Chi trả phụ cấp cho GV phải dạy 2 cấp học, thiếu hướng dẫn, mỗi nơi làm một cách

08/03/2023 06:36
Trần Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Chưa có quy định cụ thể cho giáo viên phải dạy 2 cấp học, địa phương gặp khó trong việc chi trả phụ cấp cho các giáo viên này

Nhiều ý kiến từ các thầy cô giáo cho biết, khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, trường hạng II, hạng III (quy định tại Thông tư liên tịch số 35/2006/TTLT-BGDĐT-BNV) có một phó hiệu trưởng nên khó khăn trong công tác quản lý, chỉ đạo chuyên môn, đặc biệt là ở những trường có nhiều cấp học; việc chi trả phụ cấp cho giáo viên trực tiếp giảng dạy 2 cấp trong trường có nhiều cấp học gặp phải vướng mắc, do mức phụ cấp ưu đãi của từng cấp học là khác nhau.

Cụ thể, theo Thông tư liên tịch số 01/2006/TTLT-BGD&ĐT-BNV-BTC, với các trường miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, giáo viên trực tiếp giảng dạy cấp tiểu học được chi trả phụ cấp 50%, cấp trung học cơ sở là 35%; nhưng một giáo viên vừa dạy cấp tiểu học vừa dạy cấp trung học cơ sở thì chưa có quy định.

Công tác tập huấn các mô-đun theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 diễn ra đồng thời cùng với thời gian tổ chức hoạt động dạy học nên cán bộ quản lý, giáo viên mất nhiều thời gian, nhà trường khó khăn trong việc bố trí giáo viên giảng dạy; công tác thực hiện chế độ chính sách cho cán bộ quản lý, giáo viên tham gia các hội đồng lựa chọn sách giáo khoa, hỗ trợ chấm bài chưa được thực hiện do văn bản hướng dẫn định mức thanh toán chưa rõ ràng.

Chính vì vậy, nhiều giáo viên băn khoăn về mức phụ cấp mình được hưởng khi phải dạy cả 2 cấp. Còn các cấp quản lý cũng khó trong việc chi trả phụ cấp cho giáo viên do không có quy định.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, bà Lò Thị Hạnh – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sốp Cộp (tỉnh Sơn La) cho biết:

“Ở Sốp Cộp, địa phương vẫn chi trả theo một mức cao nhất. Nghĩa là mỗi thầy cô khi phải dạy 2 cấp sẽ được hưởng phụ cấp ở một mức cao nhất. Ví dụ nếu dạy cả cấp tiểu học, cấp trung học cơ sở thì phụ cấp đứng lớp được tính mức 50%”.

Thiếu giáo viên, nhiều địa phương phải áp dụng việc giáo viên dạy 2 cấp học. Ảnh minh họa: LC

Thiếu giáo viên, nhiều địa phương phải áp dụng việc giáo viên dạy 2 cấp học. Ảnh minh họa: LC

Trước thắc mắc liệu có thiệt thòi cho giáo viên khi chỉ hưởng 1 mức phụ cấp mà phải dạy cả 2 cấp học hay không, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sốp Cộp cho rằng: Việc này sẽ không thiệt thòi cho các thầy cô. Bởi thường thì giáo viên không đủ định mức mới bố trí dạy cả cấp khác, việc bố trí này để thầy cô vừa đủ định mức giờ dạy mà vừa khắc phục tình trạng thiếu giáo viên.

Thêm nữa, việc thiếu giáo viên hiện nay là cục bộ, chủ yếu ở 2 môn Tiếng Anh và Tin học. Những giáo viên dạy liên cấp, liên trường như vậy có thêm đãi ngộ tiền xăng, công tác phí.

Còn tại huyện Nậm Pồ (tỉnh Điện Biên), tính đến tháng 9/2022, toàn huyện hiện có tổng 1.383 biên chế cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong đó: cán bộ quản lý là 116 người; 1.138 giáo viên và 127 nhân viên.

So với định mức được giao, ngành giáo dục Nậm Pồ hiện còn thiếu 228 biên chế, trong đó, riêng với giáo viên còn thiếu 150 biên chế.

Ông Ngô Xuân Chiến – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nậm Pồ cho biết: Ở Nậm Pồ chủ yếu thiếu giáo viên mầm non; giáo viên dạy Tin học, Tiếng Anh ở cấp tiểu học, trung học cơ sở để đảm bảo thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Nguyên nhân do quy mô học sinh không ngừng tăng song số lượng người làm việc được giao lại giảm, giáo viên chuyển đi nhiều.

Nậm Pồ còn nhiều phòng/lớp học ở điểm lẻ là nhà tạm hoặc bán kiên cố. Nhiều trường, phòng ở nội trú cho học sinh chưa được kiên cố, ảnh hưởng không nhỏ đến việc ăn ở, học tập của học sinh. Việc giáo viên phải dạy 2 cấp có xảy ra nhưng không nhiều, chủ yếu do thiếu cục bộ giáo viên nên phải sử dụng biện pháp tình thế.

Ở một số địa phương vùng núi, do thiếu giáo viên Tiếng Anh, Tin học nên có thầy cô của các bộ môn này phải dạy liên trường. Ảnh minh họa: LC

Ở một số địa phương vùng núi, do thiếu giáo viên Tiếng Anh, Tin học nên có thầy cô của các bộ môn này phải dạy liên trường. Ảnh minh họa: LC

Nói về chế độ phụ cấp cho giáo viên phải dạy 2 cấp học, tuy chưa có quy định cụ thể, nhưng ông Ngô Xuân Chiến cho biết: trên địa bàn huyện Nậm Pồ đều áp dụng mức chi trả phụ cấp 70% cho giáo viên dạy 2 cấp học.

Tại tỉnh Quảng Trị, bà Nguyễn Thị Thanh Nga - Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hướng Hóa cho biết: "Hiện nay, giáo viên được tuyển dụng vào theo cấp học nào thì hưởng lương, phụ cấp theo quyết định tuyển dụng.

Tại địa phương, việc bố trí dạy học ở trường có 2 cấp học do hiệu trưởng quyết định, phù hợp tình hình thực tế của đơn vị. Tuy nhiên, việc chi trả phụ cấp cho giáo viên dạy 2 cấp học hiện nay chưa có quy định cụ thể. Chủ yếu phân công và chi trả chế độ cho các thầy cô trên tinh thần động viên giáo viên dạy, để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên cục bộ.

Ở Hướng Hoá, thiếu giáo viên, đặc biệt là ở các môn Tiếng Anh, Tin học là một trong những trở ngại với việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.

Với đặc thù là địa bàn vùng núi, các điểm trường cách xa nhau, đi lại khó khăn, việc tính phụ cấp giảng dạy trực tiếp như quy định hiện nay thì giáo viên vẫn rất nhiều khó khăn. Vậy nên, giáo viên cần được hỗ trợ thêm khi thực hiện dạy 2 cấp, tại nhiều điểm trường lẻ".

"Bên cạnh đó, các cấp, các ngành cũng nên có văn bản quy định và hướng dẫn thực hiện về việc chi trả phụ cấp cho giáo viên dạy 2 cấp học để thầy cô yên tâm công tác khi được phân công, đồng thời cũng gỡ khó cho các cấp quản lý khi loay hoay về căn cứ tính phụ cấp cho giáo viên", Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hướng Hóa cho biết thêm.

Theo Điều 4, Mục I Thông tư 35/2006/TTLT/BGDĐT-BNV:

+ Tiểu học ở trung du, đồng bằng, thành phố: hạng I từ 28 lớp trở lên, hạng II từ 18 đến 27 lớp, hạng III dưới 18 lớp;

+ Tiểu học ở miền núi, vùng sâu, hải đảo: hạng I từ 19 lớp trở lên, hạng II từ 10 đến 18 lớp, hạng III dưới 10 lớp.

Trần Phương