Đề xuất Bộ sớm ban hành quy chế tuyển sinh để trường THPT đủ thời gian chuẩn bị

19/12/2024 06:28
Phương Thảo
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Theo lãnh đạo các trường phổ thông, nếu trong tương lai bỏ hình thức xét tuyển sớm có thể đảm bảo công bằng hơn cho các thí sinh vùng biên giới, hải đảo.

Vừa qua, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 7/12, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho biết, ý kiến của các chuyên gia, những người trong cuộc hầu hết đồng thuận với việc siết chỉ tiêu xét tuyển sớm. Thậm chí, nhiều chuyên gia còn đề xuất nên bỏ hẳn hình thức xét tuyển này vì "lợi bất cập hại".

Thứ trưởng cho biết: "Chúng tôi sẽ cân nhắc việc này, liệu để 20% hay bỏ xét tuyển sớm để gộp vào xét tuyển chung một đợt". [1]

Xét tuyển sớm đồng nghĩa với việc học sinh phải học trước chương trình

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Đinh Quốc Tuấn, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Bình Liêu (huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh) nêu quan điểm: “Tôi hoàn toàn đồng ý với đề xuất tiến tới bỏ xét tuyển sớm vào các trường đại học.

Theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhà trường có kế hoạch giáo dục hướng tới việc hoàn thiện các phẩm chất, phát triển năng lực, sở trường, thế mạnh của mỗi học sinh, định hướng nghề nghiệp phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của từng em và điều kiện của gia đình.

Các trường đại học thực hiện việc xét tuyển sớm, đồng nghĩa với việc học sinh phải học trước chương trình, phát sinh thêm những nội dung, nhiệm vụ học tập mới để đáp ứng yêu cầu xét tuyển sớm. Thực tế từ những năm trước cho thấy, nhiều học sinh lớp 12 sau khi đỗ xét tuyển sớm không còn tập trung cho việc thực hiện nhiệm vụ ôn thi tốt nghiệp trung học phổ thông nữa. Vì vậy, việc bỏ xét tuyển sớm sẽ giúp khắc phục được tình trạng này”.

440607879_903013444962334_7897885316626407002_n.jpg
Thạc sĩ Đinh Quốc Tuấn, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Bình Liêu. (Ảnh: website nhà trường)

Còn theo quan điểm của Thạc sĩ Nguyễn Hải Phòng, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Cô Tô (huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh): “Thay vì bỏ hoàn toàn hình thức xét tuyển sớm, tôi cho rằng chỉ tiêu xét tuyển sớm còn 20%.

Điều này giúp đảm bảo hình thức xét tuyển sớm được thực hiện đúng mục tiêu là tập trung tuyển chọn những học sinh có năng lực học tập và thành tích vượt trội, như đạt giải học sinh giỏi quốc gia hoặc sở hữu các giải thưởng quốc tế. Đồng thời, khi kiểm soát chặt chẽ tỷ lệ chỉ tiêu xét tuyển sớm sẽ hạn chế tình trạng một số trường sử dụng hình thức này chỉ để giữ số lượng thay vì tập trung đến chất lượng đầu vào.

Ngoài ra, việc ưu tiên xét tuyển sớm cho những học sinh thực sự xuất sắc còn hỗ trợ các em ổn định tâm lý và có thêm thời gian chuẩn bị tốt hơn cho hành trình học tập phía trước”.

Trong khi đó, Thạc sĩ Nguyễn Thị Hòa, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Văn Huyên (Thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang) cho biết, theo khảo sát của nhà trường hầu hết học sinh dự định xét tuyển sớm đều đã ôn thi các chứng chỉ ngoại ngữ, ôn thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy từ lớp 10, lớp 11. Và để đáp ứng các kỳ thi riêng học sinh thường phải ôn tập trước chương trình từ rất sớm.

432743224_439526568424968_1746153204048648406_n.jpg
Học sinh Trường Trung học phổ thông Nguyễn Văn Huyên trong buổi trao đổi về kỳ thi đánh giá năng lực và đánh giá tư duy trong tuyển sinh đại học, cao đẳng. (Ảnh: website nhà trường)

Học sinh các trường ở vùng khó khăn, biên giới, hải đảo khó tiếp cận được xét tuyển sớm

Theo chia sẻ của Thạc sĩ Nguyễn Hải Phòng, với đặc thù là trường học ở vùng huyện đảo, biên giới, biển, nơi học sinh còn hạn chế trong việc tiếp cận thông tin, đi lại nên tỷ lệ học sinh tại Trường Trung học phổ thông Cô Tô tham gia xét tuyển sớm vào đại học thường khá thấp. Quan điểm của nhà trường là giúp học sinh nhận thức đúng, phấn đấu không ngừng và sẵn sàng cho chặng đường học tập dài hơn trong tương lai.

“Với nhóm học sinh có nhu cầu xét tuyển sớm, nhà trường tập trung định hướng các em cố gắng tìm hiểu và đăng ký vào những trường đại học có đầu ra ổn định, nhằm đảm bảo con đường học vấn của các em có giá trị lâu dài.

Mặt khác, nhà trường cũng thường xuyên nhắc nhở học sinh rằng đỗ đại học mới chỉ là bước đầu, chưa phải đích đến cuối cùng. Các em cần xem đây là động lực để tiếp tục cố gắng, thay vì tự mãn hay buông xuôi, tránh dẫn đến tình trạng lơ là ôn tập thi tốt nghiệp trung học phổ thông sau khi đỗ xét tuyển sớm”, thầy Phòng bày tỏ.

282647209_5088245977931004_5076733201124857599_n.jpg
Thạc sĩ Nguyễn Hải Phòng, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Cô Tô. (Ảnh: NVCC)

Bên cạnh đó, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Cô Tô nhận định, nếu bỏ hình thức xét tuyển sớm trong tương lai sẽ không ảnh hưởng nhiều đến kế hoạch dạy và học của nhà trường. Hiện nay, nhà trường vẫn tập trung triển khai kế hoạch giảng dạy và ôn tập bám sát chương trình giáo dục phổ thông 2018, tạo môi trường học tập thuận lợi để học sinh có thể chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Đồng quan điểm này, Thạc sĩ Đinh Quốc Tuấn cho biết: “Ở Trường Trung học phổ thông Bình Liêu, học sinh đăng ký tham gia xét tuyển sớm chủ yếu theo phương thức xét tuyển học bạ và các thành tích vượt trội khác.

Số học sinh đăng ký xét tuyển sớm theo phương thức dùng chứng chỉ ngoại ngữ và tham gia các kỳ thi đánh giá năng lực còn ít, do giáo viên của nhà trường chưa hỗ trợ được nhiều, các em không có điều kiện để tham gia các khóa ôn luyện. Song song với đó là vấn đề về khoảng cách địa lý, các cơ sở tổ chức kỳ thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ hay thi đánh giá năng lực thường ở xa, không phù hợp với điều kiện của đa số các em nơi đây.

Nếu sau năm 2025 tiến tới bỏ hoàn toàn hình thức xét tuyển sớm sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho nhà trường trong việc tập trung vào kế hoạch giảng dạy, nâng cao chất lượng ôn tập và đảm bảo kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Đây là nhiệm vụ trọng tâm, phù hợp với mọi đối tượng học sinh và điều kiện thực tế của nhà trường.

Trong những năm qua, nhà trường đã chủ động xây dựng, phê duyệt và triển khai thực hiện kế hoạch giáo dục, phối hợp với phụ huynh học sinh trong việc quản lý nề nếp, nhắc nhở ý thức học tập và chuyên cần của các em.

Việc tổ chức ôn thi tốt nghiệp trung học phổ thông cho học sinh đã được nhà trường thực hiện bài bản, hướng dẫn học sinh khối 12 ôn tập, hệ thống, củng cố kiến thức theo định hướng, cấu trúc đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông tương ứng với đề thi tham khảo mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố”.

Trong khi đó, tại Trường Trung học phổ thông Nguyễn Văn Huyên, hiệu trưởng nhà trường cho biết năm nay, số lượng học sinh của trường tham gia các lớp đào tạo về thi đánh giá tư duy có tăng.

“Để tạo điều kiện cho nhóm học sinh này, nhà trường đã mời các trung tâm hỗ trợ ôn thi đánh giá tư duy, đánh giá năng lực đến tư vấn cho giáo viên và học sinh.

Đồng thời, các thầy cô cũng chủ động hướng dẫn, định hướng cho học sinh ngay từ đầu năm học, giúp các em có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để tham gia các kỳ thi này và đăng ký các phương thức xét tuyển sớm phù hợp.

Vai trò của nhà trường chỉ là tư vấn, định hướng và tạo điều kiện cho các em có nguyện vọng tham gia xét tuyển sớm”, Thạc sĩ Nguyễn Thị Hòa chia sẻ thêm.

467662386_594882406222716_4056006750085060887_n.jpg
Thạc sĩ Nguyễn Thị Hòa, Bí thư Đảng bộ, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Văn Huyên. (Ảnh: website nhà trường)

Do đó cô Hòa kiến nghị, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm ban hành quy chế tuyển sinh đại học chính thức để các trường trung học phổ thông có đủ thời gian chuẩn bị và học sinh có thể xây dựng lộ trình học tập một cách cụ thể, giúp các em không bị lúng túng và có cơ hội đạt được kết quả tốt nhất trong kỳ thi sắp tới.

Về phía Trường Trung học phổ thông Cô Tô, Thạc sĩ Nguyễn Hải Phòng đề xuất, Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm ban hành quy chế tuyển sinh chính thức để các trường trung học phổ thông có thể chủ động lập kế hoạch giảng dạy và ôn tập phù hợp.

Để cải thiện quy trình tuyển sinh, vừa đảm bảo công bằng, tránh gây áp lực cho học sinh, vừa thuận tiện cho các trường trung học phổ thông, Thạc sĩ Đinh Quốc Tuấn nêu ý kiến: “Bộ Giáo dục và Đào tạo cần định hướng cho các trường đại học không nên sử dụng quá nhiều phương thức xét tuyển sớm khác nhau, hạn chế phát sinh thêm những nội dung kiến thức ngoài chương trình giáo dục phổ thông 2018. Điều này vừa giúp giữ vững mục tiêu đào tạo của từng trường đại học, vừa không làm ảnh hưởng đến hoạt động giáo dục tại các trường trung học phổ thông”.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/thu-truong-bo-gddt-noi-ve-giam-ty-le-xet-tuyen-som-119241207185212088.htm

Phương Thảo