Thời gian qua hàng loạt “ông lớn” nợ thuế bị cưỡng chế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản ngân hàng khiến không ít chuyên gia kinh tế lo ngại chế tài xử lý chưa nghiêm khiến doanh nghiệp cố tình chây ì, hoãn nợ thuế.
Điều này không chỉ gây thất thu cho ngân sách nhà nước mà còn gây ra sự bất công cho những doanh nghiệp đóng thuế đúng thời hạn.
Chỉ vài ngày trở lại đây, hai doanh nghiệp lớn có liên quan đến ông Trịnh Văn Quyết làm Chủ tịch Hội đồng quản trị gồm Công ty cổ phần Tập đoàn FLC (mã FLC) và Công ty cổ phần xây dựng FLC Faros (mã VN30: ROS) cũng nằm trong số những doanh nghiệp vừa bị cưỡng chế thuế.
Cụ thể, Công ty cổ phần Tập đoàn FLC, từ năm 2015 đến nay đã nhận 66 quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản ngân hàng.
Tổng số tiền bị cưỡng chế trong giai đoạn này hơn 160 tỷ đồng, trong đó nguyên nhân chính là Tập đoàn FLC nợ tiền thuế và tiền chậm nộp quá 90 ngày từ khi hết thời hạn nộp theo quy định.
Tiếp theo, Công ty cổ phần xây dựng FLC Faros gửi Sở Giao dịch chứng khoán Thành phố Thành phố Hồ Chí Minh có đính kèm 31 quyết định, tính tổng số tiền bị cưỡng chế trong giai đoạn từ ngày 4/9/2016 đến ngày 6/3 số tiền lên đến hơn 116 tỷ đồng.
Hai doanh nghiệp do ông Trịnh Văn Quyết làm Chủ tịch là Tập đoàn FLC và FLC Faros bị cưỡng chế do nợ thuế nhiều tỷ đồng. Ảnh: V.P. |
Trước đó, cuối năm 2018, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa có công văn gửi Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HSX), Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã công bố thông tin các tổ chức niêm yết, đăng ký giao dịch vi phạm pháp luật về thuế, bị cưỡng chế nợ thuế.
Trong đó, có nhiều đơn vị bị xử phạt vi phạm pháp luật về thuế với số tiền lớn như: Công ty cổ phần Tàu cao tốc Superdong – Kiên Giang (phạt nộp chậm hơn 14 tỷ đồng); Công ty cổ phần Công nghiệp gốm sứ Taicera (truy thu thuế hơn 10 tỷ đồng); Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (TTC Land) bị Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh (phạt chậm nộp 2,8 tỷ đồng);
Công ty cổ phần Tập đoàn Kido (phạt nộp chậm hơn 2 tỷ đồng); Công ty cổ phần Thủy sản số 4 (phạt chậm nộp 1,7 tỷ đồng); Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (phạt nộp chậm 1,6 tỷ đồng); Công ty cổ phần City Auto (truy thu thuế hơn 1,4 tỷ đồng); Công ty cổ phần GTNFOODS (truy thu hơn 1,2 tỷ đồng)…
VAFI hiến kế chấm dứt tình trạng bán chui cổ phiếu như ông Trịnh Văn Quyết |
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp cũng bị cưỡng chế thuế như Công ty cổ phần Đầu tư Địa ốc Khang An, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Nhà đất COTEC, Công ty cổ phần Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo, Công ty cổ phần Tập đoàn Thành Nam, Công ty cổ phần Thiết bị Y tế Việt Nhật;
Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng HUDI, Công ty cổ phần Thiết bị y tế Việt Nhật, Công ty cổ phần Tập đoàn Thành Nam, Công ty cổ phần Đầu tư và Khoáng sản FLC AMD, Công ty cổ phần Đầu tư Everland, Công ty cổ phần Đầu tư Sao Thái Dương, Nông dược HAI, Vạn Phát Hưng, Địa ốc Hoàng Quân, LICOGI 16.
Được biết, trong danh sách của Tổng cục Thuế gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trước đó, có tới 581 quyết định xử lý vi phạm pháp luật về thuế và 2.402 quyết định cưỡng chế nợ thuế.
Trong đó, 130 công ty niêm yết trên HSX bị xử phạt vi phạm pháp luật về thuế, 119 công ty niêm yết trên HNX và 240 công ty đăng ký giao dịch Upcom.
Ông Nguyễn Hoàng Hải - Phó Chủ tịch VAFI cho rằng, phải tăng hình phạt, chế tài đối với doanh nghiệp chây ì, nợ thuế đến mức phải cưỡng chế. Ảnh: nguồn Tuổi trẻ. |
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Hoàng Hải - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI) cho rằng: “Doanh nghiệp phải tự giác nộp thuế theo quy định của pháp luật để đảm bảo nộp ngân sách đúng thời gian cũng như đảm bảo công bằng giữa các doanh nghiệp.
Nếu doanh nghiệp cứ chây ì nộp thuế để đến mức cơ quan chức năng phải cưỡng chế như thế thì làm sao kinh tế phát triển, minh bạch được”.
Theo Phó Chủ tịch VAFI, hàng loạt quyết định cưỡng chế đối với nhiều doanh nghiệp nợ thuế trong thời gian qua là vấn đề rất đáng lo ngại.
Với vai trò quản lý các công ty niêm yết, Sở giao dịch và Ủy ban chứng khoán Nhà nước cũng phải sớm đưa ra xem xét lại vấn đề này, góp phần ngăn chặn hiệu quả tình trạng doanh nghiệp cố ý nợ thuế.
"Doanh nghiệp bị cưỡng chế thuế nhiều tỷ đồng vẫn nằm trong rổ cổ phiếu VN30 thì các cơ quan quản lý về chứng khoán như Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh và Ủy ban chứng khoán Nhà nước phải xem xét lại.
VN30 là chỉ số giá của 30 công ty niêm yết trên HSX có giá trị vốn hóa và thanh khoản hàng đầu, đáp ứng các tiêu chí sàng lọc. Những doanh nghiệp nằm trong rổ cổ phiếu VN30 cần phải có rất nhiều tiêu chí đánh giá, trong đó phải xem xét việc nợ thuế, chậm nộp thuế phải bị loại ra.
Sự thật phũ phàng ở tòa nhà 18 tầng không phép đang rao bán |
Các doanh nghiệp niêm yết được đưa vào rổ cổ phiếu VN30 phải thực sự xứng đáng là đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Đó là những công ty hàng đầu của đất nước.
Thị trường chứng khoán là nơi huy động vốn, nhưng thông qua đó cũng phải thể hiện sự minh bạch, tuân thủ pháp luật, quản trị kinh doanh tốt, không chấp nhận những công ty hàng đầu lại chây ì nộp thuế.
Đưa doanh nghiệp liên tục nợ thuế vào là điều đáng xấu hổ. Nhiều doanh nghiệp làm ăn hiệu quả, tuân thủ pháp luật sao không đưa họ vào lại đưa những doanh nghiệp nợ thuế đến mức phải áp dụng biện pháp cưỡng chế nhiều lần?”, ông Hải nói.
Cũng theo Phó Chủ tịch VAFI, để tránh việc lợi dụng, chiếm dụng tiền thuế của nhà nước, cơ quan thuế phải sửa thay đổi theo hướng phạt nặng những doanh nghiệp cố tình chây ì nộp thuế.
Nhiều doanh nghiệp chây ì nộp thuế dù bị chịu lãi, bởi vì lãi này thấp hơn nhiều so với lãi doanh nghiệp đi vay.
Đây chính là lý do nhiều doanh nghiệp lợi dụng việc này để trì hoãn, chây ì nộp thuế vào ngân sách.