Có học sinh cảm ơn giáo viên đã chấm điểm kém cho mình

14/05/2023 06:33
Sơn Quang Huyến
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Không thể chia sẻ với bố mẹ, các em hãy chủ động nhờ thầy cô giáo, chắc chắn không có giáo viên nào từ chối sự tin tưởng, nhờ cậy của học trò.

Người viết nhận được chia sẻ của thầy giáo Lê Bá Hùng, đang công tác ở một tỉnh phía Nam như sau: “Tôi dạy môn Toán lớp 9 đã hơn 10 năm nay, cuối năm chấm bài học kì lại cười ra nước mắt.

Có khi học sinh vẽ hình cái cày con trâu vào bài, có khi học sinh làm thơ vào bài nói lên cảm xúc đi học của mình, có khi làm toán mà lại làm văn viết cảm xúc kì kiểm tra cuối cùng của bộ môn toán...

Ngay từ đầu năm, tiếp xúc, gần gũi với học sinh mới thấy cười ra nước mắt, dù muốn giúp các em lấy lại cơ bản cũng chẳng khác xây lâu đài cát.

Nhiều học sinh "ngơ ngác" trả lời "chẳng biết tại sao mà em vẫn lên lớp", dù học yếu, kém, nhưng học sinh đã "leo" đến lớp 9 vẫn mong muốn đủ điều kiện tốt nghiệp trung học cơ sở để đi học nghề.

Năm nay, lại có trường hợp "cá biệt", học sinh chủ động không làm bài, chấp nhận điểm kém, cảm ơn thầy đánh giá đúng điểm kém cho mình”.

Trên bài làm kiểm tra học kì II môn Toán 9, học sinh chỉ chép lại câu hỏi 1 và viết nhắn gửi thầy giáo:

“Cảm ơn thầy đã chấm điểm kém, vì điểm đó là điểm em muốn”.

Ảnh minh họa do giáo viên cung cấp

Ảnh minh họa do giáo viên cung cấp

Người viết đã từng gặp học sinh “cá biệt” Nguyễn Mai Phương (đã đổi tên nhân vật) tương tự học sinh này, em Phương ngậm ngùi chia sẻ sau một lần bỏ giấy trắng bài kiểm tra, dù tôi biết em học rất tốt. Em chia sẻ:

“Từ khi em biết, em nhớ, em thấy mình đều phải làm theo ý ba mẹ từ những điều nhỏ nhặt nhất, như chọn áo màu gì, quần ra sao, đi dày dép như thế nào …

Khi lớn hơn, nhiều lúc em cảm thấy mình đang sống, đóng vai cho ai đó trong bộ phim mang tên gia đình mình, chứ không phải là mình.

Cũng đã có lần em phản đối, không ăn thứ má mua, không đi dép ba mua ... nhưng kết quả là những trận đòn nhừ tử, không nương tay của ba má: "Tao sắm cho mày, lo cho mày tận răng mà còn cãi, trên đời này có ai sướng như mày.

Bạn bè mày nhìn vào mà thèm, mơ đỏ cả mắt đó kìa. Ráng mà học, sau này làm cái ông bác sĩ, kĩ sư, ông này bà nọ cho rạng danh dòng tộc, gia đình.

Mày phải ráng mà học, để người ta không còn nói tao là đồ trọc phú, giàu mà không có chữ. Mày phải học cả phần chị mày nữa, để người ta biết tao là bố mẹ của kĩ sư, bác sĩ, nhớ chưa".

Không biết có phải vì ba má cũng đã từng quản lý chị gái em như thế này nên chị đã bỏ đi khi mới 13 tuổi, giờ gánh nặng của chị lại dồn lên vai em.

Em đi học, là dịp em âm thầm phản đối ba mẹ. Em tự biến mình thành cục đá, không nghe, không thấy, không đọc, không chép, để cho mình dốt đặc, được là chính mình, thay vì phải giống ai đó, theo khuôn mẫu mà ba mẹ đúc sẵn.

Nếu những thầy cô lớp dưới ghi đúng điểm bài của em, chắc chắn em đã ở lại lớp, không phải đi học để thành ông này bà nọ như mơ ước của ba má em.

Em không muốn được tốt nghiệp trung học cơ sở, để phải đi học trường trung học phổ thông tư thục có tiếng như sắp đặt của ba má, nên em để trắng bài kiểm tra của thầy.

Điểm học kì là điểm 0, chắc điểm bộ môn cả năm em sẽ "đủ" điểm liệt, nên em không phải tốt nghiệp trung học cơ sở, em không phải thực hiện ước mơ của ba má.

Nói thật với thầy, kiểu ép buộc con cái phải sống theo ước mơ của mình, khuôn phép của mình như ba má em chẳng khác bạo lực học đường là mấy.

Đôi khi em chán quá, muốn quậy cho tanh bành, hay làm theo như chị gái cho rồi. Cũng may, những bài học ở trường đã ngăn cản em điều đó.

Về nhà, em có cảm giác như ... nhà tù, đi học, sống theo sắp đặt, mong ước, mong muốn của ba mẹ nên không khác gánh nặng ngàn cân trên vai, chán lắm thầy ạ, em cũng đã bỏ giấy trắng không chỉ bài kiểm tra này đâu”.

Người viết kể lại câu chuyện trên cũng mong phụ huynh đừng bắt con trẻ sống theo ước mơ, ý muốn của mình.

Thực tế đời sống hằng ngày, không ít bậc phụ huynh có xu hướng áp đặt con sống như mình muốn, học tập như mình mơ ước, làm việc và nuôi dưỡng ước mơ ... theo suy nghĩ chủ quan của mình, không cần biết điều đó đã và đang ảnh hưởng tiêu cực đến con cái mình.

Phụ huynh đừng bắt con phải thực hiện ước mơ của mình, mong muốn của mình, hãy tôn trọng sở thích, mong muốn, ước mơ của con trẻ, kể cả ước mơ đó không phù hợp với mong muốn của bố mẹ.

Không ai có thể thực hiện tốt giấc mơ của người khác, càng không nên bắt ai thực hiện ước mơ của người khác, sống cuộc đời của người khác, hãy để con mình được làm chủ cuộc đời, làm chủ ước mơ.

Được làm điều mình thích, đó là tự do. Thích điều mình đang làm, đó là hạnh phúc. Phụ huynh phải là người đầu tiên đưa tự do, trao hạnh phúc cho con mình, chứ không phải chờ nhà trường thầy cô hay ai khác.

Bạo lực học đường thường được hiểu những hành vi bạo lực … xảy ra ở trường học, thế nhưng dưới góc nhìn của học trò, những hành vi của cha mẹ trái với ước mơ, ý muốn của con trẻ cũng chẳng khác bạo lực học đường.

Phụ huynh hãy để con trẻ tự quyết định, sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và cộng đồng, hãy để các em là chính mình, để làm được điều đó phụ huynh hãy là bạn của con.

Với các em học sinh, nên tâm sự với bố mẹ những điều mình muốn làm, ước mơ của mình, đừng âm thầm phản đối mang tính tiêu cực.

Không thể chia sẻ với bố mẹ, hãy chủ động nhờ thầy cô giáo, chắc chắn không có giáo viên nào từ chối sự tin tưởng, nhờ cậy của học trò.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Sơn Quang Huyến