ĐBQH: Quy định đuổi học sinh viên 4 lần bán dâm là phản cảm, cần sửa đổi ngay

10/12/2023 07:50
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo các Đại biểu Quốc hội, việc cụ thể hoá hình thức xử lý sinh viên bán dâm là phản cảm, cần phải sửa đổi để Thông tư mang tính bao quát hơn.

Vừa qua, dư luận tranh cãi về việc một trường đại học có quy chế đuổi học với sinh viên vi phạm 4 lần bán dâm. Theo lý giải của nhà trường, quy chế này được trường thực hiện theo Thông tư 10/2016 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Trước đó vào năm 2018, trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo khi đó là ông Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh là không cần thiết phải đưa nội dung trên vào trong Thông tư.

Cụ thể, ông Nhạ nói: “Quy định về bán dâm đối với học sinh, sinh viên được quy định từ năm 2007 trong quy định về sinh viên. Sau đó, đầu năm 2016 lại có thông tư.

Thực tế, quy định này đã có. Khi rà soát, chúng tôi đề nghị tất cả những nội dung không còn phù hợp phải bỏ hoặc sửa, trong đó có nội dung này. Vấn đề đặt ra là khi sửa, Ban soạn thảo hoặc cán bộ, cá nhân thực hiện việc này năng lực hạn chế, ý thức trách nhiệm kém, dẫn đến có những ý kiến của xã hội.

Khi nhận được thông tin, tôi chỉ đạo báo cáo và xử lý ngay. Quan điểm của tôi, với tư cách là Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, không cần phải đưa vào thông tư này. Đây là phạm vi xã hội nên phải xử lý và những nội dung này không đưa vào thông tư nữa”.

Liên quan đến nội dung trên, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có trao đổi với Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hoà và Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga.

Một lần có thông báo, sinh viên đã nghỉ học, không cần đợi đến 4 lần vi phạm để mới bị đuổi học

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hoà - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đặt câu hỏi về trách nhiệm giáo dục của Nhà trường, Đoàn Thanh niên, khi để xảy ra tình trạng sinh viên hành nghề mại dâm để kiếm tiền.

"Câu hỏi đặt ra là những em học sinh, sinh viên đều sinh hoạt trong các tổ chức chính trị - xã hội trong nhà trường nhưng tệ nạn xã hội vẫn đang diễn ra, gây nhức ngối trong môi trường giáo dục phổ thông, giáo dục đại học", ông Hoà nói.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hoà (Ảnh: QH)

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hoà (Ảnh: QH)

Bên cạnh đó, khi sinh viên bị cơ quan chức năng lập biên bản và gửi về Nhà trường, em đó sẽ có tâm lý ngại ngùng và có thể sẽ nghỉ học ngay từ lần đầu bị khiển trách, không cần đợi đến 4 lần vi phạm để mới bị đuổi học.

Đồng quan điểm với Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hoà, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cho hay, nếu sinh viên vi phạm lần đầu tiên đã là vi phạm nghiêm trọng về mặt đạo đức, các tổ chức trong trường như Đoàn Thanh niên sẽ có trách nhiệm như nào trong việc giúp đỡ và giáo dục sinh viên?

"Nếu Nhà trường để cho sinh viên vi phạm đến lần thứ 4 mới buộc thôi học, tôi nhận thấy không có vai trò của các tổ chức đoàn thể của Nhà trường", Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga chia sẻ.

Tuy nhiên, Đại biểu Quốc hội cũng nhận định, có những trường hợp bán dâm xuất phát từ việc khó khăn về kinh tế, vì vậy các tổ chức Đoàn Thanh niên, Hội sinh viên của Nhà trường có vai trò rất quan trọng trong xử lý vấn đề này và có giải pháp giúp đỡ người vi phạm.

Tại sao phải là 4 lần bán dâm mới đuổi học?

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga cho hay, vào năm 2016, khi Thông tư 10 được ban hành có nội dung quy định về việc xử lý đối với sinh viên đại học chính quy có hành vi mại dâm đã gây tranh cãi.

Thực tế hiện nay, hoạt động mại dâm của Việt Nam vẫn đang là hành vi vi phạm pháp luật, đạo đức, bởi chúng ta chưa công nhận mại dâm là ngành nghề có điều kiện như một số nước.

Nếu một sinh viên vi phạm về đạo đức, vi phạm pháp luật liệu có còn được cho phép học nữa hay không? Đồng thời lại còn có quy định vi phạm đến lần thứ 4 mới bị cho thôi học?

Theo quy định, sinh viên phải thực hiện nghiêm chỉnh quy định của pháp luật, của Nhà trường, quy định về đạo đức.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Ảnh: QH)

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Ảnh: QH)

Vị Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cũng đặt câu hỏi về việc Thông tư không nêu trách nhiệm với đối tượng là sinh viên mua dâm, trong khi thực tế là có việc này. Vì vậy, chúng ta cũng cần phải có sự nghiêm khắc với tất cả hành vi vi phạm pháp luật.

Trước câu hỏi về việc nếu Nhà trường xử lý hành vi bán dâm lần đầu với sinh viên, em đó cũng sẽ ngại ngùng và có thể sẽ bỏ học, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga chia sẻ về thực tế này.

Theo đó, không phải tình huống vụ việc nào, chúng ta cũng phải công khai giống nhau. Ví dụ như chúng ta đang đẩy mạnh tuyên truyền về việc đã uống rượu bia thì không lái xe. Đối với tài xế vi phạm là công chức, viên chức, cơ quan chức năng sẽ gửi giấy thông báo việc xử lý vi phạm về đơn vị của tài xế. Thông báo này cũng là hình thức để người vi phạm cảm thấy về sự giáo dục nghiêm khắc.

"Tuy nhiên, đối với sinh viên bán dâm không chỉ vi phạm pháp luật mà còn là đạo đức. Quan điểm chung của người Việt Nam còn nhìn nhận về bán dâm còn rất là nặng nề. Vì vậy, nếu chúng ta thông báo rộng rãi sẽ dễ dẫn đến tác hại nặng nề như áp lực từ phía bạn bè".

Cần sửa đổi nội dung Thông tư 10/2016

Theo Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hoà, tình trạng sinh viên tham gia mại dâm chỉ là hoạt động cá biệt. Vì vậy, các trường không nên ban hành quy chế có nội dung trên, đồng thời Thông tư cũng cần bỏ chi tiết nội dung xử lý sinh viên bán dâm.

"Khi xưa, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cũng từng có đề xuất trước Quốc hội là bỏ chi tiết xử lý sinh viên bán dâm ra khỏi Thông tư, nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện.

Việc chi tiết nội dung xử lý sinh viên vi phạm bán dâm rất phản cảm, gây bức xúc cho xã hội. Bên cạnh đó, bạn bè quốc tế cũng có cái nhìn không tốt về sinh viên Việt Nam. Tôi rất phê phán nội dung quy định phản cảm này.

Vì vậy, cơ quan chức năng cần vào cuộc để chấn chỉnh, sửa đổi nội dung này", Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hoà cho hay.

Ông Hoà cũng nhận định, thực tế hiện nay, ông chưa từng đọc có thông tin về cơ sở giáo dục đại học nào xử lý sinh viên vi phạm hoạt động mại dâm. Bởi vậy, có quy định về nội dung này là rất không hợp lý.

Còn theo Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga, việc quản lý sinh viên là rất cần thiết. Tuy nhiên, trong Thông tư thì chúng ta nên quy định chung về những vấn đề vi phạm đạo đức, còn nếu chúng ta quy định cụ thể về nội dung bán dâm sẽ là thừa và thiếu với các hành vi vi phạm khác như hành vi mua dâm không bị xử lý.

"Vì vậy, chúng ta cần phải nghiên cứu sửa đổi Thông tư để cho nội dung đảm bảo tính bao quát, tránh quy định hành vi quá cụ thể, liệt kê chi tiết", Đại biểu Quốc hội nhận định.

Mạnh Đoàn