Hiện nay, ngoài các cơ sở giáo dục đại học trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo thì còn nhiều cơ sở giáo dục đại học đang trực thuộc các Bộ/ngành, địa phương khác nhau.
Đất nước đang quyết liệt thực hiện cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, mục tiêu đảm bảo "tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả". Do đó, nhiều ý kiến cho rằng đã đến lúc chuyển các cơ sở giáo dục đại học đa ngành, đa lĩnh vực (trừ các trường công an, quân đội) trực thuộc các Bộ/ngành, địa phương về Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý, nhằm đảm bảo sự thống nhất trong thực hiện các chính sách nhất là tự chủ đại học, khai thác được những lợi thế về nguồn lực, chuyên môn hóa. Tất nhiên, khi chuyển các cơ sở giáo dục đại học này về Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý trực tiếp, cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa Bộ với các Bộ, ngành, địa phương sẽ tận dụng được tối đa các nguồn lực, đáp ứng mục tiêu phát triển giáo dục, kinh tế - xã hội.
Chuyển về Bộ GDĐT, cơ sở giáo dục đại học đa ngành, đa lĩnh vực có nhiều thuận lợi
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Đình Tường - Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Kinh tế Nghệ An (nay đổi tên là Trường Đại học Nghệ An theo Quyết định số 1653/QĐ-TTg ngày 26/12/2024 về việc sáp nhập Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An vào Trường Đại học Kinh tế Nghệ An và đổi tên Trường Đại học Kinh tế Nghệ An thành Trường Đại học Nghệ An trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An) bày tỏ, nhà trường là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc ủy ban nhân dân tỉnh nên cũng có những ưu điểm và hạn chế nhất định.
Trong đó, về ưu điểm, nhà trường được tỉnh quan tâm đầu tư, hoạch định chiến lược về nhân sự. Ngoài ra, nhà trường có thể tăng cường sự gắn kết với địa phương, tham gia vào chương trình, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; các ngành đào tạo của nhà trường đáp ứng được nhu cầu nhân lực tại địa phương.
Tuy nhiên cũng không ít hạn chế, thầy Tường nêu, thứ nhất, tỉnh có nhiều hạng mục cần phải quan tâm nên kinh phí đầu tư cho cơ sở giáo dục đại học cũng có phần chưa tương xứng. Điều này làm ảnh hưởng ít nhiều đến quá trình vận hành của cơ sở giáo dục.
Thứ hai, do cơ chế hoạt động còn phụ thuộc vào ủy ban nhân dân tỉnh nên quyền tự chủ của nhà trường chưa cao. Nhà trường tự chủ về các hoạt động chuyên môn như đào tạo, nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo nhưng chưa được tự chủ trong chi tiêu và tuyển dụng nhân sự.
Cũng theo thầy Tường, khi kinh phí đầu tư cho nhà trường còn hạn chế, nhà trường muốn tăng học phí để đảm bảo vận hành nhưng khó thực hiện vì học phí cao sẽ không thu hút được sinh viên vào học.
Trước ý kiến đề xuất chuyển các cơ sở giáo dục đại học đa ngành, đa lĩnh vực thuộc Bộ/ngành, địa phương về Bộ Giáo dục và đào tạo quản lý (trừ các trường công an, quân đội), thầy Tường cho rằng, dựa trên tình hình thực tiễn, nhà trường sẽ có nhiều thuận lợi khi Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan quản lý trực tiếp.
Cụ thể, theo thầy Tường, trực thuộc các Bộ/ngành, địa phương khiến cho việc thực hiện các hoạt động của cơ sở giáo dục đại học nhiều khi chưa bám sát theo văn bản của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành vì còn phải thực hiện theo văn bản chỉ đạo của Bộ/ngành, địa phương chủ quản. Do đó, nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan quản lý trực tiếp thì sẽ thuận lợi cho nhà trường trong quá trình thực hiện các chính sách, văn bản.
Chưa kể, một trong những ưu điểm khi trường đại học trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo là được thực hiện quyền tự chủ nhiều hơn. Bởi, thực tế những văn bản mà Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành hoặc tham mưu để ban hành được áp dụng một cách thuận lợi đối với cơ sở giáo dục đại học trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Tiếp cận ở góc độ chuyên gia, Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (nay là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục) của Quốc hội cho rằng, hiện nay các cơ sở giáo dục đại học trực thuộc Bộ/ngành, địa phương đều có những ưu điểm và hạn chế nhất định. Trong đó, hạn chế nhìn rõ nhất là khi mỗi Bộ/ngành, địa phương đều có cơ sở giáo dục đại học đóng trên địa bàn thì hiệu quả công tác quản lý còn thấp.
Cùng chia sẻ về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, về mặt pháp lý, hiện nay Bộ Giáo dục và Đào tạo được giao quản lý nhà nước về giáo dục đại học (chủ yếu là xây dựng chính sách, pháp luật, chuẩn chất lượng, chiến lược phát triển giáo dục đại học...).
Theo đó, Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng chỉ ra một số ưu điểm khi cơ sở giáo dục đại học trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, cụ thể:
Thứ nhất, những cơ sở giáo dục đại học trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo hầu như đều sớm được tự chủ ở mức cao. Bởi vì, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành hoặc trình ban hành chính sách tự chủ đại học nên các chính sách này được áp dụng sớm tại các cơ sở giáo dục đại học thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo. Thời gian vừa qua mới ở giai đoạn đầu thực hiện tự chủ đại học nên có thể một số Bộ/ngành, địa phương khác chưa dành thời gian để quan tâm đúng mức đến điều này nên có Bộ/ngành quản lý trường đại học như một vụ/cục thuộc Bộ.
Thứ hai, những cơ sở giáo dục đại học trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có một đầu mối quản lý thống nhất, vừa thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục đào tạo (tuyển sinh, đào tạo, cấp bằng,...) vừa là cơ quan quản lý trực tiếp (quản lý khối tài sản công cùng các vấn đề về tổ chức, hành chính) nên hoạt động thuận lợi hơn so với trường có nhiều cơ quan quản lý chi phối.
Chuyển cơ sở giáo dục đại học về Bộ GDĐT quản lý trực tiếp là khả thi
Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng, phương án chuyển cơ sở giáo dục đại học đa ngành, đa lĩnh vực trực thuộc Bộ/ngành, địa phương khác (trừ khối trường công an, quân đội) về Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý trực tiếp là hợp lý và khả thi. Khi đó, việc quản lý hệ thống giáo dục đại học có cơ chế phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và địa phương để huy động nguồn lực và chuyên môn, đồng thời đáp ứng các mục tiêu đào tạo nhân lực phục vụ nhu cầu của các ngành/lĩnh vực nói riêng và phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội nói chung.
Để tăng cường chất lượng hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học đa ngành, đa lĩnh vực khi chuyển từ các Bộ/ngành, địa phương khác về Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý trực tiếp (vừa quản lý nhà nước về giáo dục đào tạo, vừa quản lý tài sản công và vấn đề tổ chức, hành chính), cô Phụng cho rằng, sự phối hợp giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo với các Bộ/ngành, địa phương vẫn cần thực hiện đúng theo chức năng quản lý nhà nước của từng tuyến cơ quan.
Cụ thể, khi chuyển cơ sở giáo dục đại học đa ngành, đa lĩnh vực trực thuộc các Bộ/ngành, địa phương khác về Bộ Giáo dục và Đào tạo (trừ khối trường công an, quân đội), lúc này Bộ sẽ là cơ quan chủ quản đối cơ sở giáo dục đại học theo quy định pháp luật (chỉ đạo về định hướng phát triển, cử người tham gia hội đồng trường và công nhận hội đồng trường, hiệu trưởng; nhận báo cáo, đánh giá hoạt động, cho ý kiến chỉ đạo về các vấn đề pháp luật quy định, khen thưởng, kỷ luật,...); vừa thực hiện việc quản lý chuyên môn (như công tác tuyển sinh, đào tạo các trình độ, cấp bằng; các chuẩn chất lượng,...), vừa quản lý khối tài sản công cùng các vấn đề về tổ chức, hành chính.
Các Bộ/ngành, địa phương cần phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo trong những vấn đề có liên quan đến ngành/lĩnh vực thuộc chức năng nhiệm vụ của Bộ/ngành, địa phương quản lý; cho ý kiến về các vấn đề liên quan như: sự cần thiết thành lập các trường đào tạo chuyên ngành, điều kiện mở ngành, điều kiện tuyển sinh đối với ngành đào tạo, nhu cầu đào tạo nhân lực theo ngành,...) và đặt hàng đào tạo nhân lực cho ngành (nếu cần thiết).
Bên cạnh việc đánh giá cao những ưu điểm khi chuyển các cơ sở giáo dục đại học từ trực thuộc Bộ/ngành, địa phương khác về Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý trực tiếp, để sắp xếp lại, theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng, cần phải đánh giá thêm những tác động kèm theo.
“Nhà nước cần có nhiều chính sách đối với giáo dục đào tạo sao cho các cơ sở giáo dục đại học thực hiện tự chủ. Bởi, hiện nay, các chính sách tự chủ được quy định trong Luật Giáo dục đại học nhưng lại vướng rất nhiều bộ luật khác đến mức nhiều chính sách không thực hiện được.
Bên cạnh đó, cũng cần có những tiêu chuẩn quản lý để đảm bảo rằng khi được phép hoạt động thì các trường có đủ năng lực tự chủ. Hệ thống thông tin quản lý cũng cần đầy đủ hơn và được công khai, minh bạch; có sự giám sát hiệu quả và có chế tài xử phạt nghiêm, mức phạt nặng đối với vi phạm để đủ sức phòng ngừa,… Những điều trên là vấn đề rất quan trọng khi quản lý các cơ sở giáo dục đại học”, cô Phụng chia sẻ thêm.