Giấc mơ cuốc đất thành triệu phú ở đồi Trăm Tỷ

17/05/2011 00:01
Hàng ngàn người đổ xô về đây moi trầm bì trúng đậm, theo giới phu trầm thống kê thì từ trước đến nay trúng trầm ở đây lên đến hàng trăm tỷ.

“Đồi Trăm Tỷ, trại Dây Lang” không xa lạ gì đối với các phu trầm, bởi chỉ có ăn ngủ ở trại Dây Lang đi tìm trầm trên đồi Trăm Tỷ mới hốt bạc.

Cây dó bầu sau một thời gian khai thác tìm kỳ nam hiện đang có nguy cơ bị diệt chủng. Riêng cây dó gạch, trước đây các phu trầm đã dùng rựa dạt (băm) vào thân cây tìm trầm sánh. Từng tốp thợ trầm “thư” như vậy, từ năm này qua năm khác, không chịu nổi “sức ép” từ phu trầm, cây không còn nhựa sống, ngã chết rục. Khi chôn vùi dưới lá ủ, bản thân cây dó gạch đã có trầm cám bám ngoài da (bì), quá trình mưa, nắng, chôn vùi dưới lòng đất trầm cám vẫn “ăn” da, tích tụ trầm, gọi là trầm bì mà hiện nay các phu trầm kỳ công tìm kiếm.

“Công xưởng” của phu trầm

Từ làng Chín Bếp (xã Phú Mỡ) băng qua suối Lạnh đi sâu vào khu rừng Chín Cụm (9 ngọn núi cao) đến dốc Bom (giáp ranh làng Mèo, tỉnh Gia Lai), giữa mênh mông rừng núi âm u rộng hơn 22.000 ha, không có nơi nào không có dấu cuốc của phu trầm. Đặc biệt năm nay “mỏ trầm” dưới lòng đất “lộ thiên” hàng trăm người trúng đậm trầm bì.

Hàng trăm phu trầm dàn hàng ngang cuốc đất xới rừng tìm trầm.
Hàng trăm phu trầm dàn hàng ngang cuốc đất xới rừng tìm trầm.


Trên một đoạn đường ngắn từ  Trạm Quản lý và Bảo vệ rừng Chín Bếp vào đến trại ông Đồng “đen” khoảng 3 cây số, chúng tôi bắt gặp nhiều tốp phu trầm từ rừng sâu đi ra, trong đó có những gương mặt trúng trầm nói cười hớn hở. Những người trúng trầm khi nhìn thấy chúng tôi bỗng dưng mặt họ tái nhợt vì tưởng là công an hoặc kiểm lâm giả dạng đi bắt, nên vừa qua khỏi cầu Suối Lạnh họ leo lên xe phóng đi mất hút.

Tại trại ông Đồng “đen” có đến hàng trăm chiếc xe gắn máy của phu trầm gửi giống như nhà gửi xe của công nhân một công ty nào đó. Ông Phạm Thành Đồng (thường gọi là phu trầm Đồng “đen”), được xem là “thổ địa” rừng trầm, cho biết: “Ở đây mới có một bãi gửi xe đầu đường, còn đi sâu vào Chín Cụm, Dốc Bơm, trại Tôn thì có nhiều bãi gửi xe khác, mỗi bãi có hàng trăm chiếc như thế này”.

Sau một hồi trò chuyện xởi lởi “nói gần, nói xa” dò xét tình hình, ông Đồng “đen” chấp nhận dẫn chúng tôi vào tận chỗ phu trầm đang cuốc đất tìm trầm. Trước khi thành lập chuyến “hành trình” vào rừng sâu, chúng tôi đã tìm hiểu kỹ công việc cuốc đất tìm trầm và được nhiều người cảnh báo, không được giới thiệu là phóng viên báo chí vì nếu giới thiệu như vậy phu trầm “thiến” liền, nhưng ngược lại họ quý mến.

Tại khu rừng Suối Lạnh, hàng trăm người dàn hàng ngang dưới bóng cây rừng già cuốc đất, đất được cuốc lên họ ngồi xuống bóp vỡ vụn ra tìm trầm bì. Họ làm việc hăng say giống như công nhân của nhà máy chạy theo dây chuyền công nghiệp. Hàng trăm phu trầm đến từ nhiều nơi, mỗi tốp 5-7 người, có tốp sắp phải về vì hết lương thực, có tốp vừa đặt chân đến, họ đi chuyến đầu tiên. Ông Huỳnh Thanh Tuấn, một phu trầm ở thôn Suối 1, xã Xuân Quang 1, huyện Đồng Xuân, giãi bày: “Vì cuộc sống phải mưu sinh thôi, vất vả lắm. Có lúc mải mê moi đất tìm trầm quên ăn cơm, khi bụng cồn cào với gói cơm treo trên cành cây, lấy xuống kiến đã tha gần hết phải ăn “ké” người bên cạnh”.

Ông Trương Đắc Ty, một phu trầm ở xã Xuân Quang 3 (Đồng Xuân), cho biết: “Cả khu rừng già rộng lớn, phu trầm họ cuốc đi cuốc lại 2-3 lần/ngày, cuốc đến nỗi đất tơi xốp. Nghề này kể cũng lạ, có người cuốc đi không phát hiện ra trầm nhưng người khác đến cuốc lại, chỉ moi vài lát là lại hốt ra bạc”. Đang tâm sự thì phía dưới chỗ ông Ty ngồi, có người hô: “Thằng Cu Em trúng hàng rồi!”. Chúng tôi đến đó xem, Cu Em chìa ra một miếng trầm bì to bằng ngón tay út, dài 5cm, xoắn tròn nhưng chỉ cần đụng tay vào là vỡ vụn. Vì vậy, Cu Em sau khi nhặt lên cẩn thận dùng túi nilon cuộn tròn rồi bật lửa hơ cho nilon chảy ra rồi nhẹ ép kín vào. Cu Em giãi bày: “Miếng này khoảng 1 zem, cầm chắc 20 triệu đồng, nếu trúng trầm thì không có lương “ông to, bà lớn” nào theo kịp”.

Với một đội ngũ phu trầm hàng trăm người, họ đào xới hàng ngàn hécta rừng như vậy nên các loại cây gỗ quý như chò, sến, cứt sắt, gụ… lớn nhanh như thổi, cao hàng chục mét, thẳng đuột. Ông Đồng “đen” phân tích: “Từ Suối Lạnh đi bộ nửa ngày đường nữa thì đến đường Trường Sơn, trước đây là con đường vận chuyển muối, lương thực của cách mạng từ Gia Lai về Phú Yên và ngược lại. Khi Mỹ phát hiện ra con đường này, bọn chúng rải chất độc da cam nên rừng bị thiêu rụi, từ sau ngày giải phóng đến nay rừng hồi sinh, nhờ đất tốt và sự “chăm sóc” của phu trầm mà cây lớn nhanh”.

Ông Phạm Kỳ Sinh, nhân viên Trạm Quản lý và Bảo vệ rừng Chín Bếp (thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Đồng Xuân), cho biết: “Nhờ đất lúc nào cũng tơi xốp nên hàng ngàn hécta rừng phòng hộ đầu nguồn lớn nhanh. Chúng tôi đi kiểm tra hằng ngày, người tìm trầm chỉ cuốc sâu từ 1-2 lát cuốc (30-40cm) nên không ảnh hưởng gì đến rễ cây mà ngược lại làm cho đất thoáng khí”.

Hiện nay, những người đi tìm trầm không cầu mong tìm trúng trầm bắp (kỳ nam nhung hình thành từ cây dó bầu), vì gần 30 năm qua toàn khu rừng này có đến hàng triệu bàn chân con người dẫm nát để tìm kỳ nam. Người ta chỉ mong gặp được trầm bì, là vỏ cây dó gạch bị dạt bỏ lâu ngày dưới đất tạo thành trầm.

“Luật rừng” ở đồi Trăm Tỷ

Có một khu rừng phu trầm trúng đậm nhất và họ đặt tên là đồi “Trăm Tỷ”. Theo các phu trầm, trước đây khu rừng này rộng lớn, cây cao to và có cả những dây leo rậm rạp trên tán lá rừng giống như hình mái tóc con Xì Rô nên họ đặt tên là đồi Xì Rô. Khu rừng này là “vùng đất ăn trầm”, trầm bì đậm nhất, bao nhiêu tốp phu trầm “hốt” tiền tỷ từ khu rừng này, vì thế cái tên Xì Rô đi vào quên lãng và phu trầm đặt một cái tên khác, đồi Trăm Tỷ.

Từ khu rừng Suối Lạnh vượt lên rừng cao tiến sâu vào khoảng 5 cây số, mới đến được khu rừng rậm đồi Trăm Tỷ. Theo các phu trầm, hiện nay “mót” trầm bì ở đồi Trăm Tỷ vẫn có người trúng đậm.

Nai lưng cuốc, hai gô nhựa đeo sau lưng, có người cuốc đất đến còng lưng không tìm được một vảy trầm.
Nai lưng cuốc, hai gô nhựa đeo sau lưng, có người cuốc đất đến còng lưng không tìm được một vảy trầm.


“Đồi Trăm Tỷ, trại Dây Lang” không xa lạ gì đối với các phu trầm, bởi chỉ có ăn ngủ ở trại Dây Lang đi tìm trầm trên đồi Trăm Tỷ mới hốt bạc. Vì vậy cách đây khoảng 3 năm, hàng ngàn người đổ xô về đây moi trầm bì trúng đậm, theo giới phu trầm thống kê thì từ trước đến nay trúng trầm ở đây lên đến hàng trăm tỷ. Ông Nguyễn Văn Hùng, phu trầm ở thôn Suối Cối 1, xã Xuân Quang 1, cho biết: “Có ngày đồi Trăm Tỉ người đi “đụng” đầu, nhiều đến nỗi cả khu rừng rộng gần 200ha, ranh giới mỗi người cuốc trong phạm vi to bằng sân đất trước nhà (trung bình khoảng 100m2) cứ thế, hằng ngày họ thay phiên nhau đào xới”.

Tại đây có một chuyện xảy ra bất ngờ, hôm qua có một người cuốc tại khu đất này không gặp, hôm nay người khác đến cuốc lại trúng hàng trăm triệu đồng. Tuy nhiên, theo luật rừng ở đồi Trăm Tỷ, không tranh giành khi thấy bạn trầm trúng trầm, núi rừng ở đây rất linh thiêng nên họ sợ nhất lời nguyền rủa. Vì vậy, trong lúc chén trà, chén rượu giữa rừng nói gì thì nói phải kiêng chửi thề, nguyền rủa nhau. Một điều đặc biệt nữa là khi trúng trầm thì không được cuốc thêm nhát nào nữa mà phải để cuốc chỗ đó về mua, gà, vàng mã lên cúng. Cúng xong mới được cuốc tiếp. Còn những bạn trầm khi thấy cuốc đặt chỗ đó cũng không được tranh giành.

Đi giữa rừng sâu chúng tôi bắt gặp những cái am nghi ngút khói hương, những phu trầm kể vanh vách tên tuổi các cái am này: am ông Tèo, am ông Cư, am ông Minh… Cách đây khoảng 3 tháng, ông Nguyễn Ngọc Cư ở thôn Kỳ Lộ, xã Xuân Quang 1 – ông đã từng đeo đuổi theo nghề tìm trầm gần 20 năm nhưng vẫn nghèo xơ nghèo xác, trưa ngồi ăn cơm, mới ăn nửa bữa thì bất ngờ một nhánh cây khô rơi xuống trúng đầu, ông Minh ngã gục chết tại chỗ. Trước đó, anh Nguyễn Văn Minh, quê ở thị trấn La Hai (Đồng Xuân) cưới vợ người ở thôn Kỳ Lộ, mặc dù có nghề thợ điện nhưng nghe nói có nhiều người trúng trầm, anh Minh “dẹp” tiệm lên núi tìm trầm, trong một lần dời trại bước chân lên mỏm đá trượt chân xuống vực sâu chết không một lời trăng trối… Sau đó những người “tiếp bước” đến họ lập cái am thờ tên tuổi những người này.

Moi đất tìm tiền triệu

“Chưa có con số thống kê chính xác bao nhiêu người trúng trầm vì trong một chuyến đi có người trúng vài chục triệu đến vài trăm triệu, thậm chí có người “ôm” cả tỉ. Nhưng chỉ cần nhìn vào hàng trăm hộ dân ở thôn Kỳ Lộ, xã Xuân Quang 1 này thì mới biết, gần 80% nhà có xe tay ga cũng từ trầm mà ra” – một cán bộ xã Xuân Quang 1 thổ lộ.

Lâu nay, người dân thôn Kỳ Lộ sống chủ yếu bằng nghề trồng mía và cây thuốc lá, thời gian rảnh, họ mang balô lên rừng tìm trầm. Thời gian tìm kỳ nam thì dân các nơi đến tìm trúng trầm bắp (kỳ nam), riêng thôn Kỳ Lộ không “đụng” được vảy nào. Khi cây dó bầu đã bị diệt sạch họ chuyển sang moi đất tìm trầm bì từ cây dó gạch. Cách đây 3 năm, mỗi chuyến đi cả tháng trời, ai may mắn lắm kiếm được vài chục triệu là cùng, riêng năm nay họ hốt bạc trầm bì.

Ông Nguyễn Văn Tuân ở xã Xuân Quang 1 cho biết: “Hôm qua thằng Đại ở thôn Kỳ Lộ trúng cục bằng cổ tay, bèo lắm cũng trên 500 triệu đồng. Năm qua, hết tốp này đến tốp khác ở Kỳ Lộ thay phiên nhau trúng trầm. Gần tết họ sắm sửa vật dụng trong nhà thoải mái, còn lại họ mua xe, xe tay ga dựng bóng loáng, như nhà ông Ba Can có đến 3 chiếc tay ga”.

Những người dân xã Xuân Quang 1 đi tìm trầm trên đường về.
Những người dân xã Xuân Quang 1 đi tìm trầm trên đường về.


Trước thông tin nhiều người phu trầm chuyên nghiệp ở Kỳ Lộ trúng đậm trầm bì, những người có của ăn, của để quanh vùng cũng cất bước lên đường. Mới đây, ông Chín Thanh nhà có hẳn một cái đại lý bán hàng tạp hóa, cũng lên núi cuốc đất, chuyến đi 7 người, nằm trên núi 1 tuần cố moi móc bán được 1 triệu đồng.

Chẳng phải ai cũng có thể kiếm được tiền triệu như vậy. Nhắc đến bà Hai Nhờ, ở xã Xuân Quang 1, ai cũng biết, họ đều tặc lưỡi thương cho hoàn cảnh của bà. Năm nay gần 70 tuổi, không biết bao nhiêu chuyến đi trầm nhưng rồi cũng “phủi” tay về không. Bà Hai Nhờ sinh được 2 người con, người lành lặn thì bị trúng gió chết cách đây đã lâu, còn đứa con tật nguyền sống lay lắt với bà. Nghe nói nhiều người trúng trầm, bà ráng lên núi tìm trầm về chữa bệnh cho con, càng ráng đi thì càng không có. “Vài chuyến đầu, mỗi chuyến kiếm vài trăm ngàn đủ sắm chuyến, càng về sau thì không có đồng nào” – Bà Hai Nhờ mếu máo nói.

Anh Nguyễn Văn Nam ở thôn Suối Cối 1 (xã Xuân Quang 1) – một người “ăn dầm, nằm dề” tìm trầm kéo dài gần cả tháng ở đây nói: “Tìm trầm đã trở thành một nghề ở địa phương này từ khá lâu rồi. Anh Nam cho hay, mỗi chuyến đi thường kéo dài một tháng. Người tìm trầm phải dùng tay moi lá ủ, cuốc đất tìm trầm bì. Chuyến đi vừa rồi, nhà Nam cả 3 anh em trai cùng đi. 30 ngày, tìm được ít trầm bì, cả 3 bán được 8,5 triệu đồng chia nhau. Tuy không nhiều nhưng Nam cho biết “vậy là tạm được”, bởi lẽ có những chuyến các anh ở lùng sục trong rừng hàng chục ngày trời vẫn phải trở về tay không…

“Chúa rừng” nuôi trầm

Trước sự ồ ạt đi tìm trầm thì cây dó bầu ở rừng sâu này đã bị diệt chủng, cây dó gạch chỉ còn thưa thớt mấy cây nhỏ vừa mới mọc 3-5 năm tuổi. Xót xa trước “mỏ trầm” cạn kiệt và những cây dó gạch trước nguy cơ bị hàng trăm tay cuốc bứng gốc, ông Phạm Thành Đồng, ở xã Xuân Quang 1, bỏ công bứng cây dó gạch còn may mắn sống sót đem về trồng bảo quản trong lán trại.

Trồng cây dó gạch ông không màng đời mình được hưởng trầm vì quá trình tạo trầm trong một thời gian rất dài. Ông chỉ mong muốn các ngành chức năng có phương án trồng lại cây dó gạch để con cháu được hưởng “lộc rừng”.

Tại khu rừng Hà Đan, UBND tỉnh Phú Yên cấp giấy phép cho Công ty TNHH Cây Xanh (trụ sở đóng tại khu Công nghiệp An Phú, TP Tuy Hòa) với 1.600 hécta rừng để trồng cây dó bầu. Ông Phạm Thành Đồng được công ty này thuê bảo quản khu vực trên. 8 năm qua vợ chồng, con cái “đùm túm” lên ở nơi biệt lập giữa núi rừng để trông coi, chăm sóc cây dó bầu. Từ lán trại của ông, hàng trăm người từ các tỉnh đến ở nhờ. Ban đầu biết mặt, sau nhiều chuyến đi họ kết nghĩa bầu bạn với ông. Ông Đồng kể, thời kỳ tìm kỳ nam “năm thì mười họa” mới có tốp người trúng trầm bắp (kỳ nam nhung), đến thời gian tìm trầm bì trước đây trúng lai rai, riêng chỉ có năm nay trầm rộ nhiều. Thấy họ trúng nhiều đến nỗi ông khuyên con trai đi moi trầm. “Ông xui tôi từ miền Tây ra chơi, thấy trúng trầm cũng ở lại moi tìm, chàng rể tôi cũng đang cuốc rừng trên đó” – Ông Đồng tâm sự.

Tuy nhiên, chứng kiến cảnh phu trầm tận diệt các loại cây dó mà ông thấy đau nhói lòng mình. Ông Đồng phân tích: Để tìm được trầm, khi các phu trầm phát hiện được cây dó, họ dùng rựa dạt (băm) vào thân cây lấy từng miếng dăm rồi dùng lửa đốt xem có bay mùi thơm không (có mùi thơm thì trầm đã tích tụ). Những cây dó bầu ở vùng đất tốt “sung sức” to bằng vòng tay người ôm, chưa tích tụ trầm họ vẫn băm để chỗ thương tật đó tạo trầm. Từng tốp thợ trầm “thử” như vậy dạt năm này qua năm khác đến nỗi cây không còn nhựa sống, ngã chết rục. Đối với cây dó gạch, phu trầm cũng “tìm trầm” như vậy để tìm trầm sánh (từng miếng trầm bám sánh trong thân cây có màu đỏ quạch, có người gọi là hầu). Loại cây dó gạch này quá trình hình thành trầm sớm hơn, khoảng 10 năm đã có trầm cám bám ngoài da, khi chịu không nổi “sức ép” của phu trầm, cây cũng chết rục. Ngược lại khi bị lá ủ, quá trình mưa nắng chôn vùi dưới lòng đất trầm cám vẫn “ăn” cây, tích tụ trầm, gọi là trầm bì mà hiện nay các phu trầm kỳ công tìm.

Xót “của quý” nơi rừng già, 2 năm qua ông Đồng lặn lội tìm cây dó gạch khắp ngõ ngách đem về gần lán trại trồng, trông coi. Cây dó gạch là loại cây to không còn, một ngày bỏ công đi khắp rừng bứng được một vài cây con từ 3-5 năm tuổi về nuôi. Hai năm qua tôi dăm được gần 50.000 ngàn cây. Nếu nhà nước đầu tư trồng dó gạch thì tôi có giống tại rừng” – Ông Đồng cho biết.

Ông Nguyễn Lộc, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Đồng Xuân cho biết: “Qua khảo sát trên 22.000 ha rừng đầu nguồn huyện Đồng Xuân, trong đó có 17.000 ha rừng phòng hộ và 5 ha rừng sản xuất  thì cây dó bầu hiện không còn, chỉ có cây dó gạch loại cây con còn sót lại thôi”. Giải pháp ngăn chặn người tìm trầm ồ ạt vào rừng, để nuôi dưỡng được cây dó thì theo ông Lộc khó mà ngăn chặn vì giữa vùng rừng núi rộng bao la họ đến đây bằng nhiều con đường.

Theo Mạnh Hoài Nam (Năng Lượng Mới)