Giảng viên ĐH Kinh tế Đà Nẵng “nhờ” SV đi thi hộ lấy chứng chỉ, trường nói gì?

16/09/2022 06:36
AN NGUYÊN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nữ giảng viên này đã nhờ một sinh viên trong khoa đi thi hộ và “lọt” qua các khâu kiểm tra của ban tổ chức, đồng thời được cấp chứng chỉ hoàn thành.

Mới đây, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã nhận được phản ánh của một số giảng viên Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng về một trường hợp giảng viên của trường này "nhờ" sinh viên đi thi hộ để lấy chứng chỉ.

Giảng viên nhờ sinh viên đi thi hộ

Theo phản ánh, năm 2021, Đại học Đà Nẵng tổ chức khóa học “bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giảng viên chính hạng 2”. Trong đó, giảng viên NTHP. (giảng viên khoa Luật – Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng) tham gia khóa học này.

Một giảng viên của Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng nhờ sinh viên đi thi hộ lấy chứng chỉ. Ảnh: AN

Một giảng viên của Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng nhờ sinh viên đi thi hộ lấy chứng chỉ. Ảnh: AN

Ngày 2/4/2021, Đại học Đà Nẵng tổ chức đợt thi hết môn, kết thúc khóa học tại Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng.

Tuy nhiên, vào thời điểm này thì cô P. đang điều trị tại bệnh viện nên nhờ một sinh viên năm 4 khoa Luật (Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng) đi thi hộ.

“Trong vai” cô P., sinh viên này đã lọt qua các khâu kiểm tra của ban tổ chức và bước vào phòng thi hoàn thiện bài thi. Sau đó một thời gian, cô P. cùng các giảng viên khác được cấp chứng chỉ “bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giảng viên chính hạng 2”.

Sự việc cô P. gian lận trong kỳ thi này bị một số đồng nghiệp trong khoa Luật phát hiện và có phản ánh đến lãnh đạo nhà trường cũng như các đơn vị chức năng liên quan.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 31/8, ông Phan Kim Tuấn – Trưởng phòng Tổ chức Hành chính (Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng) xác nhận sự việc nói trên.

Đồng thời cho biết, sau khi nhận được các thông tin phản ánh, phía nhà trường đã yêu cầu cô P. làm bản tường trình cũng như tiến hành xác minh, làm rõ sự việc. Theo đó, cô P. đã thừa nhận hành vi vi phạm của mình.

Để xử lý các sai phạm của cô P., Đảng ủy Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng đã ban hành quyết định thu hồi quyết định kết nạp Đảng đối với cô P.

Ngoài ra, Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng cũng đã thu hồi chứng chỉ “bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giảng viên chính hạng 2” đã cấp cho giảng viên này trước đó.

Sau khi Đảng ủy nhà trường công bố hình thức kỷ luật Đảng viên thì sẽ giao cho Ban giám hiệu nhà trường và các phòng, ban liên quan xử lý kỷ luật viên chức theo quy định. Tuy nhiên, việc xử lý kỷ luật viên chức vẫn chưa được thực hiện.

“Sự việc cô P. vi phạm xảy ra từ tháng 4/2021. Cấp ủy cũng như phía Ban tổ chức kỳ thi đã có các bước xử lý nhưng suốt một thời gian dài, phía Ban giám hiệu nhà trường lại không có bất kỳ động thái nào để kỷ luật viên chức theo quy định”, một giảng viên phản ánh.

Việc Ban giám hiệu cũng như Khoa Luật không đưa ra hình thức xử lý kỷ luật cô P. đã khiến nhiều người bức xúc. Họ cho rằng, hành vi vi phạm của cô P. là vi phạm tiêu chuẩn đạo đức, nhà giáo, gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của một giảng viên khoa Luật.

Nhà trường nói gì?

Theo ông Tuấn, trong sự việc này, nhà trường không có gì để bao che, không xử lý. “Về tiến độ xử lý kỷ luật, chúng tôi đã thực hiện các bước, trình tự như: gặp đương sự, yêu cầu viết bảng tường trình, triển khai kiểm điểm tại đơn vị.

Tuy nhiên, trong quá trình xử lý kỷ luật cũng có nhiều quan điểm trái chiều nhau về việc áp dụng thời hạn xử lý kỷ luật viên chức”.

Ông Tuấn lý giải, theo khoản 3 điều 53 Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức quy định: Thời hạn xử lý kỷ luật đối với viên chức là khoảng thời gian từ khi phát hiện hành vi vi phạm của viên chức đến khi có quyết định xử lý kỷ luật của cấp có thẩm quyền. Thời hạn xử lý kỷ luật không quá 90 ngày; trường hợp vụ việc có tình tiết phức tạp cần có thời gian thanh tra, kiểm tra để xác minh làm rõ thêm thì thời hạn xử lý kỷ luật có thể kéo dài nhưng không quá 150 ngày.

Ông Tuấn cho rằng, ở đây xảy ra hai luồng quan điểm khác nhau về thời gian phát hiện hành vi vi phạm của cô P. Quan điểm 1 đó là từ thời điểm có thông báo của Đảng về việc cá nhân có vi phạm (Đảng đã xử lý và giao cho nhà trường xử lý viên chức).

Quan điểm 2, thời gian phát hiện hành vi vi phạm của cô P. là từ thời điểm cô này viết bảng tường trình, thừa nhận hành vi sai phạm của mình. Việc áp dụng thời gian phát hiện hành vi vi phạm của cô P. như thế nào thì nó sẽ ảnh hưởng đến thời hạn về xử lý kỷ luật viên chức.

Tuy nhiên, một câu hỏi đặt ra là hành vi sai phạm của cô P. đã được xác định rõ ràng, bản thân cô này cũng đã thừa nhận hành vi của mình, vậy tại sao nhà trường lại không tiến hành tổ chức xử lý kỷ luật viên chức theo đúng quy định?

Về vấn đề này, ông Tuấn cho biết, trong quá trình xử lý thì nhà trường mời cô P. lên thì cô P. có đưa ra lý do đau ốm để không đến dự họp. Sự việc kéo dài, đến lúc mời được đương sự lên làm việc thì đương sự cho rằng đã hết thời hạn xử lý kỷ luật viên chức theo Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

“Quan điểm của nhà trường là kiên quyết xử lý, không bao che và ai vi phạm thì phải chịu trách nhiệm với hành vi của mình. Sắp tới, sau khi tham khảo các ý kiến của các ban, ngành chức năng, nhà trường sẽ tiến hành xử lý kỷ luật cô P.”, ông Tuấn khẳng định.

Mặc dù phía nhà trường khẳng định như trên nhưng theo các chuyên gia pháp lý thì trong sự việc này, trách nhiệm xử lý kỷ luật viên chức thuộc về Ban giám hiệu, lãnh đạo nhà trường.

Một số mốc thời gian liên quan đến quá trình vi phạm, phát hiện vi phạm và xử lý vi phạm của cô P. được thống kê sơ bộ như sau:

Ngày 2/4/2021 (ngày diễn ra kỳ thi và cô P. nhờ sinh viên đi thi hộ).

Đến ngày 28/10/2021 có đơn thư phản ánh kiến nghị việc cô P. vi phạm đến lãnh đạo, Đảng ủy Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng.

Ngày 9/12/2021, Thường vụ Đảng ủy Đại học Kinh tế Đà Nẵng đọc quyết định thu hồi quyết định kết nạp Đảng của cô P.

Ngày 19/1/2022: Trưởng khoa Luật (Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng) thông báo họp kiểm điểm viên chức nhưng sau đó dời sang ngày 21/1/2022.

Ngày 21/1/2022: Trưởng khoa Luật thông báo hoãn họp cho đến nay.

Ngày 20/7/2022: Phòng Thanh tra - Pháp chế (Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng) họp tiếp công dân đối với các phản ánh liên quan đến việc xử lý kỷ luật cô P. Tuy nhiên, lãnh đạo Phòng này cho rằng đã hết thời hạn xử lý kỷ luật cô P.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 29/8, Phó Giáo sư Nguyễn Mạnh Toàn - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng cho hay, nhà trường đang trong các bước tiếp tục xử lý nhưng còn vướng một vài vấn đề pháp lý. Nhưng cơ bản vẫn tìm cách xử lý được chứ không phải nó kẹt lắm. Vụ việc cũng đang được tiến hành.

Trả lời câu hỏi về sự việc đã xảy ra từ năm 2021 nhưng kéo dài đến nay chưa xử lý thì liệu rằng có sự bao che hay không, thầy Toàn nói: "Chúng tôi đang trong quá trình xử lý và không thể bao che trong những sự việc như thế này. Vướng mắc ở đâu thì chúng tôi tháo gỡ ở đấy. Sự việc liên quan đến cá nhân, một giảng viên nên chúng tôi làm việc trên tinh thần tuân thủ các quy định một cách chặt chẽ".

AN NGUYÊN