Chuyên gia nói gì về phổ điểm tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022?

24/07/2022 06:30
Trần Lý
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo đánh giá của các chuyên gia, phổ điểm năm nay về cơ bản tương tự với phổ điểm năm ngoái. Tuy nhiên, phổ điểm một số môn thi đã có thay đổi đáng kể.

0h ngày 24/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố phổ điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022 bao gồm các môn: Toán, Ngữ văn, Vật Lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân, Tiếng Anh.

Theo Giáo sư Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, trong tình hình ba năm Covid-19, với nỗ lực của Bộ Giáo dục và Đào tạo, kết quả thi tốt nghiệp năm nay, với phổ điểm như vậy cho thấy nhiều điểm tích cực, đáng ghi nhận. Phổ điểm đều và khá đẹp nằm ở tổ hợp A00 (Toán, Lý, Hóa).

Giáo sư Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Nguồn: Bộ Giáo dục và Đào tạo

Giáo sư Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Nguồn: Bộ Giáo dục và Đào tạo

Để thấy rõ nhất được sự thay đổi, chúng ta phải quan sát kết phổ điểm 02 môn Lịch Sử và Tiếng Anh. Về môn Lịch sử, đã có nhiều luồng ý kiến khác nhau về môn học này. Vì vậy, việc thay đổi cách ra đề để đánh giá học sinh về môn Lịch sử đã có những chuyển biến tích cực. Phổ điểm môn thi này năm nay khá đẹp và đây là điều đáng ghi nhận.

Về môn Tiếng Anh, năm ngoái, đề thi môn này có phổ điểm không theo hình chuông. Năm nay, phổ điểm môn Tiếng Anh có nhiều điểm tiến bộ hơn. Sẽ có nhiều ý kiến khác nhau, tuy nhiên chúng ta nên phân tích một cách thấu đáo về nguyên nhân.

Giáo sư Nguyễn Văn Minh cho rằng, đất nước chúng ta có những vùng phát triển gắn với đầu tư nước ngoài, chẳng hạn như Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và các tỉnh thành phố lớn, những địa phương có tiềm năng về du lịch thì người dân ở đó tập trung đầu tư ngoại ngữ. Vì thế, điểm phân bổ của phổ điểm môn Tiếng Anh có những đặc điểm như vậy. Đây cũng được xem là những cảnh báo cho các địa phương cần tìm cách nâng cao việc dạy và học, đánh giá kiểm tra hàng ngày.

"Theo tôi, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông nhằm đáp ứng những yêu cầu cần đạt được của một học sinh ra xã hội. Còn tuyển sinh đại học là xác định năng lực của một học sinh để vào học một ngành nghề nào đó. Tuy nhiên, việc chúng ta tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông như hiện nay, trên cơ sở tổ chức một cách nghiêm túc cũng như so sánh các kết quả trong quá trình học tập của các em thì đây là một trong những căn cứ để các trường đại học có thể dựa vào như một hình thức tuyển sinh của mình.

Ở chất lượng, chúng ta đã đạt được cũng như so sánh kết quả học tập từ học bạ với một kỳ thi nghiêm túc tôi nghĩ rằng đây có thể là căn cứ để các trường đại học tuyển sinh cho các ngành phù hợp.

Về điểm 10 môn Giáo dục công dân nhỉnh hơn so với các môn thi khác cũng là điều dễ hiểu bởi nội dung môn thi sát với đời sống. Do đó, phổ điểm môn này cao cũng là điều tất yếu", Giáo sư Nguyễn Văn Minh chia sẻ.

Nhiều địa phương phổ điểm tương đối sát với điểm học bạ

Cùng đánh giá về phổ điểm năm nay, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Đình Đức- Trưởng ban đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội ấn tượng với môn Lịch sử và môn Tiếng Anh đã có sự điều chỉnh tốt hơn.

"Tôi đánh giá với phổ điểm và kết quả như vậy thì kỳ thi đạt mục tiêu thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Qua phổ điểm này chúng ta có thể đánh giá được mức độ, kết quả học tập của học sinh trên toàn quốc. Có thể thấy những địa phương như Vĩnh Phúc, Hà Nam, Nam Định hầu hết tất cả các môn đều có phổ điểm rất tốt và tương đối sát với điểm học bạ. Những vùng như Đồng bằng Sông Cửu Long, các tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, sự chênh lệch giữa điểm thi và điểm học bạ nhiều hơn.

Về cơ bản tất cả các môn, phổ điểm đều vẫn giữ ổn định như vậy, tỉ lệ điểm 8 vẫn như năm trước. Nhưng đặc biệt năm nay kết quả môn Lịch sử tốt hơn và môn Tiếng Anh có sự tính toán, điều chỉnh phù hợp, sát hơn với tình hình năng lực, kiến thức của học sinh về môn Tiếng Anh năm nay. Như vậy, những điều được dư luận phản ánh cũng được tiếp thu", thầy Đức chia sẻ..

Qua phân tích, thầy Đức chỉ ra, điểm môn Lịch sử và môn Ngoại ngữ thì tỉ lệ điểm giỏi giảm đi. Về cơ bản phổ điểm năm nay vẫn từ 21-26 nên điểm thi của các khối tuyển sinh không có quá nhiều biến động so với năm ngoái. Tuy nhiên tổ hợp nào có môn Lịch sử thì điểm sẽ nhỉnh lên một chút. Tổ hợp nào có môn Tiếng Anh thì điểm sẽ giảm đi một chút.

Điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông và điểm học bạ có sự chênh lệch, đối với từng môn học thì khoảng chênh lệch là 1 điểm là khoảng cho phép, phù hợp. Nhưng nếu 3 điểm trên 3 đầu môn thi trong một tổ hợp thì chênh lệch đến 3 điểm khác nhau. Như vậy, rõ ràng điểm thi và điểm xét học bạ là hai điểm hoàn toàn khác nhau. Do đó, sử dụng kết quả thi tốt nghiệp để xét tuyển vào đại học sẽ sát hơn và tốt hơn.

"Với phổ điểm như thế này thì năm nay sẽ rất hiếm hoặc sẽ không xảy ra hiện tượng 30 điểm vẫn trượt đại học nữa vì có sự phân hóa tốt ở ngưỡng điểm tuyệt đối. Tôi cho rằng, đó là sự điều chỉnh rất phù hợp", Giáo sư Nguyễn Đình Đức nói.

Tiến sĩ Quách Tuấn Ngọc, nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Giáo dục và Đào tạo) bày tỏ: "Thí sinh dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm nay đã phải trải qua hai năm học tập khó khăn trong điều kiện dịch bệnh Covid-19.

Nhìn vào kỳ thi năm nay, cá nhân tôi đánh giá chúng ta đã tổ chức được một kỳ thi thành công tốt đẹp. Phổ điểm các môn thi đều tương đối tốt. Đặc biệt, tôi ấn tượng nhất với phổ điểm môn Lịch sử, kết quả này cho thấy đề thi đã đáp ứng mục đích đánh giá tốt nghiệp trung học phổ thông.

Hiện nay, việc tuyển sinh đầu vào đã được giao cho các trường đại học tự quyết định. Và với kết quả của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022, tôi cho rằng các trường đại học hoàn toàn có thể tin tưởng lấy kết quả này làm căn cứ để xét tuyển".

Trần Lý