Liên quan đến dự án “Quần thể du lịch nghỉ dưỡng và đô thị FLC Bình Châu – Lý Sơn” do Tập đoàn FLC làm chủ đầu tư, mặc dù chính quyền khẳng định đang xem xét hồ sơ, thủ tục chứ chưa có quy hoạch chi tiết nhưng đã có dự kiến khởi công vào ngày 19/5 tới.
Vậy dự án FLC sẽ làm gì trên phần diện tích hàng ngàn héc-ta được quy hoạch cho giai đoạn 1?
Nhiều diện tích đất dọc bờ biển về tay FLC?
Theo kết luận của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi - ông Trần Ngọc Căng tại cuộc họp nghe báo cáo và cho ý kiến phương án quy hoạch giai đoạn 1 dự án này thì tỉnh này thống nhất với ranh giới và phương án quy hoạch của Tập đoàn FLC đề xuất.
Sơ đồ vị trí các khu vực giải tỏa mặt bằng để giao cho Tập đoàn FLC triển khai dự án. Ảnh: TT |
Trong đó, tổng diện tích lập quy hoạch giai đoạn 1 của dự án là 1.243 héc-ta.
Giai đoạn 1 của dự án sẽ bao trùm lên phần diện tích đất của ba xã miền biển là: Bình Hải, Bình Phú, Bình Hòa (thuộc huyện Bình Sơn).
Quy hoạch của Tập đoàn FLC là sẽ xây các công trình như: sân golf, nhà ở biệt thự cao cấp, công viên đại dương, resort…
Tất cả công trình đều chạy dọc theo bãi biển, nhìn thẳng ra phía đảo tiền tiêu Lý Sơn.
Với năng lực của FLC, có đến mức phải di dời đồn biên phòng? |
Tại tờ trình về việc “xin phê duyệt phương án bồi thường tổng thể và kế hoạch giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch để thu hút dự án Quần thể du lịch nghỉ dưỡng và đô thị FLC Bình Châu – Lý Sơn giai đoạn 1”, kèm theo đó là dự thảo quyết định phê duyệt tờ trình thuộc thẩm quyền chủ tịch tỉnh mà chúng tôi có được thì:
Tổng diện tích thu hồi giai đoạn 1 khoảng 750 héc-ta gồm các khu vực sau: Khu vực 1 là khu quy hoạch sân golf và lân cận sân golf (272 héc-ta) thuộc thôn Thanh Thủy (xã Bình Hải);
Khu vực 2 là khu dân cư thôn An Cường (xã Bình Hải) sẽ thu hồi 61 hecta để làm nhà ở - biệt thự cao cấp.
Khu vực 3 là khu dân cư xã Bình Phú: 108 hecta dùng để xây dựng các resort – khách sạn 5 sao cùng nhiều công trình phụ trợ khác.
Khu vực 4 gồm khu vực còn lại thuộc các xã Bình Hòa, Bình Hải: 123 héc-ta (Bình Hòa: 33 héc-ta, Bình Hải: 90 héc-ta) và khu vực 5 thuộc xã Bình Phú với diện tích 186 hecta.
Hai khu vực này được quy hoạch để xây dựng công viên đại dương, khu giải trí và cả nhà ở, biệt thự cao cấp. Phần đất mặt nước và bãi tắm hơn 400 héc-ta dùng để làm nơi nghỉ dưỡng.
Theo văn bản này thì ngay sau khi có thông báo thu hồi đất thì triển khai đồng loạt công tác kê khai, kiểm đếm, xác lập hồ sơ…
Trong đó ưu tiên thực hiện khu vực dọc tuyến đường Bắc Nam đô thị Vạn Tường để tập đoàn FLC tổ chức lễ khởi công vào ngày 19/5/2018 với diện tích khoảng 50 héc-ta tại khu vực quy hoạch sân golf và lân cận sân golf.
Đồn Biên phòng, đất rừng, chùa… sẽ thành sân golf?
Cũng theo tờ trình này đã đánh giá thực trạng khu đất, đưa số số liệu cụ thể về diện tích thu hồi, giải phóng mặt bằng.
Trong số tổng diện tích 750 héc-ta giao cho nhà đầu tư giai đoạn 1 thì có đến 678 héc-ta phải bồi thường.
Gành Yến (xã Bình Hải) nằm trong hồ sơ đề xuất UNESCO công nhận "côngviên địa chất toàn cầu" cũng nằm trong tầm ảnh hưởng của dự án FLC. Ảnh: TT |
Lớn nhất là bồi thường diện tích đất trồng cây hằng năm với 351 héc-ta, chủ yếu là đất trồng tỏi của người dân ở Bình Hải.
66,85 héc-ta đất rừng, chủ yếu ở xã Bình Phú cũng sẽ bị san ủi để nhường chỗ những tòa nhà, công trình khách sạn 5 sao.
Nghiêm trọng nhất là có nhiều diện tích đất có danh thắng (0,4 héc-ta), đất quốc phòng… cũng bị “liệt” vào diện giải tỏa, di dời.
Cụ thể về phần đất có danh thắng thì khu vực di sản địa chất Gành Yến (xã Bình Hải) cũng nằm trong tầm ảnh hưởng của dự án khiến nảy sinh nhiều lo ngại.
Vì sao Quảng Ngãi "hỏa tốc" di chuyển đồn biên phòng, ưu ái cho FLC? |
Khu vực này đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi đề xuất áp dụng “cơ chế đặc thù” và mời chuyên gia giúp lập hồ sơ trình UNESCO công nhận côngviên địa chất toàn cầu Lý Sơn –Bình Châu và vùng phụ cận.
Để bàn giao mặt bằng cho Tập đoàn FLC thì hơn 2.000 hộ dân của ba xã nói trên sẽ bị ảnh hưởng, trong đó có 790 hộ phải di dời nhà cửa, tái định cư.
Về đất quốc phòng (0,77 héc-ta) thì ngoài Đồn biên phòng xã Bình Hải, thì một ngôi chùa, ba nhà văn hóa thôn, một trường tiểu học và một trường mầm non cũng sẽ phải bị đập bỏ, di dời.
Tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ nêu tại tờ trình số 22 ngày 10/4/2018 gửi Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi do ông Đàm Minh Lễ - Phó trưởng ban Khu kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp Quảng Ngãi ký là vào khoảng: 1.650 tỷ đồng (chưa kể kinh phí để xây dựng các khu tái định cư).
Đối với khoản tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng này, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi đang xin ý kiến Ban Thường vụ tỉnh ủy và Thường trực Hội đồng nhân dân để thống nhất ứng trước 500 tỷ đồng. Số còn lại, đề nghị phía FLC thực hiện.