Đừng ấn định "học kém mới đi học nghề" với học sinh tốt nghiệp THCS

18/01/2023 06:33
Phạm Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhận thức của xã hội cũng là một trong những rào cản đối với công tác phát triển GDNN, đào tạo nghề không theo kịp nhu cầu lao động của các doanh nghiệp.

Hiện nay, trong những buổi hướng nghiệp tại các trường trung học cơ sở, khảo sát nhu cầu, mong muốn của học sinh tại các buổi hướng nghiệp ấy cho thấy: tiếp tục học trung học phổ thông rồi thi đại học vẫn là một trong những sự lựa chọn ưu tiên hàng đầu, học nghề được xếp nhóm phương án lựa chọn cuối cùng.

Tâm lý của đa số phụ huynh cũng thường là tìm cách như thuê gia sư, tìm đến các trung tâm bồi dưỡng để con có thể đỗ một trường trung học phổ thông công lập phù hợp sau cấp trung học cơ sở.

Rất ít phụ huynh chọn cho con các lớp học nghề kết hợp học văn hoá và mặc định suy nghĩ rằng: chỉ có học kém, gia đình hoàn cảnh khó khăn, cần tham gia thị trường lao động sớm mới chọn học nghề hoặc cho rằng môi trường học nghề không tốt;…

Những suy nghĩ này đã mang lại áp lực không nhỏ đối với học sinh trong hướng lựa chọn nghề nghiệp, nhiều em bế tắc trong học tập nhưng không định hướng được tương lai của bản thân.

Nhận thức của xã hội cũng là một trong những rào cản đối với công tác phát triển giáo dục nghề nghiệp, khiến đào tạo nghề không theo kịp được nhu cầu lao động của các doanh nghiệp.

Vậy thực tế môi trường học nghề kết hợp với học văn hoá dành cho học sinh sau trung học cơ sở hiện nay như thế nào? Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có buổi trò chuyện cùng giáo viên, học sinh tại lớp trung cấp Hướng dẫn du lịch của Trường Cao đẳng Việt – Hàn Quảng Ninh để tìm hiểu về thực trạng các lớp dạy nghề.

Cô giáo Trần Thị Hường trong giờ dạy tại lớp trung cấp nghề Hướng dẫn du lịch, Trường Cao đẳng Việt - Hàn Quảng Ninh. (Ảnh: Phạm Linh)

Cô giáo Trần Thị Hường trong giờ dạy tại lớp trung cấp nghề Hướng dẫn du lịch, Trường Cao đẳng Việt - Hàn Quảng Ninh. (Ảnh: Phạm Linh)

Thay đổi nhận thức về học nghề với học sinh trung học cơ sở

Gặp gỡ cô giáo Trần Thị Hường, giáo viên của Khoa Du lịch, Trường Cao đẳng Việt – Hàn Quảng Ninh, phóng viên được lắng nghe những chia sẻ về nỗ lực của đội ngũ giáo viên trong việc thay đổi nhận thức của phụ huynh, của xã hội về học nghề đối với học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở: “Tôi nhận thấy rằng rất nhiều người có quan điểm do các con học lực kém không thi được trường công, hoàn cảnh gia đình,…nên mới chọn học nghề.

Thực tế bản thân tôi những ngày đầu tiên giảng dạy tại trường cũng chưa có cái nhìn toàn diện về học nghề.

Sau một thời gian công tác, tôi thấy dù ở các trường trung học phổ thông công lập, dân lập hay trường nghề thì trong 1 lớp học cũng sẽ có những bạn học lực tốt, bạn học lực chưa tốt.

Như ở những lớp học nghề kết hợp học văn hoá tôi phụ trách có những bạn có thể học văn hoá ở mức trung bình nhưng học nghề lại rất tốt. Dù mới tốt nghiệp trung học cơ sở nhưng nhiều em có khả năng thuyết trình trôi chảy, tự tin và khả năng tìm hiểu thông tin tốt.

Đặc biệt những bạn tự có định hướng sớm, lựa chọn học nghề dựa trên sở thích sẽ học nghề rất tốt.

Ví dụ, đối với nghề hướng dẫn du lịch thì khả năng nói, giao tiếp, trau dồi kiến thức về địa phương, địa danh,… rất quan trọng nên một số bạn thực sự thể hiện được tài năng khi học nghề này".

Xã hội cần có quan điểm toàn diện hơn về học nghề đối với học sinh sau trung học cơ sở. (Ảnh: Phạm Linh)

Xã hội cần có quan điểm toàn diện hơn về học nghề đối với học sinh sau trung học cơ sở. (Ảnh: Phạm Linh)

Cô giáo Hường cho rằng xã hội nên có sự thay đổi nhận thức về học nghề: “Sau 3 năm giảng dạy, tôi cho rằng phụ huynh cần có sự thay đổi nhận thức, không phải chọn học nghề là học kém mà mục đích của việc dạy nghề là mong muốn học sinh có kỹ năng, có thể làm việc ngay sau khi tốt nghiệp.

Với đào tạo nghề, kiến thức không mang tính hàn lâm mà đi thẳng vào những kỹ năng, sau khi ra trường học sinh sẽ sử dụng cho công việc ngay.

Bởi vậy, ý thức của bản thân trong quá trình học sẽ phản ánh kết quả chứ không hoàn toàn quyết định bằng việc các em đang học ở đâu.

Không thiếu trường hợp học sinh trung học phổ thông bị quá tải, áp lực với những giờ học văn hoá, thậm chí không đạt được mục tiêu thi đỗ đại học, cao đẳng.

Với những học sinh học lực không tốt sẽ có tâm lý thiếu tự tin, khi cứ cố theo một môi trường áp lực, không phù hợp, các em sẽ bị kìm nén sự phát triển và càng áp lực thêm. Một số trường hợp thì khác thì điều kiện kinh tế không theo học hết được đại học, các em phải quay lại học nghề, sẽ rất mất thời gian và công sức.

Theo tôi, dù chọn học môi trường, bậc học nào thì quan trọng nhất là phải phù hợp với năng lực, điều kiện gia đình.

Nhiều học sinh dù mới tốt nghiệp trung học cơ sở nhưng có suy nghĩ rất chín chắn, xác định học nghề kết hợp với học văn hoá thì sẽ có 2 bằng (cả văn hoá và nghề) khi tốt nghiệp. Vì thế, phụ huynh không nên có thành kiến đối với học nghề mà nên tôn trọng ý kiến của con.

Hãy thử đến những cơ sở học nghề để có cái nhìn thực tế về môi trường học tập chứ không nên ấn định khái niệm "học kém mới đi học nghề".

Môi trường học nghề kết hợp với dạy và học văn hoá hiện rất được quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên.

Như ở trường tôi, hầu hết các giáo viên đều có kinh nghiệm làm việc tại các doanh nghiệp nên hiểu được học sinh cần được trang bị những gì để đáp ứng điều kiện của doanh nghiệp, có cơ hội việc làm và thu nhập ổn định.

Thực tế chỉ cần học sinh thực sự yêu thích, chú tâm học tập thì các em hoàn toàn có cơ hội việc làm, thu nhập không hề kém so với việc lựa chọn con đường học truyền thống”.

“Chọn học nghề, dần cởi bỏ áp lực và tìm ra điểm mạnh của bản thân!”

Đó là chia sẻ của em Nguyễn Thị Hà Tâm (sinh năm 2007, học sinh lớp trung cấp nghề Hướng dẫn du lịch, Trường Cao đẳng Việt – Hàn Quảng Ninh.

Sau khi tốt nghiệp lớp 9, Hà Tâm đồng thời nhận được kết quả đỗ vào Trường Trung học phổ thông Hoành Bồ và Trường Cao đẳng Việt – Hàn Quảng Ninh.

Mặc dù vấp phải sự phản đối của bố mẹ nhưng Hà Tâm vẫn quyết định theo học lớp trung cấp Hướng dẫn du lịch.

Dù đỗ trường trung học phổ thông công lập, em Nguyễn Thị Hà Tâm (sinh năm 2007) lựa chọn học trung cấp nghề Hướng dẫn du lịch, Trường Cao đẳng Việt – Hàn Quảng Ninh. (Ảnh: Phạm Linh)

Dù đỗ trường trung học phổ thông công lập, em Nguyễn Thị Hà Tâm (sinh năm 2007) lựa chọn học trung cấp nghề Hướng dẫn du lịch, Trường Cao đẳng Việt – Hàn Quảng Ninh. (Ảnh: Phạm Linh)

Hà Tâm chia sẻ: “Sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở mặc dù đỗ trường công lập nhưng em lại chọn học nghề. Mọi người không ai hiểu được quyết định của em. Bố mẹ cũng phản đối và bạn bè của em cũng vậy.

Nhưng em cho rằng đây là con đường học tập phù hợp nhất với khả năng và định hướng của bản thân.

Sau một thời gian học tập, hiện tại bản thân em luôn cảm thấy hạnh phúc khi đến trường, bố mẹ em giờ cũng hiểu và đồng ý cho em tiếp tục với sự lựa chọn của mình.

Khi đến trường, các thầy cô dạy rất dễ hiểu, môi trường học tập rất lành mạnh và em cảm thấy vui vẻ, có nhiều bạn hơn và tự tin hơn khi được tham gia các cuộc thi của trường, của tỉnh.

Đặc biệt, em không còn cảm thấy rằng bản thân quá kém cỏi nữa. Chọn học nghề đã giúp em dần cởi bỏ áp lực và tìm ra điểm mạnh của mình”. Từ một cô bé nhút nhát, tự ti với trong học tập, nay Hà Tâm là một trong những học sinh tiêu biểu của lớp trung cấp Hướng dẫn du lịch, Trường Cao đẳng Việt – Hàn Quảng Ninh.

Trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh hiện có 14 trung tâm giáo dục thường xuyên có chức năng dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông, bao gồm: 1 trung tâm Hướng nghiệp và giáo dục thường xuyên tỉnh, 13 trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên. 7 trường đại học, cao đẳng có hoạt động liên kết với các trung tâm giáo dục thường xuyên trong việc giảng dạy văn hóa cấp trung học phổ thông.

Năm học 2021 – 2022, tỉnh có 9.045 học viên học nghề kết hợp học văn hóa (trong đó có 2.490 học viên lớp 12 đăng ký thi tốt nghiệp trung học phổ thông).

Phạm Linh