Ngày 6/12, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội kỳ họp thứ 7 khóa XV đã công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với 36 người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân thành phố bầu.
Kết quả bỏ phiếu cho thấy, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội dẫn đầu nhóm có phiếu tín nhiệm cao (100 phiếu tín nhiệm cao, 1 phiếu tín nhiệm và 1 phiếu tín nhiệm thấp).
Ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội được 84 phiếu tín nhiệm cao, 11 phiếu tín nhiệm và 4 phiếu tín nhiệm thấp.
Trong khi đó, kết quả bỏ phiếu cũng cho thấy có khá nhiều Giám đốc sở của thành phố Hà Nội có số phiếu tín nhiệm cao ở mức thấp, số phiếu tín nhiệm thấp ở mức cao.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đứng cuối danh sách số phiếu tín nhiệm cao với 40 phiếu, bên cạnh 49 phiếu tín nhiệm và 13 phiếu tín nhiệm thấp.
Trước khi các đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm với 36 người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khẳng định:
Đây là nội dung giám sát đặc biệt quan trọng, thể hiện mức độ tín nhiệm và sự ghi nhận, đánh giá công tâm, khách quan về những nỗ lực, kết quả đạt được từ đầu nhiệm kỳ đến nay của những người được lấy phiếu tín nhiệm.
Việc lấy phiếu tín nhiệm đã được Thường trực chỉ đạo một cách chặt chẽ, đúng quy định. Qua việc bỏ phiếu khách quan và công tâm của các đại biểu sẽ động viên từng đồng chí tiếp tục phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ.
Với các đồng chí còn có khuyết điểm, cần rút kinh nghiệm, xây dựng kế hoạch để tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ, đáp ứng sự mong mỏi của cử tri. [1]
Tiến sĩ Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, ảnh: Báo Hà Nội Mới. |
Kết quả lấy phiếu tín nhiệm của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Chử Xuân Dũng không chỉ phản ánh sự đánh giá khách quan, công tâm của các đại biểu đối với cá nhân thầy Chử Xuân Dũng, mà còn là sự ghi nhận những nỗ lực cũng như nhận thức rõ những tồn tại, hạn chế của ngành giáo dục Thủ đô.
Vấn đề là Ban giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng như cá nhân thầy Chử Xuân Dũng sẽ xây dựng kế hoạch như thế nào để tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ, đáp ứng sự mong mỏi của cử tri Hà Nội?
Theo dõi giáo dục Thủ đô lâu nay và cũng thường xuyên đồng hành, phản biện, góp ý về các chính sách giáo dục của đất nước nói chung, giáo dục Thủ đô nói riêng, chúng tôi xin mạo muội có mấy lời góp ý, ngõ hầu tham gia với thầy Chử Xuân Dũng và lãnh đạo ngành giáo dục Thủ đô có thêm động lực và giải pháp để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ.
Cần sửa đổi lề lối làm việc hành chính quan liêu, đồng thời học cách sẵn sàng lắng nghe và đối thoại
Nói một cách công bằng, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội và cá nhân thầy Giám đốc sở Chử Xuân Dũng cũng đã có sự lắng nghe góp ý và phản biện của dư luận đề điều chỉnh hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo chuyên môn cho tốt hơn.
Trước các góp ý của truyền thông trong đó có Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã "cởi trói" cho các trường ngoài công lập được tự chủ hơn về thời gian và phương thức tuyển sinh, thay vì quy định cứng nhắc như trước. [2]
Thứ hai là việc bỏ cấp "giấy chứng nhận trúng tuyển vào lớp 10 trung học phổ thông". Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội chỉ kiểm tra, duyệt danh sách trúng tuyển vào lớp 10 trung học phổ thông của các trường mà không cấp "giấy phép con" như trước.
Đây thực sự là những thay đổi đáng ghi nhận từ Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội.
Tuy nhiên, đúng như đánh giá công tâm và khách quan của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội, ngành giáo dục Thủ đô và thầy Chử Xuân Dũng còn nhiều việc phải làm nếu muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ và cải thiện, nâng cao mức độ tín nhiệm trước Hội đồng nhân dân và cử tri thành phố.
Hà Nội đang lấy chỗ học của con em nhân dân lao động để làm dịch vụ? |
Việc đầu tiên theo chúng tôi, Ban giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hà Nội cần phải sửa đổi lề lối làm việc hành chính quan liêu, đồng thời học cách sẵn sàng lắng nghe và đối thoại.
Nói rằng cách làm việc của lãnh đạo ngành giáo dục Thủ đô còn nặng tính quan liêu không quá;
Báo cáo tổng kết năm học 2017-2018 và phương hướng nhiệm vụ năm học 2018-2019 của Ban giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội do Phó giám đốc sở Lê Ngọc Quang trình bày tại hội nghị tổng kết năm học của Sở ngày 10/8, cho biết:
Thành phố Hà Nội đã dành 19.000 tỷ đồng để xây dựng và cải tạo cơ sở vật chất trường, lớp học, chiếm 25,5% mức chi từ ngân sách. Toàn thành phố có thêm 66 trường học và 22.000 phòng học mới.
Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã đặt câu hỏi với lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội trong bài viết, 22 nghìn phòng học Hà Nội xây mới ở đâu để con em chen chúc gần 70 học sinh/lớp?
Trong bài Sở Giáo dục Hà Nội đã sử dụng 19 nghìn tỷ đồng từ ngân sách như thế nào? đăng trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, con số 19 nghìn tỷ đồng chi cho giáo dục Thủ đô được Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý trình bày rành mạch trong hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2017-2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo:
Năm học vừa qua, Hà Nội dành gần 19 nghìn tỷ đồng cho ngành giáo dục. Trong đó chi đầu tư 19%, chi thường xuyên khoảng 32%; xây dựng 66 trường mới, 2.622 trường học được cải tạo.
Lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố thì sát sao, nhưng Ban giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội thì mơ hồ, quan liêu, không nắm được những vấn đề mang tính then chốt, trọng yếu, bởi báo cáo được chuẩn bị trước chứ không phải ngẫu hứng.
Bản dự thảo Báo cáo tổng kết năm học của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội phát cho truyền thông, còn dẫn số liệu từ 10 năm trước làm thành tích cho năm học này, đó là con số kinh phí dự án xây dựng Trường trung học phổ thông chuyên Hà Nội Amsterdam.
Trong mùa tuyển sinh đầu cấp năm học vừa qua, một Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội ký công văn ra lệnh cho một trường phải trả lại tiền cho một số cha mẹ học sinh đã tự nguyện đóng xin nhập học cho con, nhưng sau lại đơn phương phá bỏ thỏa thuận gây thiệt hại cho nhà trường.
Điều đáng nói, công văn này không dựa vào bất kỳ cơ sở pháp lý nào, mà chỉ căn cứ vào một vài bài báo, chưa hề có cuộc làm việc nào với nhà trường hay yêu cầu nhà trường giải trình những vấn đề một số tờ báo nêu ra.
Vì sao học sinh Hà Nội phải đến các lò học thêm tối ngày? |
Một Phó giám đốc khác của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội xuống trường này kiểm tra, thông báo Sở đã có công văn chỉ đạo;
Nhưng lãnh đạo Sở lại gọi thầy Hiệu trưởng trường này lên Sở lấy công văn nói trên về mà thực hiện, chứ Sở không gửi, Phó giám đốc sở cũng không mang theo khi đi kiểm tra.
Trước những phân tích, phản biện và góp ý của dư luận, thay vì thực sự cầu thị và sửa đổi lề lối làm việc, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo 2 lần tổ chức họp báo thanh minh cho những quyết định vô căn cứ và cách làm việc theo lối bề trên của mình.
Đưa tin về kỳ họp thứ 7 khóa XV Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội, Báo Lao động Thủ đô ngày 4/12/2018 có 2 cái tít làm chúng tôi chú ý:
"Nhận diện những hạn chế trong phát triển của Thủ đô", theo lời Trưởng ban Pháp chế Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Hoài Nam và "Tích cực phản biện xã hội vì lợi ích của Nhân dân", dẫn lời Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội Vũ Hồng Khanh.
Tiếc rằng trước nhiều vấn đề nóng của giáo dục Thủ đô như quá tải sĩ số, thí điểm song bằng, thí điểm mô hình trường công lập chất lượng cao hay gần đây nhất là đề án Sữa học đường, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội thường chọn cách im lặng, né tránh đối thoại, nếu có đối thoại khi không thể tránh thì vòng vo.
Đề án thí điểm đào tạo song bằng tại một số trường trung học cơ sở và trung học phổ thông của Hà Nội có quá nhiều vấn đề cần phải làm rõ, thì Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội giấu biệt.
Tích cực phản biện xã hội vì lợi ích Nhân dân, nhưng cơ quan được phản biện không chịu lắng nghe và đối thoại trên tinh thần cầu thị, khách quan để tìm ra giải pháp hiệu quả nhất, thì phản biện xã hội chưa thể mang lại lợi ích cho Nhân dân.
Chưa thực sự quán triệt sâu sắc tinh thần các Nghị quyết Trung ương
Mục 2.1 Đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo thuộc phần III. Nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị quyết số 19-NQ/TƯ về “Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập” do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành ngày 25/10/2017 ghi rất rõ:
"Tạo điều kiện chuyển đổi mô hình các cơ sở giáo dục mầm non, trung học phổ thông từ công lập ra ngoài công lập ở những nơi có khả năng xã hội hoá cao." [3]
Trường chất lượng cao chỉ biết xin ngân sách, thu tiền, Hà Nội còn giữ làm gì? |
Như vậy có thể thấy Trung ương vô cùng sáng suốt trong hoạch định chủ trương đường lối phát triển giáo dục;
Nếu thực hiện đúng giải pháp này trong Nghị quyết số 19-NQ/TƯ, những vấn đề tồn tại dai dẳng trong nhiều năm của giáo dục phổ thông sẽ từng bước được giải quyết một cách căn bản.
Đó là giảm tải sĩ số trường công lập ở các đô thị lớn, nâng cao chất lượng giáo dục bằng sự cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở, nâng cao thu nhập và chất lượng đời sống giáo viên nhưng lại giảm được biên chế và gánh nặng ngân sách;
Đẩy lùi tình trạng chạy việc và sa thải hàng loạt giáo viên, tập trung ngân sách lo cho các đối tượng yếu thế trong xã hội, đồng thời phát triển các dịch vụ thỏa mãn nhu cầu đa dạng của người học và cha mẹ học sinh do các trường tư thục đảm nhiệm...
Đấy là chưa kể đến tình trạng lạm thu hoặc bạo hành trong trường phổ thông, gần như chỉ xảy ra trong các trường công lập. Tình trạng này sẽ giảm được đáng kể, khi các trường tư thục được phát triển theo đúng tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TƯ nói trên.
Tuy nhiên cách làm của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội thì ngược lại.
Mô hình thí điểm trường công lập chất lượng cao, trường công lập tự chủ tài chính hay song bằng của Hà Nội, về bản chất không khác gì dịch vụ "bán công" đã từng tồn tại trước đây và bị Luật Giáo dục 2005 loại bỏ.
Thay vì "chuyển đổi mô hình các cơ sở giáo dục mầm non, trung học phổ thông từ công lập ra ngoài công lập ở những nơi có khả năng xã hội hoá cao", Hà Nội lại chọn cách làm dịch vụ có thu phí trong trường công lập, cạnh tranh trở lại với các trường ngoài công lập.
Trường công và trường tư vận hành theo nguyên lý, cơ chế khác nhau và thực hiện các nhiệm vụ khác nhau. Một bên thực hiện nhiệm vụ chính trị phổ cập giáo dục, còn bên kia cung cấp các dịch vụ giáo dục có thu phí, đáp ứng nhu cầu đa dạng của xã hội.
Cách làm của Hà Nội đang hô biến tài sản công thành tài sản tư, biến ngân sách và tài sản nhà nước đầu tư vào các trường chất lượng cao, tự chủ tài chính hay các lớp song bằng thành nguồn lợi của một nhóm người;
Trong khi bài toán chính của giáo dục Thủ đô là quá tải sĩ số, thì không thấy Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội quan tâm, trăn trở tìm giải pháp.
Học sinh thủ đô còn mệt vì trường chất lượng cao, tư duy bao cấp |
Lạ hơn nữa, chính Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung thấy rất rõ bản chất vấn đề mô hình trường chất lượng cao công lập:
Nhưng Ban giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội lại không thấy được bản chất vấn đề này;
Để rồi ngay cả trường chưa được "công nhận chất lượng cao" cũng lợi dụng thu tiền, bất chấp các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo lẫn Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, điển hình như Trường Trung học cơ sở Thanh Xuân.
Khái niệm "chất lượng cao" đã bị hiểu sai ngay từ đầu: rót ngân sách nhiều hơn, thoải mái "thỏa thuận" với cha mẹ học sinh để thu tiền, cho học thêm thật nhiều với tên gọi "tăng cường", "kỹ năng sống" để có kết quả các kì thi học sinh giỏi mang về giải nọ giải kia nhiều hơn các trường công lập bình thường khác được đầu tư ít hơn.
Thế nào là cơ sở giáo dục chất lượng cao? Theo chúng tôi, cơ sở giáo dục nào đáp ứng tốt nhất nhu cầu của dân trong việc giúp con em họ tiến bộ, trưởng thành, thì đó là cơ sở chất lượng cao.
Điển hình chính là các trường dám dang rộng vòng tay đón nhận những học sinh cá tính, nơi các trường công lập đã đóng cửa với các em với định danh "học sinh cá biệt". Giúp các em này trưởng thành, đó thực sự là một trong những mô hình giáo dục chất lượng cao cần biểu dương, khuyến khích.
Chỉ nhìn vào cơ sở vật chất, bằng cấp giáo viên, chương trình nhập khẩu chưa nói lên điều gì. Chất lượng cao hay không, hãy để người học và cha mẹ học sinh đánh giá, Sở Giáo dục và Đào tạo không nên làm thay.
Cách làm trường "chất lượng cao" của Hà Nội hiện nay thể hiện tư duy quản trị của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội còn nặng tính bao cấp, quan liêu.
Về mặt chuyên môn, Nghị quyết số 29-NQ/TƯ ngày 4/11/2013 của Ban chấp hành Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đã chỉ ra rất rõ:
"Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học.
Học đi đôi với hành; lý luận gắn với thực tiễn; giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội."
"...Việc thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục, đào tạo cần từng bước theo các tiêu chí tiên tiến được xã hội và cộng đồng giáo dục thế giới tin cậy và công nhận.
Phối hợp sử dụng kết quả đánh giá trong quá trình học với đánh giá cuối kỳ, cuối năm học; đánh giá của người dạy với tự đánh giá của người học; đánh giá của nhà trường với đánh giá của gia đình và của xã hội."
Tuy nhiên, cách làm của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội dường như trái ngược với tinh thần đổi mới căn bản và toàn diện trong Nghị quyết số 29/NQ-TƯ.
Biểu hiện của vấn đề này là chủ trương của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội sử dụng thi tuyển sinh đầu cấp thật nhiều môn, nhiều kiến thức làm công cụ để buộc học sinh phải học thật nhiều, nhớ như một cái máy. [4]
Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã lắng nghe và tiếp thu ý kiến từ cơ sở, dư luận và rút lại số môn thi tuyển sinh lớp 10 từ 6 môn xuống 4 môn (3 môn biết trước là Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ và 1 môn sẽ bốc thăm, công bố vào tháng Ba 2019), thay vì 2 môn Ngữ văn, Toán như lâu nay.
Tuy nhiên cách làm này vẫn còn đánh đố học sinh và nhầm lẫn giữa công cụ tuyển sinh đầu cấp với công cụ kiểm tra đánh giá chất lượng quá trình dạy và học, không đúng tinh thần Nghị quyết số 29/NQ-TƯ mà chúng tôi vừa dẫn.
Vòng xoáy học thêm để thi tuyển sinh lại bắt đầu, VOV ngày 21/10/2018 phản ánh trong bài Học sinh Hà Nội quay cuồng học thêm trước kỳ thi vào lớp 10; An ninh Thủ đô ngày 21/10/2018 có bài Tuyển sinh vào 10 Hà Nội: Sốt sắng học thêm vì môn thi thứ tư...
Vấn đề Sữa học đường Hà Nội không nằm ở đấu thầu, mà ở bài thầu |
Thứ hai, với mô hình thí điểm "song bằng", thực sự Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã chất thêm lên đôi vai non nớt của học sinh Thủ đô một chương trình rất nặng;
Các em phải học thêm 1 chương trình mới được dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh mà không có bất kỳ giảm tải nào trong chương trình chính khóa vốn đã nặng trịnh của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Học sinh "song bằng" nếu theo đủ thời khóa 2 chương trình này, còn đâu thời gian phát triển năng lực và phẩm chất, học đi đôi với hành?
Thiết nghĩ, để thực sự đưa các Nghị quyết của Đảng về giáo dục và đào tạo vào cuộc sống, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cần quán triệt sâu sắc những nội dung về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục để có những chính sách phù hợp.
Muốn làm được điều này, chúng tôi cho rằng cách tốt nhất là lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội nên học cách lắng nghe và đối thoại, phản biện trên tinh thần khách quan, cầu thị để tìm ra các giải pháp chính sách tốt nhất.
Cái gì không thuộc chuyên môn của mình, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội nên báo cáo lãnh đạo Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội để giao việc đúng đầu mối, tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị trung tâm.
Ví dụ như đề án Sữa học đường, Bộ Y tế đã chỉ đạo từ đầu, Sở Y tế các tỉnh, thành phố sẽ là đầu mối, vì đây là cơ quan chuyên môn tham mưu cao nhất ở các tỉnh thành về dinh dưỡng, sức khỏe học đường.
Bài thầu Sữa học đường của Hà Nội bộc lộ quá nhiều lỗ hổng, nhưng Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội vẫn nhiệt tình làm, trong khi vấn đề quá tải sĩ số các trường công lập nội đô, thì không thấy Sở trăn trở, hăng hái tìm giải pháp.
Thiết nghĩ, kết quả lấy phiếu tín nhiệm với thầy Chử Xuân Dũng là đánh giá công tâm, khách quan của Hội đồng nhân dân không chỉ đối với cá nhân Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo.
Các Phó giám đốc sở, các Trưởng phòng trực thuộc sở có trách nhiệm trong đó và họ phải thấy được trách nhiệm của mình.
Một mình thầy Chử Xuân Dũng không thể làm thay đổi căn bản và toàn diện giáo dục Thủ đô, mà cần sự nỗ lực của toàn ngành giáo dục Hà Nội, cũng như sự đồng hành, phản biện tìm kiếm giải pháp từ dư luận.
Nhưng điều quan trọng nhất là lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội có sẵn sàng lắng nghe, đối thoại hay không mà thôi.
Nguồn:
[1]http://www.sggp.org.vn/ha-noi-nhieu-giam-doc-so-bi-tin-nhiem-thap-563748.html
[2]http://cand.com.vn/giao-duc/Ha-Noi-cho-phep-cac-truong-ngoai-cong-lap-duoc-chu-dong-thoi-gian-tuyen-sinh-dau-cap-490521/
[3]http://baochinhphu.vn/Thoi-su/Nghi-quyet-Trung-uong-6-ve-doi-moi-nang-cao-hieu-qua-hoat-dong-don-vi-su-nghiep-cong-lap/320253.vgp
[4]http://www.nhandan.com.vn/giaoduc/dien-dan/item/36052502-giam-doc-so-gd-dt-ha-noi-giai-dap-ve-phuong-an-thi-lop-10-moi.html