Đào tạo Kỹ thuật Cơ khí động lực gặp khó vì thiếu thiết bị thực hành, thí nghiệm

24/10/2023 06:33
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Khó khăn trong đào tạo đối với ngành Kỹ thuật Cơ khí động lực là các thiết bị tại phòng thí nghiệm, thực hành chưa phong phú và hiện đại.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực kỹ thuật nói chung và kỹ thuật cơ khí nói riêng dẫn tới nhu cầu tuyển dụng nhân lực ngành Kỹ thuật Cơ khí động lực lớn.

Tuyển sinh tốt hơn nhờ đổi mới chương trình đào tạo

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Mai Văn Thắm – Phó Trưởng khoa Khoa Cơ khí, Trường Đại học Giao thông vận tải đã có những chia sẻ về ngành Kỹ thuật Cơ khí động lực.

Về công tác tuyển sinh, thầy Thắm cho biết, những năm gần đây, ngành Kỹ thuật Cơ khí động lực tuyển 170 chỉ tiêu/năm. Điểm trúng tuyển ngành Kỹ thuật Cơ khí động lực bằng phương thức sử dụng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023 là 22,85 điểm; năm 2022 là 21,65 điểm và năm 2021 là 22,85 điểm.

Năm 2020, ngành tuyển không đạt chỉ tiêu do tuyển sinh theo nhóm chuyên ngành, cùng với công tác truyền thông chưa hiệu quả.

Sinh viên ngành Kỹ thuật Cơ khí động lực (chuyên ngành Kỹ thuật Phương tiện đường sắt) Trường Đại học Giao thông vận tải tham quan tại doanh nghiệp. (Ảnh: NVCC).

Sinh viên ngành Kỹ thuật Cơ khí động lực (chuyên ngành Kỹ thuật Phương tiện đường sắt) Trường Đại học Giao thông vận tải tham quan tại doanh nghiệp. (Ảnh: NVCC).

“Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2023, hiện nay cả nước có khoảng 30.000 doanh nghiệp cơ khí, tạo việc làm cho khoảng 1,2 triệu lao động, số lượng lao động của ngành Cơ khí vẫn tăng trưởng khoảng 10-12%/năm. Tuy nhiên, theo thống kê, dù là một trong 10 nhóm ngành có nhu cầu nhân lực tuyển dụng đều đặn qua từng năm, nhưng các doanh nghiệp ngành Cơ khí trong nước phải đối mặt với bài toán thiếu nhân lực. Như vậy, nhu cầu về nhân lực trong lĩnh vực cơ khí nói chung và ngành Kỹ thuật Cơ khí động lực luôn cao”, thầy Thắm chia sẻ.

Theo thầy Thắm, ngành Kỹ thuật Cơ khí động lực của trường đào tạo 3 chuyên ngành: Kỹ thuật Phương tiện đường sắt, Kỹ thuật Máy động lực và Máy xây dựng. Hiện nay, ngành có 32 giảng viên, trong đó có 03 phó giáo sư, 19 tiến sĩ, 10 thạc sĩ; tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ trở lên là 68,75%; trong số 10 thạc sĩ có 2 nghiên cứu sinh.

“Sinh viên theo học ngành Kỹ thuật Cơ khí động lực được đào tạo kiến thức nền về cơ khí nói chung, đồng thời trang bị kiến thức vững vàng để giải quyết những vấn đề liên quan đến khai thác, thiết kế, triển khai và vận hành hệ thống cơ khí động lực bao gồm: thiết kế, chế tạo, vận hành, khai thác các thiết bị cơ khí, các loại máy động lực, máy xây dựng và phương tiện đường sắt.

Sinh viên cũng được tiếp cận, thực tập tại các công ty, đơn vị thuộc ngành nghề đào tạo. Đồng thời, nhà trường kết hợp chặt chẽ với các đơn vị trong việc đào tạo, nghiên cứu khoa học, học bổng, thực tập và việc làm. Do đó, tỷ lệ sinh viên có việc làm sau 3 đến 6 tháng tốt nghiệp trong ba năm gần đây cao (năm 2020: 97,84%; năm 2021: 89%; năm 2022: 93,75%)”, thầy Thắm nói.

Cũng theo thầy Thắm, đáp ứng nhu cầu thực tế, từ năm học 2021-2022, cùng với sự thay đổi của nhà trường về chương trình đào tạo tích hợp theo CDIO (Conceive – Design – Implement – Operate, nghĩa là: Hình thành ý tưởng, thiết kế ý tưởng, thực hiện và vận hành), chương trình học của ngành Kỹ thuật Cơ khí động lực cũng thay đổi phương pháp giảng dạy và hình thức đánh giá. Ngoài ra, chương trình hướng tới sinh viên được tiếp cận với doanh nghiệp, thực tế từ sớm để sau khi tốt nghiệp đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Khoa mời các chuyên gia từ các trường, các doanh nghiệp cùng góp ý, xây dựng chương trình, tham khảo các chương trình đào tạo ngành Kỹ thuật Cơ khí động lực tại các nước trên thế giới và trong nước.

"Những đổi mới trong chương trình đào tạo giúp kết quả tuyển sinh của ngành Kỹ thuật Cơ khí động lực những năm gần đây tốt hơn. Cụ thể, trước đây, việc tuyển sinh theo các nhóm chuyên ngành khiến có năm chưa đạt chỉ tiêu đề ra, điểm đầu vào thấp. Sau khi tuyển sinh theo ngành Kỹ thuật Cơ khí động lực, điểm đầu vào ngày càng cao, có năm vượt chỉ tiêu (trong giới hạn cho phép của Bộ Giáo dục và Đào tạo)"

_Phó Giáo sư, Tiến sĩ Mai Văn Thắm_

Mặt khác, đổi mới chương trình đào tạo còn được giảng viên chú trọng đến phương pháp giảng dạy, đánh giá, nâng cao các kỹ năng mềm, kiến thức thực tế (sinh viên được đi tham quan các nhà máy, xí nghiệp). Bên cạnh đó, chương trình đào tạo còn bố trí nhiều đợt thực tập cơ sở, thực tập chuyên ngành và thực tập tốt nghiệp để sinh viên có kiến thực tế, ra trường có thể đáp ứng được nhu cầu doanh nghiệp ngay.

Mức lương khởi điểm của cử nhân/kỹ sư mới ra trường dao động từ 8-10 triệu đồng/tháng. Với kỹ sư trình độ cao, đã có kinh nghiệm từ 1-3 năm, mức lương từ 10-15 triệu đồng/tháng – so với thị trường lao động hiện nay là mức cao.

Sinh viên chuyên ngành Máy xây dựng, ngành Kỹ thuật Cơ khí động lực, Trường Đại học Giao thông vận tải tham quan thực tế. (Ảnh: NVCC).

Sinh viên chuyên ngành Máy xây dựng, ngành Kỹ thuật Cơ khí động lực, Trường Đại học Giao thông vận tải tham quan thực tế. (Ảnh: NVCC).

Từ kinh nghiệm giảng dạy thực tiễn và làm công tác quản lý, thầy Thắm cho rằng, thuận lợi của ngành Kỹ thuật Cơ khí động lực của trường là đội ngũ giảng viên có trình độ chuyên môn cao, được đào tạo bài bản trong và ngoài nước. Ngoài ra, ngành có sự hợp tác chặt chẽ với các công ty, đơn vị, xí nghiệp, tạo thuận lợi cho sinh viên trong quá trình tham quan, thực hành, thực tập và tiếp cận với cơ hội việc làm sớm.

Tuy nhiên, khó khăn trong đào tạo đối với ngành Kỹ thuật Cơ khí động lực là các thiết bị tại phòng thí nghiệm, thực hành chưa phong phú và hiện đại. Nguyên nhân là do kinh phí đầu tư mua sắm các máy móc thiết bị, mô hình phục vụ cho quá trình đào tạo tại trường còn hạn hẹp.

Để phát triển ngành Kỹ thuật Cơ khí động lực của Trường Đại học Giao thông vận tải trong công tác đào tạo, hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, theo thầy Thắm, cần tiếp tục mở rộng ký kết hợp tác với các doanh nghiệp trong và ngoài nước về lĩnh vực Phương tiện đường sắt, Máy xây dựng, Kỹ thuật Máy động lực. Tiếp tục nâng tầm hợp tác với những đối tác lâu năm, nắm bắt những bất cập trong thực tiễn, từ đó có đề tài nghiên cứu, chuyển giao sản phẩm công nghệ.

Đồng thời, kết hợp với doanh nghiệp trong việc đào tạo, nghiên cứu khoa học, thực tập cho sinh viên, giúp nâng cao kiến thức thực tế cho sinh viên để sau khi ra trường đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp.

Khắc phục khó khăn trong đào tạo ngành Kỹ thuật Cơ khí động lực

Trường Đại học Mỏ - Địa chất cũng là một trong những cơ sở đào tạo ngành Kỹ thuật Cơ khí động lực. Chia sẻ với phóng viên, Tiến sĩ Ngô Thanh Tuấn – Phó Trưởng khoa Khoa Cơ – Điện, Trường Đại học Mỏ - Địa chất cho biết, ngành Kỹ thuật Cơ khí động lực đào tạo chuyên ngành chính là Máy và Tự động thuỷ khí.

Điểm khác biệt trong đào tạo ngành Kỹ thuật Cơ khí động lực của trường là ở 3 định hướng chính. Trong đó, với định hướng đào tạo ứng dụng, chương trình xây dựng trên cơ sở cập nhật những kiến thức, kỹ năng mới nhất, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Bên cạnh các môn học chuyên môn, chương trình chú trọng đến các môn học thực hành, thực tập, dự án để sinh viên có cơ hội rèn luyện kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tế.

Ngành Kỹ thuật Cơ khí động lực cũng định hướng đào tạo theo phát triển toàn diện, chú trọng kỹ năng mềm và tư duy sáng tạo. Đồng thời, chương trình học của ngành định hướng đào tạo theo hội nhập quốc tế.

Sinh viên ngành Kỹ thuật Cơ khí động lực Trường Đại học Mỏ - Địa chất thực hành chế tạo máy. (Ảnh: website nhà trường).

Sinh viên ngành Kỹ thuật Cơ khí động lực Trường Đại học Mỏ - Địa chất thực hành chế tạo máy. (Ảnh: website nhà trường).

Thầy Tuấn cho biết, nếu sinh viên ngành Kỹ thuật Cơ khí động lực có kiến thức, kỹ năng tốt sẽ thu nhập ở mức cạnh tranh. Song, để sinh viên có thể cạnh tranh trên thị trường lao động, chương trình học ngành Kỹ thuật Cơ khí động lực của Trường Đại học Mỏ - Địa chất luôn được đổi mới theo hướng chú trọng phát triển các kỹ năng thực hành, kỹ năng mềm và tư duy sáng tạo cho sinh viên. Đặc biệt, ngành chú trọng hợp tác với doanh nghiệp để sinh viên có cơ hội tiếp cận với môi trường thực tế, tích lũy kinh nghiệm và tìm việc làm.

"Hiện nay, công tác đào tạo ngành Kỹ thuật Cơ khí động lực của Việt Nam đã có những bước phát triển đáng kể, đáp ứng phần nào nhu cầu thực tế của thị trường lao động. Tuy nhiên, thực tế còn một số hạn chế như về cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu hiện đại; chương trình đào tạo chưa cập nhật kịp thời những kiến thức, kỹ năng mới; sinh viên chưa có định hướng nghề nghiệp rõ ràng"

_Tiến sĩ Ngô Thanh Tuấn_

Để khắc phục khó khăn trong đào tạo ngành Kỹ thuật Cơ khí động lực, theo thầy Tuấn:

Thứ nhất, cùng với đổi mới chương trình đào tạo, nhà trường chủ động liên kết với các doanh nghiệp để tổ chức hoạt động thực tập, thực hành, dự án cho sinh viên. Đồng thời, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, thực hiện chính sách thu hút giảng viên và đãi ngộ xứng đáng.

Thứ hai, nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ, khuyến khích các trường đại học, cao đẳng và doanh nghiệp đầu tư cho nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ ngành Kỹ thuật Cơ khí động lực.

Nhà trường tiếp tục tạo môi trường thuận lợi cho giảng viên, sinh viên nghiên cứu khoa học, phát triển các sản phẩm, giải pháp công nghệ; chú trọng bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ nghiên cứu khoa học.

Ngọc Mai