Như Báo Giáo dục Việt Nam đã thông tin. Năm 2006 -2007, cả 2 bãi rác chôn lấp rác trên địa bàn thành phố Uông Bí (Quảng Ninh) đều đã quá tải và có nguy cơ đóng cửa. Sau đó, thành phố Uông Bí đã xin địa điểm tại tổ 1, khu 1 phường Bắc Sơn làm nơi khởi động bãi chôn lấp rác mới, sau này xây dựng nhà máy xử lí rác thải hiện đại và được UBND tỉnh chấp thuận.
Công ty CP Đầu tư Xây dựng Việt Long là đơn vị đứng ra đầu tư xây dựng nhà máy.
Tháng 11/2012, nhà máy xử lí rác đi vào hoạt động, nhưng đi kèm với đó là mùi hôi thối và ruồi nhặng bao vây những hộ dân sống quanh khu vực.
Theo quy định, nhà máy xử lí rác phải cách khu vực dân cư là 3km nhưng sau nửa năm hoạt động, tại đây vẫn còn gần 50 hộ dân sống chỉ cách nhà máy vài chục mét, chưa được Uông Bí di dời.
Bức xúc vì hằng ngày phải sống chung với ô nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân dân đã tập trung phản đối, không cho xe chở rác vào nhà máy.
Trước tình hình căng thẳng đó, thành phố Uông Bí đã ra quyết định tạm thời đóng cửa nhà máy xử lí rác thải tại phường Bắc Sơn.
Nhà máy đầu tư gần một trăm tỉ đồng đang 'nằm chết' vì quyết định vội vàng của thành phố Uông Bí |
Đã hơn 1 năm trôi qua kể từ ngày bị đóng cửa, cả một nhà máy hiện đại nằm im lìm giữa vùng đất rộng lớn. Trong khi đó, nhiều công nhân có tay nghề, công ty Việt Long vẫn phải trả lương để chờ ngày hoạt động trở lại. Đau khổ hơn cho chủ đầu tư, gần 100 tỉ đồng để xây dựng nhà máy chủ yếu lại là vốn đi vay.
Doanh nghiệp phụ thuộc vào chính quyền, chính quyền lại phải lo cho đời sống của nhân dân. Lúc người dân bức xúc, Uông Bí không kiếm đâu ra vài chục tỉ đồng để di dời các hộ dân đi nơi khác. Bí quá, thành phố quay ra thúc doanh nghiệp phải đóng cửa.
Qua câu chuyện trên cho thấy, cách quản lí của lãnh đạo Uông Bí quá chủ quan, vội vã, gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho doanh nghiệp. Thay vì khảo sát thực địa, mật độ dân cư, kinh phí di dời ngay từ ban đầu, Uông Bí đã nhanh nhẩu chọn Bắc Sơn làm nơi xây dựng nhà máy. Để rồi đến lúc nhà máy đã đi vào hoạt động, tiền để di dời không kiếm đâu ra, dẫn đến việc nhà máy rác phải đóng cửa.
Hậu quả, gần 100 tỉ đồng đang nằm chết vì quyết định ẩu này của Uông Bí.