Giáo dục Việt Nam đứng thứ mấy thế giới?

07/05/2019 07:00
Tiến sĩ Trần Văn Hùng
(GDVN) - Để nâng cao vị thế của giáo dục Việt Nam nói chung, hệ thống giáo dục đại học nói riêng, chúng ta cần một chiến lược tổng thể phát triển giáo dục Việt Nam...

LTS: Trước thông tin Việt Nam là một trong 10 hệ thống giáo dục thế giới, Tiến sĩ Trần Văn Hùng đang công tác tại Trường Đại học Duy Tân đưa ra thông tin xếp hạng và đánh giá giáo dục đại học.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Mấy ngày gần đây, trên các diễn đàn khoa học, các phương tiện truyền thông thảo luận sôi nổi về phát biểu của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư Lê Quang Mạnh vào ngày 25/4/2019 rằng Việt Nam được đánh giá là một trong 10 hệ thống giáo dục hàng đầu của thế giới nằm ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương năm 2018.

Đa số ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý giáo dục, độc giả,… không tin vào kết quả đánh giá này bởi không rõ tổ chức, cá nhân nào đánh giá?, phạm vi, nội dung, tiêu chí đánh giá như thế nào? v.v…

Trong bài viết này, chúng tôi không có ý kiến về đánh giá trên đây mà đưa ra một số thông tin xếp hạng, đánh giá hệ thống giáo dục Việt Nam nói chung, giáo dục đại học nói riêng trong giai đoạn 2018 - 2019 qua đó phần nào giúp bạn đọc có câu trả lời cho đánh giá về vị trí của nền giáo dục nước nhà.

1. Xếp hạng hệ thống giáo dục quốc gia

Bảng xếp hạng của U.S. News năm 2019 có 80 nền giáo dục quốc gia được xếp hạng.

Theo đó, top 10 theo thứ tự từ 1-10 gồm có Anh, Mỹ, Canada, Đức, Pháp, Úc, Thụy Sỹ, Thụy Điển, Nhật Bản, Hà Lan; ở khu vực Đông Nam Á: Singapore xếp thứ 20, Malaysia (44), Thái Lan (53), Philippines (55), Indonesia (56), Việt Nam (65/80) [1].

Nền giáo dục Việt Nam xếp thứ 65/80. Ảnh: US News
Nền giáo dục Việt Nam xếp thứ 65/80. Ảnh: US News

Chúng tôi đã tìm hiểu các bảng xếp hạng 20 hay 40 hệ thống giáo dục tốt nhất thế giới của các tổ chức, nhóm nghiên cứu trên thế giới được công bố trên các website nhưng đều không tìm thấy kết quả xếp hạng hệ thống giáo dục Việt Nam.

Còn theo Báo cáo "Sự sẵn sàng cho nền sản xuất tương lai" của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) năm 2018, Việt Nam xếp thứ 68/100 về chất lượng giáo dục toán và khoa học, 63/100 về tư duy phản biện trong dạy học [2].

2. Xếp hạng hệ thống giáo dục đại học quốc gia

Theo Bảng xếp hạng của Quacquarelli Symonds (QS) năm 2018, có 50 hệ thống giáo dục đại học tốt nhất thế giới trong đó top 10 theo thứ tự từ 1-10 gồm có Mỹ, Anh, Úc, Đức, Canada, Pháp, Hà Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản; ở khu vực Đông Nam Á: Malaysia xếp thứ 25, Singapore (28), Thái Lan (38), Indonesia (39), Philippines (45); hệ thống giáo dục đại học Việt Nam không có tên trong bảng xếp hạng của QS [3].

Hệ thống giáo dục đại học Malaysia đứng đầu Đông Nam Á. Ảnh: QS
Hệ thống giáo dục đại học Malaysia đứng đầu Đông Nam Á. Ảnh: QS

Theo Bảng xếp hạng của Universitas 21 (Mạng lưới các trường đại học nghiên cứu toàn cầu) năm 2019, có 50 hệ thống giáo dục đại học quốc gia hàng đầu thế giới: top 10 theo thứ tự từ 1-10 gồm có Mỹ, Thụy Sỹ, Anh, Thụy Điển, Đan Mạch, Canada, Singapore, Úc, Phần Lan, Hà Lan; ở khu vực Đông Nam Á: Singapore xếp thứ 7, Malaysia (28), Thái Lan (46), Indonesia (50); hệ thống giáo dục đại học Việt Nam không có tên trong bảng xếp hạng của U 21 [4].

Còn theo Báo cáo "Sự sẵn sàng cho nền sản xuất tương lai" của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) năm 2018, Việt Nam xếp thứ 75/100 về chất lượng đào tạo đại học.

Ngoài ra, các cơ sở giáo dục đại học nào của Việt Nam cũng không có mặt trong bảng xếp hạng đại học hàng đầu thế giới 2018 và 2019 của Times Higher Education (THE) [5] hay bảng xếp hạng của Đại học Giao thông Thượng Hải (ARWU) năm 2018 - 2019 [6], trong khi đó Singapore, Malaysia, Thái Lan có các cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng trong ARWU; các cơ sở sở giáo dục đại học của Singapore, Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Philippines có tên trong bảng xếp hạng của THE.

Với những kết quả xếp hạng, đánh giá trên đây của các tổ chức có uy tín trên thế giới có thể khẳng định vị trí xếp hạng thế giới của hệ thống giáo dục Việt Nam còn rất thấp.

Để nâng cao vị thế của giáo dục Việt Nam nói chung, hệ thống giáo dục đại học nói riêng, chúng ta cần một chiến lược tổng thể phát triển giáo dục Việt Nam đến năm 2030 với những mục tiêu và giải pháp có tính táo bạo, đột phá, thể hiện quyết tâm cạnh tranh giáo dục quốc tế cao;

Và quan trọng nhất là sự nỗ lực mạnh mẽ và sáng tạo trong việc thực hiện những mục tiêu, giải pháp đó trong thực tiễn của các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục, các cơ sở giáo dục cùng với sự ủng hộ của toàn xã hội.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://www.usnews.com/news/best-countries/best-education

[2] http://kenh14.vn/viet-nam-chi-dung-thu-75-100-ve-chat-luong-dao-tao-dai-hoc-20180307103323762.chn

[3] https://www.topuniversities.com/system-strength-rankings/2018

[4] https://universitas21.com/network/u21-open-resources-and-publications/u21-rankings/u21-ranking-national-higher-education

[5] https://www.timeshighereducation.com/world-university-rankings/2019/world-ranking#!/page/0/length/25/sort_by/rank/sort_order/asc/cols/stats

[6] https://cwur.org/2018-19.php 

Tiến sĩ Trần Văn Hùng