Ngày Trái Đất (Earth Day) được Liên Hợp Quốc phát động vào ngày 22/4 hàng năm nhằm kêu gọi cộng đồng nâng cao nhận thức về các giá trị của môi trường trên Trái Đất. Đồng thời, đây là thời điểm để mọi người hưởng ứng các phong trào bảo vệ môi trường, ngăn chặn các thảm họa do biến đổi khí hậu gây ra trên toàn thế giới.
Các thí sinh yêu thích lĩnh vực môi trường có thể lựa chọn theo học ngành Khoa học môi trường. Đây là ngành học chuyên đào tạo và nghiên cứu về các vấn đề của tự nhiên, mối quan hệ giữa con người và môi trường, qua đó tìm ra các biện pháp tốt hơn để bảo vệ và cải thiện môi trường sống.
Chương trình đào tạo ngành Khoa học môi trường tại trường đại học
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Thị Lan - Trưởng khoa Môi trường, Trường Đại học Nông lâm - Đại học Thái Nguyên (gọi tắt là Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên) cho biết: Chương trình đào tạo kỹ sư Khoa học môi trường gồm 153 tín chỉ. Trong đó khối kiến thức giáo dục cơ bản là 45 tín chỉ, khối kiến thức giáo dục chuyên nghiệp là 108 tín chỉ.
Trong quá trình đào tạo, sinh viên được trang bị các kiến thức, kỹ năng thực hành về khoa học môi trường: các kiến thức về môi trường cơ sở làm nền tảng khoa học để giải quyết các vấn đề thực tiễn cho ngành Khoa học môi trường; Vận dụng các kiến thức chuyên ngành: quản lý môi trường, công nghệ - kỹ thuật môi trường, tin học môi trường, quan trắc và phân tích môi trường, GIS ứng dụng trong quản lý tài nguyên và môi trường… nhằm giải quyết các vấn đề thuộc lĩnh vực khoa học môi trường.
Đồng thời, các bạn cũng được trang bị đầy đủ các kỹ năng: Kỹ năng sử dụng thành thạo các dụng cụ, trang thiết bị cơ bản trong quan trắc, phân tích đánh giá chất lượng môi trường, xử lý môi trường, phần mềm xử lý số liệu, phần mềm tin học, vẽ kỹ thuật trong giải quyết các vấn đề môi trường; Kỹ năng biên soạn báo cáo đánh giá tác động môi trường, báo cáo đề xuất cấp giấy phép môi trường và hồ sơ xin cấp các giấy tờ pháp lý về môi trường của doanh nghiệp; Có khả năng triển khai nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ; Có năng lực tiếng Anh trong chuyên môn đáp ứng chuẩn đầu ra theo chương trình đào tạo; Khả năng tổ chức, khả năng lãnh đạo, lập kế hoạch và giao tiếp hiệu quả trong khoa học, hoạt động nghề nghiệp và giao tiếp xã hội.
Cũng theo cô Lan, chương trình đào tạo ngành Khoa học môi trường đặc biệt chú trọng đến các nội dung thực hành. Sinh viên được trang bị các kiến thức, kỹ năng thực hành về khoa học môi trường: phục vụ công tác quản lý tài nguyên - môi trường, kiểm soát ô nhiễm gắn với mục tiêu phát triển bền vững và ứng phó biến đổi khí hậu của quốc gia và quốc tế.
Bên cạnh đó, sinh viên còn được trang bị kỹ năng sử dụng thiết bị hiện đại và công nghệ thông tin phục vụ hiệu quả việc phân tích đất, nước, phân bón, cây trồng; xây dựng các loại bản đồ chuyên ngành; kỹ năng điều tra, thu thập, xử lý thông tin, bố trí thí nghiệm để giải quyết các vấn đề trong lĩnh vực môi trường; kỹ năng thực hiện các nghiệp vụ hành chính, pháp lý liên quan đến lĩnh vực khoa học môi trường.
Ngoài ra trong quá trình học tập sinh viên được đi thực tập nghề nghiệp, rèn nghề và thực tập tốt nghiệp tại các doanh nghiệp để nâng cao kỹ năng nghề. Sau thời gian thực tập tại doanh nghiệp, không ít sinh viên đã được giữ lại làm việc và trở thành nhân viên chính thức.
Cô Lan cũng cho biết thêm, ngành Khoa học môi trường được nhà trường đầu tư trang thiết bị hiện đại đáp ứng được nhu cầu xã hội, sinh viên ngoài thực hành tại các phòng thí nghiệm của khoa còn được thực hành thực tập tại các phòng thí nghiệm của Viện khoa học sự sống, Trung tâm tâm nghiên cứu giống cây trồng cạn và biến đổi khí hậu và sắp tới được Tổ chức bánh mỳ thế giới đầu tư hệ thống máy móc cho phòng thí nghiệm các hợp chất thiên nhiên.
Đội ngũ cán bộ của Khoa Môi trường có nhiều kinh nghiệm, giỏi chuyên môn, và được đào tạo bài bản từ trong và ngoài nước.
Trong khi đó, Tiến sĩ Ngô Vy Thảo – Phó Trưởng khoa Môi trường và Tài nguyên – Trường Đại học Nông lâm Thành phố Hồ Chí Minh cho hay: Sinh viên ngành Khoa học môi trường được đào tạo kiến thức, kỹ năng, và thái độ liên quan đến ngành trong suốt 4 năm học. Các kiến thức đó là những kiến thức cơ bản về khoa học tự nhiên và khoa học xã hội liên quan đến lĩnh vực khoa học môi trường (Toán, Hóa, Sinh) và những kiến thức cơ bản và chuyên môn trong lĩnh vực khoa học môi trường như hóa học môi trường, các quá trình chuyển hoá vật chất và năng lượng, các ứng dụng của nguyên lý sinh thái trong xử lý môi trường. Đồng thời, người học cũng được trang bị những kỹ năng: xác định và giải quyết các vấn đề cụ thể, giao tiếp tiếng Anh, và đọc tài liệu chuyên ngành.
Ngoài ra, sinh viên còn được thực hành độc lập một cách an toàn trong phòng thí nghiệm môi trường. Đặc biệt, các bạn còn được giáo dục về trách nhiệm với xã hội, môi trường và tài nguyên để tuân thủ các vấn đề về an toàn, môi trường và đạo đức.
Cô Thảo cũng cho biết thêm, hiện tại, đối với giờ lý thuyết, sinh viên được học tại các giảng đường được trang bị cơ sở vật chất hiện đại. Đối với các giờ thực hành tại phòng thí nghiệm, khoa có 3 phòng thí nghiệm dùng chung cho các ngành là phòng thí nghiệm Công nghệ môi trường, phòng thí nghiệm Vi sinh vật môi trường, phòng thí nghiệm Mô hình. Khoa cũng có 1 phòng thực hành máy tính gồm 40 máy tính mới trang bị. Bên cạnh đó, khi sinh viên làm đề tài, có thể sử dụng phòng thí nghiệm tại các khoa, viện, trung tâm khác trong trường.
Ngoài ra, nhà trường còn có các câu lạc bộ đội nhóm để các bạn tham gia hoạt động ngoại khóa. Khoa cũng trang bị 1 phòng sinh hoạt chung cho các bạn sinh viên tự học, thảo luận… Đồng thời, nhà trường có 1 thư viện trung tâm, với kho tài liệu tham khảo đa dạng và chỗ ngồi rộng rãi. Các cơ sở vật chất khác cũng được đảm bảo như: Trạm y tế, Khu thể thao phức hợp, Ký túc xá, Khu kiosk dịch vụ phụ trợ cho sinh viên như ăn uống, photocopy…
Đội ngũ giảng viên của ngành đáp ứng tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Hiện ngành Khoa học môi trường tại Trường Đại học Nông lâm Thành phố Hồ Chí Minh có 1 phó giáo sư, 2 tiến sĩ, 4 thạc sĩ, và 1 nghiên cứu sinh đang học tập tại Hungary. Ngoài ra, giảng viên từ các bộ môn khác trong khoa cũng đảm nhiệm một số môn học trong chương trình đào tạo, đảm bảo 100% giảng viên là cơ hữu của khoa, không thỉnh giảng ngoài trường (đối với các môn đại cương thì giảng viên là từ Khoa Khoa học, trực thuộc trường).
Cơ hội việc làm và mức thu nhập của ngành Khoa học môi trường
Theo Trưởng khoa Môi trường, Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên, học ngành Khoa học môi trường các bạn có cơ hội việc làm khá đa dạng như:
Thiết kế, vận hành và giám sát công trình xử lý khí thải, nước thải – nước cấp, chất thải rắn – chất thải nguy hại.
Tư vấn, đánh giá tác động, quản lý môi trường đô thị và khu dân cư, quản lý dự án môi trường – tài nguyên.
Chuyên viên trong lĩnh vực an toàn – sức khỏe – môi trường tại các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Chuyên viên làm việc trong lĩnh vực quản lý môi trường và tài nguyên, địa chính, quy hoạch, tại các Sở, ban ngành, đơn vị quản lý trực thuộc trung ương hoặc địa phương.
Nghiên cứu, giảng dạy tại các trường, viện, trung tâm nghiên cứu, đào tạo chuyên ngành.
Trong khi đó, theo Tiến sĩ Ngô Vy Thảo, sinh viên tốt nghiệp ngành Khoa học môi trường có thể làm các công việc như: vận hành hệ thống xử lý môi trường, làm việc tại các phòng phân tích, cơ sở nghiên cứu, giáo dục, cơ quan nhà nước chuyên môn như sở/phòng tài nguyên và môi trường hay phụ trách bộ phận môi trường – an toàn lao động tại các công ty sản xuất.
Sau khi có kinh nghiệm, tùy thuộc vào năng lực cá nhân mà các bạn có thể được đề cử lên các vị trí, chức vụ cao hơn.
Chia sẻ về cơ hội việc làm của ngành Khoa học môi trường, anh Nguyễn Hoàng Minh Trung hiện đang công tác tại Chi cục bảo vệ môi trường tỉnh Bình Dương cho hay: Tốt nghiệp ngành Khoa học môi trường các bạn có rất nhiều sự lựa chọn về cơ hội nghề nghiệp như:
Các cơ quan nhà nước gồm: Sở Tài nguyên và Môi trường, Phòng Tài nguyên và Môi trường....
Lĩnh vực tư vấn môi trường: Viết hồ sơ môi trường, tư vấn công nghệ xử lý chất thải;
Lĩnh vực phòng thí nghiệm: Phân tích các chỉ tiêu môi trường, quan trắc môi trường;
Kinh doanh thiết bị môi trường;
Lĩnh vực an toàn - sức khoẻ - môi trường: Phụ vị trí môi trường trong các Công ty;
Tiếp tục học lên ở bậc học cao hơn để làm các công tác giảng dạy, nghiên cứu;
Vận hành các công trình xử lý chất thải: Nước thải, khí thải...
Cũng theo anh Trung: "Sau khi tốt nghiệp ngành Khoa học môi trường, các bạn không phải chịu sự cạnh tranh về cơ hội nghề nghiệp vì hiện nhu cầu công việc trong lĩnh vực môi trường rất nhiều. Mức lương trung bình đối với người mới tốt nghiệp, chưa có kinh nghiệm, không yêu cầu tiếng anh dao động từ 8-9 triệu đồng/ tháng.
Tuỳ vào định hướng công việc trong tương lai, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường các bạn nên lựa chọn cho mình những môn học chuyên ngành thích hợp. Đặc biệt dù làm ở vị trí nào thì cũng cần nắm chắc luật và các chính sách về môi trường.
Ngoài ra, tùy vào lĩnh vực cụ thể như lĩnh vực môi trường tại các cơ quan nhà nước thì nên chú trọng học các nội dung đánh giá tác động môi trường, công nghệ sinh thái...
Với lĩnh vực tư vấn môi trường các bạn nên nắm các môn học về kỹ thuật xử lý chất thải (Kỹ thuật xử lý nước thải, Kỹ thuật xử lý chất thải rắn...), Khoa học môi trường ứng dụng...
Với lĩnh vực phòng thí nghiệm, các bạn nên chú trọng các môn Hoá lý, Hoá học môi trường, Kỹ thuật phòng thí nghiệm, Phân tích môi trường, vi sinh vật môi trường....
Với lĩnh vực an toàn - sức khoẻ - môi trường các bạn cần chú trọng học các môn Kỹ thuật phòng thí nghiệm, Khoa học môi trường ứng dụng...".
Ngoài ra, theo anh Trung trong quá trình học, các bạn nên chủ động trao đổi và chia sẻ với các sinh viên khoá trước, các giảng viên trong bộ môn cũng như trong khoa để được hỗ trợ trong việc xác định mục tiêu nghề nghiệp. Đồng thời, có thể tích luỹ thêm các kiến thức, khả năng tư duy thông qua việc tham gia các đề tài nghiên cứu, cũng như tìm kiếm các cơ hội tham gia các chương trình học tập, giao lưu ngắn hạn, dài hạn, trong/ngoài nước.
Bên cạnh đó, các bạn sinh viên có thể tích luỹ thêm kinh nghiệm cho bản thân bằng cách: Thực tập tại các cơ quan nhà nước trong lĩnh vực môi trường các công ty có mảng an toàn - sức khoẻ - môi trường, các viện nghiên cứu, phòng thí nghiệm; Làm thêm tại các công ty tư vấn môi trường...
Chị Cái Thị Quyền, cựu sinh viên ngành Khoa học môi trường - Trường Đại học Nông lâm Thành phố Hồ Chí Minh, hiện đang công tác tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Điện tử Samsung HCMC CE Complex chia sẻ: “Cơ hội việc làm của ngành Khoa học môi trường rất rộng mở. Bản thân mình từ khi chưa ra trường đã xin được việc làm sau khi đi thực tập. Mình thấy kiến thức được học ở trường rất bổ ích cho việc ứng dụng vào thực tiễn sau khi đi làm.
Học ngành Khoa học môi trường tốt nghiệp các bạn có thể xin việc ở rất nhiều vị trí như: Trung tâm phân tích, cơ quan, ban ngành của Nhà nước hoặc là có thể làm các vị trí về an toàn môi trường trong nhà máy…”.
Chị Quyền cũng cho biết, mức lương trung bình đối với cử nhân mới tốt nghiệp ngành Khoa học môi trường dao động từ 7-8 triệu đồng/ tháng. Sau khi các bạn có nhiều năm kinh nghiệm, nâng cao tay nghề thì mức lương cũng tăng lên, theo mức trung bình của thị trường lao động.
Với kinh nghiệm đã làm việc thực tế, chị Quyền dành lời khuyên cho các bạn sinh viên trong quá trình học cần chú trọng một số nội dung để sau khi ra trường có thể đáp ứng yêu cầu công việc.
“Các bạn cần chủ động tìm hiểu sâu kiến thức ngoài những gì học được trên lớp và trong sách vở. Bởi giảng viên sẽ cung cấp những kiến thức cơ bản và để hiểu sâu hơn thì cần tìm chủ động thu thập thông tin, đọc thêm các tài liệu tham khảo. Đồng thời, người học cũng nên rèn luyện thêm một số kỹ năng như: phân tích dữ liệu; kỹ năng trình bày, thuyết phục, kỹ năng phân chia và sắp xếp thời gian hợp lý…
Như bản thân mình, khi đi học mình đã cố gắng sắp xếp học hết các môn ở năm 1, năm 2, và kỳ đầu tiên của năm 3. Đến thời điểm cuối năm 3 và năm 4 mình chỉ cần hoàn thành nốt đề tài tốt nghiệp. Lúc đó các bạn có thể tìm kiếm những cơ hội làm thực tập ở doanh nghiệp. Sau khi kết thúc thực tập, bạn có thể ở lại đó làm việc luôn.
Hiện tại, cơ hội nghề nghiệp của ngành Khoa học môi trường rất lớn. Nhiều nhà tuyển dụng còn chấp nhận sinh viên đang chờ bằng hoặc vừa tốt nghiệp nên các bạn có cơ hội việc làm khá đa dạng. Trước khi tốt nghiệp, sinh viên có thể tìm thêm những công việc đó trước để làm quen và thích nghi với môi trường làm việc”, chị Quyền nhấn mạnh.
Cựu sinh viên ngành Khoa học môi trường, Trường Đại học Nông lâm Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho rằng mỗi ngành đều có những vất vả riêng. "Việc bạn có học tập tốt và tìm được một công việc ưng ý hay không còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như: quá trình học tập bạn thể hiện như thế nào, sự tìm hiểu và đam mê với nghề của bạn như thế nào. Khi bạn có đam mê với ngành học thì mới có động lực để học tập tốt và tìm hiểu sâu về nó. Học hay làm bất cứ nghề gì cũng cần có đam mê thì mới có thể thành công được", chị Quyền bảy tỏ.
Những thuận lợi và khó khăn trong quá trình đào tạo
Theo Trưởng khoa Môi trường, Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên, trong quá trình giảng dạy nhà trường có nhiều thuận lợi khi đào tạo ngành này. Theo đó, trường có hệ thống máy móc hiện đại, các thầy cô có nhiều kinh nghiệm và có nhiều doanh nghiệp hoạt động về môi trường sẵn sàng hỗ trợ cùng đào tạo sinh viên trong quá rèn nghề và thực tập. Điều đó giúp sinh viên được trang bị những kiến thức và kỹ năng nghề tốt, đáp ứng được nhu cầu xã hội
Tuy nhiên, nhà trường cũng gặp phải một số khó khăn như số lượng sinh viên ngành môi trường còn khiêm tốn do nhận thức của các bạn học sinh trung học phổ thông còn hạn chế chưa thực sự xác định được giá trị của bản thân cống hiến vì môi trường.
Do đó, cô Lan đề xuất cần có chính sách về tuyển dụng ngành Khoa học môi trường tại các cơ quan quản lý nhà nước, cũng như chế độ chính sách trong quá trình học ngành Khoa học môi trường
Trong khi đó, theo Tiến sĩ Ngô Vy Thảo, quá trình đào tạo ngành này, nhà trường có những thuận lợi là cơ sở vật chất đầy đủ, đội ngũ giảng viên có kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn cao, quan tâm sinh viên, mối quan hệ với cơ quan bên ngoài tốt.
Bên cạnh đó, nhà trường cũng gặp phải một số khó khăn trong tuyển sinh những năm gần đây. Cụ thể, khóa sinh viên đầu tiên năm 2014 có hơn 100 em nhưng cho đến nay sụt giảm chỉ còn 30-50 sinh viên.
Mặc dù nhân lực làm việc trong lĩnh vực Khoa học môi trường còn thiếu nhưng ngành học này vẫn ít thu hút được sinh viên. Theo cô Thảo nguyên nhân của vấn đề này là xu hướng giới trẻ không thích ngành môi trường nói chung, và Khoa học môi trường nói riêng. Nhiều bạn thích những ngành thời thượng (fashionable) như Tài chính, Ngân hàng, Công nghệ thông tin… Các em cũng chưa nhìn nhận được cơ hội việc làm của ngành như sẽ làm gì, làm ở đâu, làm như thế nào.
Bên cạnh đó, mức lương của cử nhân mới ra trường không cao bằng các ngành kể trên. Tuy nhiên, theo cô Thảo về lâu dài, mức lương của các bạn có nhiều năm kinh nghiệm, năng lực làm việc tốt đều cao. Ngoài ra, hiện các cơ sở giáo dục đào tạo ngành này cũng chưa có nhiều chương trình quảng bá rộng rãi đến các thí sinh.
Do đó, cô Thảo đề xuất cần có thêm nội dung hướng nghiệp ngay từ khi các bạn học trung học phổ thông đồng thời đẩy mạnh vai trò của báo chí, phương tiện truyền thông trong chiến dịch quảng bá ngành. Từ đó, tuyên truyền nhận thức về hiện trạng môi trường, những khó khăn trong công cuộc bảo vệ môi trường đòi hỏi cần nhân lực mới có thể thực hiện được.