Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến xây dựng đề án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã từ nay đến năm 2021.
Liên quan đến vấn đề này, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã ghi nhận một số ý kiến của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh).
Phó Giáo sư Nguyễn Trọng Phúc phân tích, hiện cả nước có trên 200 huyện, hơn 6.000 xã trong cả nước dựa vào tiêu chuẩn diện tích tự nhiên và quy mô dân số chưa đạt 50% tiêu chuẩn. Số này sẽ phải tiến hành sáp nhập.
Ông Phúc đặc biệt quan tâm đến việc thực hiện sáp nhập các xã. Bởi xã là cấp hành chính cơ sở.
Nếu xã nào hiện nay không đảm 50% hai tiêu chí trên thì rõ ràng phải sáp nhập để gọn đầu mối cơ sở lại.
Nhưng ông cho rằng, quan trọng không chỉ là giảm đầu mối, bộ máy mà đó là quy mô cần thiết để phát triển kinh tế, xã hội, thực hiện các cải cách hành chính của đất nước.
Phó Giáo sư Nguyễn Trọng Phúc: "Sáp nhập sẽ làm dôi ra nhiều cán bộ nên phải tính toán cẩn thận, làm từng bước vững chắc". (Ảnh: Lao Động) |
“Việc sáp nhập là cần thiết thì đã rõ. Tuy nhiên, đúng là nhập lại có “mắc” vì chia ra dễ hơn nhập vào.
Chia ra thì có thêm ghế, thêm ngân sách, còn nhập vào thì chắc chắn sẽ phải giải quyết bài toán cán bộ dôi dư.
Thêm nữa, nếu sắp xếp không khéo có khi còn gây mất đoàn kết, lục đục trong bộ máy sau sáp nhập.
Vì thế, phải làm cẩn thận, từng bước vững chắc nếu không sẽ là nhập lại cơ học, cộng hai xã làm một, cán bộ dồn về một cục rất khó”, ông Phúc nói.
Theo Phó Giáo sư Nguyễn Trọng Phúc, đích của việc sáp nhập, tinh giản đầu mối phải là vận hành tốt hơn, tạo ra sức mạnh thực sự ở cơ sở.
Bởi tất cả chủ trương, đường lối quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đều thực hiện ở cơ sở.
Cấp cơ sở mạnh, trước hết phải mạnh ở đội ngũ công chức cấp xã. Họ phải là người có trình độ năng lực, uy tín, phẩm chất…để hiện thực hóa các đường lối, chính sách vào cuộc sống.
“Củng cố cấp cơ sở là vấn đề rất lớn chứ đừng nghĩ đó là cấp cơ sở làm thế nào cũng được. Vì vậy, theo tôi nên đưa ra các tiêu chí chi tiết, cụ thể ”, ông Phúc nêu quan điểm.
Ông phân tích, hiện nay mới có hai tiêu chí về diện tích và số dân nhưng phải tính đến xem xã đó có gì nổi bật về kinh tế, làng nghề, văn hóa…để sau sáp nhập xã này vừa là đơn vị hành chính, vừa là cộng đồng dân cư tạo ra được bước phát triển mới về kinh tế xã hội. Đặc biệt là gắn với việc xây dựng nông thôn mới.
Theo vị nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, đề án sáp nhập xã nên gắn với chương trình Quốc gia xây dựng nông thôn mới. 19 tiêu chí của Chương trình Quốc gia về xây dựng Nông thôn mới này áp vào thế nào, phải tính toán để mang lại hiệu quả.
Thêm một khía cạnh khác là nhiều địa phương hiện nay đã triển khai việc sáp nhập thôn, tổ dân phố. Trên phương diện cá nhân, ông Phúc cho rằng, việc sáp nhập tổ dân phố ở các khu vực đô thị trên cơ sở đảm bảo số hộ, số dân có thể thực hiện ngay.
Tuy nhiên, việc sáp nhập thôn, Phó Giáo sư Nguyễn Trọng Phúc lại có quan điểm khác.
Ông phân tích: “Theo ông, trưởng thôn không phải là cấp hành chính. Bởi cấp hành chính cuối cùng là xã. Trưởng thôn, bí thư chi bộ thôn ta đưa ra thành bộ máy những người hưởng trợ cấp Nhà nước cần tính toán lại.
Vừa rồi, chúng ta để rất nhiều cán bộ thôn hưởng chế độ trợ cấp thường xuyên nhưng trước đổi mới, không có việc này”.
Một lý do nữa, theo ông Phúc, thôn, làng ở đồng bằng Bắc Bộ, phía Nam gọi là ấp…, đây là các cộng đồng dân cư này hình thành theo lịch sử.
Thôn, làng định hình từ giá trị văn hóa, từ cuộc sống tụ lại với nhau. Vì thế, không nên bằng mệnh lệnh hành chí mà sáp nhập lại khiến hòa tan các giá trị lịch sử, văn hóa có từ lâu đời.
“Đừng xếp tổ dân phố ở thành phố ngang với thôn, làng rồi sáp nhập cơ học. Thôn, làng có tính chất hoàn toàn khác. Vì thế, sáp nhập thôn không nên làm một cách máy móc”, Phó Giáo sư Nguyễn Trọng Phúc nhấn mạnh.