Ám ảnh "căn bệnh" lạ
"Căn bệnh" kỳ lạ này có đặc điểm là nạn nhân thường bị thừa ngón tay, chân, hoặc các ngón tay, chân bị dính với nhau. Cũng bởi "căn bệnh" xuất hiện từ nhiều đời nay nên người dân quen gọi với cái tên khá dân dã - bệnh "trết". Những nạn nhân của bệnh "trết" hầu hết trú tại các xã Thanh Tùng, Thanh Khai, Xuân Tường, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Theo các vị cao niên trong làng, không ai còn nhớ và biết rõ ai là người đầu tiên mắc phải bệnh "trết" và cũng không biết xuất phát từ khi nào, chỉ biết bệnh "trết" xuất hiện từ nhiều thế hệ ở vùng quê này.
Ông Võ Văn Minh, trú tại xóm Minh Sơn, xã Thanh Tùng cho biết: "Thông thường người mang bệnh thường mọc thêm ngón tay, chân thứ 6, hoặc các ngón tay dính liền với nhau bằng lớp màng giống với màng chân vịt. Riêng gia đình tôi có 6 người thì 4 người đã mắc “căn bệnh” này". Bản thân ông Minh mang bệnh "trết", sinh ra 4 người con thì 3 người mang bệnh. Con trai ông là Võ Quốc Nhật, Võ Văn Tiệp và Võ Văn Anh đều mang bệnh giống bố. Từ lúc sinh ra, ngón tay út của 3 anh em đều mang hai cục thịt thừa, càng ngày, khi các em lớn lên cũng là lúc hai cục thịt đó phát triển như hai ngón tay thu nhỏ.
Hàng trăm người dân mang trên mình bàn tay, chân 6 ngón hoặc bị dính màng chân vịt. Ảnh: Lê Quyết |
Điều đặc biệt, những người mang bệnh "trết" đều không ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí họ còn sống khỏe mạnh và có tuổi thọ cao, trung bình từ 70 tuổi trở lên. Các ngón tay thu nhỏ này vẫn có cảm giác bình thường như các ngón tay khác. Có người chỉ bị một tay, còn có người lại bị cả hai tay, các mẩu thịt phát triển bình thường như một bộ phận của cơ thể. Các ngón tay thừa hầu hết là không có xương nhưng lại có móng như các ngón tay, chân khác. Cùng với thời gian, số lượng người mắc bệnh "trết" ngày càng tăng và trở nên phổ biến. Ngày trước, khi đời sống của người dân còn thấp, họ không mấy quan tâm đến bàn tay 6 ngón của mình. Thế nhưng, trong xã hội phát triển hiện nay, người ta bắt đầu quan tâm đến phương pháp và cách trị liệu để khắc phục những bàn tay, chân thừa ngón và bị dính với nhau.
Ông Phạm Đức Tính - Trưởng xóm Minh sơn, xã Thanh Tùng cho biết: "Hiện nay, trong xóm có rất nhiều người mang bệnh "trết". Khi còn bé, nhiều người khi phát hiện mình có mụn thịt nhỏ và phát triển chỉ cần dùng sợi chỉ quấn vào cục thịt đó, sau mấy hôm cục thịt sẽ tự rơi ra. Nhưng nhiều người sợ nên để vậy". Hiện ông Tính và mẹ của ông cũng đều mang bệnh "trết". Phần đa người mang bệnh ở tay, nhưng cũng có số ít người mang dị tật 6 ngón ở chân. Cũng theo ông Tính, bệnh "trết" dễ bị di truyền nếu là anh em họ hàng với nhau. Ở xóm Minh Sơn có hơn 50 người mang thứ dị tật mà người ta gọi là bệnh "trết" này. Riêng dòng họ Nguyễn Đình, dòng họ Bùi, xã Thanh Tùng và dòng họ Phan, xã Xuân Tường đều có khoảng trên 60% số người có ngón tay thừa.
Võ Văn Minh với hai bàn tay thừa ngón và bị dính với nhau. Ảnh: Lê Quyết |
Mất tự tin với bàn tay 6 ngón
Mặc dù, căn bệnh không ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng những người mang trên mình dị tật này vẫn cảm thấy mất tự tin mỗi khi tiếp xúc với người lạ. Bệnh "trết" trở thành nỗi ám ảnh đặc biệt là đối với thế hệ trẻ. Theo thống kê của Quỹ bảo trợ trẻ em tỉnh Nghệ An, bệnh "trết" chủ yếu xuất hiện ở huyện Thanh Chương. Hiện trên địa bàn toàn huyện đã có hơn 130 em có bàn tay thừa ngón hoặc bị dính. Hầu hết các trẻ em đều ở các xã như: Thanh Tường, Võ Liệt, Thanh Tùng, Thanh Khai... Nhiều gia đình ở huyện này cả 3 thế hệ cùng mắc, một số gia đình đời bố mẹ lành lặn nhưng thế hệ ông bà và các cháu lại có dị tật.
Bà Phan Thị Thu chia sẻ, khi xưa, đời sống người dân còn nghèo khó người ta xem dị tật là bình thường nhưng trong xã hội hiện nay, nhất là bọn trẻ thấy tội cho chúng lắm. Khi mang bệnh, chúng rất mặc cảm với mình. Em Võ Quốc Nhật, khi đến trường thường phải tìm cách che đi đôi bàn tay thừa ngón của mình. Em cũng thường xuyên bị bạn bè trêu chọc và xa lánh vì sợ bị lây. Ông Nguyễn Đình Khang cũng là một người mang bệnh "trết" cho biết: Vợ chồng ông sinh được 3 người con thì 2 đứa mang bệnh giống bố.
Ngoài ra người mang bệnh "trết" thường có tâm lý mặc cảm, tự ti. Ông Khang tâm sự: "Chúng tôi già rồi không sao, chỉ tội cho mấy đứa con, chúng còn trẻ nên hay mặc cảm, lớn lên, đi học rồi đi làm, ai nỡ để con mang đôi tay dị tật nên gia đình tôi đã sắp xếp cho các cháu đi phẫu thuật ở bệnh viện để có được đôi tay lành lặn". Nhưng số người may mắn được phẫu thật rất ít, bởi chi phí khá cao. Hầu hết, những thanh niên mang bệnh "trết" đều gặp khó khăn trong sinh hoạt như khi lao động, không mang được găng tay, không được thi tuyển quân sự và không được đi lao động xuất khẩu ở nước ngoài.
Nhiều người dân ở đây khẳng định rằng, bệnh "trết" xuất hiện 4 đời là do di truyền? "Căn bệnh" có xu hướng di truyền qua người mẹ. Phần đa, các cô gái sinh ra trong gia đình mang bệnh, hay bản thân đã bị bệnh, khi đi lấy chồng rất dễ sinh ra những đứa con tỉ lệ mang bệnh rất cao so với người làm cha? Hiện vẫn chưa giải thích được nguyên nhân xuất hiện "căn bệnh". Thực tế, nhiều gia đình có bố mang bệnh nhưng các con khi sinh ra lại không bị. Tuy nhiên, với hiện tượng "căn bệnh" lạ ngày càng phổ biến đã khiến người dân ở đây rất hoang mang. Ông Phạm Đức Tính, Trưởng xóm Minh Sơn cho biết: "Với số người mang bệnh, hiện tại có thể dùng phẫu thuật để giải quyết nhưng tương lai, cần có biện pháp, không lẽ cứ để đời con, đời cháu, đời chắt sinh ra đều mang bệnh hay sao?".
Bà Nguyễn Thị Lài - Phó giám đốc Quỹ bảo trợ trẻ em tỉnh Nghệ An cho biết: "Thời gian vừa qua, chúng tôi đã tổ chức chương trình thăm khám cho các em mắc phải "căn bệnh" lạ này. Về mặt sinh học có thể nói đây là "căn bệnh" do di truyền. Thời gian tới, Quỹ bảo trợ cũng ưu tiên các đợt phẫu thuật miễn phí để các em mang bệnh "trết" sớm có đôi tay bình thường và tránh tình trạng mặc cảm với bạn bè.