Đánh giá về công tác phòng chống tham nhũng trong năm 2018, có chuyên gia cho rằng: “Hơi nóng” của “lò” mà dân gian gọi một cách dân dã là “lò của cụ Tổng” đã đưa những người vi phạm pháp luật, tham ô, tham nhũng vào “lò” để xử lý” là dấu ấn đậm nét của mặt trận chống tham nhũng trong năm qua.
Cũng có ý kiến nêu: Dấu ấn đậm nét nhất của công tác chống tham nhũng trong năm qua là việc có nhiều quan chức, cựu quan chức bị xem xét kỷ luật và đưa vào vòng lao lý.
Điều này cho thấy quyết tâm chống tham nhũng của Đảng và nhà nước là không “loại trừ một ai từ cấp cao đến cấp thấp”, chống tham nhũng là “không có vùng cấm” đã được thực hiện rất quyết liệt.
Đại biểu Quốc hội Trương Minh Hoàng (ảnh nguồn quochoi.vn). |
Trong góc nhìn của ông Trương Minh Hoàng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội thì dấu ấn của công tác phòng chống tham nhũng trong năm 2018 cho thấy sự quyết liệt của các cấp lãnh đạo cao nhất, đặc biệt là đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo quyết liệt chống tham nhũng.
Cùng, sự vào cuộc mãnh mẽ của các cơ quan trung ương, Quốc hội, Chính phủ trong công tác phòng chống tham nhũng.
Điều này dẫn đến kết quả đã đưa ra nhiều vụ việc xử lý một cách nghiêm minh và để lại ấn tượng, đánh dấu mốc đặc biệt được xã hội, dư luận nhất là các cán bộ lão thành cách mạng, cử tri, nhân dân cả nước quan tâm, ủng hộ.
Cũng theo ông Trương Minh Hoàng, từ kết quả chống tham nhũng đã làm lan tỏa sự chỉ đạo của nhiều bộ, ngành, trung ương kể cả sự chỉ đạo quyết liệt của Quốc hội trong việc đốc thúc công tác, xây dựng môi trường công tác thanh liêm, nghiêm minh.
Lấy ví dụ cho nhận định của mình, đại biểu Quốc hội Trương Minh Hoàng cho rằng: “Đó là những nhắc nhở trước và trong kỳ họp của Chủ tịch Quốc hội thể hiện quan điểm rất rõ là trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ phải giảm tối đa chi phí không cần thiết.
Ngay trong kỳ họp Quốc hội thì hạn chế việc gặp gỡ, giao lưu không cần thiết. Điều này đã giảm rất rõ và thực hiện rất nghiêm cho thấy sự đồng thuận rất cao của các đại biểu”.
Cũng theo vị đại biểu Quốc hội này, từ thái độ làm việc nghiêm túc như vậy nên trong việc xây dựng dự án luật các đại biểu đã tham gia nhiệt thành và thể hiện rất rõ chính kiến, thảo luận ở mức tối đa.
Ngay trong việc lấy ý kiến về xây dựng Luật Phòng chống tham nhũng cho thấy đã thu hút được nhiều ý kiến với nhiều đóng góp sâu sắc.
Đặc biệt, các đồng chí được giao nhiệm vụ trực tiếp tham gia thẩm tra và kể cả cơ quan soạn thảo, cơ quan chủ trì đã thảo luận làm việc cật lực để vừa đảm bảo tính nghiêm minh, vừa đảm bảo không chồng chéo luật.
“Đó là điều tôi cảm thấy được sự thay đổi rất rõ trong công tác phòng chống tham nhũng” – ông Trương Minh Hoàng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, cũng theo ông Trương Minh Hoàng: "Tuyệt đối các cán bộ, đảng viên, người đứng đầu cơ quan đơn vị có thực hiện nghiêm công tác phòng chống tham nhũng hay đã sợ hẳn chưa thì tôi cho rằng cần quyết liệt hơn nữa để giảm mức tối đa.
Chỗ này chỗ khác vẫn còn thời sự, làm có khi chưa hẳn đúng gây bức xúc cho nhân dân. Do đó để tinh thần chống tham nhũng lan tỏa thì phải quyết liệt hơn nữa để giảm hết mứ tệ nạn này".
Cũng liên quan đến vấn đề này, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam từng đưa tin, trao đổi với phóng viên ông Dương Trung Quốc - Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, thiếu niên, nhi đồng của Quốc hội cho rằng: “Những gì diễn ra cho thấy người dân tin tưởng vào Đảng vì đã thẳng tay xử lý sai phạm, ngay cả đối với những người có vị trí, nắm giữ các chức vụ quan trọng”.
Cũng theo ông Dương Trung Quốc: “Sự nguy hại nhất phải kể đến là tệ tham nhũng vặt.
Tệ nạn này đang lây lan đến mức một người chỉ có chút quyền thôi, quyền này do nghề nghiệp mang lại nhưng cũng cố phát huy hết để thu lợi cho mình”.
Qua trao đổi với ông Dương Trung Quốc có thể thấy việc khoanh vùng tham nhũng là việc dễ. Bởi, người muốn tham nhũng phải có chức, có quyền nhưng chống tham nhũng lại việc rất khó.
Có phải Chủ tịch thành phố Hồ Chí Minh đang gây áp lực lên trung ương? |
Vì, đánh tham nhũng là hành vi “tự lấy đá ghè vào chân của mình”. Muốn đánh được loại giặc nội xâm này cần phải đủ dũng cảm, dũng khí mới mong thành công.
Quan điểm của ông Dương Trung Quốc, chống tham nhũng thì điều quan trọng và lý tưởng nhất là “cái lò” chống tham nhũng không còn phải “đốt củi” nữa.
Do đó, cần phải có một hệ thống pháp luật và chính sách làm sao không thể tham nhũng được và không ai dám tham nhũng.
Để minh tường hơn về ý kiến của mình, ông Dương Trung Quốc phân tích, công chức là một đối tượng có điều kiện để tham nhũng.
Trong khi đó lương chính thức của họ lại không đáng bao nhiêu so với mức sống hiện nay. Với lương đó đa số phải tằn tiện mới sống được. Trong khi con người luôn muốn vươn lên để sống sung túc.
Chính vì thu nhập thấp nên nhìn tổng thể xã hội đang có hiện tượng tước đoạt, hành hạ lẫn nhau. Để chấm dứt tình trạng này phải cần có cơ chế để kích thích mọi người làm việc hăng hái, có hiệu quả.