Ngày 31/12/1999 là một ngày đặc biệt, khi cả nhân loại háo hức chờ đón Thiên niên kỷ thứ 3 – Khoảnh khắc ngàn năm có một. Hầu hết các nguyên thủ quốc gia đều có thông điệp chào năm mới, chào thế kỷ mới, chào thiên niên kỷ mới nêu lên khát vọng và gửi gắm niềm tin cho nhân dân các quốc gia trên toàn thế giới.
Ngay trong ngày cực kỳ trọng đại này của nhân loại thì tại nước Nga, Tổng thống Boris Elsin lên truyền hình tuyên bố từ chức, chỉ định vị Thủ tướng trẻ Vladimir Putin – người còn khá xa lạ với cả nước Nga và thế giới lúc đó - là người thay thế. Ông Elsin làm cho cả thế giới ngỡ ngàng về hành động của mình.
Tổng thống Nga Vladimir Putin, ảnh: Romaniatv.net. |
Từ đó đến nay, lịch sử nước Nga và lịch sử thế giới đã ghi lại nhiều dấu ấn của con người ấy. Thậm chí ông còn đang đi vào danh sách những con người huyền thoại của lịch sử chính trị thế giới.
Mặc dù hiện nay ông Putin vẫn đang là Tổng thống của nước Nga, nhưng theo người viết thì đã có thể tổng kết, đánh giá về thành công và thất bại của ông Putin. Có nghĩa là ông Putin sẽ không có được thành công nào hơn những gì đã đạt được, và cũng sẽ không có thất bại nào nặng nề hơn những gì ông đã phải chấp nhận.
Do vậy trả lời cho câu hỏi: Điều tiếp theo với Tổng thống Putin là gì, mà nhà báo chuyên về các vấn đề ngoại giao Bridget Kendall đã nêu lên trên BBC ngày 31/12/2015 khi vừa tròn 15 năm ông Putin nhận lãnh trách nhiệm là người lãnh đạo cao nhất của nước Nga, là không có gì quan trọng cả. Nói vậy có chủ quan quá chăng?
Không thể tốt hơn
Nước Nga mà Putin nhận bàn giao từ ông Elsin chỉ là một quốc gia rộng về diện tích, nhiều về dân số, nhiều đầu đạt hạt nhân và mạnh về vũ khí liên lục địa. Song lúc đó người dân Nga chỉ biết kêu trời vì khó khăn và bế tắc bởi thất nghiệp và giá cả leo thang, theo The Telegraph.
Ông Putin nhận chức Tổng thống Nga từ ông Elsin khi nước Nga chỉ là quốc gia của chia rẽ, phe cánh, của tội phạm có tổ chức và được chính quyền dung túng. Lúc đó, chỉ lo giải quyết việc của nước Nga cũng chưa xuể, chính quyền Nga đâu còn khả năng để lo việc thiên hạ.
Tiếp quản vị trí người đứng đầu đất nước từ ông Elsin khi Nga chỉ còn là một quốc gia ngập trong thiếu thốn, nợ nước ngoài ngập đầu ngập cổ, nguy cơ nội chiến đe dọa sự thống nhất của nhà nước liên bang. Lúc đó, chỉ lo trả nợ, ổn định xã hội cũng đã quá sức của một chính quyền.
Vậy mà ông Putin đã đưa nước Nga trở lại vị thế siêu cường của Liên Xô chỉ trong vòng chưa đầy một thập kỷ, ông Putin đã xây dựng một nước Nga siêu cường từ một xuất phát điểm yếu kém và gần như hỗn loạn mà người tiền nhiệm đã để lại cho ông, theo BBC.
Hiện nay, kinh tế của nước Nga dù còn rất nhỏ bé so với Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản thậm chí đứng sau cả Brazil, nhưng Nga vẫn có quyền tham gia quyết định những vấn đề của thế giới mà không liên quan tới sức mạnh của vũ lực.
Nghĩa là nước Nga đã đóng một vai trò lớn hơn trong quan hệ quốc tế mà không phải chỉ dựa trên vị thế của một siêu cường quân sự. Đây là lần đầu tiên một lãnh đạo của nước Nga làm được điều này, thậm chí kể cả Liên Xô trước kia.
Cho dù có rất nhiều ý kiến cho rằng việc đưa nước Nga ra khỏi khủng hoảng thì nước Nga không là gì cả nếu so với Nhật Bản và Israel – những bài học về sự phi thường trong xây dựng và phát triển đất nước. Hoặc thấp hơn một chút là Đức và Singapore.
Tổng thống Putin – người đã mang lại sức mạnh của sự đoàn kết trong xã hội Nga. Ảnh BBC. |
Vì xuất phát điểm của những quốc gia ấy gần như là rất nhiều con số không, thậm chí là con số âm, nhưng sau khoảng thời gian 15 năm – đúng bằng thời gian mà ông Putin lãnh đạo nước Nga – thì họ đã làm được những điều có thể gọi là thần kỳ mà cả nhân loại phải ngưỡng mộ.
Tuy nhiên, nếu ai biết rằng Tổng thống Putin đã phải trao nghị định Tổng thống nhà nước Nga cho người tiền nhiệm về việc không truy tố ông, gia đình ông ra tòa vì những gì đã mắc phải trong thời gian nắm quyền thì mới thấy lúc đó nước Nga rối ren và phức tạp như thế nào, theo AP 3/5/2008.
Nếu ai đã từng biết về tình hình nội chiến tại Chechnya xảy ra gần chục năm, thách thức và đe dọa chính quyền mà người nổi tiếng cứng rắn như Tổng thống Elsin phải bó tay thì mới thấy giá trị của việc Tổng thống Putin chấm dứt nội chiến tại nước cộng hòa tự trị này có ý nghĩa lớn lao như thế nào.
Thủ lĩnh Dudayev của Chechnya thách thức cả nước Nga và có ý định đưa tình hình vượt ra khỏi biên giới nước Nga. Nhưng ngay khi nắm quyền, ông Putin đã tập trung giải quyết vấn đề Chechnya một cách dứt khoát, chấm dứt đổ máu, đảm bảo ổn định cho Chechnya, theo BBC Timeline.
Tuy nhiên, điều cực kỳ quan trọng là đảm bảo được tính thống nhất của Cộng hòa Liên bang Nga. Sau sự kiện Chechnya, không có bất cứ một chủ thể nào nằm trong nước Nga có ý định phá vỡ sự thống nhất của nhà nước Nga.
Và đây là điều kiện quan trọng nhất giúp cho người Nga tập trung phát triển đất nước và thể hiện sức mạnh trong quan hệ đối ngoại. Vì nếu xã hội không ổn định, chủ quyền quốc gia bị đe dọa thì không có thể làm tốt được gì và không giữ được những gì đã làm một cách trọn vẹn.
Có nhiều người cho rằng nước Nga của ông Putin thừa hưởng thành quả một Liên Xô hùng mạnh nên việc lấy lại sức mạnh cho nước Nga cũng chỉ đơn giản như là việc lấy lại cho dân tộc Nga những gì đã mất.
Tuy nhiên, dư luận không thể nào quên nước Nga thời của ông Elsin đã nhiều lần xóa bỏ những di sản của lãnh tụ Cách mạng Tháng Mười Nga Lenin, và trước đó với làn gió của cải tổ và công khai, người ta đã lên án tất cả những gì thuộc về lịch sử tồn tại của Liên Xô, theo BBC 26/1/2011.
Điều đó chứng tỏ giá trị của lịch sử dân tộc đã bị người ta xóa nhòa đi trước khi ông Putin được giao nắm giữ vận mệnh quốc gia. Song ngày nay ai cũng biết, giá trị của những gì vĩ đại trong lịch sử nước Nga đã được ông Puitn đưa vào di sản văn hóa dân tộc Nga, để đảm bảo sẽ tồn tại vĩnh hằng.
Có thể ông Putin còn làm việc lâu hơn nữa, còn làm được nhiều điều hơn nữa cho nước Nga, người dân Nga và tổ quốc Nga của ông. Nhưng không ai tin ông sẽ làm được những gì lớn lao hơn những gì mà ông đã làm được – ông Putin không thể thành công hơn được nữa.
Không thể xấu hơn
Cho đến bây giờ Ông Putin vẫn “phải” ngồi ghế Tổng thống của nước Nga và hàng năm ở những sự kiện lớn, người ta vẫn thường hỏi là không biết ông Putin còn “phải” ngồi ghế Tổng thống Nga bao lâu nữa.
Tổng thống Nga vẫn hàng ngày phải tìm cách đưa nước Nga ra khỏi bế tắc. Ảnh: BBC. |
Nhiều người cho rằng đây là vinh hạnh của ông Putin vì sự tín nhiệm của người dân Nga, là niềm tự hào của nước Nga khi có một Tổng thống tài năng xuất chúng. Nhưng với cá nhân người viết thì đây là một biểu hiện của việc mất lòng tin của Tổng thống Putin.
Cũng nên nhớ lại rằng, khi Tổng thống Putin nắm quyền thì cũng là lúc Tổng thống Mỹ Bill Clinton sắp mãn nhiệm. "Những năm cầm quyền của Clinton là giai đoạn phát triển kinh tế lâu dài nhất trong lịch sử hiện đại của Mỹ”, theo The White House, 29/10/2008.
Và ông Clinton rời nhiệm sở trong sự nuối tiếc của người dân Mỹ, thậm chí cả người dân thế giới và lúc đó ông Clinton mới ngoài 50 tuổi. Sau 15 năm rời khỏi cương vị Tổng thống Mỹ, cứ mỗi sự kiện gì mà người dân Mỹ thất vọng thì người ta lại nghĩ tới ông Clinton trong một sự nuối tiếc.
Một lãnh đạo đã rời xa chính trường gần 4 nhiệm kỳ mà vẫn để lại sự nuối tiếc của người dân thì có hạnh phúc nào bằng. Tiếc là ông Putin không làm như vậy, có thể vì ông chưa yên tâm khi giao vận mệnh quốc gia cho những người mà ông chưa có lòng tin.
Việc mất lòng tin của ông Putin làm cho những cộng sự của ông dần mất niềm tin ở ông. Những người có tham vọng và khát vọng thể hiện tài năng của mình để cống hiến cho tổ quốc Nga không biết khi nào mới có cơ hội khi thời gian ông ngồi ghế Tổng thống không xác định được.
Có người chấp nhận cộng tác cùng ông, tận tụy làm việc dưới quyền ông, nhưng cũng có người thất vọng rời bỏ ông và nước Nga mất đi những người tài năng có thể mang lại nhiều lợi ích cho người dân, đất nước.
Nước Nga chỉ là siêu cường về sức mạnh quân sự, chưa thể là một cường quốc. Ảnh: BBC |
Gần đây nhiều hãng tin lớn trên thế giới đặt câu hỏi là ai gánh vác con thuyền nước Nga cùng với Tổng thống Putin, đó là một vấn đề thể hiện sự mất lòng tin và mất niếm tin trong chính quyền của Tổng thống Nga.
Người ta cho rằng, thành công lớn nhất trong sự nghiệp chính trị của ông Elsin là tìm ra được ông Putin để gởi gắm niềm tin và trao lại quyền lực. Và ông Elsin hoàn toàn thanh thản khi rời khỏi đời sống chính trị. Về mặt này thì có thể khẳng định rằng ông Putin đã thất bại.
Trên các phương tiên truyền thông, ai cũng thấy Tổng thông Putin gần như hàng ngày phải ra quyết định về việc giải quyết hầu hết những vấn đề xảy ra trên đất nước mình thì rõ ràng bộ phận tham mưu bị thiếu thẩm quyền, mà điều này xuất phát từ cơ chế hoạt động của bộ máy nhà nước Nga.
Có thể thấy rằng, cho đến lúc này thể chế chính trị tại nước Nga vẫn chưa hoàn thiện, mà thể hiện ra là những hoạt động của nhánh hành pháp vẫn lấn át quyền lực của lập pháp và tư pháp. Người ta có cảm tưởng rằng, ở nước Nga điều gì cũng phải cần tới Tổng thống thì mới giải quyết được.
Đây là một sự hạn chế của hệ thống pháp luật và việc này sẽ gây nên những hậu quả trong quá trình vận hành của toàn bộ hệ thống chính trị.
Mà không nói đâu xa, việc sát nhập Crimea là một ví dụ. Khi người dân Crimea đã thực hiện một cuộc trưng cầu dân ý và kết quả là đồng ý về với nước Nga, thì tại nước Nga cũng phải có một cuộc trưng cầu dân ý tương tự để xem ý nguyện của người dân Nga như thế nào.
Sau đó là bước tiếp theo của Quốc hội thông qua kết quả và cuối cùng là Tổng thống tuyên bố, khẳng định chủ quyền với bán đảo này. Nếu diễn tiến đúng như vậy thì chắc chắn nước Nga sẽ không phải nhận sự trừng phạt nặng nề của phương Tây vì đó là ý nguyện của cả dân tộc Nga.
Tuy nhiên, do thể chế chưa hoàn thiện nên Tổng thống Putin đã hành động chỉ dựa trên sự ủy quyền của Quốc hội Nga – trong khi đây không phải là trường hợp khẩn cấp – nên phương Tây đã áp lệnh trừng phạt mà ai cũng biết là nhắm vào Tổng thống Putin và những trợ thủ đắc lực của ông.
Tổng thống Nga đã tiến hành sửa đổi Hiến pháp để có thể nắm quyền trong thời gian lâu hơn, để hoàn thành những ý định còn dang dở, nhưng tiếc thay ông lại không hoàn thiện cái thể chế để đảm bảo an toàn cho nước Nga và cho bản thân ông.
Dù ông Putin làm việc gì, đưa ra quyết định nào cũng đều thông qua tập thể nhưng khổ nỗi lại không ai tin đó là ý nguyện của tập thể. Nguyên nhân là do thể chế chưa hoàn thiện nên người ta cứ nghĩ Tổng thống là cao nhất, đứng trên cả Hiến pháp.
Do vậy, ông Putin đưa nước Nga lên vị thế của một cường quốc, nhưng chỉ là vị thế thôi chứ Nga chưa phải là một cường quốc, vì cường quốc là phải mạnh về nhiều mặt mà trong đó có hệ thống luật pháp vững mạnh, củng cố lòng tin của người dân vào sức mạnh và sự công bằng của pháp luật.
Hiện nay, dù không phải chịu mưa bom bão đạn, nhưng nước Nga đang phải hứng chịu những hậu quả hết sức nặng nề do sự trừng phạt của các nước phương Tây, và nếu kéo dài lâu hơn nữa thì có thể sẽ đưa nước Nga trở về với những khó khăn của hàng chục năm trước.
Vì những quyết định không sáng suốt – thậm chí có phần sai lầm – Tổng thống Putin có thể sẽ tước bỏ đi những thành quả mà ông cùng cả nước Nga đã gây dựng được trong bao năm qua, và đền giờ này mà ông vẫn phải dò dẫm tìm lối thoát cho nước Nga và cho chính bản thân ông thì thử hỏi còn thất bại nào hơn thế nữa.