Thảo luận về Luật Ngân sách, có một vấn đề mới được đặt ra là: địa phương có vay nợ hay không?
Qua nghiên cứu ở một số nước quy định cụ thể quyền kiểm soát trực tiếp vay nợ của chính quyền địa phương của Chính phủ. Hình thức kiểm soát thường diễn ra dưới dạng áp đặt giới hạn tổng dư nợ từng năm đối với mỗi địa phương, đôi khi là cả cơ cấu nợ; quyền xem xét, phê chuẩn từng hoạt động vay nợ (bao gồm các điều khoản, điều kiện về khoản nợ và việc trả nợ). Trong một số trường hợp, Chính phủ có thể tập trung hoá toàn bộ hoạt động vay nợ, sau đó cho địa phương vay lại.
Thí dụ, tại Hàn Quốc, đối với ngân sách trung ương, mức vay bội chi hàng năm do Quốc hội quyết định, nhưng đảm bảo nguyên tắc tổng dư nợ không quá 33% so với GDP. Đối với ngân sách địa phương: mức huy động tối đa hàng năm do Bộ Nội chính thông báo, theo nguyên tắc không lớn hơn 10% tổng chi ngân sách của địa phương; địa phương được quyền chủ động phương án huy động và mức lãi suất huy động.
Còn tại Đông Nam Á, Indonesia cho phép chính quyền địa phương có thể vay hoặc phát hành trái phiếu trên thị trường nội địa, nhưng phải theo quy chế và phải được chính phủ trung ương chấp thuận, tuy nhiên, do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính giai đoạn trước năm 2000, các khoản vay tạm thời bị siết chặt cho đến năm 2005.
Tuy nhiên tại Thái Lan, chính quyền địa phương không được vay, kể cả vay trong nước hay nước ngoài, nếu không được chấp thuận của chính quyền Trung ương.
Cho ý kiến về dự thảo luật này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu luật này phải công khai minh bạch, phải cải cách thủ tục hành chính: “Hội nhập quốc tế rồi thì phải xác định trên tinh thần hội nhập, tất cả các thông lệ quốc tế về ngân sách phải theo chứ. Bội chi người ta để một đường, mình để một đường. Nợ công người ta tính một đường, mình tính một đường. GDP người ta tính một đường, mình tính một đường… Vay là vay chứ lại còn gọi là huy động. Thực chất là vay nhưng lại gọi là huy động. Thế là thế nào? Vay mà lại không phải là bội chi, cứ nói một đường làm một đường. Tư lệnh ngành phải năm tiền, nắm người. Vậy thì vai trò của ông ấy ở đâu trong toàn bộ quá trình vận hành? Luật này các đồng chí chưa nói trách nhiệm. Lâu nay, ta vẫn nói luật không có chế tài. Làm sai thì giám sát và kỷ luật”.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng |
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu ngân sách nhà nước phải đảm bảo thống nhất, phải trình ra Quốc hội quyết định, nhằm phân bổ vốn hợp lý cho từng địa phương nâng cao năng lực phát triển.
“Ngân sách của chúng ta là phải thống nhất. Làm chẳng đổi mới gì cả, 63 tỉnh thành là 63 cái ngân sách, thế thì nó thành 63 cái bang. Chúng ta phải thuyết minh để thấy rằng đất nước này là thống nhất. Đất nước này có nhiều dân tộc. Đất nước này có vùng sâu, vùng xa, vùng nghèo, vùng khó. Đất nước này hầu hết ở bên dưới toàn là nông dân. Tất cả những trung tâm phát triển các đô thị phải có trách nhiệm nghĩa vụ, chứ không phải là tự do làm”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Đồng thời, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, trong luật lần này cũng nên tính toán quan hệ ngân sách và chính sách tiền tệ.
Chủ tịch Quốc hội nói: “Ngân sách là ngân sách, quỹ là quỹ, chứ không thể nhập nhằng. Ngân sách quản lý theo cơ chế ngân sách, còn quỹ quản lý theo cơ chế quỹ. Cứ cái gì có nguồn gốc từ ngân sách đưa hết vào đây quản lý là không được”.
Câu chuyện ngân sách nhà nước là một chủ đề luôn rất nóng tại các kỳ họp Quốc hội. Tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội vừa qua, Đại biểu Trần Du Lịch cho rằng, Nhà nước cần thay đổi cơ chế từ ngân sách "mềm" sang ngân sách "cứng." Ngân sách "cứng" nghĩa là sẽ không có một khoản chi nào nếu không nằm trong dự toán mà Quốc hội đã thông qua. Vấn đề lớn nhất là cần sửa đổi Luật Ngân sách Nhà nước, trong đó cần quy định không có ngân sách lồng ghép. Ngân sách Trung ương là của Trung ương, phần nào Trung ương trợ cấp địa phương thì Quốc hội phải giám sát.
“Ngân sách đang có những tồn tại lớn, Quốc hội đang quyết toán ngân sách hình thức, tức là quyết cái đã rồi. Nếu không xử lý thì không thể giải quyết được bài toán ngân sách một cách hiệu quả. Vấn đề kỷ cương ngân sách chưa nghiêm, tạm gọi là tùy tiện, cứ vượt thu thì vượt chi. Do đó, quyết toán ngân sách giữa Quốc hội đề ra về chi và thực chi tăng đến 30-40%. Phá vỡ kỷ cương ngân sách, nhưng giám sát rất yếu và xử lý vi phạm cũng chưa thật nghiêm”, Đại biểu Lịch nói.
Nói về tình trạng thu ngân sách trung ương khó khăn nhưng nhiều địa phương luôn vượt kế hoạch, thậm chí còn đề nghị được thưởng, Đại biểu Lịch chỉ rõ: “Chính cơ chế lồng ghép tôi nói ở trên, khiến trách nhiệm không rõ ràng. Nhà nước không nên có cơ chế thưởng. Phần nào của địa phương, địa phương có thể thu vượt. Còn phần của trung ương, với trách nhiệm chính quyền địa phương (là người thu thuế cho trung ương) anh phải thu đủ. Đấy mới là kỷ cương ngân sách. Anh không thu được thuế cho tôi, tôi sẽ kỷ luật, cách chức anh chứ đâu lại có chuyện thu vượt thì anh đòi thưởng. Hiện nay, các địa phương khi làm dự toán cũng làm thấp, để cuối năm thu vượt kế hoạch dễ dàng và họ sẽ xin được thưởng phần đó, chi theo ý mình. Đấy là cái theo tôi cần khắc phục ngay”.