Điểm chuẩn và tổ hợp xét tuyển ngành Công nghệ thực phẩm tại một số ĐH phía Nam

01/06/2024 06:23
Châu Anh
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Trong 3 năm gần đây, điểm chuẩn ngành Công nghệ thực phẩm tại một số trường đại học phía Nam đang có xu hướng giảm dần.

Ngành Công nghệ thực phẩm đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp thực phẩm an toàn, chất lượng và phong phú cho cộng đồng, đồng thời góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp thực phẩm.

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã thống kê chi tiết điểm chuẩn, tổ hợp xét tuyển và chỉ tiêu ngành Công nghệ thực phẩm tại một số trường đại học tại khu vực phía Nam.

Ngành Công nghệ thực phẩm tại Trường Đại học Bách Khoa - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh áp dụng chương trình dạy và học bằng tiếng Anh.

Năm 2021, điểm chuẩn của ngành này với phương thức xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông là 25.70 và còn đối với điểm đánh giá năng lực là 880.

Năm 2022, lần đầu tiên nhà trường sử dụng phương thức xét tuyển tổng hợp, bao gồm các tiêu chí về học lực (kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, kết quả quá trình học tập trung học phổ thông), năng lực khác, hoạt động xã hội. Phương thức này chiếm 75-90% tổng chỉ tiêu toàn trường.

Điểm chuẩn xét tuyển kết hợp của năm 2022 là 63.22 (theo thang điểm 100). Đến năm 2023, điểm chuẩn xét tuyển kết hợp giảm còn 61.12 (theo thang điểm 100).

Ngành Công nghệ thực phẩm của trường xét tuyển theo các tổ hợp gồm A00 (Toán, Lý, Hóa), B00 (Toán, Hóa, Sinh) và D07 (Toán, Hóa, Anh). Các tổ hợp này được duy trì liên tục trong các năm từ 2021-2024.

Về chỉ tiêu tuyển sinh, ngành Công nghệ thực phẩm tại Trường Đại học Bách Khoa - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh duy trì số lượng chỉ tiêu ổn định qua các năm từ 2021 đến 2024 với con số 40 sinh viên.

Theo thông báo của trường, năm 2024, trường dự kiến tuyển sinh 39 ngành đào tạo bậc đại học chính quy với khoảng 5.150 chỉ tiêu.

Ngoài điều kiện cần là tốt nghiệp trung học phổ thông, đối với các ngành đào tạo bằng tiếng Anh, trong đó có Công nghệ thực phẩm, thí sinh phải thỏa mãn các điều kiện sơ tuyển về ngoại ngữ.

Thí sinh muốn theo học tại Trường Đại học Bách Khoa - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh có thể đăng ký xét tuyển bằng một hoặc nhiều phương thức xét tuyển khác nhau như sau:

Phương thức 1a. (TTBO) (mã 301): Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chỉ tiêu: 1% ~ 5% tổng chỉ tiêu.

Phương thức 1b. (UTXT-T) (mã 303): Ưu tiên xét tuyển thẳng (UTXT-T) thí sinh giỏi, tài năng của trường trung học phổ thông năm 2024 (theo quy định của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh), chỉ tiêu: 5% tổng chỉ tiêu.

Phương thức 2. (UTXT) (mã 302): Ưu tiên xét tuyển (UTXT) theo quy định của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (danh sách 149 trường trung học phổ thông do Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh công bố), chỉ tiêu: 15% ~ 20% tổng chỉ tiêu.

Phương thức 3 (NNGOAI) (mã 410): Xét tuyển thí sinh có chứng chỉ tuyển sinh quốc tế hoặc thí sinh người nước ngoài, chỉ tiêu: 1% ~ 5% tổng chỉ tiêu

Phương thức 4 (PVAN) (mã 414): Xét tuyển theo kết quả trung học phổ thông kết hợp phỏng vấn đối với thí sinh dự tính du học nước ngoài, chỉ tiêu: 1% ~ 5% tổng chỉ tiêu.

Phương thức 5 (KHOP) (mã 701): Xét tuyển tổng hợp bao gồm các tiêu chí về học lực (kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, kết quả quá trình học tập trung học phổ thông), năng lực khác, hoạt động xã hội, chỉ tiêu: 75% ~ 90% tổng chỉ tiêu.

Điểm chuẩn ngành Công nghệ thực phẩm tại Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh trong những năm gần đây có xu hướng giảm.

Năm 2021, điểm chuẩn ngành này từ kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông là 24, kết quả đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh là 700. Năm 2022, điểm chuẩn từ kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông giảm xuống còn 22.5, trong khi điểm đánh giá năng lực tăng lên 750. Năm 2023, điểm chuẩn từ kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông tiếp tục giảm xuống còn 21, và điểm đánh giá năng lực trở lại mức 700.

GDVN_Công thương 2.JPG

Các tổ hợp xét tuyển của Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh bao gồm A00 (Toán, Lý, Hóa), B00 (Toán, Hóa, Sinh), A01 (Toán, Lý, Anh), và D07 (Toán, Hóa, Anh), được duy trì liên tục qua các năm 2021, 2022, 2023 và 2024.

Điểm số giảm nhưng chỉ tiêu tuyển sinh của ngành Công nghệ thực phẩm lại tăng mạnh. Cụ thể, năm 2021, chỉ tiêu tuyển sinh là 320. Năm 2022, chỉ tiêu tuyển sinh tăng lên 400. Đến năm 2023, chỉ tiêu tuyển sinh tiếp tục tăng 90 sinh viên so với năm 2023, nghĩa là 490 chỉ tiêu. Năm nay, trường tiếp tục tuyển sinh ngành Công nghệ thực phẩm với 500 chỉ tiêu.

Theo Đề án tuyển sinh năm 2024, Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến tuyển sinh 7000 chỉ tiêu, với 4 phương thức xét tuyển bao gồm: Sử dụng kết quả Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024; sử dụng kết quả học tập trung học phổ thông của năm lớp 10, năm lớp 11 và học kỳ I năm lớp 12; sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh năm 2024; xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển thẳng theo Đề án.

Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh có mức điểm chuẩn ngành Công nghệ thực phẩm trong những năm gần đây như sau.

Năm 2021, chương trình đại trà và chương trình tiên tiến đều có điểm chuẩn là 23, chương trình chất lượng cao là 20.

Năm 2022, điểm chuẩn ngành này giảm nhẹ, điểm chuẩn chương trình đại trà và chương trình tiên tiến là 21 điểm, chương trình chất lượng cao là 18 điểm. Năm 2023, điểm chuẩn cho cả ba chương trình đều là 21.25.

GDVN_Nông lâm.JPG

Các tổ hợp xét tuyển của Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh xuyên suốt các năm bao gồm A00 (Toán, Lý, Hóa), A01 (Toán, Lý, Anh), B00 (Toán, Hóa, Sinh) và D08 (Toán, Sinh Học, Tiếng Anh).

Chỉ tiêu tuyển sinh ngành Công nghệ thực phẩm của trường thay đổi qua các năm. Năm 2021, chương trình đại trà có 260 chỉ tiêu, chương trình chất lượng cao có 60 chỉ tiêu, và chương trình tiên tiến có 60 chỉ tiêu.

Năm 2022, chương trình đại trà có 218 chỉ tiêu, chương trình chất lượng cao tăng lên 120 chỉ tiêu, và chương trình tiên tiến giảm xuống còn 30 chỉ tiêu.

Năm 2023, chương trình đại trà có 250 chỉ tiêu, chương trình chất lượng cao có 60 chỉ tiêu, và chương trình tiên tiến có 30 chỉ tiêu.

Năm 2024, trường thay chương trình chất lượng cao thành chương trình nâng cao với 80 chỉ tiêu. Chương trình đại trà dự kiến có 275 chỉ tiêu và chương trình tiên tiến là 40 chỉ tiêu.

Năm 2021, điểm chuẩn ngành Công nghệ thực phẩm tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh được xét theo từng tổ hợp.

Trong đó, với chương trình đại trà, điểm chuẩn ngành này với tổ hợp A00 là 26, tổ hợp B00 là 26, tổ hợp D07 là 26.5, và tổ hợp D90 là 26.5.

Chương trình chất lượng cao dạy bằng tiếng Việt có điểm chuẩn như sau: Tổ hợp A00 và tổ hợp B00 là 24.5, tổ hợp D07 và tổ hợp D90 là 25.

Với Chương trình chất lượng cao dạy bằng tiếng Anh, ngành Công nghệ thực phẩm có điểm chuẩn cho tổ hợp A00 và tổ hợp B00 là 23, tổ hợp D07 và tổ hợp D90 là 23.5.

Từ năm 2022, không còn chênh lệch điểm chuẩn giữa các tổ hợp. Cụ thể, chương trình đại trà có điểm chuẩn 20.1, chương trình chất lượng cao dạy bằng tiếng Việt là 17, và chương trình chất lượng cao dạy bằng tiếng Anh là 17.5.

Năm 2023, điểm chuẩn chương trình đại trà tăng lên 24.3, chương trình chất lượng cao dạy bằng tiếng Việt là 22.94, và chương trình chất lượng cao dạy bằng tiếng Anh là 21.1.

GDVN_SPKT.jpg
Điểm chuẩn ngành Công nghệ thực phẩm của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh từ năm 2021-2023.

Các tổ hợp xét tuyển của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh bao gồm A00 (Toán, Lý, Hóa), B00 (Toán, Hóa, Sinh), D07 (Toán, Hóa, Anh), và D90 (Toán, Anh, Khoa học tự nhiên). Các tổ hợp này được duy trì liên tục qua các năm 2021, 2022, 2023 và 2024.

Tại Trường Đại học Văn Hiến, điểm chuẩn ngành Công nghệ thực phẩm qua các năm đang có xu hướng giảm. Cụ thể, năm 2021, điểm chuẩn ngành này là 18. Năm 2022, điểm chuẩn tăng nhẹ lên 18.35. Năm 2023, điểm chuẩn giảm xuống còn 16.4.

GDVN_Văn Hiến.JPG

Các tổ hợp xét tuyển ngành Công nghệ thực phẩm của trường bao gồm A00 (Toán, Lý, Hóa), A02 (Toán, Lý, Sinh), B00 (Toán, Hóa, Sinh), và D07 (Toán, Hóa, Tiếng Anh). Các tổ hợp này được duy trì ổn định trong các năm 2021, 2022, 2023 và 2024.

Năm 2021, chỉ tiêu tuyển sinh ngành này tại Trường Đại học Văn Hiến là 50 sinh viên. Năm 2022, chỉ tiêu tuyển sinh tăng vọt lên 165 sinh viên. Năm 2023, chỉ tiêu tuyển sinh tiếp tục tăng lên 186 sinh viên. Sau 2 năm tăng liên tiếp, năm 2024, chỉ tiêu tuyển sinh dự kiến cho ngành Công nghệ thông tin giảm xuống còn 150 sinh viên.

Dưới đây là bảng thống kê các tổ hợp xét tuyển ngành Công nghệ thực phẩm của 5 trường đại học khu vực phía Nam:

GDVN_tổ hợp.jpg
Tổ hợp xét tuyển ngành Công nghệ thực phẩm của một số trường đại học phía Nam.

Có thể thấy, tổ hợp A00 và B00 được cả 5 trường trong bài viết sử dụng để xét tuyển. Các tổ hợp khác như D07, D08, D90, A01, A00 cũng là những tổ hợp được một số trường lựa chọn.

Châu Anh