Để học sinh yêu môn Sử, tôi nghĩ giáo viên phải tự "cởi trói", làm mới cách dạy

11/06/2022 06:38
Đào Khởi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tôi nghĩ giáo viên phải tự “cởi trói”, phải linh hoạt, sáng tạo, làm mới cách dạy Sử của mình để học sinh không quay lưng với môn Lịch sử.

Những thông tin con số hàng ngàn điểm 0 môn Sử, học sinh xé tài liệu môn Sử ném xuống đầy sân trường, kết quả “đội sổ” trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia... khiến tôi, một giáo viên tiểu học băn khoăn, trăn trở.

Ứng dụng công nghệ thông tin “làm mới” cách dạy môn Lịch sử

Có phải các em chán, không thiết tha, thờ ơ, “quay lưng” với lịch sử là do giáo viên tiểu học chúng tôi - những người đặt viên gạch đầu tiên xây nền móng tình yêu lịch sử cho học sinh? Từ những nỗi niềm đau đáu đó, vào đầu những năm 2010, tôi đã tự làm mới mình trong những tiết dạy.

Đầu tiên, tôi đưa âm nhạc, thơ, phim tư liệu lịch sử vào giảng dạy môn Lịch sử lớp 5. Tôi lên mạng Internet tìm những đoạn phim tư liệu của các đài truyền hình như Đài truyền hình Việt Nam, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh... và các nguồn tư liệu khác từ các báo, kênh truyền thông chính thống có uy tín, có sự chọn lọc tốt.

Có nguồn phim tư liệu, các bài hát liên quan đến bài dạy của mình, tôi cắt ghép rồi đưa vào bài giảng điện tử (giáo án powerpoint), bài giảng tương tác (phần mềm bảng tương tác ActivInspire) ở phần mở bài, trong bài mới hay củng cố khắc sâu kiến thức.

Giáo án điện tử bài giảng môn Lịch sử lớp 5. Ảnh: Đào Khởi

Giáo án điện tử bài giảng môn Lịch sử lớp 5. Ảnh: Đào Khởi

Những tiết dạy đầu tiên tôi rất mừng vì học trò thích thú nghe giảng, hứng thú tham gia các hoạt động trên lớp.

Học sinh say mê với những đoạn phim nói về Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập, các thông tin về nạn đói năm 1945, chiến thắng Điện Biên Phủ, Đồng Khởi Bến Tre, về cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, lễ kí Hiệp định Pa-ri, xe tăng tiến vào Dinh Độc Lập vào ngày 30-4 lịch sử...

Các tiết học hào hứng với những bài hát cách mạng hào hùng như Hò kéo pháo, Giải phóng Điện Biên, Đường Trường Sơn xe anh qua, Cô gái mở đường, Dáng đứng Bến Tre, Tiến về Sài Gòn, Giải phóng miền Nam...

Những câu thơ lấp lánh hình ảnh, đầy ắp chất liệu lịch sử được tôi đưa vào bài giảng, như “Đất nước đẹp vô cùng. Nhưng Bác phải ra đi. Cho tôi làm sóng dưới con tàu đưa tiễn Bác! Khi bờ bãi dần lui, làng xóm khuất. Bốn phía nhìn không một bóng hàng tre” (dạy bài “Quyết chí ra đi tìm đường cứu nước”.

Hay “Hôm nay, sáng mồng Hai tháng Chín. Thủ đô hoa vàng nắng Ba Đình. Muôn triệu tim chờ.. chim cũng nín. Bỗng vang lên tiếng hát ân tình. Hồ Chí Minh! Hồ Chí Minh! Người đứng trên đài, lặng phút giây. Trông đàn con đó, vẫy hai tay. Cao cao vầng trán… ngời đôi mắt. Độc lập bây giờ mới thấy đây!” (dạy bài “Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập”) Hoặc “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên. Chiến sĩ anh hùng. Đầu nung lửa sắt. Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt. Máu trộn bùn non. Gan không núng. Chí không mòn! Những đồng chí thân chôn làm giá súng. Đầu bịt lỗ châu mai. Băng mình qua núi thép gai. Ào ào vũ bão. Những đồng chí chèn lưng cứu pháo. Nát thân, nhắm mắt, còn ôm...” (dạy bài “Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ)…

Tôi còn nhớ lần đầu dạy bài “Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập” (Lịch sử lớp 5), cả lớp im phăng phắc, mắt chăm chú dõi theo đoạn phim tư liệu Bác đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình vào ngày 2/9/1945.

Lời của Bác, giây phút lịch sử ấy như lắng đọng, khắc sâu trong lòng các em mãi mãi. Nhìn học trò say sưa nghe đoạn nhạc, xem đoạn phim tôi mừng vì đã truyền được cho các em niềm yêu thích môn học.

Lúc đó, tôi nghĩ mình đã thành công, đã kéo học trò đến với tiết học mà bấy lâu nay các em coi là môn phụ.

Chỉ một đoạn nhạc ngắn, đoạn phim tư liệu quý giá như thổi hồn vào bài giảng, giúp học sinh hiểu, nắm bài sâu hơn, nhất là các em không còn thấy những tiết Sử khô khan, nhàm chán, khó nuốt nữa.

Bên cạnh đó, tôi còn ứng dụng công nghệ thông tin, thiết kế các trò chơi như Ô chữ kỳ diệu, Vòng quay kỳ diệu, Nhà sử học nhỏ tuổi... để củng cố bài học.

Song song đó là việc yêu cầu học sinh sưu tầm, tìm kiếm tư liệu cho tiết học. Như khi dạy bài “Sấm sét đêm giao thừa”, “Tiến vào Dinh Độc Lập” (Lịch sử lớp 5) hoặc các bài lịch sử địa phương Đồng Nai... học sinh tìm tư liệu cho sự kiện Tết Mậu Thân 1968, ngày 30/4/1975 ở Biên Hoà diễn ra như thế nào? Những tư liệu, câu chuyện các em sưu tầm, nghe kể lại làm tiết Sử thêm sinh động, hấp dẫn.

Kiến thức trong sách giáo khoa chỉ là cốt lõi, để tiết Lịch sử sống động tôi tìm thêm những câu chuyện, sự kiện kể cho học sinh.

Câu chuyện về bộ đội vượt Trường Sơn, về vĩ tuyến 17, về những nhà tù ở côn Đảo, Phú Quốc, các trận thắng Buôn Ma Thuột, Xuân Lộc, Long Khánh.

Câu chuyện về nhân vật lịch sử như Võ Thị Sáu, Cù Chính Lan, La Văn Cầu, Phan Đình Giót, Bế Văn Đàn, Nguyễn Viết Xuân, Nguyễn Thị Chiên, Nguyễn Viết Sinh, về huyền thoại 10 cô gái ngã ba Đồng Lộc... Những câu chuyện mà cha tôi khi xưa là người lính chiến đấu ở chiến trường miền Nam kể lại cho tôi nghe...

Quả thật, khi tôi chọn một số bài lịch sử trong chương trình lớp 5 bằng việc ứng dụng công nghệ thông tin để đưa âm nhạc, phim tư liệu, thơ vào giảng dạy đã kích thích sự say mê học tập, hoạt động tích cực của học sinh. Những tiết lịch sử trở nên sinh động, học sinh thích học hơn, tiết dạy không còn khô cứng với các em.

Tôi đã tự thay đổi giờ Sử bằng cách đơn giản như thế. Và sáng kiến kinh nghiệm cấp tỉnh về “Đưa âm nhạc và phim tư liệu vào giảng dạy môn Lịch sử cho học sinh lớp 5” đã đạt cấp tỉnh.

Năm học 2013 - 2014, tôi chọn Lịch sử là tiết dạy trong hội thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Một tiết dạy cho học trò trường xã ở huyện Trảng Bom (tỉnh Đồng Nai) không “gà bài”, chỉ được chuẩn bị trước 15 phút đã mang lại sự mới lạ, hứng khởi và thuyết phục được ban giám khảo.

Tiết Lịch sử “Sấm sét đêm giao thừa” là một trong số ít tiết dạy được ban giám khảo đánh giá cao, đạt điểm cao nhất trong hội thi giáo viên giỏi cấp tỉnh năm đó.

Học sinh lớp 5 trong chuyến đi tham quan kết hợp tiết học thực địa tại bảo tàng, Nhà lao Tân Hiệp tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Đào Khởi

Học sinh lớp 5 trong chuyến đi tham quan kết hợp tiết học thực địa tại bảo tàng, Nhà lao Tân Hiệp tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Đào Khởi

Truyền cảm hứng dạy lịch sử đến đồng nghiệp

Năm 2015, Phòng Giáo dục và Đào tạo tổ chức chuyên đề “Thiết kế các hoạt động dạy học tích cực - khả năng vận dụng vào thực tế dạy học tại cơ sở”, tôi đã trình bày ý tưởng và dạy bài minh hoạ cho đồng nghiệp các trường trong thành phố dự.

Thật mừng khi đã lan tỏa cách dạy sử mới mẻ đến giáo viên và sau đó nhiều hội thi giáo viên giỏi các cấp được thầy cô chọn môn Lịch sử để dự thi ngày càng nhiều. Thầy cô không còn ngại và sợ dạy lịch sử khô khan nữa.

Đợt tập huấn Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 lần này tôi được chọn là giáo viên cốt cán đi tập huấn, bồi dưỡng chương trình.

Đây là may mắn, cũng là cơ hội để tôi tiếp tục được lan toả, truyền cảm hứng dạy sử đến với đồng nghiệp của mình.

Lớp tập huấn giáo viên đại trà Chương trình giáo dục phổ thông 2018 môn Lịch sử và Địa lí tại thành phố Biên Hoà (Đồng Nai). Ảnh: Đào Khởi

Lớp tập huấn giáo viên đại trà Chương trình giáo dục phổ thông 2018 môn Lịch sử và Địa lí tại thành phố Biên Hoà (Đồng Nai). Ảnh: Đào Khởi

Là giáo viên cốt cán hỗ trợ, tập huấn cho hơn 150 đồng nghiệp ở thành phố Biên Hoà môn Lịch sử và Địa lí tiểu học Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, tôi đã truyền tải đến các thầy cô những phương pháp dạy học tích cực như hợp tác, dự án, thực địa..., những phương pháp dạy học đặc thù của môn Lịch sử là kể chuyện, đóng vai, trực quan, sưu tầm tài liệu.

Những kĩ thuật dạy học như sơ đồ tư duy, ổ bi, khăn trải bàn, các mảnh ghép, phòng tranh, XYZ... Các phương pháp, kĩ thuật, công cụ đánh giá hiện đại môn Lịch sử.

4 mô đun của môn Lịch sử và Địa lí đã được đồng nghiệp hoàn thành, việc thực hiện chương trình mới sẽ không còn trở ngại với thấy cô: Mô đun 1. Hướng dẫn thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, Mô đun 2. Sử dụng phương pháp dạy học và giáo dục phát triển phẩm chất, năng lực học sinh Tiểu học, Mô đun 3. Đánh giá học sinh theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực, Mô đun 4. Xây dựng kế hoạch dạy học và giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.

Tôi thường hay nói với các thầy cô giáo trong các đợt tập huấn rằng, chúng ta hãy bỏ suy nghĩ đây là môn phụ, hãy tự làm mới tiết Lịch sử, truyền cảm hứng cho học sinh bằng những hình thức, phương pháp, kĩ thuật dạy học tích cực, ứng dụng công nghệ thông tin, đưa giờ sử ra khỏi không gian lớp học qua dạy học dự án, thực địa ở bảo tàng, di tích lịch sử - văn hoá..., đổi mới phương pháp đánh giá, kiểm tra.

Và tôi cũng chia sẻ mong muốn của mình với đồng nghiệp rằng, hãy dạy làm sao để chúng ta có thể “lôi kéo” được 50% học sinh thật sự thích học, yêu thích môn Lịch sử.

Dù là môn tự chọn hay bắt buộc, tôi nghĩ giáo viên phải tự “cởi trói”, phải linh hoạt, sáng tạo, làm mới cách dạy Sử của mình để học sinh không quay lưng với môn Sử.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Đào Khởi