Cận cảnh đoạn trên cao đường sắt Nhổn-Ga Hà Nội dự kiến sắp đưa vào khai thác

07/07/2024 06:52
Bài, ảnh: Trung Dũng
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Người dân bày tỏ sự háo hức, vui mừng khi thông tin dự án đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội sẽ được đưa vào khai thác trong tháng 7/2024.

Tại Hội nghị đánh giá kết quả công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024 của Bộ Giao thông vận tải mới đây, ông Uông Việt Dũng - Chánh văn phòng Bộ Giao thông vận tải cho biết, Bộ đã khởi công 7 dự án đường bộ và 1 dự án đường sắt.

Trong đó, báo cáo về tiến độ thực hiện các dự án đường sắt, đại diện Bộ Giao thông vận tải cho biết, Bộ đang triển khai thi công đảm bảo tiến độ 6 dự án đường sắt giai đoạn 2021 - 2025. Đồng thời, đã duyệt dự án và đang triển khai công tác lựa chọn nhà thầu đối với một dự án ODA và một dự án sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi năm 2022.

Đại điện Bộ Giao thông vận tải cũng nhấn mạnh, hai dự án đường sắt đô thị thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đang được tập trung tháo gỡ. Dự kiến tuyến Nhổn - Ga Hà Nội đưa vào khai thác tháng 7/2024, tuyến Bến Thành - Suối Tiên đưa vào khai thác tháng 12/2024.(1)

GDVN_8.jpg
Hình ảnh một ga trên cao của dự án đường sắt đô thị tuyến Nhổn - Ga Hà Nội

Được biết, Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Nhổn - ga Hà Nội (tuyến số 3) có tổng chiều dài tuyến chính 12,5km, trong đó đoạn đi trên cao dài 8,5km, đoạn đi ngầm khoảng 4km.

Tổng mức đầu tư của dự án là 34.826,05 tỉ đồng, sử dụng vốn ODA của 4 nhà tài trợ Chính phủ Pháp, Ngân hàng phát triển châu Á, Cơ quan Phát triển Pháp, Ngân hàng đầu tư châu Âu và vốn trong nước.

Thời gian thực hiện dự án (điều chỉnh lần 4) là từ 2009 - 2027, trong đó chưa bao gồm thời gian bảo hành 2 năm. Dự kiến hoàn thành đưa vào khai thác đoạn trên cao trong năm 2024 và hoàn thành toàn tuyến đưa vào khai thác năm 2027. Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội là chủ đầu tư dự án. (2)

Ghi nhận của phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam trong ngày 6/7, các hạng mục trên cao của dự án cơ bản đã hoàn thành và sẵn sàng chờ ngày đưa vào khai thác. Các hạng mục đi ngầm vẫn đang thi công, điểm cuối tại Ga Hà Nội vẫn có nhiều máy móc, công nhân làm việc.

Tìm hiểu thêm của phóng viên tại các ga trên cao, lối cầu thang lên xuống đã được lắp tấm chắn bằng lưới sắt để ngăn người dân đi vào khu nhà chờ. Hệ thống biển báo, biển chỉ dẫn cũng đã được lắp đặt hoàn thiện. Hành khách có thể tiếp cận nhà ga trên cao bởi 4 lối lên xuống từ 4 hướng trên vỉa hè ở hai bên đường.

Ngoài ra, hệ thống thang bộ, thang cuốn và thang máy tiện lợi cho cả người khuyết tật, người cao tuổi, phụ nữ mang thai và trẻ em cũng đã được lắp ráp hoàn thiện. Tại một số vị trí thang cuốn dưới thấp đã được che bạt để tránh bụi bặm và sự can thiệp của người dân.

Qua chia sẻ với phóng viên, người dân bày tỏ sự háo hức, vui mừng khi biết thông tin đoạn trên cao của dự án này sẽ được đưa vào khai thác trong tháng 7/2024 đoạn Nhổn - Cầu Giấy.

Chị Hoàng Minh Thư - nhân viên văn phòng, hiện chị đang làm việc tại khu vực gần Trường Đại học Giao thông vận tải. Chị Thư không giấu nổi vui mừng với thông tin trên. Chị cho biết: "Nhà tôi ở huyện Hoài Đức, gần với điểm đầu tại Ga Nhổn. Nếu dự án này đưa vào khai thác thì đội ngũ nhân viên văn phòng như tôi là người được "hưởng lợi" nhiều nhất".

Theo chị Thư, hàng ngày chị phải di chuyển bằng xe máy trên quãng đường gần 10 km để đi làm. Chưa kể những ngày mưa to hay nắng nóng, nổi "ám ảnh" nhất vẫn là tắc đường, vì trên lộ trình di chuyển có nhiều nút giao. Trong đó có những nút giao được xếp vào vị trí "điểm đen" về tắc nghẽn trên bản đồ giao thông của Hà Nội.

"Nếu di chuyển bằng tàu điện trên cao thì tôi hoàn toàn có thể chủ động về thời gian mà không lo bị tắc đường hay mưa, nắng. Đó là thứ mà tôi và những người khác có chung lộ trình đang mong chờ khi dự án hoàn thành và đưa vào hoạt động", chị Thư bày tỏ.

Còn Nguyễn Văn Tấn - sinh viên Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cho biết, việc đường sắt trên cao được đưa vào hoạt động sẽ là cơ hội để các sinh viên của trường được trải nghiệm công nghệ tiên tiến, thứ mà hàng ngày Tấn chỉ biết qua sách vở và mô hình.

Tấn chia sẻ: "Trước đó khi tuyến Hà Đông - Cát Linh đưa vào hoạt động em và nhóm bạn cũng đã trải nghiệm và thấy được sự hiện đại, tiện nghi của đường sắt trên cao. Có thể thấy, ngoài việc góp phần giảm thiểu tắc đường thì đường sắt trên cao đang dần làm thay đổi diện mạo của giao thông Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung.

Em hy vọng lần này, đoạn trên cao sẽ được đưa vào vận hành đúng hẹn để hàng ngày em được đi học bằng tàu điện. Không còn cảnh chen chúc và di chuyển hàng giờ trên đường để đi học như hiện nay".

GDVN_15.JPG
Người dân bày tỏ vui mừng với thông tin dự kiến tuyến Nhổn - Ga Hà Nội đưa vào khai thác tháng 7/2024

Nhà ở gần Ga Minh Khai, hàng ngày ông Nguyễn Hoàng Long (60 tuổi) phải chạy xe máy để đưa đón cháu đi học tại trường học gần khu vực ga Lê Đức Thọ.

Khi phóng viên cho biết thông tin về việc dự án đường sắt trên cao tuyến Nhổn - Ga Hà Nội sẽ đưa vào vận hành, khai thác trong tháng 7 năm nay, ông Long không giấu nổi vui mừng.

Ông Long cho hay: “Hàng ngày tôi phải đi lại tổng cộng là 4 lượt với 2 lượt đi và 2 lượt về để đưa đón cháu đi học. Ở độ tuổi của tôi việc lưu thông trên đường bằng xe máy khi đường phố đông đúc, lộn xộn như vậy thực sự cũng không an toàn.

Nhưng với tình hình hiện tại tôi vẫn phải chở cháu đi lại hàng ngày như thế. Nếu đường sắt trên cao đi vào hoạt động trong tháng 7 thì đó là niềm vui không chỉ của tôi mà còn là cả với gia đình vì sẽ không còn cảnh nơm nớp lo sợ ông cháu bị va chạm giao thông. Thay vào đó là việc di chuyển bằng tàu điện vừa văn minh, lại an toàn và đúng giờ.

Tôi thấy rằng, việc sử dụng tàu điện để đi làm tiết kiệm được rất nhiều chi phí xăng xe, hạn chế ô nhiễm khói bụi, góp phần dần thay đổi thói quen đi lại của người dân và từng bước tạo dựng văn hóa sử dụng phương tiện giao thông công cộng an toàn, thân thiện,” ông Long nhìn nhận.

Một số hình ảnh khác về Dự án đường sắt đô thị tuyến Nhổn -Ga Hà Nội được phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam ghi lại:

GDVN_16.JPG
Mặt bên của công trình nhà ga có sự kết hợp hài hoà giữa thảm cây xanh, hệ lam chống nắng bằng vật liệu nhôm đúc nguyên khối và các tấm kim loại không gỉ đã được gia công tạo hình, đảm bảo sự thông thoáng cho khu vực công cộng của nhà ga.
GDVN_17.JPG
Hệ thống mái che được thiết kế không gian lấy ánh sáng tự nhiên, tạo cảm giác thân thiện với môi trường
GDVN_18.JPG
Theo thiết kế, hệ thống ray của dự án đường sắt trên cao Nhổn - Ga Hà Nội sẽ bao gồm ray chạy tàu và ray cấp điện đạt chuẩn Châu Âu
GDVN_12.jpg
Lối lên bằng thang cuốn được che bạt
GDVN_3.jpg
GDVN_9.jpg
GDVN_13.jpg
Còn lối đi bằng thang bộ đang rào tạm bằng lưới sắt
GDVN_2.jpg
Lối đi vào thang máy dành cho xe lăn và người khuyết tật. Vì chưa đưa vào sử dụng nên một số cửa hàng gần đó đã làm nơi để xe máy
GDVN_10.jpg
Trước cửa thang máy có hướng dẫn cụ thể để hành khách lựa chọn vị trí muốn đến
GDVN_4.jpg
Biển chỉ dẫn to và đặt ở vị trí dễ thấy
GDVN_1.jpg
Sơ đồ đi tàu đặt tại Ga Nhổn
GDVN_5.jpg
Hệ thống đèn chiếu sáng cho lối thang bộ
GDVN_14.jpg
Biển chỉ dẫn lối ra với khu vỉa hè thông thoáng
GDVN_7.jpg
GDVN_19.JPG
Khu vực nhà xưởng đặt tại điểm gần Ga Nhổn. Nơi đây sẽ có nhiệm vụ bảo trì, sửa chữa đầu máy, toa tàu để đảm bảo cho những chuyến tàu điện an toàn, văn minh
GDVN_23.jpg
Điểm cuối dự án phía Ga Hà Nội đang được rào chắn
GDVN_22.jpg
Phía trong, máy móc và công nhân vẫn thi công không kể mưa nắng

Tư liệu tham khảo:

(1) https://dangcongsan.vn/kinh-te/nhieu-du-an-giao-thong-duoc-khoi-cong-trong-6-thang-dau-nam-2024-671610.html

(2) https://laodong.vn/xa-hoi/tien-do-moi-nhat-cua-tuyen-duong-sat-do-thi-nhon-ga-ha-noi-1341018.ldo

Bài, ảnh: Trung Dũng