Chúng ta có nên nghỉ hưu?

30/05/2015 07:54
TRẦN VĂN XẺN
(GDVN) - Nghỉ hưu là đồng nghĩa với việc vứt bỏ 20 năm học tập và 30-40 năm kinh nghiệm: một phí phạm chất xám cho một đất nước chưa giàu chưa mạnh như chúng ta.

LTS: Tựa bài cũng chính là câu hỏi của tác giả Trần Văn Xẻn, gửi tới Tòa soạn từ Hoa Kỳ. Nghỉ hưu, vẫn hoàn toàn có thể cống hiến, thậm chí có nhiều thành tựu hơn cả thời vẫn "đến sở hàng ngày".

Quý bạn đọc có đồng ý với tác giả Trần Văn Xẻn?

Về hưu có lẽ là thời gian hạnh phúc nhất của đời người, vì người ta có thể nghỉ ngơi và vui thú điền viên sau một thời gian dài phấn đấu mưu sinh.

Trên phương diện nghề nghiệp, người ở tuổi hưu là người đang ở đỉnh cao của kinh nghiệm và kiến thức.

Nếu không tiếp tục tận dụng những kiến thức và kinh nghiệm này để góp phần phát triển đất nước thì đúng là một phí phạm to lớn, đặc biệt là những quốc gia đang phát triển.

Với hoàn cảnh hiện tại của đất nước, chúng ta chưa nên nghỉ hưu dù đã về hưu. Ngày nào đất nước chưa giàu, chưa mạnh thì chúng ta vẫn còn bổn phận và trách nhiệm.

Thật vậy, khi nước ta bị thực dân đô hộ thì toàn dân, toàn quân, từ già đến trẻ đều góp phần vào công cuộc đánh đuổi thực dân xâm lược cho đến khi nước nhà giành độc lập.

Chúng ta có nên nghỉ hưu? ảnh 1

Bức thư "nghỉ hưu" của cô giáo dậy Văn gây xúc động mạnh

(GDVN) - “Trong buổi chia tay này có rất nhiều điều cô muốn nói với các em, nhưng rồi chẳng nói được nhiều, chỉ biết rằng cô rất nhớ các em”.

Lúc đó, đâu ai nói đến tuổi hưu, đâu ai nói mình già, buông súng về hưu?

Bây giờ, tuy nước nhà độc lập, nhân dân giành được quyền tự do, tự chủ nhưng tình trạng nghèo đói và hiểm họa xâm lược vẫn còn.

Đó là những lý do khiến chúng ta chưa thể nghỉ hưu.

“Nghỉ hưu” ở đây được dùng để nói đến sự nghỉ ngơi hoàn toàn sau khi đã về hưu, không còn dùng đến kinh nghiệm và kiến thức của mình nữa.

Thật khó để đưa ra một giới hạn cụ thể về sự cống hiến của một công dân cho đất nước. Sao lại vậy? Có người đóng góp hữu hiệu nhất khi còn rất trẻ nhưng cũng có những người đã tạo nên kỳ tích và những thành tựu nổi bật ở lứa tuổi về hưu.

Tiêu biểu có thể nhắc đến là Ronald Reagan - vị tổng thống có tầm ảnh hưởng sâu rộng nhất so với các đời tổng thống Mỹ khác.

Ông đắc cử ở tuổi 70 và làm tổng thống cho đến năm 78 tuổi. Trong khoảng thời gian đương nhiệm, ông đã cống hiến rất nhiều cho Hoa Kỳ và thế giới.

Nghỉ hưu là mở ra con đường mới của cuộc sống, chứ không phải là hết cống hiến, chỉ còn nghỉ ngơi. Hình minh họa của iquantifi
Nghỉ hưu là mở ra con đường mới của cuộc sống, chứ không phải là hết cống hiến, chỉ còn nghỉ ngơi. Hình minh họa của iquantifi

Khi ông qua đời, dân Mỹ nhớ ơn và dùng tên ông đặt tên cho phi trường Ronald Reagan Washington National Airport ở bang Virginia.

Và rất nhiều tấm gương có thành tựu giúp đời khi đã nghỉ hưu khác... 

Nếu cứ giới hạn sự cống hiến của một công dân cho đất nước thì sẽ đánh mất nhiều nhà lãnh đạo kiệt xuất và những khoa học gia đại tài… những người có thể đưa đất nước lên thành cường quốc và đem lại rất nhiều lợi ích cho quốc gia, dân tộc.

Có 4 điều xin được thảo luận:

- Tại sao chúng ta cần phải mạnh?

- Tại sao chúng ta cần phải giàu?

- Tại sao nghỉ hưu là phí phạm chất xám?

- Đến tuổi hưu có thể làm gì?

Tại sao chúng ta cần phải mạnh?

Lịch sử đã chứng minh những quốc gia nhược tiểu luôn bị đe dọa và đô hộ bởi các cường quốc. Suốt mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc ta đã trải qua biết bao thăng trầm, vất vả, thậm chí đến bây giờ vẫn phải chịu đựng những hậu quả tàn khốc do chiến tranh để lại.

Dân tộc ta đã khổ và chết chóc quá nhiều trong thời gian bị đô hộ và qua các cuộc chiến giành độc lập. Nước tới chân mới nhảy là nguyên nhân chính của những mất mát và thương tổn mà chúng ta đang gánh chịu từng ngày.

Đừng đợi đến khi bị xâm phạm mới đứng lên giành độc lập. Đừng đợi mất chủ quyền mới trổi dậy niềm tự hào dân tộc. Phòng bệnh hơn chữa bệnh, hãy chuẩn bị ngay từ bây giờ, hãy chuyển mình thành cường quốc để trong tương lai không còn bị nhăm nhe, dòm ngó, không trở thành thuộc địa của bất kỳ thế lực hùng mạnh nào nữa, để các thế hệ con cháu sau này luôn được sống trong bình an và hạnh phúc.

Đó là lý do tại sao chúng ta cần phải mạnh.

Tại sao chúng ta cần phải giàu?

Giàu có sẽ giúp ta giải quyết được nhiều vấn đề, tiêu biểu nhất là 3 vấn đề sau:

- Vấn đề quốc phòng: Quá trình nghiên cứu và phát triển các thiết bị quốc phòng cần một ngân sách rất lớn.

- Vấn đề y tế và an sinh xã hội: Có thể giúp đỡ người nghèo nhiều hơn, đặc biệt là những người già neo đơn, cho các trẻ mồ côi hay các trẻ em có hoàn cảnh khó khăn phải bỏ học để kiếm sống.

- Đẩy mạnh giáo dục: có thể nuôi dưỡng và giáo dục trẻ em không có điều kiện ăn học để nâng cao văn hóa người dân cả nước. Việc làm này sẽ mang đến hai hiệu quả: giảm thiểu tội ác trong xã hội và gia tăng số lượng nhân tài cho đất nước.

Đó là những lý do tại sao chúng ta cần phải giàu.

Tại sao nghỉ hưu là phí phạm chất xám?

Để tốt nghiệp đại học, mỗi người đã bỏ ra ít nhất 16 năm học tập để tốt nghiệp cử nhân hay kỹ sư (12 năm trung/tiểu học và 4 năm đại học), 18–20 năm để có bằng thạc sỹ và tiến sỹ.

Nghỉ hưu là đồng nghĩa với việc vứt bỏ 20 năm học tập và 30-40 năm kinh nghiệm: một phí phạm chất xám cho một đất nước chưa giàu chưa mạnh như chúng ta.

Đến tuổi hưu có thể làm gì?

Mỗi người, sau khi về hưu, tùy sức khỏe, có thể tiếp tục đóng góp cho sự phát triển đất nước tùy theo ngành nghề của mình, mỗi ngày vài tiếng đồng hồ, góp gió thành bão.

- Về khoa học kỹ thuật: Nếu ngành nghề của bạn thuộc phạm vi khoa học kỹ thuật, bạn có thể thiết lập phòng lab cho riêng mình, dành một số thời gian trong ngày để nghiên cứu, rồi trao kết quả cho các khoa ngành liên hệ để phổ biến và giảng dạy.

Các bạn có thể tổ chức nhóm nghiên cứu với các nhà khoa học đã về hưu khác để cùng làm việc. Ngoài ra, các bạn có thể tổ chức các cuộc gặp gỡ các sinh viên cùng ngành để hướng dẫn các em thực hiện các dự án hữu dụng để phát triển đất nước.

- Về kinh tế: Nếu ngành nghề của bạn có thể góp phần vào sự phát triển kinh tế của đất nước thì bạn nên tiếp tục những công trình nghiên cứu của mình.

Nhà nông học có thể lai giống các loại nông phẩm như các loại cây ăn trái để có năng suất cao hoặc phát triển các giống lúa kháng sâu, kháng rầy...

Nhà hóa học có thể nghiên cứu các loại thuốc trừ sâu mà không hại môi sinh, không ảnh hưởng đến sức khỏe con người và không tiêu diệt các loài tôm cá…

Kỹ sư các ngành có thể chế tạo máy móc dành cho nông nghiệp và các lĩnh vực kỹ nghệ khác. Hầu như mọi ngành nghề đều có thể góp phần vào sự phát triển kinh tế của đất nước dù trực tiếp hay gián tiếp.

- Về giáo dục:

Để nâng cao trình độ học vấn của học sinh, sinh viên chúng ta có thể tổ chức những lớp phụ đạo miễn phí hoặc với lệ phí tượng trưng.

Việc làm này giúp nâng cao trình độ học sinh trong nước, được người nào hay người nấy, như góp từng viên gạch để xây tòa lâu đài khoa học kỹ thuật cho đất nước sau này.

Nhà giáo ngành nào thì phụ đạo ngành đó. Những lớp học có thể được tổ chức ở bất cứ trường lớp nào ở địa phương mình nghỉ hưu.

Các cấp chính quyền, các cơ sở giáo dục địa phương nên dùng trường lớp ngoài giờ học để tổ chức các lớp phụ đạo và mời các giáo viên đã về hưu về cộng tác.

Tổ chức các lớp học miễn phí cho trẻ em ở vùng sâu vùng xa. ảnh minh họa
Tổ chức các lớp học miễn phí cho trẻ em ở vùng sâu vùng xa. ảnh minh họa

Với mục đích chống nạn thất học của các trẻ vị thành niên, chúng ta nên tổ chức các lớp học miễn phí cho trẻ em nghèo. Ở các vùng sâu vùng xa, tình trạng trẻ em thất học gia tăng do hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn.

Các em, hoặc vì không có tiền đóng học phí hoặc vì phụ giúp gia đình kiếm sống, đành phải nghỉ học.

Chúng ta có thể mượn chỗ ở các trường học địa phương để tổ chức dạy học các em ngoài giờ sinh hoạt của trường. Các giáo chức đã về hưu ở từng địa phương có thể liên lạc với nhau để cùng tổ chức và phân công giảng dạy.

Việc tận dụng kiến thức và kinh nghiệm của người về hưu là việc làm của cả hai phía: cá nhân và chính quyền.

Mỗi cá nhân nên tiếp tục cống hiến tài năng và công sức của mình để phát triển đất nước.

Về phía chính quyền, các ban ngành chức năng nên thiết lập những tổ chức chuyên quy tụ những người đã về hưu để khuyến khích họ tiếp tục nghiên cứu và giảng dạy.

Được như vậy thì đất nước sẽ giàu mạnh lên một cách không ngờ trong một tương lai không xa phải không các bạn?

Hãy biến tuổi hưu thành một tuổi đầy ý nghĩa trong cuộc sống.

(Bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn và cách hành văn của riêng tác giả)

TRẦN VĂN XẺN