy giáo viên chủ nhiệm, phụ huynh không thèm mở cổng… giáo viên chỉ biết “ngậm bồ hòn làm ngọt”.

Tất cả vất vả, gian lao, việc làm không tên… đều không được tính, cho nên ví giáo viên chủ nhiệm là “mẹ hiền" đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Làm giáo viên chủ nhiệm mà không thấy khổ, không thấy vất vả, chưa thấy… tủi, là chưa trải nghiệm hết “sắc thái”, chưa phải giáo viên chủ nhiệm hết lòng với học trò.

(Ảnh minh hoạ: TTXVN)

(Ảnh minh hoạ: TTXVN)

Làm giáo viên chủ nhiệm… sướng sau

Học trò cũng như con trẻ, chưa thấy được công lao vô bờ bến của cha mẹ; chính vì thế, học trò còn lập cả nhóm “Ghét giáo viên chủ nhiệm” trên mạng xã hội.

Học sinh lớn lên, trưởng thành, nhớ thầy cô giáo, nhớ nhiều nhất thường là giáo viên chủ nhiệm đã tận tụy vì học sinh thân yêu.

Thầy giáo H. (đề nghị không nêu tên) ở Vũng Tàu bị bệnh hiểm nghèo, được học sinh cũ chăm sóc tận tình.

Thầy giáo H. kể: “Mình bị bệnh hiểm nghèo, học trò cũ đang làm ở Thành phố Hồ Chí Minh biết, đến thăm, y bác sĩ cứ nghĩ mình làm cán bộ lớn lắm nên nhiều người đến thăm vậy, đọc bệnh án thấy là giáo viên, họ rất bất ngờ.

Học trò nói với vợ mình “Cô ơi, thầy phẫu thuật cần máu, cần tiền bạc, chúng em sẽ lo hết. Lớp chúng em sẽ thay nhau, mỗi ngày một bạn cùng cô chăm thầy”.

Qua cơn bạo bệnh, mình cứ thấy mắc nợ học trò, hồi mới ra trường, ba năm mình làm chủ nhiệm đuổi theo lớp, mình coi học trò như con, nay trưởng thành, chúng coi mình… như giáo viên chủ nhiệm, như người nhà của chúng.

Những thế hệ học sinh mình làm chủ nhiệm đã để lại cho mình những ký ức đẹp của nghề giáo. Nay họp lớp, họp nhóm, là có mặt mình; chuyện vui, chuyện buồn của mình là có mặt học trò cũ.

Thật hạnh phúc khi đi dạy được làm giáo viên chủ nhiệm, nếu chọn lựa lại, mình vẫn sẵn sàng làm chủ nhiệm để được vui, buồn cùng học trò”.

Cho đi là còn mãi, đặc biệt là cho học trò chủ nhiệm nói riêng và học sinh nói chung. Không phải ngẫu nhiên mà giáo viên chúng ta truyền tai nhau “Dạy ở đâu lâu, về hưu ở đó”. Chúng ta qua nghĩa trang, thật ấm lòng khi trên bia mộ người đã khuất có dòng chữ “… học trò lập mộ”.

Giáo viên chủ nhiệm đầy gian lao vất vả nhưng chưa được ngành giáo dục đánh giá đúng mức, đúng sự hi sinh cống hiến thực tế. Nên chăng, Bộ Giáo dục và Đào tạo có đề tài khoa học, khảo sát thực tế, để có chế độ thỏa đáng với sự hi sinh thầm lặng của giáo viên chủ nhiệm.

Trường học hạnh phúc phải có lớp học hạnh phúc, muốn có lớp học hạnh phúc vai trò của giáo viên chủ nhiệm rất lớn.

Giáo viên chủ nhiệm ngoại trừ tiết tiêu chuẩn, nên có phụ cấp trách nhiệm được tính trong lương, để động viên và ghi nhận cống hiến của thầy cô.

Nghề giáo, ngoài dạy chữ, cần nhất là dạy người, những hi sinh thầm lặng của thầy cô giáo viên chủ nhiệm đang gieo mầm sự tử tế, cây hạnh phúc sẽ mọc, trái ngọt yêu thương sẽ có. Làm giáo viên chủ nhiệm khổ trước, sướng sau, hãy tự hào mình là giáo viên chủ nhiệm thầy cô nhé.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Sơn Quang Huyến