Dự thảo mới nên quy định thêm định mức tối đa với giáo viên dạy thỉnh giảng

11/07/2024 06:45
Minh Khôi
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Giáo viên dạy tại đơn vị không lớn hơn 25% định mức tiết dạy trung bình trong 01 tuần thì giáo viên thỉnh giảng cũng nên được quy định tương tự.

Ngày 21/6, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố dự thảo Thông tư quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông, dự bị đại học trên Cổng Thông tin điện tử của Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo để lấy ý kiến góp ý rộng rãi của dư luận.

Điểm mới của dự thảo là điều chỉnh bổ sung các quyền lợi cho những giáo viên phổ thông, dự bị đại học, trong đó có vấn đề giảm định mức tiết dạy của giáo viên,…phù hợp với các quy định của Luật khác.

Trong đó có 2 nội dung mới đáng chú ý là quy định giáo viên không kiêm nhiệm quá 2 nhiệm vụ và quy định cụ thể thời gian làm thêm giờ của giáo viên các cấp ở bậc phổ thông.

GDVN-minh họa.JPG
Ảnh minh họa: Giaoduc.net.vn

Số tiết dạy vượt quá không lớn hơn 25% định mức tiết dạy trung bình trong 01 tuần là bao nhiêu tiết đối với từng cấp học?

Căn cứ Điều 4 nguyên tắc xác định chế độ làm việc tại Dự thảo Thông tư quy định chế độ làm việc với giáo viên phổ thông quy định nguyên tắc xác định chế độ làm việc như sau:

Thời gian làm việc của giáo viên được thực hiện theo năm học, được quy đổi thành tiết dạy trong 01 năm học hoặc tiết dạy trung bình trong 01 tuần; thời gian làm việc của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng thực hiện theo quy định về thời giờ làm việc bình thường (bao gồm cả thời gian thực hiện nhiệm vụ giảng dạy theo quy định tại Thông tư này) đảm bảo tuần làm việc 40 giờ theo quy định của Bộ luật Lao động.

Việc phân công, bố trí nhiệm vụ cho giáo viên phải bảo đảm quy định về định mức tiết dạy, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi theo quy định của pháp luật; bảo đảm công khai, công bằng giữa các giáo viên trong cùng trường.

Căn cứ vào thực trạng đội ngũ, kế hoạch của nhà trường và quy định định mức tiết dạy trong 01 năm học, hiệu trưởng phân công nhiệm vụ giáo viên với định mức tiết dạy trung bình trong 01 tuần. Trường hợp phải phân công giáo viên dạy nhiều hơn định mức tiết dạy trung bình trong 01 tuần (bao gồm cả các tiết dạy quy đổi đối với các nhiệm vụ kiêm nhiệm) thì số tiết dạy vượt quá không lớn hơn 25% định mức tiết dạy trung bình trong 01 tuần.

Mỗi giáo viên không kiêm nhiệm quá 02 nhiệm vụ quy định tại Điều 8, Điều 9, Điều 10 Thông tư này.

Đối với các vị trí kiêm nhiệm và các hoạt động chuyên môn theo quy định tại Chương III Thông tư này (trừ kiêm nhiệm công tác công đoàn, bí thư đoàn, phó bí thư đoàn cấp trường) nếu đã được nhận tiền thù lao hoặc tiền phụ cấp thì không được quy đổi ra tiết dạy.

Giáo viên giảng dạy ở trường phổ thông có nhiều cấp học được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp giáo viên ở cấp học nào thì thực hiện định mức tiết dạy quy định đối với giáo viên ở cấp học đó. Trong đó, 01 tiết dạy được phân công được tính bằng 01 tiết định mức.

Đối với các nhiệm vụ chuyên môn khác chưa được quy định chế độ giảm định mức tiết dạy theo Điều 8, Điều 9, Điều 10, Điều 12 Thông tư này thì hiệu trưởng căn cứ vào mức độ phức tạp, khối lượng công việc để quy đổi tiết dạy đối với các hoạt động chuyên môn đó sau khi có ý kiến nhất trí của cơ quan quản lý giáo dục trực tiếp.

Cần hiểu, công việc của các giáo viên đòi hỏi sự nhất quán và lộ trình bài bản. Việc đảm bảo những nguyên tắc nhất định trên vừa đảm bảo chất lượng, vừa đảm bảo các kế hoạch giảng dạy được hoàn thành đúng quy định.

Tại điểm a khoản 2 Điều 6 dự thảo quy định định mức tiết dạy đối với giáo viên như sau: “a) Giáo viên trường tiểu học là 23 tiết, giáo viên trường trung học cơ sở là 19 tiết, giáo viên trường trung học phổ thông là 17 tiết”.

Với dự thảo không dạy vượt quá 25% định mức tiết dạy trung bình trong 01 tuần, ngoài tiết dạy định mức, giáo viên tiểu học không dạy vượt quá 5,75 tiết định mức tiết dạy trung bình trong 01 tuần,, giáo viên trung học cơ sở không dạy vượt quá 4,75 tiết định mức tiết dạy trung bình trong 01 tuần, giáo viên trung học phổ thông không dạy vượt quá 4,25 tiết định mức tiết dạy trung bình trong 01 tuần.

Người viết cho rằng dự thảo quy định điều này là vô cùng phù hợp vì 2 nguyên nhân thời gian làm thêm giờ khoa học để đảm bảo đủ sức khỏe làm việc, tránh áp lực và quá tải và tuân thủ quy định thời gian làm thêm theo Luật lao động (không quá 200 giờ/năm trừ trường hợp quy định tại khoản 3, Điều 107 Luật Lao động 2019).

Cần có quy định giáo viên thỉnh giảng cũng không lớn hơn 25% định mức tiết dạy trung bình trong 01 tuần

Thỉnh giảng là việc cơ sở giáo dục mời người đủ tiêu chuẩn quy định đến giảng dạy. Người được cơ sở giáo dục mời giảng dạy được gọi là giáo viên thỉnh giảng hoặc giảng viên thỉnh giảng, giáo viên được thỉnh giảng sẽ được cơ sở mời trả kinh phí theo hợp đồng thỉnh giảng.

Do thực trạng thiếu giáo viên, nhất là các môn đặc thù nên các trường thỉnh giảng giáo viên khá nhiều để đảm bảo thực hiện đầy đủ chương trình theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Giáo viên dạy thỉnh giảng để kiếm thêm thu nhập là điều hợp lý nhưng cũng nên có quy định để đảm bảo khoa học, phù hợp và cũng không nên vượt quá giờ làm thêm theo quy định tại Luật Lao động.

Hiện nay, có thực trạng giáo viên dạy thỉnh giảng ở nhiều nơi, có người dạy hơn 20 tiết mỗi tuần và gần 1000 tiết mỗi năm (vượt cả số tiết dạy định mức một tuần đối với giáo viên trung học cơ sở, trung học phổ thông), dẫn đến mất sức khỏe, trí tuệ và hiệu quả kém, về lâu dài gây ảnh hưởng đến bản thân giáo viên và học sinh, dẫn đến gây khó khăn cho đơn vị chủ quản và đơn vị mời thỉnh giảng.

Nên, góp ý về dự thảo người viết cho rằng giáo viên thỉnh giảng là viên chức, hoạt động thỉnh giảng tại đơn vị khác giống như hoạt động dạy thêm giờ nên được quy định cụ thể để đảm bảo sức khỏe, khoa học và hợp lý.

Người viết đề nghị bổ sung quy định “Giáo viên được thỉnh giảng ở một hay nhiều đơn vị thì tổng số tiết dạy thỉnh giảng không lớn hơn 25% định mức tiết dạy trung bình trong 01 tuần”.

Giáo viên dạy tại đơn vị không lớn hơn 25% định mức tiết dạy trung bình trong 01 tuần thì giáo viên đến đơn vị khác thỉnh giảng cũng nên được quy định cụ thể không lớn hơn 25% định mức tiết dạy trung bình trong 01 tuần để đảm bảo khoa học, sức khỏe và phù hợp các quy định về làm thêm giờ theo quy định của Luật Lao động.

Bên cạnh đó, người viết mong Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu bổ sung quy định giáo viên dạy thêm bên trong và ngoài nhà trường không được vượt quá bao nhiêu tiết định mức mỗi tuần để tránh tình trạng giáo viên “chân trong chân ngoài” hay việc o ép, lạm dụng dạy thêm để thu tiền, cũng như đảm bảo thời gian giảng dạy, học tập, nghiên cứu và làm thêm của giáo viên.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Minh Khôi