Giám đốc Đại học Đà Nẵng: Phát triển thành ĐHQG không phải để thay đổi danh xưng

14/12/2023 06:27
Nhật Lệ
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ việc phát triển thêm các đại học quốc gia là phù hợp với xu thế của thế giới, hình thành các đại học lớn đa ngành, đa lĩnh vực.

Tại dự thảo báo cáo tóm tắt quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, mạng lưới các trường đại học được phân bố trên khắp cả nước và các vùng miền. Tuy nhiên, hiện nay sự phân bố này không đồng đều và có chênh lệch với sự phát triển kinh tế - xã hội của các vùng.

Chính vì thế, Bộ Giáo dục và Đào tạo định hướng di dời các trường đại học từ trung tâm thành phố ra khu vực ngoại thành hoặc các tỉnh thành lân cận. Việc này giúp mở rộng không gian phát triển của các cơ sở giáo dục đại học, nâng cao chất lượng đào tạo.

Tuy nhiên, đề xuất này cũng nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Có trường đồng tình với việc dịch chuyển các cơ sở giáo dục đại học ra khỏi nội đô để hạn chế áp lực lên môi trường đô thị. Tuy nhiên, cũng có trường cho rằng việc di dời các trường đang hoạt động ổn định trong nội đô có thể ảnh hưởng tới cả người dạy và người học.

Nên xem xét có nên chuyển các trường đại học khỏi nội đô hay không

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lâm Nhân, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: “Việc chuyển các trường đại học ở các thành phố lớn ra khỏi nội đô hay xuống các tỉnh thành lân cận là một vấn đề khó vì cấu trúc hệ thống giáo dục của nước ta từ trước đến nay các trường đại học vốn đã được bố trí như vậy.

Ở nhiều nước phát triển trên thế giới, đa số các trường truyền thống vẫn nằm trong trung tâm. Ngoài ra, cũng cần xem xét tới cả nhu cầu của sinh viên. Thực tế, sinh viên vẫn thích học ở các thành phố lớn hơn vì có nhiều cơ hội việc làm, cơ hội tiếp cận với truyền thông, cơ hội để giao lưu, thể hiện sự sáng tạo của mình...".

Cũng theo thầy Nhân, hiện nay, nước ta đang tập trung rất nhiều dịch vụ phát triển cho người học ở các thành phố lớn. Nếu muốn dịch chuyển cơ sở giáo dục đại học xuống các tỉnh thành lân cận cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Vì nếu vội vàng với những trường chưa có nền tảng sẽ rất khó khăn. Hiện nay ở Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều sinh viên cũng không muốn đi học ở các trường thuộc các quận xa trung tâm vì giao thông hay các dịch vụ đều chưa đáp ứng được nhu cầu. Ví dụ như trung tâm có sự kiện thì sinh viên sẽ rất khó khăn trong vấn đề di chuyển.

Bên cạnh đó, nếu quy hoạch đưa các trường đại học về địa phương cũng gây khó khăn cho đội ngũ giảng viên. Bởi số giảng viên chấp nhận về làm việc ở các địa phương không nhiều.

“Cả người học và người dạy tôi cho rằng nếu khảo sát thì đa số họ đều không muốn đi xa. Ngay cả bản thân tôi cũng không muốn đi làm ở những khu vực xa trung tâm. Còn bài toán về đô thị thì nhà nước phải tính đến, bên cạnh việc phát triển các trường đại học vùng ven, các tỉnh đều có rồi.

Ví dụ Bình Dương hay Đồng Nai cũng đã có trường đại học, phục vụ cho địa phương. Còn bài toán giao thông thì các nhà quy hoạch đô thị phải tính đến chứ không thể vì các trường đại học ở trung tâm nhiều quá mà chúng ta phải đưa trường đại học ra khỏi thành phố đến các vùng xa như vậy”.

Trong khi đó, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Vũ, Giám đốc Đại học Đà Nẵng bày tỏ: Cần xem xét lại việc quy hoạch các cơ sở đào tạo theo vùng miền cho phù hợp.

“Thực tế ngày nay giao thông đã thuận tiện hơn trước và đời sống của người dân ngày càng được cải thiện nên nhu cầu của học sinh, sinh viên về các thành phố lớn để học tập và tìm việc là một xu thế. Điều này đã làm ảnh hưởng rất lớn đến tuyển sinh của các trường đại học ở các địa phương, nhất là các tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn nên cần phải tính đến quy hoạch khi thành lập các trường đại học ở các địa phương/vùng khó khăn.

Hơn nữa, ở các nước có nền giáo dục đại học phát triển luôn đầu tư phát triển những trung tâm đào tạo lớn thu hút số đông sinh viên trong nước và nước ngoài học tập và nghiên cứu mà không phân bố đều theo vị trí địa lý”, thầy Vũ nêu quan điểm.

Giám đốc Đại học Đà Nẵng cũng đề xuất cần có quy định quy mô sinh viên tối đa cho một trường đại học theo từng lĩnh vực đào tạo nhằm khắc phục hiện tượng chạy theo số lượng mà không quan tâm đến chất lượng đào tạo và không phá vỡ hệ thống đại học.

Ngoài ra, theo Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh cũng cần xem xét đến điều kiện và nguồn lực của từng trường đại học cụ thể để có chính sách di chuyển trường xuống các tỉnh thành lân cận sao cho hợp lý. Với những trường ở trong nội đô không đủ diện tích để phát triển, đảm bảo xây dựng cơ sở vật chất như: phòng thí nghiệm, phòng thực hành, sân thể thao,... cho sinh viên thì nên di dời.

Tuy nhiên, địa điểm di dời phải đảm bảo được quy hoạch tổng thể giống như một "thành phố đại học". Ở đó phải có đầy đủ các điều kiện vật chất từ nhà ở, khu thể thao, phòng thí nghiệm, phòng thực hành, khu vực vui chơi, giải trí... đầy đủ mọi thứ để sinh viên có thể tiếp cận được giá trị của đại học và cuộc sống trong 4-5 năm trải nghiệm ở đây.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Vũ, Giám đốc Đại học Đà Nẵng. (Ảnh: website nhà trường)

Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Vũ, Giám đốc Đại học Đà Nẵng. (Ảnh: website nhà trường)

Quy hoạch thêm 3 đại học quốc gia là phù hợp với xu thế

Theo dự thảo báo cáo tóm tắt quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đề xuất tới năm 2030, phát triển thêm 3 đại học quốc gia. Các đại học quốc gia được phát triển trên cơ sở Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng và Đại học Bách khoa Hà Nội, cùng với Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh trở thành các đại học thuộc nhóm hàng đầu châu Á, có ít nhất 20 lượt lĩnh vực nằm trong tốp 1.000 thuộc các bảng xếp hạng quốc tế có uy tín.

Các đại học quốc gia giữ ổn định quy mô đào tạo trình độ đại học, tập trung nâng cao chất lượng và tăng tỉ trọng đào tạo sau đại học gắn với phát triển nghiên cứu và đổi mới sáng tạo, nhất là ở các lĩnh vực, ngành trọng điểm. Sau năm 2030, có thể phát triển thêm một số đại học quốc gia từ các đại học vùng, đại học trọng điểm ngành quốc gia có tiềm lực mạnh và uy tín cao trong hệ thống.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lâm Nhân việc định hướng phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đại học trọng điểm quốc gia là cần thiết, phù hợp với xu thế phát triển chung của đất nước và thế giới. Cũng giống như việc phát triển các thành phố trực thuộc trung ương, ngoài Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh thì hiện đã có thêm Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ.

Cùng bàn về vấn đề này khi nghiên cứu dự thảo quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Vũ, Giám đốc Đại học Đà Nẵng bày tỏ đánh giá cao tinh thần trách nhiệm và sự nỗ lực cố gắng của Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với sự phát triển của đất nước nói chung và ngành giáo dục nói riêng.

Trong quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục lần này có chủ trương phát triển thêm các đại học quốc gia (ngoài Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh), đại học vùng và các trường đại học trọng điểm là phù hợp với xu thế của thế giới ngày nay. Đó là xu thế hình thành các đại học lớn đa ngành, đa lĩnh vực nhằm thích ứng với một thế giới đang thay đổi nhanh chóng về ngành nghề và xếp hạng đại học.

Hơn nữa, để giải quyết các vấn đề trong thực tiễn sản xuất, đời sống, xã hội hiện nay đòi hỏi các nghiên cứu khoa học đa ngành, liên ngành nên việc hình thành các đại học lớn như đại học quốc gia để ưu tiên tập trung đầu tư và tạo cơ chế thuận lợi để các đại học quốc gia thực sự trở thành các trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học hiện đại của đất nước, hướng đến trở thành các đại học thuộc top đầu của khu vực và thế giới là rất cần thiết, phù hợp với xu thế của thế giới và bối cảnh của Việt Nam.

Về phía Đại học Đà Nẵng, thầy Vũ cho biết việc xây dựng, phát triển Đại học Đà Nẵng thành đại học quốc gia không phải để thay đổi danh xưng mà nhằm đổi mới căn bản, toàn diện, kiến tạo cơ chế, chính sách mới, thiết lập mô hình đại học quản trị tiên tiến, có tính tự chủ cao; ưu tiên đầu tư nguồn lực thỏa đáng, phù hợp để trở thành hạt nhân quy tụ các trường đại học khác trong vùng phát triển thành một trung tâm/cụm (cluster) đào tạo và nghiên cứu khoa học trọng điểm lớn của cả nước. Từ đó, đảm bảo sự chủ động, cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao, tiên phong đào tạo các ngành mũi nhọn như Công nghiệp chip bán dẫn, góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa, phát triển kinh tế - xã hội của vùng và khu vực miền Trung - Tây Nguyên cũng như bắt kịp với hai đầu đất nước.

“Sau gần 30 năm xây dựng và phát triển, Đại học Đà Nẵng đã hoàn thiện mô hình quản trị đại học hai cấp tương tự như 2 đại học quốc gia, với 6 trường đại học thành viên và các viện, khoa, phân hiệu, trung tâm trực thuộc, cộng hưởng sức mạnh hệ thống, sử dụng hiệu quả nguồn lực chung với tiềm lực đội ngũ giảng viên, các nhà khoa học khá mạnh (gần 2.600 cán bộ, giảng viên), tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ trở lên gần 46%, đa số được đào tạo ở các nước tiên tiến.

Nhà trường đã phát triển được mạng lưới hợp tác quốc tế sâu rộng, đồng thời tích cực đẩy mạnh hợp tác, gắn kết với các địa phương, các trường đại học/viện nghiên cứu và các doanh nghiệp uy tín trong và ngoài nước để tạo thêm nguồn lực góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Trường cũng tập trung triển khai dự án xây dựng khu đô thị đại học (tại Hòa Quý - Điện Ngọc)... Đây là những bước chuẩn bị rất quan trọng, tạo tiền đề vững chắc để phát triển tiềm lực đội ngũ, cơ sở vật chất, đáp ứng yêu cầu phát triển thành đại học quốc gia”, thầy Vũ bày tỏ.

Theo thầy Vũ việc phát triển thêm các đại học quốc gia là phù hợp với xu thế của thế giới. (Ảnh: website Đại học Đà Nẵng)

Theo thầy Vũ việc phát triển thêm các đại học quốc gia là phù hợp với xu thế của thế giới. (Ảnh: website Đại học Đà Nẵng)

Ngoài ra, nhà trường cũng triển khai thực hiện chiến lược phát triển Đại học Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, trường chú trọng hoàn thiện mạng lưới các trường đại học thành viên, thành lập thêm các trường đại học thành viên mới như: Trường Đại học Y - Dược (trên cơ sở Khoa Y - Dược, Đại học Đà Nẵng), Trường Đại học Quốc tế (trên cơ sở Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt - Anh, Đại học Đà Nẵng);

Nghiên cứu hoàn thiện, bổ sung quy hoạch các trường đại học thành viên các ngành then chốt khác như: Trường Đại học Luật, Trường Đại học Văn hóa - Du lịch; sắp xếp đưa vào quy hoạch một số trường đại học địa phương làm vệ tinh của đại học quốc gia như: Trường Đại học Quảng Nam, Trường Đại học Phạm Văn Đồng, Trường Đại học Kon Tum (trên cơ sở Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum)…; Phát triển thêm các viện nghiên cứu, trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm tài nguyên số, trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh, trung tâm khảo thí, trung tâm điều hành đại học “thông minh”, nhà xuất bản và các doanh nghiệp khoa học công nghệ để nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo và tăng cường sứ mệnh phụng sự vì cộng đồng.

Tuy nhiên, theo Giám đốc Đại học Đà Nẵng, dự thảo cũng cần có dự báo xu thế phát triển của cuộc cách mạng công nghệp 4.0, trong đó sự phát triển của AI, Big Data, IOT,… sẽ tác động đến số lượng lao động, cơ cấu và trình độ của lực lượng lao động trong tương lai để từ đó tính đến quy mô, cơ cấu ngành nghề có tác động đến số lượng trường trong tương lai cho phù hợp.

Nhật Lệ