Bỏ nghề giáo đi làm "cò đất", không ít người ngậm ngùi tiếc nuối

05/12/2022 06:39
Nguyễn Nhật Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Hàng triệu giáo viên đang vì học sinh thân yêu, vì tương lai đất nước, vượt qua khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, là tấm gương sáng cho xã hội.

Năm học 2022-2023 ngành giáo dục gặp một trở ngại chưa từng có, đó là làn sóng giáo viên nghỉ việc, chuyển việc, gây nên tình trạng thiếu giáo viên.

Về tình trạng giáo viên nghỉ việc, chuyển việc, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, theo thống kê từ hệ thống cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục, năm học 2021 - 2022 có 16.265 giáo viên nghỉ việc, chuyển việc ra khỏi ngành Giáo dục; trong đó số giáo viên công lập nghỉ việc là 10.407 người, số giáo viên ngoài công lập nghỉ việc là 5.858 người.

Phân theo cấp học thì cấp mầm non có 6.391 giáo viên nghỉ việc, chuyển việc (trong đó, công lập có 2.503 giáo viên, ngoài công lập 3.888 giáo viên).

Cấp tiểu học có 4.493 giáo viên nghỉ việc, chuyển việc (trong đó, công lập: 3.851 giáo viên, ngoài công lập: 642 giáo viên)

Cấp trung học cơ sở có 3.425 giáo viên nghỉ việc, chuyển việc (trong đó, công lập: 3.110 giáo viên, ngoài công lập: 315 giáo viên).

Cấp trung học phổ thông có 1.956 giáo viên nghỉ việc, chuyển việc (trong đó, công lập: 943 giáo viên, ngoài công lập: 1.013 giáo viên).[1]

Nguyên nhân hàng đầu dẫn đến nghỉ việc, chuyển việc, chính là thu nhập từ tiền lương giáo viên không đủ trang trải cuộc sống, hoặc tiền lương chưa tương xứng với hy sinh của giáo viên ở vùng khó.

Ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương...giáo viên có nhiều sự lựa chọn để chuyển đổi nghề nghiệp với mức thu nhập cao hơn.

Một số ít địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn như Gia Lai, Sơn La…, số giáo viên nghỉ việc cũng nhiều hơn các địa phương khác.

Thế nhưng, vẫn còn đó hàng triệu nhà giáo đã và đang vì học sinh thân yêu, vì tương lai đất nước, vượt qua khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, là tấm gương sáng cho xã hội.

Có giáo viên xin nghỉ dạy rồi ngậm ngùi tiếc nuối

Cách đây hơn một năm, bất động sản khắp cả nước lên cơn “sốt”, cùng với đó là nhà nhà, người người làm “cò đất”, một bộ phận giáo viên cũng vào “vòng xoáy”, cũng có giáo viên thay đổi cuộc sống nhờ làm “cò”.

Trước lợi ích “cò đất” mang lại, thầy giáo Nguyễn Lê Tùng đã xin nghỉ việc, bỏ đi gần hai chục năm thâm niên, cùng với sự ngỡ ngàng của học sinh và đồng nghiệp.

Ảnh chụp màn hình chia sẻ của một giáo viên

Ảnh chụp màn hình chia sẻ của một giáo viên

Gặp thầy giáo Nguyễn Lê Tùng dạy học ở một tỉnh phía nam đã nghỉ việc, thầy Tùng chia sẻ “Em nói thật, xin nghỉ dạy là việc làm chưa chín chắn, đầy hối tiếc của em, thấy cái lợi trước mắt mà chưa thấy cái lợi lâu dài.

Giờ giao dịch đất đai gần như đóng băng, người bán nhiều, người mua không có, dù đã đại hạ giá so với đỉnh điểm, nhưng không ai mua, vì giá đất đã bị đẩy lên cao hàng chục lần so với giá thật rồi, hơn 6 tháng qua em không bán được miếng đất nào.

Thầy hiệu trưởng cũ biết vậy, kêu em đi dạy hợp đồng, sắp tới địa phương có tuyển giáo viên, em cũng tính nộp hồ sơ thi tuyển lại thầy ạ.

Nghỉ việc, va chạm thực tế, mới thấy không như là mơ. Em cũng đi làm mấy chỗ khác, thu nhập cao hơn lương giáo viên, nhưng có những cái không mua được bằng tiền, chỉ có nghề giáo mới có, giờ mình mới thấy, mới ngậm ngùi tiếc nuối khi đã nghỉ việc.

Cũng may, em chưa rút bảo hiểm xã hội một lần, trong cái dại vẫn có cái khôn. Nếu được đưa ra lời khuyên, em khuyên thầy cô giáo hãy suy nghĩ thật kĩ trước khi nghỉ việc, chuyển việc không làm nghề giáo.

Lương giáo viên có thể chưa đủ đáp ứng mức sống trung bình của khu vực, thế nhưng nghề giáo có những "nguồn năng lượng" giúp ta sống tốt, không phải nghề nào cũng có”.

Thầy cô yên tâm, nhà nước đã và đang có phương án tăng thu nhập cho giáo viên

Chiều 11/11/2022, tại kỳ họp 4 Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 với 451/456 đại biểu tán thành (90,56%).

Quốc hội quyết định từ 1.7.2023, thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1,8 triệu đồng/tháng (hiện lương cơ sở là 1,49 triệu đồng/tháng); tăng 12,5% lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội đối tượng do ngân sách nhà nước đảm bảo và hỗ trợ thêm đối với người nghỉ hưu trước năm 1995 có mức hưởng thấp.[2]

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề xuất phương án quy định mức phụ cấp đối với giáo viên mầm non, cụ thể là: Nâng mức phụ cấp ưu đãi đối với giáo viên mầm non đang hưởng mức 35% và mức 50% lên mức 70%; giáo viên mầm non đang công tác vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn hưởng mức 100%.[3]

Chính phủ đã yêu cầu điều chỉnh tiền lương, phụ cấp cho giáo viên, chắc chắn sắp tới, đời sống của giáo viên sẽ được cải thiện, có thể chưa đáp ứng được nhu cầu nhà giáo, nhưng là nỗ lực rất lớn của nhà nước, món quà tuyệt vời động viên thầy cô giáo yên tâm công tác.[4]

Tôi tin chắc rằng, sớm hay muộn nhà giáo cũng sống được bằng lương của mình, trước khi đó, mỗi thầy cô hãy là tấm gương sáng cho học sinh noi theo, làm động lực thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/16265-giao-vien-nghi-viec-chuyen-ra-khoi-nganh-bo-gddt-de-nghi-quan-tam-toi-chinh-sach-tien-luong-119221102155231401.htm

[2]https://thanhnien.vn/quoc-hoi-chot-tang-luong-cong-chuc-vien-chuc-tu-172023-post1520328.html

[3]https://laodong.vn/giao-duc/ung-ho-de-xuat-chi-them-336-ti-dongthang-tra-tien-phu-cap-cho-giao-vien-1123550.ldo

[4]https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/chinh-phu-yeu-cau-2-bo-phoi-hop-dieu-chinh-che-do-tien-luong-phu-cap-cho-giao-vien-119221110221809523.htm

Nguyễn Nhật Minh