Ngày 13/3/2024, Trường Đại học Luật Hà Nội ban hành Đề án tuyển sinh trình độ đại học năm 2024.
Tại Điểm a, Khoản 2, Điều 11 Thông tư số 08/2022/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non quy định nội dung chủ yếu của đề án tuyển sinh bao gồm: “Thông tin giới thiệu về cơ sở đào tạo, các ngành và chương trình đào tạo, gồm cả thông tin về quyết định mở ngành, ngôn ngữ đào tạo, đội ngũ giảng viên, điều kiện học tập và nghiên cứu, văn bằng tốt nghiệp, kết quả kiểm định chất lượng, tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp (trên tổng số nhập học) và tỉ lệ có việc làm phù hợp trình độ chuyên môn của sinh viên tốt nghiệp (theo Phụ lục III của Quy chế)”.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, nhiều nội dung trong Đề án tuyển sinh năm 2024 của Trường Đại học Luật Hà Nội chưa theo đúng quy định ở Thông tư 08.
Đề án tuyển sinh thiếu nhiều nội dung theo quy định của Thông tư 08
Tại mục 7 Phần I. Thông tin chung trong Đề án tuyển sinh năm 2024 của Trường Đại học Luật Hà Nội, đường link công khai việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp trên trang thông tin điện tử của cơ sở đào tạo không truy cập được.
Theo Thông tư 08, tại Mẫu số 03 về Báo cáo các điều kiện đảm bảo chất lượng quy định công khai quy mô đào tạo hình thức chính quy; cơ sở vật chất phục vụ đào tạo và nghiên cứu; danh sách giảng viên theo các mẫu như sau:
Tuy nhiên, trong Đề án tuyển sinh năm 2024 của Trường Đại học Luật Hà Nội không có thông tin về quy mô đào tạo, không có thông tin cơ sở vật chất và không có danh sách giảng viên theo Mẫu 03 Thông tư 08.
Cụ thể, tại mục số 3 phần Mục lục của Đề án tuyển sinh năm 2024, nhà trường nêu là "Các điều kiện đảm bảo chất lượng" nằm ở trang 33 của đề án tuyển sinh, nhưng đề án của nhà trường chỉ có tổng 32 trang. Như vậy, Đề án tuyển sinh năm 2024 của nhà trường chưa nêu về các điều kiện đảm bảo chất lượng theo Mẫu số 03 của Thông tư 08.
Tại mục 10 về điều kiện đảm bảo chất lượng trong Đề án tuyển sinh năm 2024 của Trường Đại học Luật Hà Nội, đường link công khai các điều kiện đảm bảo chất lượng trên trang thông tin điện tử của trường và mục 12 về đường link công khai Quy chế tuyển sinh của cơ sở đào tạo trên trang thông tin điện tử của trường đều không truy cập được. Trong khi đó, đây là những nội dung cần có trong đề án tuyển sinh mà Thông tư 08 quy định.
Đáng nói, trong Đề án tuyển sinh năm 2024 của Trường Đại học Luật Hà Nội, theo bảng kết quả khảo sát sinh viên có việc làm sau 12 tháng kể từ khi tốt nghiệp đối với sinh viên đã tốt nghiệp ở năm trước cách năm tuyển sinh 1 năm, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp đã có việc làm đều là 91.84% ở cả 4 ngành đào tạo.
Theo Đề án tuyển sinh năm 2024, cả năm 2022 và năm 2023, ngành có số chỉ tiêu và nhập học nhiều nhất là ngành Luật. Đáng nói, năm 2022, ngành Luật có 1.280 chỉ tiêu nhưng có đến 1.323 nhập học (tỷ lệ tuyển sinh là 103,36% chỉ tiêu); năm 2023 ngành Luật có 1.250 chỉ tiêu nhưng có đến 1.273 nhập học (tỷ lệ tuyển sinh là 101,84% chỉ tiêu).
Còn ngành có số chỉ tiêu và nhập học ít nhất là ngành Luật (chương trình liên kết với Đại học Arizona, Hoa Kỳ) với tỷ lệ nhập học chưa đến 40% chỉ tiêu tuyển sinh. Cụ thể, năm 2022 ngành này có 100 chỉ tiêu nhưng chỉ 33 người nhập học; năm 2023 có 100 chỉ tiêu nhưng chỉ 26 người nhập học).
Đã có quy định bãi bỏ nhưng đề án tuyển sinh ghi tuyển sinh "chương trình chất lượng cao"
Ngày 15/6/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 11/2023/TT-BGDĐT về Bãi bỏ thông tư số 23/2014/TT-BGDĐT ngày 18/07/2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định về đào tạo chất lượng cao trình độ đại học. Theo đó, bãi bỏ quy định đào tạo chất lượng cao trình độ đại học từ 01/12/2023. Tuy nhiên, trong Đề án tuyển sinh năm 2024 của Trường Đại học Luật Hà Nội vẫn ghi "dự kiến tuyển 300 chỉ tiêu đào tạo chất lượng cao ngành Luật. 100 chỉ tiêu đào tạo chất lượng cao ngành Luật Kinh tế...".
Đề án quy định rõ học phí của chương trình đào tạo chất lượng cao. Cụ thể, mức thu học phí là 5.076.000 đồng/tháng (tương đương 725.000 đồng/tín chỉ với các môn học thực tập chuyên môn, khóa luận tốt nghiệp, Giáo dục Quốc phòng an ninh; 1.600.000 đồng/tín chỉ với các môn học khác).
Theo Điểm b, Khoản 2, Điều 11 Thông tư số 08 quy định đề án tuyển sinh phải: “Thông tin đầy đủ về chi phí đào tạo, mức thu học phí, mức thu dịch vụ tuyển sinh và khoản thu dịch vụ khác cho lộ trình cả khóa học, từng năm học; chính sách học bổng, miễn giảm học phí, hỗ trợ tài chính, chỗ ở ký túc xá và các chính sách ưu đãi, hỗ trợ khác dành cho người học”.
Tuy nhiên, trong Đề án tuyển sinh năm 2024 của Trường Đại học Luật Hà Nội không có thông tin về khoản thu dịch vụ khác cho lộ trình cả khóa học, từng năm học; chính sách học bổng, miễn giảm học phí, hỗ trợ tài chính, chỗ ở ký túc xá và các chính sách ưu đãi, hỗ trợ khác dành cho người học.
Trường Đại học Luật Hà Nội tuyển sinh đào tạo vừa làm vừa học đối với ngành Luật. Trong đó, học phí dự kiến năm học 2024-2025 của lớp học đào tạo vừa làm vừa học đối với người tốt nghiệp trung học phổ thông tại trụ sở chính là 3.553.200 đồng/tháng/sinh viên (tương đương 1.377.000 đồng/tín chỉ). Học phí lớp mở tại phân hiệu và địa phương là 3.299.400 đồng/tháng/sinh viên (tương đương 1.279.000 đồng/tín chỉ).
Như vậy, đào tạo vừa làm vừa học đối với người tốt nghiệp trung học phổ thông có học phí lớp mở tại phân hiệu và địa phương thấp hơn học phí của lớp tổ chức tại trường.
Còn về đào tạo vừa làm vừa học đối với đối tượng tốt nghiệp đại học trở lên, học phí dự kiến năm học 2024-2025 lớp mở tại trụ sở chính là 3.553.200 đồng/tháng/sinh viên (tương đương 978.000 đồng/tín chỉ); lớp mở tại phân hiệu và địa phương là 3.299.400 đồng/tháng/sinh viên (tương đương 908.000 đồng/tín chỉ). Như vậy, đào tạo vừa làm vừa học đối với người tốt nghiệp đại học trở lên có mức học phí mở tại trụ sở chính cao hơn lớp mở tại phân hiệu, địa phương.
Như vậy, đối chiếu giữa thông tin trong Đề án tuyển sinh năm 2024 của Trường Đại học Luật Hà Nội với quy định tại Thông tư số 08 có thể thấy, nhiều nội dung trong đề án tuyển sinh của trường còn thiếu, chưa thực hiện đủ trách nhiệm giải trình với xã hội.