ĐH ưu tiên xét tuyển chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, chứng chỉ nội ế ẩm, có phi lý?

29/07/2022 06:32
Cao Nguyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nên xem chứng chỉ tiếng Anh quốc tế là tiêu chí phụ trong xét tuyển đại học nhằm tạo sự công bằng cho các thí sinh.

Những năm qua, nhiều trường đại học đã áp dụng phương thức xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, trong đó chủ yếu là các chứng chỉ tiếng Anh như IELTS, TOEFL

Năm 2022, các trường đại học vẫn tiếp tục sử dụng phương thức này và nhận được nhiều luồng ý kiến gây tranh cãi.

Nên xem chứng chỉ tiếng Anh quốc tế là tiêu chí phụ trong xét tuyển đại học. (Ảnh minh họa)

Nên xem chứng chỉ tiếng Anh quốc tế là tiêu chí phụ trong xét tuyển đại học. (Ảnh minh họa)

Có nên ưu tiên chứng chỉ tiếng Anh quốc tế?

Người viết cho rằng, các trường đại học ưu tiên chứng chỉ tiếng Anh quốc tế là không công bằng trong tuyển sinh đại học vì những lí do sau đây.

Thứ nhất, theo tìm hiểu của tôi, một số trường đại học đã công bố phương án tuyển sinh chính quy năm 2022, trong đó ưu tiên xét tuyển thí sinh có chứng chỉ IELTS Academic, IELTS đạt từ 6.5 trở lên (hoặc tương đương) hoặc điểm IELTS từ 7.0 trở lên (hoặc tương đương)...

Thí sinh có các chứng chỉ quốc tế này sẽ được miễn thi và được quy đổi thành mức điểm xét tuyển từ 7 trở lên tùy từng trường đại học.

Việc ưu tiên xét tuyển chứng chỉ tiếng Anh quốc tế khiến học sinh phải mất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc đi luyện thi. Học sinh vừa học văn hóa (13 môn học bắt buộc) vừa luyện thi chứng chỉ quốc tế gây quá tải trong việc học.

Một số học sinh lớp 12 ở Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, các em phải đi học một tuần 3 buổi trong khoảng 3 tháng với học phí và chi phí hơn 10 triệu đồng thì mới có thể đạt được điểm số theo quy định.

Thứ hai, các trường đại học ưu tiên xét tuyển chứng chỉ tiếng Anh quốc tế là đánh mất cơ hội của những thí sinh ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn.

Không phải gia đình học sinh nào cũng có điều kiện để bỏ ra khoản tiền không hề nhỏ cho việc ôn luyện thi các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế.

Cùng với đó, thí sinh còn phải đóng lệ phí thi 4.750.00 đồng/lần đăng ký dự thi, kể các em ở thành phố lớn như Hà Nội hay Thành phố Hồ Chí Minh cũng khó kham nổi.

Môi trường giáo dục cần nhất là sự công bằng cũng như tạo cơ hội học tập bình đẳng cho học sinh, sinh viên - nhất là nhóm yếu thế. Vậy nên, các trường đại học ưu tiên xét tuyển chứng chỉ tiếng Anh quốc tế là gây ra sự bất bình đẳng giữa các thí sinh tại các vùng miền khác nhau.

Thứ ba, là một giáo viên dạy học bậc trung học phổ thông, cũng là người nghiên cứu ngôn ngữ, tôi thấy rằng, chứng chỉ ngoại ngữ chỉ là minh chứng cho khả năng sử dụng ngoại ngữ của cá nhân khi giao tiếp.

Cho nên, chứng chỉ ngoại ngữ nói chung và chứng chỉ tiếng Anh quốc tế nói riêng không thể đánh giá được năng lực chuyên môn một cách toàn diện, cụ thể, rõ ràng.

Tôi lấy ví dụ, thí sinh xét tuyển vào ngành sư phạm thì cần phải giỏi chuyên môn (Toán, Lí, Hóa...), cùng với đó là khả năng giảng dạy, sự am hiểu tâm lí lứa tuổi... còn khả năng ngoại ngữ chỉ là yếu tố phụ, thậm chí chưa cần.

Dĩ nhiên, rất nhiều ngành nghề cần có trình độ ngoại ngữ, ví như tiếng Anh, để phục vụ cho học tập nghiên cứu, nhưng việc học của con người là cả một quá trình. Sinh viên có thể học ở trường đại học, sau khi ra trường... chứ không nhất thiết sau khi các em học xong 12 là phải đáp ứng được năng lực đó.

Thứ tư, hiện tại ở Việt Nam có rất nhiều loại chứng chỉ, chứng nhận tiếng Anh như chứng chỉ ngoại ngữ theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam (chứng chỉ A2, B1, B2…), giấy chứng nhận B1, B2...

Về hành lang pháp lí, ngày 24/1/2014, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ra Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ban hành Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam, áp dụng cho các chương trình đào tạo ngoại ngữ, cơ sở đào tạo ngoại ngữ và người học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam được phát triển trên cơ sở tham chiếu, ứng dụng CEFR và một số khung trình độ tiếng Anh của các nước, kết hợp với tình hình và điều kiện thực tế dạy, học và sử dụng ngoại ngữ ở Việt Nam.

Thông tư này làm căn cứ "... xây dựng tiêu chí trong kiểm tra, thi và đánh giá ở từng cấp học, trình độ đào tạo, bảo đảm sự liên thông trong đào tạo ngoại ngữ giữa các cấp học và trình độ đào tạo (trích)" - tại sao chưa được nhiều trường đại học sử dụng xét tuyển?.

Trường đại học Việt Nam không ưu tiên chứng chỉ ngoại ngữ của Việt Nam, có phải do "không tin" vào chất lượng đào tạo? Mỗi năm đã ai thống kê số lượng tiền mà học sinh Việt Nam đổ ra thi các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế là bao nhiêu? Chúng ta có cảm thấy ái ngại và xót xa khi ngay ở trong nước, các trường cũng không coi trọng chứng chỉ do chính chúng ta cấp?

Thứ năm, giả sử thí sinh có tổ hợp xét tuyển 3 môn lên đến 28, 29 điểm nhưng vì không có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế nên mất cơ hội vào đại học, liệu có đáng?.

Theo ý kiến cá nhân tôi, các trường đại học cũng nên đưa chứng chỉ ngoại ngữ theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (Vstep) đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận vào xét tuyển, bên cạnh sử dụng chứng chỉ tiếng Anh quốc tế là hợp lí hợp tình nhất.

Năm 2022, Trường Đại học Ngoại Ngữ lần đầu tiên dự kiến xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển với các thí sinh có kết quả kỳ thi VSTEP (kỳ thi đánh giá năng lực tiếng Anh theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam).

Thiết nghĩ, các trường đại học nên xem chứng chỉ tiếng Anh quốc tế là tiêu chí phụ trong xét tuyển nhằm tạo sự công bằng cho các thí sinh. Điều cốt yếu là cần xét tuyển những thí sinh có năng lực chuyên môn tốt thì mới có thể đào tạo ra được người làm nghề giỏi.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Cao Nguyên