Các Sở Công Thương không nắm được thực tế hoạt động của đa cấp?

07/04/2016 10:32
Nguồn chinhphu.vn
(GDVN) - Liệu có phải do các Sở Công Thương cũng không nắm được thực tế nên hoạt động kinh doanh đa cấp sai phạm vẫn diễn ra trên diện rộng?

Chiều 6/4, sau khi kết thúc cuộc họp với Cục Quản lý thị trường, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), Ban chỉ đạo 389, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Quốc Khánh đã có cuộc trao đổi với báo chí liên quan đến hoạt động kiểm tra, giám sát, xử lý hoạt động kinh doanh đa cấp bất chính.

- Bán hàng đa cấp là hình thức bán hàng tương đối phổ biến trên thế giới. Tuy nhiên, khi hình thức này vào Việt Nam đã có nhiều biến tướng. Theo Thứ trưởng, nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này?

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Quốc Khánh. Ảnh: VGP/Phan Trang
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Quốc Khánh. Ảnh: VGP/Phan Trang

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh: Bán hàng đa cấp là phương thức bán hàng được nhiều nước thừa nhận. Quy định của pháp luật Việt Nam về kinh doanh đa cấp tương đối hoàn chỉnh và tương đồng với quản lý bán hàng đa cấp của thế giới. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện việc cho phép bán hàng đa cấp, có 3 vấn đề nảy sinh.

Thứ nhất, các công ty được cấp giấy chứng nhận bán hàng đa cấp nhưng trong quá trình hoạt động vi phạm các điều khoản.

Các Sở Công Thương không nắm được thực tế hoạt động của đa cấp? ảnh 2

Liên kết Việt lừa hơn 60.000 người có trách nhiệm của ngành Công thương

(GDVN) - Nguyên nhân dẫn đến những sai phạm của Công ty Liên kết Việt, theo TS. Cao Sỹ Kiêm có trách nhiệm lớn của Ngành Công thương.

Thứ hai, có công ty bán hàng đa cấp nhưng không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do Bộ Công Thương cấp.

Thứ ba, công ty đa cấp không bán hàng mà sử dụng phương thức đa cấp để huy động tài chính như Mua bán 24…

- Bộ Công Thương đã làm gì để ngăn chặn những “biến tướng” này của hoạt động kinh doanh đa cấp?

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh: Sau thời gian chưa đầy 1 năm khi Nghị định 42/2014/NĐ-CP ban hành, Bộ Công Thương cùng các Sở Công Thương địa phương đã tổ chức kiểm tra, xử phạt các doanh nghiệp sai phạm với số tiền trên 5 tỷ đồng, Liên Kết Việt cũng nằm trong đợt kiểm tra này. Mặc dù với tất cả các hoạt động kiểm tra, giám sát như vậy nhưng câu chuyện Liên Kết Việt vẫn xảy ra.

Trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước là xây dựng và vận hành khuôn khổ pháp luật. Vì vậy, có thể nói, đâu đó trong việc xây dựng khuôn khổ pháp lý có vấn đề hoặc chúng ta chưa chắc đã vận hành đúng. 

Tuy nhiên, Bộ Công Thương không bao giờ từ chối trách nhiệm của mình. Chúng tôi đã phối hợp với cơ quan điều tra làm rõ việc lừa đảo của Liên Kết Việt và mong muốn các lực lượng chức năng cùng vào cuộc.

Mặt khác, bán hàng đa cấp là hình thức bán hàng trực tiếp qua mạng lưới, xảy ra nhiều địa bàn, địa điểm nên để ngăn chặn các hoạt động đa cấp biến tướng, rất cần có sự vào cuộc của các địa phương, các Sở Công Thương và người dân trên cả nước.

- Liệu có phải do các Sở Công Thương cũng không nắm được thực tế nên hoạt động kinh doanh đa cấp sai phạm vẫn diễn ra trên diện rộng?

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh: Không một cơ quan quản lý nhà nước nào đi theo hoạt động của doanh nghiệp 24/24 giờ.

Trong khi đó, hoạt động kinh doanh bán hàng đa cấp có đặc điểm riêng. Họ đi chào hàng, bán hàng diễn ra ở nhà riêng nên vai trò của người dân và nhất là những người tham gia mạng lưới rất quan trọng.

Đơn cử, một hành vi sai phạm của bán hàng đa cấp bị cấm đó là giao kèo sẽ không trả hoa hồng nếu không lôi kéo được người mới tham gia. Người chào hàng có thể ngồi tại nhà bạn và nói với bạn về điều đó nhưng không có Sở Công Thương nào chứng kiến.

Sở hay Bộ cũng không thể vào nhà riêng để lắng nghe chuyện đó hoặc bắt quả tang doanh nghiệp đang sai phạm nếu như không có người tố cáo.

Hoạt động đa cấp “biến tướng” thường hướng đến đối tượng thu nhập thấp, mong muốn làm giàu nhanh... Do vậy, nếu người dân nhìn thấy hoạt động này diễn ra, rất có thể đây là công ty đa cấp bất chính hoặc chính những người đang nghe các công ty này quảng cáo mà cảm thấy bị lừa đảo hoàn toàn có thể thông báo với Công an, Sở Công Thương hoặc Cục Quản lý cạnh tranh để các cơ quan này vào cuộc.

Nói cách khác, đây là hoạt động bán hàng đặc thù nên rất cần có sự khiếu nại cụ thể của chính những người tham gia bán hàng, nếu không ai lên tiếng sẽ rất khó cho cơ quan quản lý.

Ví dụ như, tháng 10/2015 Bộ Công Thương đã tiến hành kiểm tra Liên Kết Việt nhưng không nhận được bất kỳ khiếu nại nào của người dân. Nếu có thông tin từ chính những người tham gia chúng tôi sẽ xử lý dễ dàng hơn.

- Việc các công ty đa cấp bán hàng giá trị thấp, thành phần không đúng như quảng cáo, gây tác hại cho người dùng sẽ phải quy trách nhiệm cho ai?

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh: Câu chuyện giá thành lại là chuyện khác, giá bán ra bao nhiêu và xã hội chấp nhận đây là giao dịch dân sự thì không thể gọi là lừa đảo. 

Ví dụ, anh mua hàng vào giá 50.000 đồng nhưng bán ra 800.000 đồng mà vẫn có người mua thì đây là giao dịch dân sự, thuận mua vừa bán, cơ quan quản lý không thể can thiệp được.

Nếu anh không bán được giá 800.000 đồng sản phẩm đó, anh có thể hạ giá xuống cho đến khi bán được thì không bị coi là hành động lừa đảo.

Thế nhưng, nếu anh quảng cáo trong sản phẩm có 0,5gr sâm nhưng khách hàng chứng minh được trong sản phẩm này không hề có sâm thì đây là lừa đảo.

Muốn chứng minh được điều đó thì anh phải có bằng chứng, còn nói tôi ăn/uống sản phẩm này có sâm mà không thấy khỏe lên là doanh nghiệp bán hàng lừa đảo thì không ai giải quyết cho.

Tóm lại, mức giá cao hay thấp hoàn toàn là giao dịch dân sự giữa các bên.

- Thứ trưởng vừa nói đến việc người dân cần phát hiện và tố cáo những hoạt động đa cấp bất chính nhưng trên thực tế việc tố cáo rất khó, bản thân người dân nhiều khi không biết mình bị lừa cho đến khi “tiền mất, tật mang”?


Thứ trưởng Trần Quốc Khánh:
Thực tế, có nhiều người hiểu biết, có kiến thức nhưng vẫn tham gia những hoạt động đa cấp bất chính nên không thể nói là “bị lừa” được.

Khi anh tham gia vào hoạt động đa cấp anh phải ký hợp đồng, công ty nào không có hợp đồng sẽ bị phạt rất nặng, nếu anh không chứng minh được công ty đó vi phạm hợp đồng thì không thể nói là bị lừa được.

Tôi không nghĩ những người tham gia bán hàng đa cấp là nạn nhân nếu như họ chịu khó đọc hợp đồng hoặc có thể nói anh là nạn nhân của chính mình khi ký vào một hợp đồng mà không đọc kỹ. 

- Cảm ơn Thứ trưởng!

Kết thúc điều tra 7 công ty đa cấp vào cuối tháng 5

Trao đổi về cuộc kiểm tra hoạt động tại 7 công ty đa cấp gồm: Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy, Công ty TNHH Unicity Maketing Việt Nam, Công ty TNHH Amway Việt Nam, CTCP Tập đoàn Liên kết Việt Nam, Công ty cổ phần Liên kết Tri thức, Công ty cổ phần Liên Minh tiêu dùng Việt Nam, Công ty TNHH Nhượng quyền Thăng Long, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết, thời điểm hiện tại chưa thể cung cấp kết quả kiểm tra, trong quá trình kiểm tra các thông tin do báo chí và người dân phản ánh đều được tính đến.

“Chúng tôi tiến hành kiểm tra từng thông tin, nếu có yếu tố vi phạm hình sự C46 của Bộ Công an cũng sẽ xác minh. Bộ Công Thương đặt mục tiêu kết thúc đợt kiểm tra vào khoảng nửa cuối tháng 5, vì với 7 doanh nghiệp số lượng hồ sơ tương đối nhiều” - Thứ trưởng Khánh nói.
Nguồn chinhphu.vn