Tiến sĩ Võ Trí Thành - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương khẳng định: “Tình thế hiện nay khiến nhiều doanh nghiệp Việt, người Việt hiểu rằng họ phải thay đổi cách tư duy, cách kinh doanh, phải sáng tạo vươn lên. Đây là tín hiệu tích cực cho sự chuyển đổi của kinh tế đất nước”.
Doanh nghiệp chuyển dịch, đất nước tăng giá trị
Ông đánh giá như thế nào về công cuộc chuyển đổi của đất nước hiện nay?
Cả đất nước đang rùng mình chuyển đổi cho giai đoạn phát triển mới, từ ý chí chính trị, nỗ lực cải cách đến tư duy và chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp.
Không ít doanh nghiệp đã và đang gấp rút chuẩn bị đón cơ hội và cả ứng phó thách thức khi đất nước hội nhập rất sâu rộng, nhất là khi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU nhiều khả năng có hiệu lực từ năm 2019.
Trong bối cảnh con tàu “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” đã nhổ neo vươn khơi, nhiều doanh nghiệp tư nhân đang chuyển nguồn lực đầu tư mạnh cho công nghệ và “chất xám” cùng kỹ năng mới.
Dù không ít trắc trở, song cũng là xu hướng chung của thế giới. Cơ hội “lớn lên” là cho tất cả những ai dám đón nhận và biết “tư duy lại, thiết kế lại, và xây dựng lại”.
Tiến sĩ Võ Trí Thành. |
Nếu không tư duy lại… thì sao?
Thì thời gian đã chỉ rõ: "Tuổi thọ" trung bình của 500 doanh nghiệp tên tuổi nhất thế giới đã giảm từ 60 năm xuống còn 15 năm.
Nếu không thay đổi, không thích ứng, không đổi mới, thì ngay các doanh nghiệp tên tuổi cũng có thể "chết" nhanh hơn.
Đất nước đang chuyển sang giai đoạn cải cách, phát triển mới. Sức người, lợi thế tài nguyên thiên nhiên, nguồn lực đất đai tuy vẫn cần tính tới, song từ nay, cần hơn cả là giá trị gia tăng tạo ra nhờ nâng cao năng suất, công nghệ, và nhất là sự sáng tạo.
Việc các doanh nghiệp có tiềm lực lớn như Vingroup dịch chuyển mạnh sang công nghệ có ý nghĩa, tác động như thế nào thưa ông?
Vingroup và những doanh nghiệp đã tạo được đáng kể nguồn lực tài chính, con người, dịch chuyển theo hướng công nghệ, sáng tạo đều tích cực, hợp thời, hợp thế.
Theo quy luật phổ biến, họ thường trải qua quá trình tích lũy tiềm lực. Nay làm ăn kinh doanh phù hợp với đòi hỏi phát triển mới của đất nước, thì dĩ nhiên họ sẽ có thể đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế và cho đất nước.
Họ có điều kiện hơn để “đi tắt đón đầu” làm chủ công nghệ và sáng tạo, họ có thể bắt kịp, tiến cùng và thậm chí trong một số lĩnh vực vượt lên xu hướng thời đại.
Đây là điều đáng mừng vì họ góp phần tạo dựng vị thế của một đất nước hội nhập với thế giới và hòa cùng thời đại.
Trong bối cảnh hiện nay, họ có khả năng thu hút những người tốt nhất trên toàn cầu để thực hiện mục tiêu. Khi đó giá trị, đóng góp và hình ảnh, thương hiệu của doanh nghiệp sẽ còn tăng và đẹp lên nhiều lần.
Việc chuyển dịch ấy, về bản chất là chuyển đổi giá trị của từng doanh nghiệp, tổng hợp lại là giá trị của đất nước.
Nhỏ mà có công nghệ và thương hiệu thì… Lớn!
Để chuyển giá trị đất nước đòi hỏi phải có doanh nghiệp lớn, làm thế nào để có nhiều doanh nghiệp như vậy?
Quốc gia nào cũng vậy, để đi lên cần có những doanh nghiệp “đầu đàn” mạnh, đủ tạo ra chuỗi giá trị lớn, có khả năng cạnh tranh, nhất là khả năng dẫn dắt.
Việc này đòi hỏi Nhà nước phải có chính sách hỗ trợ thiết thực, phù hợp xu hướng chuyển dịch và cam kết quốc tế.
Nhưng quan trọng nhất vẫn là từ doanh nghiệp. Tại sao đất nước vẫn cơ bản chỉ có những doanh nghiệp To mà chưa Lớn? Họ mới chỉ To về số lượng, như về tổng tài sản, vốn liếng, lao động, doanh thu, lợi nhuận…
Doanh nhân phải có lòng tự tôn dân tộc thì kinh tế mới phát triển |
Để được coi là Lớn, là thực sự ‘trưởng thành’ thì họ phải có thương hiệu toàn cầu, vì đây là cuộc chơi toàn cầu. Họ phải đạt trình độ công nghệ ở mức độ cao, đặc biệt là ở cấp độ cải tiến và sáng tạo.
Theo tiêu chí mới, sản phẩm của họ phải đáp ứng các tiêu chuẩn: xanh, thông minh, nhân văn, và cả biểu tượng của người dùng. Đây là thách thức lớn đối với doanh nghiệp trong nước.
Như vậy, để được coi là Lớn, họ phải "chơi thật", phải đủ khát vọng và bản lĩnh, phải thật chuyên nghiệp và khôn khéo. Cuối cùng là cạnh tranh thật bằng sản phẩm, thành quả trong "sân chơi" toàn cầu.
Trong việc chuyển dịch này, ông có lo ngại khối doanh nghiệp vừa và nhỏ?
Doanh nghiệp nhỏ và vừa ở đâu cũng vậy, điều người ta thường nói là họ luôn chiếm số đông (trên 90% số doanh nghiệp) nhưng lại ở vào thế yếu.
Tuy nhiên, chính doanh nghiệp nhỏ và vừa mới là khu vực đóng góp lớn nhất cho cạnh tranh trên thị trường, không có cạnh tranh thì không còn thị trường. Họ là khởi nguồn của tinh thần kinh doanh.
Suy cho cùng: Sáng tạo là cá nhân, trong nhiều trường hợp bắt nguồn từ các doanh nghiệp nhỏ và vừa (kể cả siêu nhỏ).
Vấn đề là họ sáng tạo nhưng thông thường doanh nghiệp lớn mới là người sở hữu bản quyền phát minh, sáng chế.
Bởi doanh nghiệp lớn có nguồn lực, có thể đặt hàng, mua phát minh, sáng chế, thậm chí "mua" người sáng chế hoặc doanh nghiệp nhỏ ấy. Đấy là cuộc chơi bình thường và cũng là vấn đề ganh đua trên thị trường.
Ngược lại, như ở Nhật, Đức…, cũng không ít doanh nghiệp nhỏ và vừa nhưng rất "quyền lực", uy tín cao, thương hiệu có giá trị vì sản phẩm của họ có bí quyết sáng tạo riêng, trở thành một phần không thể thiếu trong chuỗi giá trị, mạng sản xuất của chính các tập đoàn, công ty lớn.
Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cùng xu thế tích tụ còn là xu thể “nhỏ đi”, “cá thể hóa” trong kinh doanh. Nhỏ mà có công nghệ, thương hiệu, hình ảnh thì họ cũng thuộc loại... Lớn!
Theo ông, tại sao người Việt rất giỏi, rất thông minh nhưng lại thiếu sáng chế?
Đã từng có tranh luận lớn về bản sắc người Việt, rằng có rất nhiều người Việt giỏi, thông minh nhưng vẫn ít người tài và không nhiều sáng tạo.
Có thể có nguyên nhân sâu xa là vì người Việt linh hoạt, thích ứng nhanh để dễ tồn tại, hài lòng nên chấp nhận khuôn mẫu cũ chứ không sáng tạo, phá cách, đột phá.
Tuy nhiên, tình thế hiện nay khiến nhiều doanh nghiệp Việt, người Việt hiểu rằng họ phải thay đổi cách tư duy, cách kinh doanh, phải sáng tạo để vươn lên. Đây là tín hiệu tích cực cho sự rùng mình chuyển đổi của đất nước.
Xin cảm ơn ông!