Hiến tặng là một trong những nguồn thu lớn đối với các trường đại học, nhất là các nước phát triển trên thế giới. Tuy nhiên, ở Việt Nam, hiến tặng chưa thực sự được chú trọng. Thậm chí, nhiều doanh nhân muốn hiến tặng nhưng vẫn gặp khó khăn trong các quy định.
Khoản 2, Điều 98, Luật Giáo dục 2019 quy định “Các khoản đóng góp, tài trợ cho giáo dục của tổ chức, cá nhân được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế theo quy định của pháp luật về thuế”.
Khoản 4, Điều 12, Luật 34/2018/QH14 cũng nêu: “Thực hiện xã hội hóa giáo dục đại học, khuyến khích phát triển cơ sở giáo dục đại học tư thục; ưu tiên cơ sở giáo dục đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận; có chính sách ưu đãi đối với tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư vào hoạt động giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ tại cơ sở giáo dục đại học; có chính sách miễn, giảm thuế đối với tài sản hiến tặng, hỗ trợ cho giáo dục đại học, cấp học bổng và tham gia chương trình tín dụng sinh viên”.
Mặc dù đã có quy định nêu trên nhưng hoạt động hiến tặng ở nước ta vẫn còn nhiều lúng túng, chưa tạo được động lực vì thiếu hướng dẫn cụ thể.
Văn hóa hiến tặng cho giáo dục chưa thực sự phát triển
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Luận - Hiệu trưởng Trường Đại học Nguyễn Trãi cho rằng: “Hiến tặng cho giáo dục là một việc làm rất nhân văn nhưng ở nước ta văn hóa hiến tặng chưa thực sự phát triển.
Ở các nước trên thế giới nguồn hiến tặng từ cựu sinh viên sau khi ra trường rất lớn. Nhiều bạn làm doanh nhân thành đạt sẵn sàng hiến tặng cho nhà trường. Tuy nhiên, ở Việt Nam còn một số rào cản trong các chính sách nên chưa thu hút được doanh nhân hiến tặng cho giáo dục”.
Tiến sĩ Nguyễn Tiến Luận - Hiệu trưởng Trường Đại học Nguyễn Trãi. (Ảnh: Nhật Lệ) |
Cùng bàn về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hùng, Trưởng phòng Chính trị và công tác sinh viên, Học viện Chính sách và Phát triển cho rằng: "Nước ta chưa xây dựng được văn hóa hiến tặng, nhất là trong sự nghiệp giáo dục, vì văn hóa hiến tặng chưa trở thành một thái độ của ý thức xã hội.
Đồng thời, vai trò, giá trị của chính giáo dục đại học ở Việt Nam chưa có đủ thời gian để thẩm thấu trong lòng mỗi người dân khi hiểu được giá trị tri thức mà nó đem lại, nên thường khó trở thành truyền thống uống nước nhớ nguồn (trở thành truyền thống hiến tặng).
Bên cạnh đó, cơ chế còn mờ nhạt, chưa gắn với đời sống thực tiễn của xã hội (Nghị định 141 ra đời nhưng chưa đi vào cuộc sống). Cơ chế tự chủ giáo dục đại học còn nhiều bất cập, nên cơ chế tài chính và quản lý, công khai còn bất cập".
Cũng theo thầy Hùng, tại Học viện Chính sách và Phát triển về cơ bản chưa có nhiều doanh nghiệp hỗ trợ. Hiện nay, mới chỉ có Tập đoàn T&T (thành viên hội đồng học viện) có thỏa thuận hỗ trợ ban đầu. Tập đoàn Viettel cũng có hỗ trợ nhà trường nhưng cũng mới chỉ là bước đầu (trên nền tảng công nghệ số).
Là một trong những doanh nghiệp tích cực tham gia hiến tặng cho giáo dục, ông Trịnh Ngọc Trúc - Phó giám đốc Công ty Công nghệ Thiên An cho hay: Hoạt động hợp tác, hiến tặng cho giáo dục là một trong những hoạt động thường niên của công ty. Tính tới thời điểm hiện tại, Công ty Công nghệ Thiên An đã hợp tác tài trợ cho hơn 200 trường đại học, trung cấp chuyên nghiệp, cung cấp sản phẩm, phần mềm về giáo dục.
Với các trường liên quan đến khối khách hàng, công ty cũng tài trợ về các chương trình khởi nghiệp hay trong các dịp khai giảng công ty còn đồng hành với nhà trường đóng góp trao học bổng cho sinh viên.
Theo ông Trúc, thông thường các trường sẽ đề xuất tài trợ các gói theo năm. Khi nhận được đề xuất này, công ty sẽ xem xét nếu nằm trong khả năng của mình thì Thiên An sẵn sàng tài trợ. Về cơ bản quy trình tài trợ chỉ cần giám đốc phê duyệt, sau đó kế toán sẽ giải ngân và chuyển thẳng vào tài khoản của nhà trường hoặc nhà trường sẽ cung cấp một số tài khoản tiếp nhận.
Sắp tới công ty cũng có dự án hợp tác chương trình Làng sinh viên đồng hành cùng Viện Khởi nghiệp sáng tạo Inis tài trợ 10 tỷ đồng cho 200 trường để triển khai các phần mềm quản lý trường học, liên quan đến thương hiệu, quảng bá hình ảnh cho nhà trường. Hy vọng dự án này có thể hỗ trợ các trường phát triển hơn trong công tác đào tạo cũng như ứng dụng khoa học công nghệ vào quản lý, giảng dạy.
Cần có chính sách khuyến khích tài trợ, quyên góp cho giáo dục
Hiện nay, các tài trợ, quyên góp để chi cho hoạt động giáo dục đào tạo vẫn phải đóng thuế nên chưa thực sự tạo động lực, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân,... tham gia. Chính vì thế, thay vì hiến tặng cho trường đại học, nhiều doanh nhân chuyển sang hình thức tự thành lập trường tư.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Tiến Luận để khuyến khích văn hóa hiến tặng hơn trước hết mỗi người cần có ý thức trách nhiệm cho xã hội, trách nhiệm với quốc gia, dân tộc.
“Nhà nước cũng cần đi đầu trong việc nới lỏng các chính sách, hỗ trợ các doanh nhân, doanh nghiệp hiến tặng ở Việt Nam như miễn giảm thuế cho doanh nghiệp hiến tặng, vinh danh những cá nhân, tổ chức hiến tặng…”, thầy Luận nêu quan điểm.
Thầy Luận cũng cho biết thêm, Trường Đại học Nguyễn Trãi hiện được một số doanh nghiệp hiến tặng hiện vật đầu tư phòng học thông minh, tivi thông minh phục vụ hoạt động dạy và học của trường.
“Họ sẽ giao cho nhà trường một số tiền, nhà trường cần hạch toán chi phí mua trang thiết bị hết bao nhiêu, thiết kế hết bao nhiêu thì báo giá sang để họ nắm được. Sau khi hoàn thành xây dựng thì gắn biển tên họ vào. Về cơ bản nhà trường không gặp khó khăn trong quá trình tiếp nhận hiến tặng. Bởi thực tế các doanh nghiệp hiến tặng là hiến tặng cho giáo dục, phục vụ cộng đồng, phục vụ người học chứ không phải tặng riêng cho hiệu trưởng hay cá nhân nào.
Nhà trường cũng không đi kêu gọi hoạt động này. Bởi thực tế nếu chúng ta muốn kêu gọi thì cũng phải làm cho doanh nghiệp thấy chúng ta đã làm được cái gì thì người ta mới đầu tư”, thầy Luận thông tin.
Cũng theo Hiệu trưởng Trường Đại học Nguyễn Trãi, nhà trường hiện tại đang hợp tác với một số doanh nghiệp Hàn Quốc. Trước mắt, Trường Đại học Nguyễn Trãi tập trung đào tạo sinh viên sử dụng tốt tiếng Hàn để các bạn ra trường có thể làm việc tại các doanh nghiệp Hàn Quốc.
“Khi doanh nghiệp thấy sử dụng lao động tốt thì họ sẽ tài trợ thêm, ví dụ như hoạt động khởi nghiệp của sinh viên hay hội thảo về sử dụng nhân lực, hoặc tài trợ cho các bạn sinh viên giỏi, xuất sắc thì sau khi các em ra trường có thể tới công ty làm việc. Nhà trường đóng vai trò là cầu nối giữa doanh nghiệp với sinh viên để hỗ trợ các em học tập cũng như có thêm cơ hội việc làm sau khi ra trường.
Hiến tặng chính là một phong trào hoạt động xã hội nhân văn, sau khi tiếp nhận hiến tặng các trường cũng có thể tổ chức các hoạt động vinh danh những nhà hảo tâm. Vinh danh có thể đơn giản chỉ là ghi nhận tên tuổi của họ trên hiện vật. Hoặc hàng năm họ cũng muốn có những hoạt động chia sẻ trong các buổi lễ tổng kết tại trường”, thầy Luận bày tỏ.
Cùng bàn về vấn đề này, Phó giám đốc Công ty Công nghệ Thiên An cho rằng: Nhà nước nên có thêm các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp miễn giảm thuế cũng như kết nối thêm để doanh nghiệp có cơ hội hợp tác đồng hành cùng nhiều trường đại học hơn, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với thực tiễn.
"Công ty Công nghệ Thiên An luôn sẵn sàng đồng hành với các trường đại học, hỗ trợ sinh viên thực tập, trải nghiệm ở doanh nghiệp. Đây cũng là cơ hội để các bạn nâng cao kỹ năng nghề nghiệp. Tôi tin rằng các doanh nghiệp khác nếu được hưởng các chính sách ưu tiên họ sẽ sẵn sàng hiến tặng cho giáo dục", ông Trúc bày tỏ.
Ông Trịnh Ngọc Trúc - Phó giám đốc Công ty Công nghệ Thiên An. (Ảnh: Nhật Lệ) |
Trong khi đó, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hùng cho rằng, để tạo động lực, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia hiến tặng cần đẩy mạnh tự chủ đại học công lập sẽ góp phần tháo gỡ điểm nghẽn của hiến tặng (sửa đổi những mâu thuẫn trong giáo dục đại học và các quy định về tự chủ đại học) - miễn thuế cho trường đại học hoặc cá nhân khi được hiến tặng. Như vậy mới kích cầu giáo dục đại học đi đúng hướng.